Huỳnh Ngọc Nga
Mặt trời ngả bóng, vài đợt nắng còn vương lại trên vách núi những tia vàng ánh nhẹ lung linh sau nhành cây. Không có tiếng chim ríu rít kêu nhau về tổ, không có bóng vượn chuyền cành tìm rủ về hang, hổ, báo không buồn nhởn nhơ theo lối mòn ra suối như lệ thường, cho đến lá rừng cũng chẳng màng lay động. Tất cả khác hẳn mọi chiều, cảnh vật như trầm lại để nghe như đâu đây có tiếng thở dài.
Trên một mặt bằng rộng lớn của đồi núi Tản Viên, lao nhao bóng người, bóng thú. Voi chực, hổ chầu để đưa Sơn Thần về động. Rồng vàng trên cao chuyển mình từ cụm mây trắng đang hạ dần xuống để rước Thủy Thần về sông. Buổi họp định đoạt đời sống lứa đôi của Lạc Long Quân và Âu Cơ đến đây là chấm dứt. Cả hai vị Thần Sông, Thần Núi đã cố gắng bằng mọi cách để mối duyên Long Phụng tồn tại với núi sông, nhưng họ đành thất bại.
Không văn tự phán quyết, không mệnh lệnh ban truyền nhưng cuộc chia tay của Lạc Tử và Âu Nương đã là mệnh số. Một mệnh số được khởi đầu từ một ngày của hơn mười lăm năm về trước, lúc chàng tuổi trẻ Lạc Long Quân – cháu ba đời của Thiên Tử Đế Minh, con của Kinh Dương Vương và Long Nữ – chán thú phồn hoa nơi miền đồng bằng trù phú, ngược bờ Dương Tử dừng bước bên chân núi Tản Viên. Rồi một làn cung vút, một mủi tên bay, chàng lần theo dấu chú thỏ rừng trúng tên đang tìm đường trốn chạy leo dần lên vùng núi cao mà không hay ánh dương đang ngả về tây. Giữa bóng râm của những tàn cổ thụ, thỏ rừng đâu không thấy, chàng chỉ nghe tiếng róc rách của một giòng suối đang reo. Dưới suối, một đàn hạc trắng hóa thân tiên nữ, trút bỏ đôi cánh mềm để biến thành đôi tay dịu dàng tung vẫy nước. Nắng dọi, nước trong lóng lánh như thủy tinh, sáng ngời như hào quang, chói lòa sắc hương của nàng tiên chúa, chúa Hạc Âu Cơ.
Chuyện sẽ ngừng lại nếu tiên hạc chấp cánh về trời, chàng Du Tử Long Quân xuôi đường tìm về đồng sông ngát rộng, nhưng duyên trời đưa đẩy nên Sơn Thần say ngủ, thả lỏng hổ xám dạo rừng. Hổ nhớ dòng nước mát, bóng cây dọi bên bờ suối quen thuộc vẫn thường dừng chân sau mỗi chuyến săn mồi. Hổ men theo bìa rừng để đến bên bờ suối đó, dù chưa săn được con mồi nào. Nhưng ơ kìa, dưới suối bao nhiêu giai nhân đang tung nước nô đùa, thịt da mơn mởn, chưa nhắm đã thấy hương nồng, chỉ cần chụp lấy một trong những con mồi cũng đủ no bụng thỏa thuê đền bù tội một lần trốn chủ. Nghĩ là làm, hổ xám chụm hai chân thụp xuống sau ghềnh đá, chờ lúc các tiên hạc bước ra khỏi dòng nước mát sẽ chọn một nàng gần nhất để phóng ra, vồ lấy. Hổ rình người mà không hay cách đấy một quảng không xa có kẻ đã nhìn thấy hổ và kẻ đó cũng đang trong tư thế sẳn sàng cản trở ý đồ của hổ, tư thế của một chàng thợ săn và cũng là tư thế của một dũng sĩ sắp ra tay cứu tử một giai nhân.
