Mạch Sống, ngày 30 tháng 10, 2012
Theo dự đoán của tổ chức BPSOS, từ giờ đến cuối năm, phần lớn trong số 84 giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn ở Thái Lan và Mã Lai sẽ lên đường định cư ở một quốc gia tự do.
“Theo dự đoán của chúng tôi, tổng số định cư trước cuối năm nay sẽ là 50-55 người”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, phát biểu.
BPSOS là tổ chức duy nhất của người Việt ở hải ngoại can thiệp và bảo vệ quyền tị nạn cho hàng trăm đồng bào chạy sang lánh nạn ở Thái Lan từ đầu năm 2007 đến giờ. Phần lớn họ là những người đã từng đứng lên tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và công lý, và vì vậy đã phải gánh chịu sự đàn áp của chế độ cộng sản.
“Nhiều người trong số họ đã bị tra tấn, tù đày, truy bức,” Ts. Thắng giải thích.
Theo Ông, chính vì mang sẵn tinh thần tranh đấu, những người đi lánh nạn này vẫn tiếp tục tranh đấu trong thời gian trú ẩn ở Thái Lan hay Mã Lai và sau khi đến được bến bờ tự do.
Các thành quả hoạt động bảo vệ đồng bào tị nạn được tóm tắt qua video: http://youtu.be/ixo1younraM
Bài liên quan: Thêm 8 giáo dân Cồn Dầu sắp được sang Mỹ định cư
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/8-con-dau-fellows-head-to-us-tt-10292012140906
Các giáo dân Cồn Dầu là trường hợp điển hình. Ngay khi gia đình giáo dân Cồn Dầu đầu tiên đi định cư vào tháng 5 vừa qua, họ đã lên tiếng với báo chí và đài truyền hình nhằm tố cáo chính sách cướp đất, xoá đạo của chính quyền Đà Nẵng.
Đợt này tiếp nối đợt khác, các giáo dân Cồn Dầu đi định cư đều đã nhanh chóng nhập cuộc tranh đấu. Những thanh niên và thanh nữ lớn lên trên đồng ruộng đã sớm trưởng thành để trở thành những nhà tranh đấu có bản lãnh. Họ chia nhau đến với các cộng đồng người Việt ở nhiều nơi trên đất nước Hoa Kỳ để nói lên tình trạng đàn áp ngày càng khốc liệt ở Việt Nam và kêu gọi bảo vệ cho những nạn nhân đang lánh nạn, phần lớn ở Thái Lan và một số nhỏ ở Mã Lai.
“Cộng đồng người Việt ở hải ngoại đang có thêm nhiều chục nhà tranh đấu đầy tâm huyết,” Ts. Thắng nhận định. “Họ không những tranh đấu để bảo vệ sự toàn vẹn của Giáo Xứ Cồn Dầu mà còn tranh đấu cho dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung.”
Tháng 7 năm 2010, BPSOS cùng với một số thân nhân ở Hoa Kỳ của các giáo dân Cồn Dầu phát động chiên dịch “Cứu Cồn Dầu” với ba mục tiêu: (1) bảo vệ cho số giáo dân chạy thoát ra khỏi Việt Nam; (2) đẩy lùi sự đàn áp của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào thành viên của Giáo Xứ Cồn Dầu; và (3) bảo vệ sự vẹn toàn lâu dài của Giáo Xứ Cồn Dầu.
Theo Ts. Thắng, đến nay mục tiêu thứ nhất gần như hoàn tất: 60 trên 84 người đã được xét là tị nạn và đã hoặc đang chờ định cư. Ông cho biết là tháng 2 sang năm sẽ có một buổi họp mặt của các giáo dân Cồn Dầu vừa đến từ Thái Lan cùng với thân nhân ở Hoa Kỳ của họ để bàn kế hoạch tranh đấu cho năm 2013. Dự trù buổi họp này sẽ có sự tham dự của một số nhà tranh đấu khác cũng vừa đến Hoa Kỳ định cư.
“Chính các nhân chứng sống sẽ trực tiếp lên tiếng với Quốc Hội Hoa Kỳ và thế giới về tình trạng đàn áp tôn giáo, các hình thức tra tấn và ép cung, chính sách cướp đất, hành động bạo lực của công an và nhiều nữa,” Ts. Thắng nói. “Ngoài việc trợ giúp và bảo vệ, chúng tôi còn nuôi dưỡng ý chí, huấn luyện kỹ năng, và phối hợp hoạt động cho những người có tâm huyết tranh đấu.”
Trong thời gian 4 năm qua, BPSOS đã cung cấp sự can thiệp pháp lý cho 360 đồng bào lánh nạn ở Thái Lan và Mã Lai; trợ giúp 153 nghìn Mỹ kim về đời sống cho trên 100 đồng bào; và tổ chức các lớp học cho khoảng 60 người lớn và trẻ em. Đồng thời BPSOS cũng tạo điều kiện và phương tiện để một số nhà tranh đấu tiếp tục công việc tranh đấu của họ.
BPSOS thiết lập trang blog để những ai quan tâm có thể đọc các thông tin cập nhật về hoạt động bảo vệ đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan: http://bpsosrcs.wordpress.org/.
Dưới đây là một số sinh hoạt của các giáo dân Cồn Dầu vừa đến Hoa Kỳ định cư tị nạn.
Hiện có khoảng gần 900 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.
Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:
BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – U.S.A.