LTS: Bài viết sau đây đã được đăng trên tờ Diễn Đàn Thế Kỷ vào tháng 10/2023, trong chuyên đề “Chính sách của nhà nước Việt Nam đối với các sắc dân bản địa”.
Nhân việc vừa xảy ra phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc vào ngày 29-30/11/2023, chúng tôi xin phép được đăng lại.
Cuộc phỏng vấn do nhà báo Song Chi thực hiện với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy – một người quan tâm đến các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là người Hoa, người Chăm, người Thượng và người Khmer. Là chuyên viên tài chánh và hành chánh trong các cơ quan công và tư của Pháp, từng là giảng viên phụ trách bộ môn dân tộc học vùng Đông Nam Á tại Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-2000). Hiện tại sống ở Paris, Pháp và là chủ nhiệm trang Thông Luận điện tử.
***
SC: Chúng ta bắt đầu bằng sự phân biệt những cụm từ “dân tộc thiểu số, người thiểu số” và “dân tộc bản địa, sắc dân bản địa”. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy nhà nước Việt Nam luôn luôn dùng cụm từ “dân tộc thiểu số, người thiểu số” mà không dùng cụm từ thứ hai. Thưa ông, tại sao như vậy và ở Việt Nam, có người bản địa hay không?
GT, TS NVH: Khái niệm dân tộc là có nguồn gốc của phương Tây. Vào thế kỷ thứ 7, Isodore de Séville định nghĩa dân tộc (nation) là một cộng đồng con người (nascere) có cùng nguồn gốc sống chung với nhau trên một lãnh thổ nhất định. Với thời gian những cộng đồng người này hòa trộn với những cộng đồng người khác có cùng văn hóa và nếp sống khác để sau cùng tạo thành một chủng tộc (race) sống chung trong một khu vực (pagus). Sự lớn mạnh của những chủng tộc này tùy thuộc vào cách tổ chức xã hội và cách quản lý khu vực sinh sống của giai cấp lãnh đạo.
Trong suốt thời kỳ phong kiến, Đại Việt chỉ có một chủng tộc, đó là tộc Kinh, gọi là “thần dân”, những người không phải là người Kinh bị xếp vào loại “man” (nghĩa là chưa được khai hóa bởi văn minh và văn hóa Khổng Mạnh), những tập thể con người có tổ chức, được sự lãnh đạo của một chủ chăn (tù trưởng, tiểu vương) chấp nhận sự bảo vệ của triều đình thì được coi là “thuộc quốc” hay những người không thuộc một định chế có tổ chức nào thì gọi là “thuộc dân”. Danh từ “sắc tộc” chỉ xuất hiện sau năm 1954, nghĩa là sau khi Việt Nam có độc lập, cho dù đất nước đã bị chia đôi.
Ở miền Nam, các sắc tộc thiểu số được hưởng một qui chế ưu đãi để sớm bắt kịp đà tiến hóa chung của người Việt, theo đúng tiêu chuẩn của thế giới phương Tây. Miền Bắc thì ngược lại, những sắc tộc thiểu số trên miền Thượng du và Trung du Bắc phần được gọi chung là “dân tộc thiểu số”. Dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ miền Bắc ; dân tộc đa số là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, gọi chung là người Kinh. Những dân tộc thiểu số miền Bắc bao gồm người Tày, người Thái, người Nùng, người Mường, v.v… Cách gọi này theo đúng cách gọi của Liên Xô và Trung Quốc, hai quốc gia cộng sản đầu đàn.
Liên Xô và Trung Quốc là hai quốc gia bao gồm nhiều chủng tộc và dân tộc đã từng có một lãnh thổ rộng lớn và có truyền thống lập quốc độc lập từ lâu đời. Những lãnh thổ và cộng đồng dân tộc này được sáp nhập vào Liên Xô và Trung Quốc qua ý thức hệ cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chứ không qua liên hệ đất đai, huyết thống, tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo hay văn hóa ; Đảng cộng sản là cơ quan lãnh đạo giữ gìn sự thống nhất và ổn định. Khi Liên Bang Xô Viết bị giải thể, các dân tộc từ lâu bị trấn áp nổi lên đòi quyền tự trị và thành lập những quốc gia riêng. Trong vài trường hợp các nhóm chủng tộc đó đã thanh toán lẫn nhau bằng những thủ đoạn đẫm máu. Trung Quốc thì xiết chặt lại những qui chế dành riêng cho những dân tộc ít người, như người Mông Cổ, Mãn Châu, Tân Cương, Tây Tạng hay Choang.
Trở lại trường hợp Việt Nam, cách gọi người thiểu số là dân tộc thiểu số hay ít người là khiên cưỡng và không phù hợp vì những cộng đồng thiểu số này chưa bao giờ kết hợp lại thành một quốc gia hay vương quốc nào, trừ những nhóm dân cư trong cựu vương quốc Champa, gồm người Chăm và người Thượng (có nguồn gốc Malayo polynesian và Mon Khmer).
Hiện nay danh xưng “dân tộc ít người” (ethnies minoritaires hay minorités ethniques) phải hiểu là những nhóm sắc tộc sinh sống trên các vùng cao nguyên hay trong vùng rừng núi, mà người Việt hiện nay gọi chung là “người dân tộc”.
Việc một số trí thức dân tộc học cộng sản phổ biến những bài nghiên cứu về nguồn gốc, văn hóa của các sắc tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là điều rất tốt, nhưng lạm dụng danh xưng “dân tộc ít người” để biện hộ cho cho các mục đích chính trị là không tri thức. Thêm nữa Đảng cộng sản Việt Nam còn đặt tên cho chính sách bảo vệ lãnh thổ là “Chính sách dân tộc”, nghĩa là sử dụng những sắc tộc thiểu số sinh sống trên các vùng cao nguyên giáp ranh với Trung Quốc (thượng du Bắc Việt) những những chiến sĩ biên phòng. Sự bực dọc của chế độ cộng sản là không thu phục được người Thượng trên Tây Nguyên làm tai mắt nên đã tìm mọi cách trừng phạt, nếu không muốn nói là tiêu diệt.
