Tạo lực cho các cộng đồng tôn giáo ở trong nước

Muốn tăng lực, phải đào tạo

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 28 tháng 7, 2015

http://machsongmedia.com

(Ghi chú: Bài này thuộc Chương 3.2. Phương Cách Phát Triển Nguồn Lực trong loạt bài về “Kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam”)

Tháng 1 năm nay, rộ lên vụ công an ra lệnh tháo dỡ nhà nguyện tạm và trục xuất vị linh mục quản nhiệm của các tín đồ Công Giáo ở Huyện Dak Jak, Tỉnh Kontum. Nhưng đến nay nhà nguyện tạm này vẫn hoạt động và vị linh mục vẫn làm lễ mỗi Chủ Nhật. Điều gì đã xẩy ra?

Điều đã xẩy ra là toàn bộ sự việc đã được báo cáo tức tốc cho Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế… và đã được đưa ra tại buổi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Một toà đại sứ Tây Phương đã cử giới chức đặc trách nhân quyền đến tận Dak Jak để gặp vị linh mục quản nhiệm. Vậy thì ai là người báo cáo?

Chính người dân bị uy hiếp.

Từ đầu năm 2014 đến giờ chúng tôi đã huấn luyện khoảng 250 thành viên của nhiều cộng đồng tôn giáo độc lập để thực hiện các báo cáo vi phạm đúng thể thức và tiêu chuẩn của LHQ. Các cộng đồng tôn giáo này bào gồm Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài và các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, Hmong, và Khmer Krom. Chỉ tiêu của chúng tôi là nội trong một tuần từ ngày xảy ra vi phạm thì phải hoàn tất bản báo cáo để chuyển sang bộ phận dịch thuật và rồi gởi đi, vị chi không quá 2 tuần. Nếu đúng thủ tục thì có thể nội trong 48 tiếng đồng hồ, chính quyền Việt Nam nhận được công văn yêu cầu kiểm chứng sự việc.

Điều này đặt chính quyền trung ương ở Hà Nội vào tình thế khó xử. Họ không thể viện cớ rằng không biết địa phương làm sai khi mà quốc tế ở xa vạn dặm còn biết. Và cứ cho rằng trước đây không biết thì giờ cũng đã biết, thì xử lý ra sao?

Để tránh tình trạng chính quyền Việt Nam hứa xử lý nhưng không làm gì, chúng tôi liên tục cập nhật thông tin, có khi vài ngày một lần, cho các cơ quan quốc tế để theo dõi và phối kiểm câu trả lời từ phía Việt Nam. Ai là người cung cấp thông tin cập nhật?

Chính người dân bị uy hiếp.

Tạo lực ở trong

Cách đào tạo của chúng tôi là, mỗi cộng đồng tôn giáo đang bị uy hiếp cử ra từ 5 đến 10 người, tuỳ theo cộng đồng ấy đông hay ít, ở tập trung hay trải rộng. Những người này qua khoá huấn luyện 8 buổi, mỗi buổi 2 tiếng. Sau đó họ thực hiện một số bản báo cáo dưới sự hướng dẫn của người đã có nhiều kinh nghiệm. Họ cũng được hướng dẫn cách chuyển báo cáo ra ngoài một cách nhanh chóng, bằng nhiều tuyến truyền thông khác nhau. Dần dà họ sẽ trở thành “chuyên viên” báo cáo vi phạm cho chính cộng đồng tôn giáo của họ. Các báo cáo vi phạm của họ giúp chọc thủng bức màn bưng bít để chính quyền không thể hứa một đằng làm một nẻo rồi bưng bít với quốc tế.

Chúng tôi chọn ít ra là 5 người thuộc mỗi cộng đồng để trong trường hợp người này bị đàn áp thì đã có sẵn người khác báo cáo “chéo” cho nhau. Chúng tôi khuyến cáo họ tránh hoạt động ồn ào. Nhiệm vụ của họ là âm thầm thu thập thông tin cho đầy đủ, chi tiết, và chuẩn xác. Nếu có khả năng và thì giờ thì họ dùng các thông tin đó để viết thành bản báo cáo theo đúng quy định của LHQ. Nếu không, thì có nhóm “kết nghĩa” ở ngoài làm hộ công việc này.

Tạo lực ở ngoài

Lý tưởng thì mỗi cộng đồng tôn giáo ở trong nước đều có một nhóm hay tổ chức ở ngoài kết nghĩa thành một “cặp bài trùng”, đi sát với nhau như bóng với hình. Vai trò của tổ chức kết nghĩa ở ngoài là trở thành điểm tựa cho cộng đồng tôn giáo ở trong nước nhằm nhanh chóng báo động với quốc tế và huy động sự lên tiếng của họ. Mỗi khi vừa có dấu hiệu người ở trong nước bị uy hiếp thì lập tức nhóm kết nghĩa ở ngoài vận động quốc tế can thiệp — 24/24. Đây là thế đòn bẩy trong-ngoài áp dụng cho từng cộng đồng tôn giáo hay tổ chức xã hội dân sự độc lập ở trong nước.

