Xin Nhớ Điền và Gởi Đi Bản Thống Kê Dân Số

Tâm Việt

Đúng như chúng tôi đã thông báo trong bài báo trước, Mẫu 125 Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ 2010 (Official 2010 Census Form) đã được gởi tới mỗi đơn vị gia cư ở trên lãnh thổ Hoa Kỳ và 50 tiểu bang trong vòng mấy ngày qua. Đây là một công tác qui mô và vĩ đại vì dân số Hoa Kỳ hiện là 308 triệu người và con số đơn vị gia cư chắc cũng đến trên 100 triệu là ít. Để gởi 100 triệu lá thư này, kèm theo mẫu Thống Kê Dân Số, Sở Thống Kê Dân số Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau) cũng đã phải mất khoảng 44 triệu đô la mỗi lần gởi.

Sở dĩ Sở Thống Kê Dân Số phải chi tiêu như vậy là vì Hiến Pháp Hoa Kỳ có một điều khoản đòi hỏi cứ 10 năm thì nước Mỹ phải thực hiện một cuộc thống kê dân số một lần. Như vậy, từ khi người Việt ồ ạt sang định cư ở xứ này, chúng ta đã có 3 lần thống kê dân số như thế: các năm 1980, 1990, và 2000.

Năm nay là lần thống kê dân số lần thứ 4 chúng ta sẽ trải qua ở xứ này.  Chỉ có những kết quả thống kê dân số mỗi 10 năm này là được xem là những con số chính thức. Giữa những lần thống kê như thế, chúng ta sẽ không có những con số chính thức mà chỉ có những con số ức đoán hoặc dự phóng mà thôi.

Tỷ dụ, có người ước đoán dân số người Mỹ gốc Việt hiện có khoảng 2 triệu người nhưng thực ra, con số chính thức thấp hơn thế nhiều, có lẽ chỉ khoảng 1,5 triệu vì theo lần Thống Kê Dân Số năm 2000, dân số người Mỹ gốc Việt chưa đầy 1,3 triệu.

Cần đếm cho thật đủ (Complete count)

Có người cho rằng sở dĩ con số chính thức đó thấp là vì người Việt ở Mỹ chưa có thói quen tham gia đầy đủ trong các cuộc thống kê dân số. Vì vậy nên dễ bị vấn đề “undercount” (tức được tính nhưng không đủ) do nhiều lý do như: không gởi mẫu thống kê về, ngại khai đúng sự thật, giấu đi những người ở lậu, ở bất hợp pháp, v.v.  Thật ra, dân tộc thiểu số nào ở Mỹ, nói chung, cũng đều gặp vấn đề này. Và khi làm tổng kết, Sở  Thống Kê Dân số vẫn thường có thói điều chỉnh bằng cách nâng con số chính thức lên bằng một tỷ lệ nào đó, đôi ba phần trăm, chẳng hạn.

Nhưng làm như thế là không khoa học nên không có gì có thể thay thế được một sự đếm cho thật đầy đủ (mà tiếng Mỹ gọi là “Complete count”).  Do biết là có người nghi ngại nên Sở Thống Kê Dân Số, trong các thông tin đưa ra ngoài, thường nhấn mạnh vào sự kiện là luật Mỹ cấm ngặt việc tiết lộ những kết quả riêng tư được khai trong mẫu  Thống Kê cho các cơ quan khác trong chính quyền, tỷ như Sở Thuế Vụ (IRS), Sở Di Trú (INS) hay Bộ Nội An (Department of Homeland Security), chẳng hạn. Những kết quả Thống Kê chỉ được dùng vào những mục đích của Sở Thống Kê Dân Số, như tính các con số thống kê về dân số, về thang tuổi tác, về trình độ học vấn của các nhóm, lợi tức trung bình hay đổ đồng, về các ngành nghề, về mức sở hữu nhà cửa hay xe hơi, v.v.

