Trước Vận Nước, Không Thể Làm Việc Vặt — Trách Nhiệm của Người Biết

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Khi cây bị mục từ gốc, người làm vườn không thể chỉ lo tỉa lá đằng ngọn. Khi dân tộc đứng trước đại hoạ thì chúng ta không thể chỉ làm dăm ba việc cỏn con và cho thế là tròn trách nhiệm.

Dân tộc Việt Nam quả đang đứng trước đại hoạ về mọi mặt, từ đạo đức đến văn hoá, từ y tế đến xã hội, từ quyền con người đến tự do tôn giáo, từ nguy cơ mất độc lập đến hoạ diệt chủng các sắc dân thiểu số. Ấy vậy mà trong chúng ta có những người, những nhóm, những hội chủ trương chỉ làm chuyện vặt, chỉ tỉa lá sâu trên ngọn khi gốc cây đang mục rữa.

Một người bạn trẻ, có học thức, giải thích, “thay đổi cả xã hội khó lắm, thôi thì giúp được người nào hay người nấy.”

Thay đổi xã hội tận gốc quả là khó, nhưng không phải không làm được. Và chúng ta, những người từng có cơ hội sống ở Việt Nam và ở một quốc gia tự do, lẽ ra phải biết rõ điều này.

Rõ ràng các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Úc, Anh, Nhật… đều có một xã hội tốt đẹp hơn xã hội ở Việt Nam. Chả thế mà những người tị nạn và di dân đã thụ hưởng biết bao cơ hội để tái lập cuộc sống, để thăng tiến cá nhân cho đời mình và đời con cháu về sau, để còn giúp đỡ lại cho người thân ở trong nước. Trong khi đó nếu ở lại đất nước mình, thì số phận chúng ta đã khác hẳn.

Sự khác biệt ấy chắc chắn không do ngẫu nhiên, may rủi. Sự khác biệt ấy là do những dân tộc kể trên đã nhìn ra vấn đề gốc là xây dựng cơ chế điều hành xã hội dựa trên những nguyên tắc dân chủ pháp trị, để có thể huy động được tài nguyên và tài năng của xã hội nhằm duy trì bộ máy vận hành, kịp thời đối phó với những ngoại lệ hay đột biến, và chuyển hướng theo kịp với trào lưu của nhân loại. Và họ cũng trải qua thời kỳ vạn sự khởi đầu nan khi chọc thủng bóng tối của chuyên chế, của độc tài để đem về ánh sáng của dân chủ, của đa nguyên.

Nếu ngại truy cứu lịch sử nhân loại quá rộng và xa thẳm, chúng ta chỉ cần chiêm nghiệm các tấm gương quanh đất nước Việt Nam trong mấy thập niên gần đây.

Sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ đến với Phi Luật Tân năm 1986, Nam Hàn và Đài Loan năm 1987, Mông Cổ năm 1990, Nam Dương (Indonesia) năm 1998 và rồi Đông Timor năm 2002. Cambốt dù chưa hoàn toàn dân chủ nhưng cũng đạt được thể chế đa đảng năm 1991. Cũng vậy Mã Lai cũng bắt đầu tiến trình dân chủ hoá với sự ra đi của Thủ Tướng Mahathir năm 2003. Gần đây là sự ra đi của thể chế quân chủ ở Nepal để thay vào đó là thể chế cộng hoà. Ngay cả Tân Gia Ba (Singapore), trong năm 2011 đảng cầm quyền đã mất phiếu cho các đảng đối lập. Và vừa mới mấy tháng qua là sự thay đổi ở Miến Điện.

Biết bao bài học ở quanh mình, liệu chúng ta có chịu học hỏi? Họ làm được thì sao ta lại không? Hết nước này đến nước nọ đã thành công, sao ta vẫn hoài nghi? Và chúng ta, những người có cơ hội nhiều nhất để đối chiếu và học hỏi, đã học hỏi được những gì?

Cố Tổng Thống Havel, mới ra đi cách đây vài tuần, trong bài diễn văn nhậm chức năm 1989 đã kêu gọi toàn dân: “Sau ánh sáng, chúng ta bắt đầu vào đường hầm” — đảo lộn câu thường nói: “ánh sáng cuối đường hầm”. Ông muốn cảnh giác toàn dân rằng, sau cơn say men cuộc “cách mạng nhung” thành công, tương lai của đất nước còn lắm thử thách, xây dựng nền dân chủ rất gian nan, đòi hỏi dốc sức của toàn dân vào đó chứ đừng ảo tưởng là chỉ cần làm những chuyện vặt vãnh và hời hợt.

Đó cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta những ai đang đứng giữa vùng sáng thì có trách nhiệm phải biết, khi biết thì có trách nhiệm phải làm, và khi làm thì phải làm đúng việc. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, việc đúng là giải quyết đại hoạ tận gốc, chứ không thể chỉ làm việc vặt ở đằng ngọn.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]

Viết một bình luận