Tám Ngộ Nhận Về Reverse Mortgage

Minh Công

Chương trình Vay Nợ Vô Thời Hạn là một chương trình vay nợ chính phủ đặc biệt ưu đãi  dành cho các chủ sở hữu nhà từ 62 tuổi trở lên. Họ có thể dùng căn nhà của mình để thế chấp ngân hàng vay mượn một số tiền tối đa là $625,500. Trong chương trình này, ngân hàng sẽ lập ra một điều khoản ràng buộc trong giấy chủ quyền nhà, yêu cầu người người vay nợ (chủ nhà) hay người thừa kế phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay cộng lãi suất khi và chỉ khi họ qua đời hay quyết định bán nhà. Ngân hàng không có quyền đòi tiền nợ hàng tháng hay tịch thu nhà trong suốt thời gian người vay nợ vẫn còn sinh sống tại căn nhà thế chấp. Sau đây là tám ngộ nhận thường thấy trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn này.

1. Chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn là một hình thức khác của việc bán nhà.

Ngộ nhận trên là thiếu chính xác. Các ngân hàng cho vay nợ không hề mong muốn là sẽ làm chủ hay mua lại căn nhà từ người dân. Mục đích của họ khi cho vay tiền là để thu lại các khoản tiền lãi suất dựa trên tổng sổ tiền vay.

Một trong những nguyên nhân gây ra việc sụt giảm giá trị nhà cửa thời gian vừa qua là do rất nhiều chủ sở hữu nhà không còn khả năng trả tiền nợ và lãi suất hàng tháng, từ đó bị ngân hàng tịch thu nhà. Tuy nhiên, khi có quá nhiều trường hợp bị tịch thu nhà như thế và số lượng người mua nhà giảm thì sẽ gây một tác động lớn đến các ngân hàng vì nguồn lợi nhuận từ lãi suất cho vay không còn, mà các chi phí cho việc duy trì và bảo quản các căn nhà bị tịch thu ngày càng cao.

Trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn, sau khi ngân hàng cho vay, họ sẽ tạo ra một điều khoản ràng buộc trên giấy chủ quyền nhà của người cho vay. Điều khoản ràng buộc này yêu cầu người đứng vay hay người thừa kế phải có trách nhiệm quyết toán đầy đủ các khoản tiền nợ và lãi suất một khi quyết toán (bán nhà hay qua đời). Đây mới chính là mục đích chính của các ngân hàng khi cho vay tiền trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn.

2. Con cái không được thừa kế tài sản nếu ba mẹ trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn.

Điều này cũng không đúng với sự thật. Con cái vẫn có thể được thừa kế tài sản của ba mẹ mình. Tuy nhiên trong giấy chủ quyền nhà sẽ có một sự ràng buộc yêu cầu người thừa kế phải có trách nhiệm thanh toán các khoản tiền nợ và lãi suất của chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn (do ba mẹ qua đời, căn nhà được con cái thừa kế và chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn kết thúc).

Ví dụ: Bác A mượn số tiền là $50,000 qua chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn. Mười năm sau, bác A qua đời và để lại quyền thừa kế cho con gái bác. Con gái bác quyết định không giữ lại căn nhà ấy và muốn bán đi với số tiền bán nhà là $350,000; số tiền nợ: $50,000; lãi suất (10 năm): $10,000.

Tổng số tiền thiếu ngân hàng là $60,000. Sau khi bán nhà, con gái bác A sẽ được thừa kế $290,000. Nếu con gái bác A quyết định giữ căn nhà này thì cô phải có trách nhiệm thanh toán số tiền $60,000 mà mẹ cô đã vay trước đây.

Khoản tiền vay trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn là khoản tiền nợ “bảo đảm”. Điều này có nghĩa là nếu giá trị căn nhà thay đổi tăng cao thì khoản tiền nợ và lãi suất phải trả cũng cố định và không thay đổi. Trong trường hợp giá trị nhà giảm sút so với khoản tiền mượn thì ngân hàng chỉ có thể truy thu toàn bộ số tiền bán căn nhà, số tiền còn thiếu sẽ được miễn giảm. Nói một cách khác, nếu số tiền lúc bác A mượn nợ là $150,000, nhưng khi quyết toán, căn nhà của bác chỉ có giá trị $100,000 (bị ảnh hưởng bởi thị trường nhà đất xuống dốc), ngân hàng chỉ có thể truy thu $100,000 từ số tiền bán nhà, số tiền $50,000 còn thiếu ngân hàng sẽ được miễn giảm chứ không ảnh hưởng tới con gái bác A và không bắc buột con gái bác A phải trả số tiền này.