Là chúa hạc đầu đàn, thấy ánh dương nhòa nhạt phương đoài, Âu Cơ ngừng tung nước và bước lên bờ suối trong lúc các tiên hạc khác cũng dừng lại cuộc chơi để sửa soạn theo bước chúa đoàn. Nhưng kìa, đôi cánh trắng chưa kịp khoác lên người chúa hạc thì thoắt đâu bóng hổ chợt ào ra vụt đến, Âu Nương thất sắc nhắm mắt phó thác thân mình cho số mệnh, tiếc đôi cánh tiên phải bỏ lại trần gian. Giữa lúc đó lại một đường cung vút, một cánh tên bay, “phập“, tên ghim vào đùi trái thân sau của hổ. Âu Nương mở mắt, hoàn hồn để thấy hổ xám giận dữ xoay thân về hướng phát tên và nàng chợt sững sờ khi biết sau hàng cây rậm có một chàng trai trẻ khôi ngô đã ra tay cứu mạng mình. Sự sững sờ gia tăng để biến thành hoảng loạn khi nàng và các tiên hạc mục kích cảnh chiến đấu giữa hổ và chàng. Hổ mất mồi đem trút sự giận dữ lên móng vuốt để đổ vào kẻ đã phá hoại cuộc săn của mình. Lạc Long Quân không sợ hải, rút dao đối phó. Sức hổ dù mạnh đến đâu cũng yếu dần với vết thương đang rỉ máu nên tìm đường rút lui, nhưng trước khi tháo chạy hổ cũng đủ nhanh nhẹn cào rách một mảng da trước ngực chàng tuổi trẻ trong lúc chàng để hở một thế công.
Âu Cơ và các tiên hạc kết mây rừng làm võng để đặt Long Quân lên rồi khoác lại đôi cánh trắng cùng nhau đưa võng lên cao, bay về động hạc. Động tiên trên núi cao từ đấy rực rỡ hoa màu, chúa hạc trút bỏ đôi cánh tiên để khoác xác phàm làm người trần thế, đôi tay tiên nữ dịu dàng băng bó vết thương ân nhân đã cứu mạng mình. Thuốc lá cây rừng được rịt băng vết thương dũng sĩ bằng trái tim thiếu nữ, tóc nàng là mây trời, mắt nàng là sao đêm, thịt da nàng là hương sắc thắm. Long Quân quên hết đất trời, quên đồng bằng dưới núi, quên mẹ đợi cha chờ, bạn bè trông ngóng để say men tình của núi rừng trong cánh tay tiên, ơn cứu tử được trả bằng nợ ba sinh.
Sơn Thần được mời đến đại diện nhà gái Âu Nương, Thủy Thần được tin cũng đại diện nhà trai cởi rồng từ sông đến dự. Lễ hội tưng bừng hơn tuần trăng mới dứt, ánh dương ban ngày chiếu rọi, mặt nguyệt ban đêm rạng ngời, gió núi reo cười, mây trắng trên đại giang lửng lờ trôi về phủ bao bóng mát. Hổ xám vâng lịnh Sơn Thần đến tạ lỗi với tiên nương, hổ dâng mủi tên gãy sau đùi hôm nào để làm quà mừng hôn lễ. Thú rừng kéo về phủ phục, hoa cỏ lá cây rực rở khoe màu. Mối duyên Tiên-Rồng chính thức thành hình, tạo dựng mái ấm gia đình đầu tiên cho bộ tộc Âu-Lạc của giòng Lạc Việt, tổ tiên muôn đời của dân tộc Việt Nam ngày nay.
Khí đất hơi trời hoà quyện, ân nồng, tình thắm theo năm tháng kết hoa thành trái. Tiếng rằng Âu Nữ thọ thai đúng ba năm mới chuyển dạ trở mình, cho ra đời một bọc tơ vàng với trăm trứng bên trong. Lạc Long Quân đốn gỗ trầm làm giường, đem lá hương về phủ, Âu Cơ khoác lại đôi cánh hạc, xoè rộng để ấp ủ lấy trăm trứng, phủ theo giòng thời gian trọn bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mới nở thành trăm người con kháu khỉnh xinh tươi, năm mươi hài nữ và năm mươi hài nam. Lễ hội lại tưng bừng, sơn lâm lại vang lên tiếng nhạc của hoa ngàn gió núi. Hạnh phúc ngập tràn trong lòng của hai kẻ lần đầu được làm mẹ, làm cha.
