Br. Huynhquảng
Vào thời gian mà người Phương Tây còn sử dụng xe ngựa như là phương tiện chính để đi lại. Trên mỗi chuyến xe, hành khách thường được phân chia vị trí bằng ba loại vé như sau. Loại thứ nhất dành cho những người quí tộc giàu có. Những người thuộc vào vé hạng nhất, họ chỉ việc ngồi trên xe từ lúc khởi hành cho đến nơi mình đến. Dù khi xe có bị mắc lầy, xe lên dốc, hay xe bị hư thì nhóm người này vẫn cứ ngồi yên trên xe mà không phải lo lắng gì.
Loại vé hạng hai giá rẻ hơn, nhưng những ai sở hữu vé này cũng có những vị trí ưu tiên. Tuy nhiên khi gặp trường hợp như xe bị mắc lầy, hoặc hư hổng thì họ phải ra khỏi xe, nhưng họ không phải làm gì cả. Họ chỉ đứng khoanh tay chờ cho ai đó giải quyết trục trặc rồi họ tiếp tục lên xe để đi.
Loại vé cuối cùng là hạng vé mà những ai mua nó thì họ cũng được ngồi trên xe, nhưng khi có sự cố xảy ra, họ phải là người xuống xe trước hết. Khi xe mắc sình lầy, hoặc lên dốc, hoặc bị hư thì họ phải đẩy xe ra khỏi vũng lầy. Nói tóm lại, họ là những người có trách nhiệm trực tiếp giải quyết những sự cố xảy ra trên đường đi.
* * *
Quí bạn thân mến, câu chuyện trên đây phần nào nói lên hiện tượng có thật đang diễn ra trong tập thể, hay cộng đồng của chúng ta đang sinh hoạt. Mỗi cộng đồng, tập thể cũng được ví như là những con người cùng đi trên một chiếc xe chung với nhau. Tất cả chúng ta cùng hướng đến một mục đích, và cùng phục vụ một lý tưởng. Tuy nhiên, những sinh hoạt trong cộng đồng, hay những công tác trong cộng đồng thì thường chỉ được giải quyết bởi một số người tình nguyện. Những con người nhiệt tình này không phải vì họ được hưởng quyền lợi đặc biệt nào hơn trong cộng đồng, nhưng chính vì lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm của họ trong cộng đồng nên họ dấn thân chỉ với hy vọng là giúp cho cộng đồng được thoát ra khỏi tình trạng “vũng lầy” và để cùng tập thể tiến về đích.
Đáng buồn thay, trong cộng đồng số người sử dụng “vé hạng ba” quá ít, nhưng rất nhiều người tự cho mình sở hữu “vé hạng nhất hay hạng nhì.” Họ là những người chỉ thích ngồi yên vị trong cộng đồng; họ cũng là những người thường khoanh tay và đứng xem người khác làm, còn chính họ thì ngại dấn thân. Nói cách khác, họ cho rằng trách nhiệm xây dựng tập thể không phải là của họ mà là của người khác.
Câu chuyện hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cần ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong cộng đồng để chúng ta dấn thân hơn trong việc xây dựng sự hiệp nhất bằng chính hành động của mình. Và câu chuyện này cũng mời gọi chúng ta coi lại vị trí và loại vé nào mà chúng ta đang tự sở hữu trong cộng đồng.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]