Ai đi dùng những số liệu được tiết lộ trong các mẫu Thống Kê cho những mục đích không chính đáng, nhắm vào cá nhân, chẳng hạn, thì có thể bị đi tù nhiều năm.  Bởi những dữ liệu cá nhân này sẽ được bảo vệ trong một thời gian là 70 năm trời.

Các số liệu thống hê dân số được dùng vào việc gì?

Lý do cần có những số liệu thống kê chính xác về dân số trên khắp nước Mỹ là:
–  Để quyết định số đơn vị bầu cử trên toàn quốc và trong các địa phương. Luật Mỹ, chẳng hạn, qui định là cứ ở đâu có 50.000 cử tri (người trên 18 tuổi và có quyền đi bầu) thì ở đó có thể lập một đơn vị bầu cử cho một dân biểu liên bang (tỷ dụ, như trường hợp Dân Biểu Cao Quang Ánh hay hai dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn ở Cali và Hubert Võ ở Texas).

 –  Để quyết định ở đâu có đủ dân số học sinh mà lập trường trung hay tiểu học.

–  Để tính ở đâu thuận tiện nhất cho việc lập một nhà thương hay một khu thương xá (“shopping mall”).

–  Cũng như để quyết định về số tiền trên 400 tỷ đô la mà chính phủ liên bang hàng năm chia ra cho các tiểu bang nhằm giúp vào các chương trình y tế, học đường, đường sá, xây cất nhà cửa, dịch vụ xã hội, v.v.

Chính vì lý do đó mà các trang quảng cáo hay những màn video ta trông thấy trên TV về Thống Kê Dân Số năm nay (2010 Census) kêu gọi sự hợp tác của tất cả chúng ta, hãy chịu khó bỏ ra 10 hay 15 phút điền cho hết mấy trang người ta hỏi về gia đình mình hay nơi mình cư trú. Vì không ai có thể biết ta bằng ta nên Sở Thống Kê Dân số mong đợi được sự tiếp tay trực tiếp và chân thành của tất cả chúng ta.

Chừng nào điền các mẫu Thống Kê dân số

Sở Thống Kê Dân số đôi khi làm cho ta phân vân vì một đằng họ kêu gọi ta điền ngay sau khi nhận được, một đằng lại nói là mẫu Thống Kê là nhằm biết tình hình của hộ nơi ta ở vào ngày 1 tháng 4, 2010.  Nếu ta mau mắn làm ngay và gửi đi liền thì chắc chắn là những dữ kiện ta ghi trong đó không thể là đúng vào ngày 1 tháng 4, 2010, được.  Vậy tốt hơn cả là ta nên bắt đầu điền ngay mẫu Thống Kê khi nhận được nhưng để đó ít bữa để có thể xem lại, kiểm chứng cho thật chính xác trước khi gởi đi vào ngày 1 tháng 4 hay liền ngay sau đó.

Làm như vậy, ta sẽ tránh khỏi bị có người đến gõ cửa để hỏi xem ta đã điền mẫu thống kê dân số chưa, rằng ta có cần giúp đỡ không, hay tệ hơn nữa, nếu họ không gặp được ta thì sẽ đi hỏi hàng xóm (một điều tối kỵ vì làm sao hàng xóm ta có thể biết rõ ta bằng ta được). Đó là cái rủi ro của người nào hay nhà nào không chịu mau mắn trả lời cái mẫu thống kê sau khi nó được gởi đến nhà.

Vậy là những công dân (thậm chí cả những người chưa cả làm công dân xứ này, như du học sinh, chẳng hạn) mới, ta nên làm gương cho con em chúng ta thượng tôn luật pháp của xứ này bằng cách sốt sắng trả đáp những mẫu thống kê dân số và mau mau gửi về cho Sở Thống Kê Dân Số trong những phong bì mà họ đã cung cấp sẵn cho ta.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

 

Viết một bình luận