Nhưng cũng từ đấy, mây xám lờ lững phủ trời khi những đứa trẻ lớn dần theo năm tháng. Lạc Long Quân và Âu Cơ chợt nhận ra bao khác biệt mà những năm đầu thương yêu họ không nhận thấy. Với trăm người con, Long Quân muốn tổ chức lại một nếp sống quy cũ như chàng đã sống thuở thiếu thời dưới đồng bằng trong gia đình của mẹ cha chàng. Chàng muốn dạy dỗ chúng tôn ti, trật tự, thứ ngôi lớn nhỏ. Phân định công, tội với khen, thưởng rạch ròi. Chỉ cho các con biết cách trồng trọt theo mưa, nắng của đất trời, dạy cho chúng biết cách ươm mầm, gieo hạt. Thỉnh thoảng một đôi lần chàng cho chúng luân phiên theo chàng xuống núi về sông để thấy đồng bằng bao la ngát rộng, cho các con chàng thầy cảnh phố thị dập dìu, áo quần muôn sắc; thưởng thức cuộc vui của những ngày hội được mùa thu hoạch giữa tiếng hát hò xen lẫn tiếng trống đồng vang lộng tưng bừng.
Ngược lại, Âu Cơ không muốn các con bị gò bó bởi lề luật đồng bằng. Đất trời là nhà, cỏ cây, hoa trái rừng là cơm gạo, suối trong là nguồn nước vô tận nuôi sống chúng qua ngày. Gió núi là nhạc, cây lá xạc xào là lời ca, da thú quấn thân là y phục, công tội đồng chung phân xử, mọi thứ là của chung cho tất cả chẳng biệt phân, săn bắn là việc chính để nuôi thân, mùa màng chỉ là phụ yếu.
Xung đột ý kiến giữa vợ và chồng ngày càng gia tăng. Đám trẻ, đứa khen ý cha, đứa vỗ tay tán thành ý mẹ, một số mơ đời hoa gấm chốn đồng bằng, một số hài lòng nếp đơn sơ miền sơn dã. Những trái nghịch ý tưởng từ cha mẹ thấm sâu vào máu tim các trẻ, đưa đến bao lần chúng cải vả lẫn nhau. Long Quân chợt nuối những ngày thảnh thơi thời niên thiếu, nhớ những chiều thưởng nguyệt trên sông, nhớ mẹ cha, bè bạn cũ. Chàng ướm lời cùng vợ đồng chung đưa các con về đồng bằng sống lại nếp sống xa xưa, nhưng Âu Cơ thoạt nghe đã quyết liệt chối từ. Vốn gốc nguồn tiên hạc, làm sao nàng thích ứng được đời phố thị phồn hoa. Nơi đó quá ư ô hợp, bon chen trái hẳn sự thanh khiết của núi rừng mà nàng đã và đang sống. Về đồng bằng tức là giết chết dần mòn cả thân xác lẫn linh hồn của một vị tiên. Long Quân không muốn trái ý vợ vì trong thâm tâm lúc nào chàng cũng thương yêu, nể trọng bạn tình, Âu Cơ luôn giữ tròn đạo vợ, vẹn chữ mẹ hiền, chàng chẳng có điều gì để hờn trách nàng được ngoài những khác biệt tư tưởng giữa kẻ núi người sông.
Từ đó chàng đâm ra ủ rủ, biếng ăn, ít nói, thần sắc tiều tụy vàng vọt dù Âu Cơ luôn hết lòng chăm sóc. Cuối cùng không chịu đựng khi nhìn nỗi niềm hoài vọng của chồng, nàng thắt lòng đề nghị chuyện chia phôi:
– “Phu quân, duyên trời thương cho chàng và thiếp hội ngộ cùng nhau. Bao năm qua đã tỏ tường ân ái. Nay nếu những chuyến về kinh không đủ để chàng quên nghĩa quê nhà thì thiếp đành cắn răng chịu chữ phân ly để chàng được thỏa lòng mong nhớ. Con trẻ chúng ta chia hai, theo chàng hoặc ở lại cùng thiếp tùy ý chúng. Thiếp thật lòng không muốn chuyện cách chia nhưng không thể nhìn chàng héo mòn theo năm tháng, sống đây mà hồn ở tận nơi đâu nên thiếp cam lỗi đạo vợ hiền, bẻ câu cầm sắt; ngày nào chàng chán cảnh phồn hoa, đền xong nợ hiếu thì động hoa vàng miền sơn dã vẫn để ngõ đón bước chân chàng trở lại. Lòng thiếp đã bày, ý chàng thế nào xin cho thiếp biết.”