Tôi đề nghị là sử dụng lại cụm từ “sắc tộc thiểu số” để chỉ những nhóm dân cư không phải là người Kinh (hay người Việt) sinh sống bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam : trên những vùng cao nguyên, núi rừng và đồng bằng.
Ở Việt Nam có người bản địa (autochtone) hay không? Đây là một câu hỏi không có gì hóc búa đối với một người bình thường nhưng rất nhức nhối với chế độ cộng sản Việt Nam. Lý do là chính quyền cộng sản Việt Nam đã ký vào Bản “Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa”, tức là đồng ý với nội dung và bản tuyên ngôn, theo đó phải tôn trọng nhân phẩm và văn hóa của người bản địa. Do không muốn áp dụng nội dung Bản tuyên ngôn này vào cuộc sống, Ban tuyên giáo trung ương vận động những dư luận viên cấp cao nói Việt Nam không có người bản địa vì ai cũng là người bản địa.
Tuy bản “Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa” không đưa ra định nghĩa nào về “người bản địa”, có lẽ cho rằng vì quá hiển nhiên chăng. Nhưng nếu giải thích một cách đơn giản thì “dân tộc bản địa” là những người đã có mặt trên một vùng đất nào đó từ rất lâu, trước khi có một hoặc nhiều thế lực khác từ bên ngoài đến chiếm hữu, khai thác và cai trị vùng đất mà họ đang sinh sống. Ở Việt Nam, trước khi cộng đồng người Kinh từ đồng bằng sông Hồng tiến xuống phía Nam mở rộng bờ cõi, họ đã chinh phục và sống chung với những người đã có mặt từ lâu đời trên các vùng duyên hải, vùng núi miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, đó là cộng đồng người Chăm, người người Thượng và người Khmer. Ngày nay ba cộng đồng dân tộc bản địa này trở thành những sắc tộc thiểu số và bị tước hết những quyền sở hữu đất đai và cơ sở văn hóa và tín ngưỡng. Nếu chế độ cộng sản Việt Nam tôn trọng nội dung Bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa thì phải phục hồi lại nhân phẩm những cộng đồng đã bị trù dập, phân biệt đối xử, phải trả lại cho những cộng đồng này những vùng đất đai và lãnh thổ, những cơ sở văn hóa và tín ngưỡng đã bị chiếm hữu.
Chế độ cộng sản Việt Nam càng sợ hơn về quyền tự quyết của người bản địa được ghi trong bàn tuyên ngôn : “Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Nhờ quyền đó, họ tự do xác định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình”. Điều này có thể tạo điều kiện để diễn giải là người bản địa có những quyền chính trị độc lập với quốc gia. Thái độ giản dị nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là phủi tay, tuyên bố Việt Nam không có người bản địa.
SC: Nhắc lại vụ nổ súng tại Đắk Lắk : Như chúng ta được biết, vào sáng sớm ngày 11/6/2023 tại địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk một nhóm nhỏ người bản địa đã dùng súng tấn công trụ sở Công an các xã Ea Tiêu và Ea Ktur làm chết và bị thương một vài Công an xã, cán bộ xã và người dân. Sau đó, Bộ Công An, chính quyền tỉnh Đắk Lắk và các lực lượng đã tổ chức một cuộc vây ráp quy mô và đã bắt hàng chục người (có báo đưa tin 46 người bị bắt, có báo đưa tin 74 người…). Theo ông, những nguyên nhân/lý do vì sao đã dẫn đến vụ việc này?
GT, TS NVH: Vụ tấn công bằng dao và súng vào trụ sở công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk rạng sáng ngày 11/6 làm nhiều người thiệt mạng và bị thương là một cú sốc lớn đối với chế độ, đặc biệt là với lực lượng công an, an ninh và quân đội đông đảo trên Tây Nguyên.
Cú sốc thứ hai là đối với dư luận trong và ngoài nước: làm sao dưới sự kềm kẹp chặt chẽ của các lực lượng an ninh, những thanh niên Thượng có thể tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ vào hai đồn công an một cách công khai mà không gặp một sự chống trả nào của lực lượng an ninh và dân quân Đắk Lắk và rút đi an toàn.
Phản ứng của chính quyền cộng sản từ trung ương xuống địa phương đã liền tức thì và đều như một : bạo lực, dập tắt trong sắt máu, phạt nặng những người chủ mưu hay có uy tín. Nói chung là không nhượng bộ và sẵn sàng triệt hạ những người chống đối và truy lùng những ai chạy trốn. Chưa bao giờ chính quyền cộng sản bày tỏ ý muốn hòa giải và tìm một giải pháp chấp nhận được để mọi người cùng được sinh sống trong bình yên và phồn thịnh.
Có cái gì không bình thường sau những vụ bắt bớ những người tham gia bạo động. Chỉ vài ngày sau, với một lực lượng công an và quân đội hùng hậu cả ngàn người đã lùng bắt những người Thượng tham gia cuộc tấn công chớp nhoáng đêm hôm 11/6. Đáng ngạc nhiên là, theo thông tin của Giám đốc công an Đắk Lắk, tất cả những người tham gia và không tham gia vào cuộc tấn công đều đã bị bắt, trong đó có một người Thượng từ Mỹ về. Nhưng ngạc nhiên nhất là, sau khi nghe những youtube chấp cung, những thanh niên Thượng bị bắt này trả lời bằng tiếng Việt rất sành sõi và kể lại rành rọt từng chi tiết của cuộc bắn giết, y như trong các truyện trinh thám, gián điệp chuyên nghiệp. Sự dàn dựng quá đơn sơ để lộ sự hối hả chạy tội của những quan chức an ninh địa phương.