3. Người vay tiền trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn có thể bị ngân hàng tịch thu nhà.

Điều này hoàn toàn không đúng. Chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn được tạo ra với một mục đích duy nhất là giúp đỡ người cao niên tiếp tục duy trì cuộc sống lành mạnh trong chính căn nhà của họ cho đến cuối đời. Do ngân hàng có trách nhiệm hàng tháng gửi tiền cho người vay tiền (chứ không phải đòi tiền từ họ) trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn, cho nên ngân hàng không có quyền tịch thu hay kéo nhà của các người vay tiền nếu như họ vẫn còn sinh sống tại địa điểm đó. Tuy nhiên, người chủ nhà phải có trách nhiệm giữ gìn căn nhà một cách tốt nhất trong khả năng của mình, thanh toán đầy đủ các chi phí bảo hiểm và thuế nhà đất.

4. Người vay tiền trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn có thể sống lâu, vượt qua giới hạn thời gian mượn tiền.

Số tiền nợ và lãi suất trong chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn được quyết toán nếu và chỉ nếu người đứng tên mượn tiền (đồng thời là chủ sở hữu nhà) qua đời hay quyết định bán nhà.

5. Phải đóng thuế cho số tiền nhận được hàng tháng từ chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn.

Toàn bộ số tiền nhận được từ chương trìnhVay Nợ Vô Kỳ Hạn không được tính là thu nhập (income) và không cần phải trả thuế lợi tức. Hơn thế nữa, các lãi suất tiền nợ trong chương trìnhVay Nợ Vô Kỳ Hạn được coi là một trong các yếu tố miễn giảm thuế khi quyết toán chương trình. Người vay tiền nên tham khảo với chuyên viên thuế vụ để hiểu rõ thêm về các quy định trên.

6. Các chế độ trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng.

Các chương trình của chính phủ như trợ cấp xã hội (Social Security Benefits), bảo hiểm y tế cho người cao niên (Medicare) không bị ảnh hưởng bởi chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn. Tuy nhiên, các lợi ích xã hội dành cho người có thu nhập thấp (Medicaid) có thể bị ảnh hưởng nếu hàng tháng số tiền có trong ngân hàng vượt quá mức cho phép. Để tránh vượt quá định mức số tiền cho phép, người cao niên nên tính toán trước khi xin vào chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn, số tiền hàng tháng cần có để đủ trang trải cho các chi tiêu trong cuộc sống, đồng thời không gây ảnh hưởng tới những phúc lợi xã hội mà mình đang được hưởng. Cũng chính vì lý do này mà đa phần các chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn đều bắt buộc người nộp đơn phải trải qua từ một tới hai buổi tham khảo với chuyên viên tư vấn tài chính chuyên lo về các chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn để biết chi tiết.

7. Phải trả lệ phí cao trước khi gia nhập vào chương trình.

Lệ phí duy nhất phải trả là lệ phí tư vấn khi tham khảo với các chuyên viên tài chính về những vấn đề liên quan đến chương trình. Tuy nhiên phần lớn các ngân hàng thường cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí khi có khách hàng quan tâm đến chương trình này. Các lệ phí khác như tiền phải trả để ngân hàng định giá căn nhà, tiền giấy tờ, v.v. đều có thể được tính vào khoản nợ chung và chỉ thanh toán khi quyết toán. Ngân hàng cũng thường có những hỗ trợ nhất định hay miễn giảm một số lệ phí cho khách hàng nếu được yêu cầu.

8. Chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn giống với chương trình thế chấp nhà cửa.

Điều tương đồng duy nhất giữa chương trình Vay Nợ Vô Kỳ Hạn và chương trình thế chấp nhà cửa là cả hai cùng dựa vào giấy chủ quyền nhà để phục vụ việc vay mượn.

* * *

Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền kinh tế vững vàng, nuôi dạy con cái nên người và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038. Những ai hội đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này. Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

 
 

Viết một bình luận