Tìm Cơ Hội Ở Trường Đời

Minh Công

Bạn bè cùng trang lứa thường hỏi tôi làm thế nào để cơ hội đến với mình khi ra trường. Tôi hỏi lại, vậy bạn có đủ kiên nhẫn để chờ cơ hội đến hay không? Nếu không đủ kiên nhẫn thì hãy ra đường tìm cơ hội. Còn nếu bạn có đủ kiên nhẫn, cũng hãy cứ bước ra ngoài, vì tôi cho rằng, nếu bạn chịu bước ra ngoài, thì khả năng nắm bắt cơ hội của bạn đã được tăng lên gấp bội phần. Ở cái thời hoàng kim của Internet này thì việc vào mạng cũng có thể thay thế bằng ra đường tìm cơ hội.

Để có cơ hội tốt trong tương lai, bạn trẻ nên thử sức ngay bây giờ với những việc dù nhỏ hay không đem lại lợi ích tài chính cho bản thân. Đi làm thêm, hoạt động tình nguyện, hay tham gia sinh hoạt cộng đồng, v.v. đều là những công việc, những hoạt động hết sức có ích cho bạn vì nó giúp bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, tích lũy vốn sống và làm việc tập thể một cách hữu hiệu. Bên cạnh đó, nó vừa đánh dấu những điểm mốc trong hồ sơ cá nhân của bạn hay có thể là những bước nhảy khi xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình sau này. Nói một cách khác, bạn hãy tìm kiếm cơ hội để tham gia vào các hội đoàn địa phương nơi mình cư ngụ hoặc trong trường đại học để giúp sức cho cộng đồng và trở thành một thành viên tích cực trong xã hội.
Bản thân tôi, hồi còn học tại trường đại học George Mason, đã đi làm thêm tại văn phòng quản lý du học sinh của trường, và tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa dành riêng cho các học sinh đến từ các quốc gia khác nhau tại trường này. Lúc đó tôi chưa nghĩ được nhiều như bây giờ, chỉ thấy tham gia thì vui và có ý nghĩa. Giờ nghĩ lại mới thấy bạn bè còn nhớ mình là vì vậy mỗi khi kể lại đều thấy bồi hồi xen chút tự hào.

Hồi đó, tôi vừa đi học, vừa đi làm thêm 2, 3 công việc bán thời gian trong suốt những năm đại học. Những công việc làm thêm ấy giúp tôi có thêm nhiều bạn mới, có thêm nhiều người biết đến tôi hơn, cũng giúp cho cuộc sống của tôi tạm ổn để trang trải tiền học phí và sách vở mặc dù tôi không cần vay tiền (loan) hay xin tiền học của chính phủ (financial aid). Các kỹ năng làm việc cũng từ đó mà dần được hình thành.

Ngay khi còn đi học, các bạn trẻ cũng nên tìm cơ hội việc làm thông qua gia đình, người quen, và có thể là từ thầy cô giáo trong trường. Đó là những nguồn thông tin việc làm (networking) quý giá mà có thể bạn không ngờ tới. Hồi sinh viên năm thứ 3 đại học, tôi từng được giáo sư dạy mình giới thiệu làm thực tập viên (internship) cho Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển hay còn gọi là BPSOS. Không phải làm tình nguyện viên (volunteer) mà làm trong 4 tháng (không lương) như một nhân viên thực thụ của văn phòng. Tôi giúp mọi người phiên dịch, xử lý văn bản, giấy tờ cho các chương trình, rồi kiêm cả chuyên gia máy tính nữa khi các anh chị cần giúp.

Đó là một cơ hội tuyệt vời để tôi vận dụng kiến thức chuyên môn đã học trong trường đồng thời bổ sung thêm những kỹ năng mà tôi còn thiếu. Sau khi tốt nghiệp ra trường, chính nhờ những mối quan hệ từ quãng thời gian làm thực tập viên mà tôi đã xin được một công việc toàn thời gian tại chính văn phòng BPSOS.

Khi đi xin việc làm, tôi để ý thấy là người phỏng vấn thường đặt câu hỏi về các hoạt động ngoại khóa, các kỹ năng công việc mà ứng viên từng làm. Từ chính kinh nghiệm của bản thân mình tôi đã nhận thấy, những người xin việc thành công thường là những người biết hoạt động, làm việc theo nhóm và có kinh nghiệm làm việc ngay từ khi còn đi học. Ngược lại dù có học giỏi trong trường đến đâu, nếu bạn không có kinh nghiệm thực tiễn, không biết cách làm việc phối hợp (teamwork) thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn tìm kiếm việc làm, nhất là khi nền kinh tế Mỹ chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Bên cạnh việc rà soát và tận dụng các cơ hội từ gia đình, bạn bè, người quen, bạn có thể tiến thêm bước nữa: tìm kiếm thông tin tuyển dụng qua các phương tiện thông tin đại chúng và Internet. Những điều này không cần phải đợi sau khi học xong mới tiến hành mà trái lại, làm càng sớm càng tốt. Đây là lúc bạn cần suy nghĩ xem công việc hoặc ngành nghề nào hợp với khả năng của bạn. Mặc dù chưa chắc gì bạn sẽ ăn đời ở kiếp với công việc ấy, nhưng hãy nhìn nó với một cái nhìn chín chắn và tự tin.

Cũng cần nói thêm về khả năng của bạn. Hãy dành thời gian nghĩ về mình vì “biết người ta biết, trăm trận trăm thắng”. Hãy xem điểm mạnh của mình là gì? Công việc nào phù hợp nhất với tài năng của bạn? Bạn yêu thích cái gì nhất? Tại sao bạn lại chọn ngành nghề đang học? Hãy tự tưởng tượng bản thân bạn sẽ thích làm gì trong tương lai 5-10 năm nữa và hỏi bản thân là mong muốn đạt được gì trong cuộc sống ấy?

Lấy tôi làm ví dụ nhé. Tôi làm việc cho BPSOS về chương trình hỗ trợ các bác cao niên trong cộng đồng sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Vì sao tôi lại thích làm việc cho BPSOS? Tính tôi thích đọc sách, thích viết, thích học hỏi và nghiền ngẫm nhiều thông tin mới mẻ. Được giao tiếp và học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ những bậc cao niên, tôi có thể ngồi cả buổi mà không chán. Mình chọn việc rồi dần dần việc nó sẽ chọn mình. “Hai đứa” thích nhau, chọn nhau, thế là có thể nói bạn có được một cơ hội tốt rồi đấy.

Tôi không hẳn là một người thành công trong cuộc sống, cũng không giàu sang gì. Tôi viết như thể bạn đang ngồi trước mặt tôi vậy, lời tâm tình của một người trẻ với một người trẻ khác, của một người đã gặp cơ hội tốt với một người sẽ gặp cơ hội tốt hơn. Vì thế nếu bạn có suy nghĩ nào khác, hãy chia sẻ với tôi.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

 

Viết một bình luận