Cũng nên lưu ý là từ sau ngày 30/4/1975, những nhóm vũ trang người Thượng, với đủ loại khí giới trong tay, không bao giờ tấn công thường dân, dù là những thân cận của các quan chức địa phương như vợ con hay thân nhân của họ. Họ cũng không bao giờ chiếm đất, cướp tài sản của bất cứ một ai, kể cả những quan chức cộng sản đang hà hiếp họ. Những cuộc bạo động của người Thượng đều có những mục đích rõ ràng : đòi được đối xử có nhân phẩm, tôn trong sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng, và trả lại những vùng đất của tổ tiên để sinh sống.
Đã có rất nhiều bài viết và bào báo giải thích những nguyên nhân của những cuộc bạo loạn này từ sau 1975 đến nay. Ở đây tôi chỉ xin tóm lược.
Trước hết là đất đai. Sự bất mãn của người Thượng trước phong trào chiếm đất người Kinh có lý do chính đáng. Người Thượng là những cư dân bản địa đầu tiên trên cao nguyên miền Trung, quyền làm chủ tự nhiên vùng đất này đã có từ lâu, nhưng ngày nay người Thượng trở thành thiểu số và không có tiếng nói ngay trên chính quê hương của họ. Trước 1940, người Kinh chỉ chiếm 1% dân số trên cao nguyên, năm 1945 là 5%, năm 1954 : 15%, năm 1975 : 32%. Năm 2000 người Kinh trở thành đa số với hơn bốn triệu dân, chiếm 72% dân số trên tổng số gần 6 triệu người trên toàn cao nguyên miền Trung. Ngày nay người Thượng chỉ tượng trưng 25% dân số trên toàn Tây Nguyên. Dưới thời quân quản (1975-1992), quân đội đã chiếm những vùng đất đai rộng lớn, gọi là chiến lược, để lập căn cứ quân sự, nhưng thực tế là để bán đất cho những đại gia cà phê của cao su để lập đồn điền, nhiều buôn làng của người Thượng đã bị xóa sổ, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Kontum và Pleiku. Từ sau 1986 trở đi, chính quyền cộng sản Việt Nam thi hành kế hoạch sản xuất cà phê xuất khẩu, nhiều công ty quốc doanh chiếm thêm nhiều vùng đất tốt để lập đồn điền. Người Kinh từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và một số sắc tộc thượng du miền Bắc, nhiều nhất là người H’mong, cũng được ồ ạt đưa vào Tây Nguyên phá rừng, khẩn hoang để trồng cây cà phê. Đất đai cổ truyền quanh những buôn làng Thượng teo lại theo số di dân lên Tây Nguyên lập nghiệp, những vùng đất dọc các trục lộ giao thông, trong thung lũng hay cạnh sông ngòi lần lượt lọt vào tay những người mới đến, nhiều buôn làng Thượng hết đất canh tác phải dời vào những chốn rừng sâu hơn để tái định cư. Sự bất mãn và bất lực hằn sâu trong ký ức người Thượng, tất cả chỉ cần một que diêm đốt lên là bốc cháy.
Người dân biểu tình phản đối cưỡng chế đất tại thôn K’Ren, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để làm hồ chứa nước Tà Hoét tháng 2/2023 (Nguồn: Người Thượng vì Công lý).
Kế đến là sinh hoạt văn hóa cổ truyền và tôn giáo. Người Thượng Tây Nguyên có đức tin riêng, họ tin vào Giàng và những thần linh tự nhiên ẩn trú trong những khu rừng nguyên sinh. Văn hóa thảo mộc của người Thượng gắn liền với rừng và rừng cung cấp nguồn sống cho họ. Bị tách khỏi rừng, cộng đồng người Thượng trở nên vong bản cả niềm tin lẫn văn hóa. Bên cạnh tín ngưỡng có từ lâu đời nay, người Thượng còn là những con chiên sùng kính Đức Chúa Trời. Thiên Chúa Giáo đã du nhập vào Tây Nguyên theo chân của các nhà truyền đạo phương Tây trước khi người Pháp khai đặt hệ thống quyền lực hành chính ở vùng đất này. Đạo Tin Lành du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20-30 của thế kỷ trước và bị cấm sau 1975. Từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển nhanh trong nhiều vùng người Thượng trên Tây Nguyên. Đến tháng 12/2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 529.410 người, trong đó người Thượng khoảng 511.450 người.
Tin Lành là một yếu tố rất mới trong sinh hoạt văn hóa của người Thượng. Đối với họ, những vị mục sư và người phụng sự đạo Tin Lành là những lãnh tụ mới. Từ sau 1975 giai cấp lãnh đạo cộng đồng người Thượng đã gần như bị chính quyền cộng sản làm tan rã. Những người lãnh đạo phong trào FULRO (Mặt trận Thống nhất giải phóng các chủng tộc bị áp bức) thì một số đã chết, một số vẫn còn ngồi tù và một số khác đã trốn sang nước ngoài. Những lãnh tụ mới do đảng cộng sản dựng lên không được người Thượng kính trọng và sống tách rời với đồng hương, trên thực tế họ chỉ là những bóng mờ, chỉ có hư vị chứ không có thực quyền vì tất cả những quyết định quan trọng đều do cán bộ cộng sản gốc Kinh định đoạt. Chính vì thế, những cán bộ Thượng cộng đã không những không dám bênh vực quyền lợi của người Thượng trước sự lấn áp của thành phần di cư gốc Kinh, mà còn thay mặt chính quyền hà hiếp đồng hương của họ. Phần lớn những cán bộ loại này an phận với những quyền lợi vật chất nhỏ nhoi mà chế độ ban cho, uy tín của họ rất thấp, đôi khi còn là đối tượng bị khinh miệt của người Thượng. Khi chính quyền cộng sản hà hiếp, đánh đập và bắt bớ những vị mục sư gốc Thượng, sự bất mãn và căm hờn chỉ tăng lên trong yên lặng và chỉ chực chờ để bùng dậy.