Long Quân sửng sờ nhìn vợ, tự hỏi sao nàng đoán được ý ta như thế, đó là ước vọng của chàng sau chuyến lai kinh lần cuối nhưng chàng không thể tỏ bày cùng nàng vì sợ những giọt châu rơi. Nay nàng đã mở lời, chàng nghe thẹn với lòng trước tình yêu của người hôn phối, nâng nhẹ tay ngà, chàng thở dài khẻ đáp:
– “ Hiền thê, cám ơn nàng đã rõ ý ta mà mở đường cho ta rộng bước, hãy hiểu cho rằng, mai sau dù chia đôi ngã nhưng ta vẫn hoài vọng về nàng bằng một trái tim yêu.”
Âu Cơ quay mặt đi để dấu đôi giòng lệ tủi, những lời cảm tạ kia như dao cứa vào tim nàng. Vậy là đã rõ, nghĩa gối chăn, tình ân ái bấy lâu vẫn nhẹ hơn lòng hoài hương của chàng du tử. Nghĩ đến lúc đàn con chung bọc phải tách xa nhau nàng nghe lòng đau quặn thắt. Nhưng thôi, định mệnh đã an bài, thà chia xa mà thương yêu toàn vẹn, hơn đối mặt chung đầu mà tình nghĩa nhạt phai.
Ngày hôm sau, lệnh truyền từ cả hai cho trăm trẻ biết ý định của mẹ cha để chúng tùy tâm định liệu, làm thế nào để năm mươi người ở lại cùng mẹ và năm mươi người xuống núi theo cha. Chim hạc cũng mang tin mời Sơn Thần, Thủy Thần đến dự buổi họp chia ly như hôm nào họ đã đến mừng ngày hợp hôn đôi lứa.
Sơn – Thủy thần hai vị được tin cấp báo đã vội vã hiện diện đúng hẹn kỳ. Những sinh động ngày nào của núi rừng được thay thế bằng vẻ ủ rũ của vạn loài. Lạc Long Quân và Âu Cơ khấu đầu lễ tạ ơn trời đất, ra mắt khách mời và thay nhau lần lượt trình bày lý do của buổi họp chia tay. Sơn Thần, Thủy Thần cũng luân phiên buông lời phủ dụ, khuyên đôi đàng suy nghĩ kỹ trước khi thi hành quyết định lìa xa. Nhưng như định luật của đất trời, mây hợp rồi tan, hoa nở rồi tàn, mối duyên Tiên-Rồng có lúc khởi đầu thì cũng có ngày chấm dứt, chẳng ai lay chuyển được ý định của Lạc Tử và Âu Nương.
Trăm người con cũng đã theo lệnh mẹ cha mà tự phân định con đường của mình, năm mươi người áo quần miền kinh đã vận sẵn đang khăn nải chờ lúc khởi hành cất bước theo cha, năm mươi người còn lại vẫn áo da thú, khố quấn thân sắp hàng sau lưng mẹ. Lắm trẻ không chịu đựng được nỗi đau chia lìa đã đầm đìa lệ ướt, có trẻ can đảm hơn đã cắn răng chịu đựng nỗi buồn với gương mặt u sầu của những đứa con côi dù mẹ cha vẫn còn đủ đầy trên dương thế.
Sau cuộc hòa giải bất thành, Sơn Thần lên lưng voi trắng, Thủy Thần cởi rồng vàng cùng ra về. Âu Cơ bước ra ôm chầm từng đứa con trong số năm mươi trẻ sẽ theo Long Quân về miền xuôi xa ngút, nàng choàng cho mỗi trẻ một chuổi thạch bích và nghẹn ngào nhắn nhủ:
– “ Chư hài tử, vì lòng hoài vọng quê hương của phụ thân các con nên mẹ cha đành tạm thời chia tay đôi ngã và các con vì thế phải phân ly. Dù miền kinh hay đất núi, hãy nhớ hai nơi đều là đất nước chung của các con. Khi nào các con nhớ mẹ và các anh em còn ở lại, hãy trở về đây; dù xa hay gần hãy giữ lòng thương yêu nhau như ngày nào các con vẫn còn chung nhau bên mái núi và nhất là hãy nhớ rằng các con chung một mẹ cha, chung bọc chào đời. Mẹ sẽ dõi theo từng bước chân của những người mẹ thương yêu nhất bằng gió núi, mây ngàn hàng ngày trôi bạt về kinh. Mẹ chúc các con thượng lộ bình an.”