Chúng tôi hướng dẫn và huấn luyện nhóm kết nghĩa ở ngoài cách viết báo cáo từ những thông tin “thô” nhận được từ trong nước. Rồi dần dà họ được giới thiệu để liên lạc trực tiếp với ngày càng nhiều những cơ quan quốc tế cho đến khi họ có thể tự túc và chỉ cần đến chúng tôi trong những tình thế hiểm hóc.

Hàng năm chúng tôi phối hợp và tạo điều kiện để các nhóm kết nghĩa gặp gỡ các nhà lập pháp Liên Bang, họp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tham gia các buổi họp với những tổ chức quốc tế… Cuộc tổng vận động ở Quốc Hội ngày 18 tháng 6 vừa qua có sự tham gia của nhiều nhóm kết nghĩa ấy.

Cơ chế yểm trợ và phối hợp

Có những kỹ năng mà các nhóm kết nghĩa khó có thể tự phát triển. Chúng tôi đã hình thành một số cơ cấu yểm trợ. Chẳng hạn, Toán Dịch Thuật gồm khoảng chục thiện nguyện viên thay phiên nhau dịch các báo cáo vi phạm sang Anh ngữ và có khi dịch một số tài liệu (như tài liệu huấn luyện) sang Việt ngữ. Con số chục người này là rất ít. Có những lúc họ phải làm việc cật lực ngày đêm và cả cuối tuần cho kịp. Chúng tôi đang tìm thêm nhân sự có khả năng để tham gia Toán Dịch Thuật.

Các bản báo cáo sau khi dịch sang tiếng Anh được một nhóm các tổ chức chia nhau để gởi đi. Hiện nay có 3 tổ chức là BPSOS, VETO! và một tổ chức ở Anh Quốc thực hiện công đoạn này. Chúng tôi chuyển bản báo cáo đến nhiều cơ quan LHQ và nhiều chính quyền như Hoa Kỳ, Canada, Úc và Âu Châu. Nhiều toà đại sứ Tây Phương ở Việt Nam cũng nhận được hồ sơ.

Một cơ cấu yểm trợ khác là Uỷ Ban Cố Vấn Về Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam. Đây là cơ cấu đa tôn giáo với mục đích vận động chính sách. Hàng năm họ thực hiện một số buổi họp với các giới chức Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế về tự do tôn giáo.

Phát triển mô hình

Trên đây là mô hình mà chúng tôi đã thực hiện trong 5 năm qua, để tuần tự tạo lực cho một số cộng đồng tôn giáo song song với công cuộc quốc tế vận cho tự do tôn giáo diễn ra ở ngoài này. Người ở trong nước và nhóm kết nghĩa ở ngoài phải đạt mức tối thiểu nào đó thì mới khai thác được lợi ích của sự chuyển thế do quốc tế vận.

Đến nay số cộng đồng tôn giáo này đã thực hiện được trên 100 hồ sơ báo cáo vi phạm. Chưa bao giờ quốc tế lại nhận được nhiều thông tin về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam đến như vậy. Khoảng phân nửa số báo cáo này đã được phổ biến tại: http://dvov.org/religious-freedom/. Số còn lại có những thông tin cần giữ kín.

Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ phát triển mô hình này ở quy mô rộng lớn để rồi bất cứ cộng đồng tôn giáo nào cũng biết cách và sẵn sàng vén bức màn bưng bít qua các bản báo cáo chi tiết. Khi ánh sáng chiếu rọi đẩy lùi bòng tối, sự vi phạm mất dần đi chỗ ẩn nấp.

Trong chiều hướng đó, nay chúng tôi phổ biến 6 buổi huấn luyện về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo để mọi người có thể tự tham khảo qua internet. Sau đó, những cộng đồng tôn giáo nào muốn đi sâu hơn thì chúng tôi sẽ thực hiện thêm 2 buổi huấn luyện trực tiếp cho số thành viên được chính các cộng đồng tôn giáo này tuyển chọn. Sau đó, số học viên này sẽ thực hiện một số hồ sơ dưới sự hướng dẫn của những người đã có kinh nghiệm.

Quay lại với trường hợp của xứ đạo Công Giáo Dak Jak, Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu là nhóm kết nghĩa ở ngoài. Nhóm này đã được tôi luyện trong 5 năm trời tranh đấu để bảo vệ xứ đạo của họ ở Cồn Dầu, Đà Nẵng. Và cộng đồng Công Giáo ở Kontum không chỉ có Dak Jak là bi uy hiếp trong thời gian vừa qua. Ở Huyện Dak Tô gần đó chính quyền cũng đã ra lệnh tháo dỡ 22 nhà thờ tạm. Và cả 22 nhà thờ tạm này vẫn tiếp tục hoạt động đến nay.

Tài liệu liên quan:

6 video huấn luyện báo cáo vi phạm tự do tôn giáo:

http://www.xahoicongdan.com/search/label/Vi%E1%BA%BFt%20b%C3%A1o%20c%C3%A1o%20vi%20ph%E1%BA%A1m

Tài liệu huấn luyện (bài đọc):
http://dvov.org/religious-freedom/ (ở cuối trang)

Mẫu báo cáo:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/08/bao-cao-vi-pham-tu-do-ton-giao.pdf

Bản báo cáo của Giáo Xứ Dak Jak:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Dak-Jak-Parish-in-Diocese-of-Kontum-incident-report.pdf

 

Viết một bình luận