Thực ra, hai nguyên nhân đất đai và tôn giáo chỉ là mặt nổi của tảng băng bất mãn của người Thượng. Nguyên nhân chính là danh dự và nhân phẩm người Thượng bị chà đạp. Trong gần 70 năm cộng cư với người Kinh, từ 1954 đến nay, chưa một chính quyền Việt Nam nào thực sự tôn trọng sự hiện hữu và thành tâm nâng cao mức sống của người Thượng trên cao nguyên. Cộng đồng người Thượng luôn bị coi là những thứ dân hạng hai, bị khinh khi và lợi dụng. Để tiếng nói và chỗ đứng của họ được tôn trọng, người Thượng đã sử dụng đủ mọi biện pháp có thể sử dụng được, từ bạo lực đến đấu tranh chính trị ôn hòa, và đã lãnh nhận những hậu quả tai hại là một quyết tâm đàn áp mạnh hơn từ các chính quyền người Kinh.
Vì không muốn bị diệt vong, từ 1956 người Thượng tìm hậu thuẫn ở các thế lực phương Tây (Pháp và Mỹ) để được tồn tại, và dưới áp lực của các cường quốc này cộng đồng người Thượng mới có một chỗ đứng vinh dự hơn, nhưng thời vàng son này đã không kéo dài lâu, chỉ được mười năm thì chấm dứt (từ 1965 đến 1975). Dưới chế độ cộng sản, đa số những lãnh tụ Thượng cộng tác với chính quyền miền Nam cũ đều bị bắt giam hoặc bị giết, những người còn lại phải trốn ra nước ngoài hay sống im lặng trong chốn rừng sâu. Những lãnh tụ gốc Thượng theo phe cộng sản, các ông Y Bih Aleo (phó chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng miền Nam), Y Blok Êban (cựu chủ tịch ủy ban quan quản Buôn Ma Thuột tháng 3/1975), Y Niê Thuột (thượng tá thường vụ tỉnh ủy, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự Đắc Lắc), Ksor Phước (bí thư tỉnh ủy Gia Lai, bộ trưởng tài nguyên và môi trường, chủ nhiệm ủy ban dân tộc quốc hội), Y Vênh (chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Kontum)… bất lực trước sự bạc đãi của cán bộ người Kinh, chỉ biết im lặng và an phận trong bóng tối.
Sự khinh miệt người Thượng phải chấm dứt, và chấm dứt càng sớm càng tốt, càng kéo dài chỉ có hại vì phản ứng của người Thượng rất khó lường trước. Tiêu cực thì họ rút vào rừng sâu sống biệt lập với người Kinh để rồi tuyệt tích hay trốn chạy sang Campuchia và Thái Lan xin tị nạn ; tích cực thì họ sẽ dùng bạo lực để tiếng nói và chỗ đứng được tôn trọng. Nếu phản ứng thứ hai này được sử dụng, cụm từ “đại đoàn kết dân tộc” hay “dân tộc Việt Nam” mất hết nội dung, và hậu quả biết trước là một cộng đồng dân tộc yếu kém hơn bị tiêu diệt, về văn hóa lẫn thể chất, mà thế giới ngày nay gọi lả “tội ác diệt chủng”.
Đã đến lúc phải tìm một giải pháp để người Thượng trên Tây Nguyên hội nhập một cách hài hòa vào cùng dân tộc Việt Nam nói chung. Cũng phải loại bỏ ngay từ bây giờ tâm lý coi người Thượng là kém văn minh. Thể lực và trí năng của họ không thua kém gì người Kinh nhưng vì không được chăm sóc và quan tâm đúng mức nên sự cách biệt giữa đồng bằng cao nguyên ngày thêm sâu rộng. Đó là chưa kể tâm lý bá quyền, nhóm nào cúi đầu tuân phục thì được cho ăn, nhóm nào bất phục tùng thì bỏ đói. Chính sách phân biệt đối xử vừa thất nhân tâm vừa không mang lại hiệu quả mong muốn, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách này và đã thất bại. Các chính quyền miền Nam cũ và cộng sản hiện nay đã và đang lập lại chính sách này cũng đã và đang thất bại.
SC: Nhà nước Việt Nam, thông qua báo chí quốc doanh, đã khép tội vụ nổ súng này là do các lực lượng phản động, thù địch ở nước ngoài đứng sau giựt dây như là tổ chức FULRO, hoặc do âm mưu muốn ly khai của các cộng đồng người bản địa ở Tây Nguyên, họ cũng nhắc đến nhà nước Đề Ga v.v… Thưa, ông nghĩ thế nào về những điều này?
GT, TS NVH: Trước hết cũng nên nói rõ là Cao nguyên miền Trung chưa bao giờ là một quốc gia và người Thượng chưa bao giờ là một dân tộc đồng nhất. Việc một nhóm Rhadé (Ê đê) vận động thành lập quốc gia hay cộng hòa Dega chỉ là một phản ứng tuyệt vọng vì người Rhadé không phải là tất cả và cũng không có quyền đứng trên tất cả. Mỗi khi xảy ra bạo loạn, chính quyền cộng sản Việt Nam thành lập những Ban chỉ đạo Tây Nguyên, mà mục tiêu là đàn áp sự nổi dậy của người Thượng, đã không mang lại yên bình cho mọi người trên Tây Nguyên.