Quay sang Lạc Long Quân đang não nùng bên cạnh, Âu Cơ sụp xuống dưới chân chàng, tay nâng mủi tên gảy, mắt nhòa lệ, nàng nhỏ giọng để dấu từng tiếng nấc đang dâng:
– “Phu quân, đôi ta đã cạn lời tâm huyết, phút đăng trình xin gởi lại chàng mủi tên cứu tử ngày xưa, xin chàng giữ lấy như giữ mối tình người sơn dã. Thiếp chúc chàng vẹn vẽ mọi đường nơi quê cũ. Lối mòn trở lại vẫn mong chờ bước chân ai.”
Lạc Long Quân nâng nhẹ Âu Cơ đứng dậy, lau vội những giọt châu rơi rồi nhận lấy mủi tên cất vào tay nải. Xong, chàng rút con dao rừng năm nào đã chiến đấu cùng hổ xám cứu nàng, xoay cán dao đặt vào tay nàng, chàng dịu dàng âu yếm:
– “ Hiền thê, ta cảm tạ tình nàng, đổi lại xin hãy vui lòng nhận vật tùy thân này của ta. Thấy nó như thấy ta đang ở cạnh nàng và các con trẻ vậy. Ta sẽ trở lại trong một ngày không xa lắm. Hãy tin tưởng và chờ đợi buổi đoàn viên.”
Xong xuôi chàng rút trong tay nải ra năm mươi bịch đất nhỏ đã chuẩn bị từ lâu, xoay về phía những đứa trẻ chọn đường ở lại đang đứng sau lưng Âu Cơ, chàng đến bên chúng đặt tay lên vai từng đứa và trao cho chúng mỗi người một bịch đất, cuối cùng chàng dõng dạc bảo:
– “ Các con thương yêu của ta, ta tạ lỗi cùng trời đất, hổ thẹn cùng mẹ các con và các con đã tạo ra buổi chia ly này. Nếu chim tìm về núi, cá lội về nguồn thì ta cũng nghe bổn phận thần tử phải quay về nơi hương khói. Ðây các bịch đất lấy từ miền kinh, đất của quê ta và cũng là đất nước của các con. Nơi nào ta và các anh em con dừng bước, đó cũng là nhà của các con. Các con có thể đến và ở lại bất cứ khi nào các con muốn. Hãy giữ các túi đất này để làm tin như giữ tình phụ tử và tình quê cha trong lòng các con. Hãy thay ta chăm sóc mẹ của các con để người không thấy sự thiếu vắng của ta và hãy nhớ rằng mẹ cha của các con vẫn thương yêu nhau như thuở ban đầu. Ta sẽ hướng về núi mỗi ngày để vọng tưởng nơi đã cho ta bao nhiêu năm hạnh phúc. Ta cầu mong đất trời sẽ phò hộ mẹ các con và các con.”
Thế rồi kẻ ở lại non, người về biển rộng. Cuộc ly dị đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt đã diễn ra êm đềm, không tiếng oán chẳng lời than, không người thay đổi, chẳng kẻ ngoại tình như những mối duyên đổ vỡ ngày nay, nhưng chẳng ai nghe chuyện trở lại của Lạc Long Quân như lời đã hứa cùng Âu Cơ tiên nữ, người đời sau theo đó cho rằng máu phụ bạc có sẵn trong người đàn ông, tiếng ngọt ngào, lời đường mật thoát đi từ miệng lưỡi nam giới phụ nữ nên cẩn thận chớ dễ tin mà chuốt khổ vào thân.
Sử sách chỉ ghi chép rằng Lạc Long Quân dẫn năm mươi con xuống núi, theo đồng bằng sông Dương Tử xuôi về phương nam thàng lập đất nước Văn Lang với niên hiệu Hùng Vương của mỗi đời vua trị nước, mở đầu trang chính sử cho con cháu Việt Nam ngày nay.
Huỳnh Ngọc Nga
Torino, ITALIA – 10.09.2004
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]