Mạch Sống, ngày 7/04/2013
Trong tuần tới đây, Liên Minh CAMSA sẽ leo thang cuộc vận động giải cứu cho 8 thiếu nữ Việt tiếp tục bị giam giữ ở Nga.
Một mặt, Liên Minh CAMSA đưa cô Danh Hui đến Quốc Hội điều trần vào ngày 11 tháng 4 này. Cô Hui là chị ruột của Huỳnh Thị Bé Hương, nạn nhân đầu tiên được giải thoát và hồi hương trong số 15 cô gái bị lường gạt và bán vào ổ mãi dâm ở Nga.
Đồng thời Thứ Sáu vừa qua Dân Biểu Ed Royce, Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, ngày Thứ Sáu vừa qua đã chuy ển cho Bộ Ngoại Giao Hoa K ỳ tài liệu của Liên Minh CAMSA về tình trạng buôn người ở Việt Nam, trong đó có hồ sơ của 15 nạn nhân ở Nga. Một phái đoàn của Bộ Ngoại Giao ngày thứ Hai sẽ lên đường đi Hà Nội để đối thoại nhân quyền với Việt Nam.
Ngoài ra, Dân Biểu Christopher Smith đang sắp xếp buổi điều trần ngày 18 tháng 4, tập trung thuần tuý vào vấn đề buôn người. Buổi điều trần này sẽ đặt vấn đề với Bộ Ngoại Giao về việc xếp hạng một số quốc gia, trong đó có Việt Nam và Nga, về nỗ lực phòng chống buôn người. Năm 2012, Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rút tên ra khỏi danh sách cần theo dõi mặc dù chưa làm gì để chứng tỏ thực tâm chống buôn người. Tháng 6 tới đây, Bộ Ngoại Giao sẽ phải nộp bản phúc trình cho Quốc Hội với bảng xếp hạng.
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên CAMSA, cho biết kế hoạch của CAMSA là sẽ giải thoát số 8 nạn nhân còn lại nội trong tháng 4 này.
Để đạt mục tiêu ấy, Liên Minh CAMSA bắt đầu leo thang tạo áp lực quốc tế lên Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nga.
“Chúng tôi muốn họ làm đúng trách nhiệm bảo vệ công dân thay vì bao che cho kẻ buôn người”, Ts. Thắng nói.
Trong số 8 nạn nhân còn kẹt ở Nga, cô Lê Thị Ngân Giang đã bị giam giữ ở ổ mãi dâm trên 4 năm. Cô là một trong 4 nạn nhân đã chạy thoát ngày 2 tháng 2 nhưng chỉ một tuần sau đó đã bị bắt lại.
Có hai nạn nhân là chị em ruột: Nguyễn Thị Mỹ Huê và Nguyễn Thị Mỹ Lan.
Hai n ạn nhân bị bà chủ nhà chứa Nguyễn Thuý An huỷ passport vì vi phạm kỷ luật: Trang Thị Diêu và Nguyễn Thị Kim Ng ân. Riêng cô Kim Ngân trước đây cũng đã có lần bỏ trốn; khi bị bắt lại, cô bị đánh đập dã man và cô bị bắt phải tự tay mình cắt nát passport để hoàn toàn mất đường về nước.
Ts. Thắng cho biết là sau buổi điều trần ngày 11 tháng 4, nếu các nạn nhân vẫn chưa được trả tự do và hồi hương trong an toàn, Liên Minh CAMSA sẽ bắt đầu công bố thêm chứng cớ cho thấy sự dan díu giữa một số giới chức ở Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nga với ổ mãi dâm nơi các nạn nhân đang tiếp tục bị giam giữ.
Danh sách các nạn nhân đã hồi hương:
Huỳnh Thị Bé Hương, quê ở Kiên Giang, sinh năm 1988, hồi hương ngày 02/03/2013
Nguyễn Phạm Thái Hà, quê ở Kiên Giang, sinh năm 1996, hồi hương ngày 07/03/2013
Phạm Thị Bé Trang, quê ở Đồng Tháp, sinh năm 1989, hồi hương ngày 18/03/2013
Nguyễn Thị Ngọc Nhàn, quê ở Trà Vinh, sinh năm 1990, hồi hương ngày 18/03/2013
Lê Phạm Thu Thuỷ, quê ở Sàigòn, sinh năm 1994, hồi hương ngày 18/03/2013
Hà Thị Mỹ Duyên, quê ở Kiên Giang, sinh năm 1992, hồi hương ngày 26/03/2013
Lê Thị Kim Thoa, quê ở Tây Ninh, sinh năm 1991, hồi hương ngày 26/03/2013
Danh sách các nạn nhân đang tiếp tục bị giam giữ ở bên Nga:
Lê Thị Thu Linh, quê ở Kiên Giang, sinh năm 1990
Nguyễn Thị Mỹ Tiên, quê ở Trà Vinh, sinh năm 1990
Lê Thị Ngân Giang, quê ở Tây Ninh, sinh năm 1989
Phan Thị Hồng Thắm, quê ở Kiên Giang, sinh năm 1992
Trang Thị Diêu, quê ở Kiên Giang, sinh năm 1988
Nguyễn Thị Mỹ Huê, quê ở Cà Mau, sinh năm 1985
Nguyễn Thị Mỹ Lan, quê ở Cà Mau, sinh năm 1989
Nguyễn Thị Kim Ngân, quê ở Hà Nội, sinh năm 1988
Phỏng vấn của đài RFA về cuộc vận động Quốc Hội Hoa Kỳ: http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=om3f00XJbyE
Các bài liên quan: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&new_topic=28
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau bốn năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên 4 nghìn nạn nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia liên hệ.