Ở đây cũng nên nói thêm về phong trào FULRO Dega. Năm 1970, cuộc chiến tại Việt Nam bước vào giai đoạn thương nghị, người Mỹ muốn rút lui và chuẩn bị Việt Nam hóa chiến tranh, các phe thù địch chuẩn bị cho giai đoạn hậu chiến. Đối với một số nhân sĩ Thượng cộng tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhất là những lãnh tụ Rhadé, Phong Trào Đoàn Kết những sắc tộc miền Nam (bị giải tán năm 1972) không thực sự tranh đấu cho quyền tự trị của người Thượng trên cao nguyên. Đầu năm 1972, những người này thành lập Ban Bảo Vệ Dân Tộc, chống lại chính sách Thượng vụ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Cuối năm 1972, Ban Bảo Vệ đổi tên thành Mặt trận giải phóng Cao nguyên miền Thượng (Front de Libération des Hauts Plateaux Montagnards-FLHPM), còn gọi là FULRO Dega – do Y Bham Ênuôl (vắng mặt) làm chủ tịch và Kpa Koi phó chủ tịch – tranh đấu đòi quyền tự trị cho người Thượng. Dega theo tiếng Rhadé là “những đứa con của núi rừng”. Cờ Dega ba màu (xanh lá cây, trắng và đỏ), ở giữa là một đầu voi trong vòng tròn màu vàng. Tổ chức này độc lập với phong trào FULRO Khmer Krom ở Campuchia.
FLHPM đặt tên cao nguyên miền Trung là Cộng Hòa Dega và thành lập một chính phủ lâm thời gồm 11 bộ do các ông Y Bliêng Hmok, Y Chôn Mlô Duôn Du, Kpa Koi, Y Bách Êban, Y Prêh, Y Nguê, v.v… đảm nhiệm. Cộng Hòa Dega được chia thành năm quân khu : quân khu I gồm cao nguyên Kontum, Quảng Ngãi, Bình Định ; quân khu II : cao nguyên Pleiku, Cheo Reo (Phú Bổn cũ) và Phú Yên ; quân khu III : cao nguyên Đắc Lắc, Mdrack (Khánh Dương cũ) và Dak Nong (Quảng Đức cũ) ; quân khu IV : cao nguyên Lang Biang (Tuyên Đức cũ), Brah Yang (Lâm Đồng cũ) và Gung Car (Đồng Xoài cũ) ; và quân khu V gồm Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhóm FULRO Champa được giao cai quản quân khu V.
Sự ra đời của FULRO Dega nằm trong kế hoạch thành lập nhiều lực lượng thứ ba của Mỹ, do tướng John Paul Van khuyến khích, để tranh quyền với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhất là với Mặt Trận Tây Nguyên Tự Trị do Y Bih Alêo lãnh đạo, trong chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần tại miền Nam Việt Nam, theo tinh thần Hiệp Định Paris 1973. Để gây thế lực, phong trào Dega bí mật kêu gọi nhân sĩ, sĩ quan và binh sĩ Thượng trở về Tây Nguyên chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Đầu năm 1975, lực lượng quân sự FULRO Dega có trên 10.000 tay súng (hơn 2/3 binh sĩ Thượng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa gia nhập hàng ngũ Dega), bộ chỉ huy và các căn cứ quân sự được thiết lập dọc biên giới Đắc Lắc, Quảng Đức và Mondolkiri. Lợi dụng tình trạng hỗn độn trên cao nguyên giữa tháng 3/1975, dân chúng Chăm và Thượng thu nhặt vũ khí, quân trang và quân dụng, do quân lực Việt Nam Cộng Hòa vứt bỏ trong các cơ quan và dọc các quốc lộ 1, 14, 19, nộp cho lực lượng FULRO Dega. Với số lượng vũ khí và lương thực khô thu nhặt được, bộ tham mưu FULRO Dega, cảm thấy đủ khả năng đối đầu với quân đội cộng sản, ra lệnh cho các đơn vị FULRO chiếm nhiều đồn bót dọc vùng biên giới, một số buôn làng tại Kontum, Pleiku, Đắc Lắc, Quảng Đức, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Lực lượng FULRO Dega và FULRO Champa lúc đó có trên 12.000 tay súng và hơn 8.000 du kích.
Tổng kết từ 1975 đến 1979, khoảng 8.000 binh sĩ Dega bị loại khỏi vòng chiến, phần lớn bị chết dưới những trận tập kích của pháo binh và thiết giáp, số còn lại chết vì thiếu thuốc men và bệnh tật. Nhiều người chịu không nổi cảnh thiếu thốn trong rừng sâu đã ra đầu thú và đi ở tù. Sau 1980, phong trào kháng chiến Thượng, thiếu sự hỗ trợ của dân chúng, yếu dần theo thời gian, những ổ kháng cự cuối cùng lần lượt bị tháo gỡ và đến cuối năm 1982 thì phong trào FULRO trên Tây Nguyên gần như tan rã, một số bị bắt, số còn lại ra đầu hàng. Tại Campuchia, hơn một ngàn người Thượng đã chạy qua Thái Lan tị nạn khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Mondolkiri cuối năm 1979, hơn 200 binh sĩ Dega sau đó được sang Hoa Kỳ tị nạn và 800 người Stiêng được Pháp nhận vào Guyane (Trung Mỹ) năm 1986. Lực lượng Dega còn lại phân tán thành nhiều toán nhỏ sống lẫn vào dân chúng trong các buôn làng xa xôi.
Phải giải thích dài dòng như vậy để thấy phong trào FULRO đã chết hẳn tại Việt Nam từ năm 1982, hơn 200 thành viên đã được đưa sang Hoa Kỳ tị nạn, ngày nay tất cả đều già hoặc chết nên không còn trọng lượng và thực lực nào. Mỗi khi có bạo loạn trên Tây Nguyên chính quyền cộng sản cứ lôi thây ma FULRO ra hù dọa để tăng cường sự không chế. Đây là một sai lầm cơ bản về lãnh đạo vì vô hình chung chế độ cộng sản làm sống lại tinh thần FULRO trong giới trẻ gốc Thượng trên Tây Nguyên : “FULRO đồng nghĩa với đấu tranh đòi tự do và bình đẳng với người Kinh”.
Tại hải ngoại, cộng đồng người Thượng tị nạn tại Mỹ có thành lập vài tổ chức mang tên FULRO nhưng không có nhiều thành viên, họ chỉ hỗ trợ tiền và hiện vật giúp đỡ người thân trong nước. Những tổ chức này (Montagnard Foundation Inc-MFI, Montagnard Human Rights Organization-MHRO, Montagnard Dega Association-MDA, “Unified Montagnards Protestants”-UMP, Dega Central HighLands Organization-DCHO) không có thực lực do đó không đủ khả năng để giật bất cứ sợi dây bất mãn nào của người Thượng trong nước. Cái nguy hiểm là những thành phần trẻ gốc Thượng vẫn còn nuôi dưỡng giấc mơ đấu tranh bạo động để giành lại những gì bị tước đoạt (đất đai và tín ngưỡng) để chế độ cộng sản lấy cớ đàn áp và khống chế mạnh hơn cộng đồng người Thượng trong nước.
SC: Theo ông, vì sao khu vực Tây Nguyên luôn luôn là điểm nóng từ nhiều năm nay, đỉnh điểm là các cuộc biểu tình lớn, nhỏ suốt những năm 2001-2004, 2008 và bị đàn áp dữ dội?
GT, TS NVH: Sở dĩ Tây Nguyên luôn là điểm nóng của nhiều cuộc xuống đường bạo động đòi tự do tín ngưỡng và quyền sống là vì chính quyền cộng sản không có một chính sách phát triển cộng đồng thích hợp. Cộng đồng người Thượng trên Tây Nguyên vẫn là đối tượng phân biệt đối xử và trấn áp khi cần. Chỉ những người Thượng có liên hệ hay mua chuộc chính quyền cộng sản được hưởng đầy đủ những quyền lợi như người Kinh (Việt), số còn lại sống dưới mức nghèo khó theo tiêu chuẩn quốc tế (dưới 2 USD/ngày). Hiện tượng dễ nhận thấy nhất trên Tây Nguyên là hố cách biệt giàu nghèo giữa cộng đồng người Thương và người Kinh, qua nhà cửa, cách ăn mặc và phương tiện đi lại.
Dưới chế độ cộng sản có 3 cuộc biểu tình của người Thượng gây chú ý trong dư luận quốc tế và quốc nội, đó là những năm 2001, 2004 và 2008 tại Đắk Lắk (Ban Mê Thuột) chống chiếm đất, đòi tự do tôn giáo và được đối xử công bằng như người Kinh ; tất cả đều bị đàn áp trong bạo lực, nhiều người đã bị bắt và bị xử những bản án rất nặng nề.
– Biểu tình năm 2001, hàng chục ngàn người Thượng từ khắp nơi đã tiến vào trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột trên hàng trăm máy cày, máy kéo. Mỗi chiếc máy cày chở hàng chục người. Con số tổng cộng không đếm được nhưng phải đến hàng trăm ngàn người (BBC).
– Biểu tình năm 2004 (trong 3 ngày từ 10 đến 11/04) khoảng 30.000 người Thượng đã vào Buôn Mê Thuột, thủ phủ tỉnh Đắk Lắk, Pleiku (thủ phủ tỉnh Gia Lai) và Gia Nghĩa (thủ phủ tỉnh Đắk Nông) đòi trả lại đất đai, tự do tôn giáo và quyền tự trị.
Ngoài những cuộc xuống đường lớn, mỗi năm đều có những cuộc biểu tình nhỏ, đôi khi chỉ vài chục người đòi trả lại đất hay được tự do thờ phượng, nhưng tất cả đều bị giải tán trong bạo lực, bằng roi điện, dùi cui hay bị đánh đập.
Giải thích như thế nào ? Trong cẩm nang cầm quyền của chế độ cộng sản, không có cụm từ “thương lượng” và “hòa giải dân tộc”, chỉ có bạo lực. Thành phần lãnh đạo cấp địa phương đa số là thiếu học, do đó kiến thức có phần hạn hẹp, họ chỉ biết có Đảng (cộng sản) và phục vụ Đảng.
SC: Trước đây khi còn ở Việt Nam đi làm phim tài liệu liên quan đến các sắc dân bản địa ở Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung vào những năm 2000s, tôi đã nhận thấy văn hóa, bản sắc của các sắc dân bản địa dần dần bị “biến mất”: từ nhà cửa (nhà sàn chuyển thành nhà gạch, mái bằng như người Kinh), trang phục, lễ hội v.v… Còn ngôn ngữ thì chỉ có vài dân tộc bản địa có chữ viết như dân tộc Khmer, dân tộc Chăm… là còn được dạy, được học ngôn ngữ của mình bên cạnh việc học tiếng Việt. Trong nhiều năm, nhà nước Việt Nam đã thi hành chính sách “đồng hóa” dần dần về ngôn ngữ, phong tục tập quán cho tới “lấn sân” (như ở Tây Nguyên thì cho người Kinh–đa số là người Thanh Hóa, Nghệ An… lên định cư làm ăn sinh sống, đẩy dần đồng bào bản địa vào rừng sâu), hoặc lấy mất đất, mất rừng, tách các dân tộc bản địa ra khỏi khu vực mà tổ tiên ngàn đời của họ đã sinh sống… Ông nghĩ gì về tất cả những chính sách này?
GT, TS NVH: Tất cả những gì chị vừa nói đều đúng, có thể tập trung vào một câu : thiếu học thức. Những cấp lãnh đạo trên Tây Nguyên, từ trung ương đến địa phương chỉ có một trình độ sơ đẳng về công tác quản trị xã hội.
Phần lớn không biết gì và không hiểu gì về văn hóa và tập tục của người bản địa, tức cộng đồng người Thượng (cũng như cộng đồng người Chăm và người Khmer ở miền Nam). Hễ thấy cái gì không giống phong tục tập quán của người Kinh thì liền ra tay dẹp hay cấm. Thêm vào đó, Đảng cộng sản chỉ cử những thành phần trung kiên với Đảng và Nhà nước, gọi là “nguồn”, phần lớn xuất thân từ hai địa phương : Thanh Hóa và Nghệ An, vào lãnh đạo. Đảng viên lãnh đạo xuất thân từ hai tỉnh này chiếm đa số trong các chức quyền cả nước từ trung ương đến địa phương. Tác hại của sư ngu dốt trong việc điều hành đất nước xuất phát từ đây : cấm sinh hoạt đạo Tin Lành, cấm phổ biến ngữ phương của từng sắc tộc, cấm nghe giảng giáo lý qua internet…
SC: Lâu nay trong số người Việt chạy sang Campuchia, Thái Lan xin tỵ nạn, rất nhiều người thuộc các sắc dân bản địa như người H’mong, người Ê đê theo đạo Tin Lành, người Khmer theo đạo Phật v.v…Đàn áp tôn giáo là một chính sách xuyên suốt bao nhiêu năm nay của chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam, nhưng theo ông, họ có hà khắc hơn đối với đồng bào bản địa không và tại sao?
Người Thượng cầu nguyện nhân Ngày Quốc tế tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì lý do tôn giáo và niềm tin 22/8/2023 (Nguồn: Người Thượng vì Công lý).
GT, TS NVH: Do không có trình độ học vấn cao, nên sự hiểu biết rất hạn hẹp, những cấp lãnh đạo địa phương thường “xem mặt đặt tên” : thấy cộng đồng nào thật thà và hiền lành thì thắng tay đàn áp, chủ yếu là những chức sắc tôn giáo và tín đồ sắc tộc. Nếu quan sát kỹ ngoài xã hội, lực lượng công an và an ninh không dám động tới những tay giang hồ, anh chị. Nếu bị bắt buộc, họ phải huy động cả tiểu đoàn hay trung đoàn để bắt giữ một vài tay anh chị. Có thể nói Tây Nguyên hiện nay là đất dung thân của những tay tứ chiến giang hồ từ miền Bắc trốn chạy pháp luật vào đây chờ thời để tái xuất sau đó.
Hơn nữa, do nghèo khó hơn những cộng đồng người Kinh, những cán bộ công an và an ninh thường hà hiếp người Thượng cho bỏ ghét, vì không bòn rút được gì ở những người quá đói nghèo.
Thật ra chế độ cộng sản Việt Nam cũng chỉ rập khuôn cách cai trị và quản lý xã hội khiểu Liên Xô cũ, nay là Nga, và Trung Quốc. Các chế độ cộng sản không chấp nhận sống chung hòa bình với các tôn giáo, ngoài tôn giáo do chính họ nhào nặn ra và điều khiển.
SC: Chúng ta nói sang những dự án kinh tế như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận (đã tạm ngừng), dự án phá hơn 600 hecta rừng để làm hồ thủy lợi ở Bình Thuận sắp triển khai…Rất nhiều trí thức nhân sĩ, nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã phản đối và chỉ ra những thiệt hại to lớn của những dự án như vậy cả về kinh tế, thiên nhiên, môi trường, cho tới an ninh, quốc phòng của Việt Nam (khi có yếu tố nhà thầu nước ngoài). Còn đứng ở góc độ một người hiểu biết sâu về các sắc dân bản địa, theo ông tác động của những dự án như thế này đối với đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tâm linh của các cộng đồng người bản địa ra sao?
GT, TS NVH: Kiểm lại những công trình và dự án khai thác trên Tây Nguyên từ trước đến nay, chúng ta chỉ thấy sự ngu dốt bao trùm. Nguyên nhân sâu xa của những dự án qui mô trên Tây Nguyên là tiền, dự án càng lớn, càng tốn kém thì số tiền lại quả của những chữ ký cho phép thực hiện càng lớn bất chấp hiệu quả hay lợi ích mang lại.
Thử nhìn xem, không ai nghe nói số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra xây dựng những khu khai thác bauxite, xây đập, trồng cây công nghiệp trên Tây Nguyên đã đóng góp gì cho ngân sách quốc gia : chỉ có lỗ và lỗ, chỉ có trích tiền từ ngân sách nhà nước bù đắp lỗ lã. Thêm vào đó, những quan chức địa phương (cán bộ chính quyền, công an và quân đội) còn lợi dụng để khai thác gỗ và thú rừng quí hiếm để bán và cất làm của riêng.
Những đại dự án trên Tây Nguyên là những tai họa cho môi trường và đời sống của người dân, người bàn địa cũng như người nhập cư : đất đai ô trọc, núi đồi xoáy lở vào mùa mưa, thú rừng bị diệt chủng.
Khác với người Kinh, khi thiếu ăn thiếu mặc, cộng đồng người Thượng rất tự trọng, họ không van xin, không nài nỉ sự thương hại của bất cứ ai, họ lẳng lặng kéo nhau vào rừng sâu ăn côn trùng, đọt cây để cầm cự, hay chạy sang Campuchia hay Thái Lan lánh nạn. Mà nào đã được yên, Hà Nội vận động chính quyền Campuchia và Thái Lan không cho người Thượng tị nạn và yêu cầu trục xuất về lại Việt Nam.
SC: Theo ông, nhà nước Việt Nam cần phải có những thay đổi gì trong chính sách đối với các sắc dân bản địa?
GT, TS NVH: Cái bất hạnh của người Thượng nói riêng, và người Việt Nam nói chung, là bị đặt dưới sự cai trị hà khắc và ngu dốt bởi những người cộng sản không có trái tim và cũng không có bộ óc. Họ chỉ biết có họ, “còn Đảng còn mình”. Họ không quan tâm đến tương lai đất nước và quyền lợi của dân tộc Việt Nam.
Nếu chúng ta có những chính quyền bao dung và dân chủ như Canada, Úc, hay Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, thì cuộc sống và bộ mặt của đất nước dưới một chế độ dân chủ sẽ khác hẳn : phồn vinh và hạnh phúc.
Có quá bi quan cho tương lai dân tộc Việt Nam không? Tôi nghĩ rằng không. Người Việt Nam không xứng đáng bị vùi dập dưới đống tro tàn của chủ nghĩa cộng sản.
Chính lúc này chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về một chính sách dân tộc chung.
Nước Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một quốc gia còn rất mới. Miền Trung chỉ mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18 và cao nguyên miền Trung từ đầu thế kỷ 20. Dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai cũng như chủng tộc, tuy vậy tổ chức xã hội của Việt Nam lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và chỉ nhắm phục vụ người Kinh.
Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu tổ chức chính trị và văn hóa của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nhiều quốc gia đang và sẽ còn phải khốn đốn vì những cuộc nổi dậy cuồng nhiệt của các sắc tộc ít người vùng lên đòi bản thể. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là thượng du miền Bắc và cao nguyên miền Trung có thể trở nên bất ổn và không phát triển được.
Để tránh tình trạng đó xảy ra, Việt Nam trước hết phải được hiểu như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam, cộng đồng người Thượng có mặt từ lâu đời trên cao nguyên miền Trung phải được coi là những công dân Việt Nam trọn vẹn, được nhìn nhận và tôn trọng ngang nhau trước luật pháp cũng như trong tình cảm của mọi người. Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung.
Người Thượng trên cao nguyên, cũng như những sắc tộc khác, là những con người yêu chuộng nếp sống tự do giữa thiên nhiên, một chính sách dân tộc cho tương lai phải tăng cường yếu tố tự do đó chứ không phải để kềm chế nó. Vấn đề của mọi chính quyền Việt Nam là phải tìm cho ra một chính sách phát triển cộng đồng thuận tình hợp lý để hội nhập các cộng đồng thiểu số một cách trọn vẹn vào lòng dân tộc Việt Nam. Muốn được vậy, trước hết phải có tản quyền và muốn có tản quyền phải có dân chủ, một chính sách cộng đồng đứng đắn không thể có trong một chế độ độc tài không chấp nhận những tiếng nói khác biệt.
Chính vì thế chúng ta phải có một thái độ chính trị rõ ràng, đó là thực hiện tản quyền trên toàn lãnh thổ. Xin nhắc lại thực hiện tản quyền chứ không thành lập những vùng tự trị. Giải pháp thành lập những vùng tự trị cho các sắc tộc thiểu số, như người Pháp đã làm từ năm 1946, không còn khả thi nữa vì ngày nay người Kinh đã chiếm đa số trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tản quyền sẽ cho phép các sắc tộc có tiếng nói đáng kể trong các chính quyền địa phương.
Tản quyền khuyến khích các sinh hoạt chính trị tại mỗi địa phương, đem dân chủ tới mọi nơi cho mọi người, tránh được những thủ hành hành chánh nặng nề gây phức tạp cho sinh hoạt thường ngày, kích thích sinh hoạt văn hóa và báo chí địa phương, cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt kinh tế phù hợp nhất đối với đặc tính của mỗi vùng và nhờ đó mà phát triển. Tản quyền cho phép những khuynh hướng thiểu số, các tôn giáo và các sắc tộc ít người có trọng lượng đáng kể tại những địa phương mà họ hiện diện đông đảo có diễn đàn và phương tiện thực hiện những nguyện vọng của mình, do đó làm dịu bớt những tâm trạng bất mãn và các ý đồ đòi ly khai hay tự trị.
Tổ chức xã hội Việt Nam cũng phải được điều chỉnh lại. Đại nghị là chế độ chính trị lý tưởng nhất để thực hiện tản quyền, không những có thể phát triển đất nước một cách hài hòa mà còn đủ khả năng duy trì đồng thuận chung.
Về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng của người thiểu số phải được coi là thành phần của văn hóa chung của người Việt Nam mà nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ. Sự hiện diện của cộng đồng người Thượng trong lòng dân tộc Việt Nam còn rất mới và chính vì còn rất mới, chỉ từ 1954 đến nay, nên văn hóa của người Thượng vẫn còn xa lạ đối với phần lớn người Kinh. Lịch sử Việt Nam cũng phải được viết lại vì lịch sử của các sắc tộc đã hợp thành dân tộc Việt Nam phải được coi như là lịch sử chung của mọi người Việt Nam.
Về kinh tế, mục tiêu dài hạn của bất cứ chính quyền Việt Nam nào là tách dần cao nguyên miền Trung ra khỏi chức năng nông lâm nghiệp để tập trung vào chức năng du lịch. Phong cảnh và khí hậu của các vùng cao nguyên rất thích hợp cho nhu cầu tìm nơi nghỉ mát và du lịch của người đồng bằng, các công ty du lịch quốc tế cũng đánh gia cao tiềm năng mang du khách tới cao nguyên miền Trung, vì nơi đây còn nhiều vết tích của thời chiến tranh và cảnh vật rất đa dạng. Dịch vụ du lịch sẽ huy động một khối nhân lực lớn tại chỗ sống nhờ lượng du khách đông đảo, giảm bớt áp lực tìm đất trồng cây lương thực và công nghệ. Đất đai của các buôn làng bị chiếm hữu không có lý do chính đáng phải hoàn lại cho người thiểu số nhằm tránh những hiềm khích dân tộc vô ích. Chính quyền khuyến khích phong trào di dân gốc Kinh vào khai thác những vùng đất mới chưa có chủ nhân song song với việc phát triển hạ tầng cơ sở. Cao nguyên miền Trung không thiếu đất nhưng không vì thế để cho phong trào khai hoang mang dại diễn ra.
+ Chân thành cảm ơn ông.
Song Chi (thực hiện)