TPP: Chống mà không chống

Việt Nam vào TPP: Cho, không cho, hay là…

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 12 tháng 5, 2015

http://machsongmedia.com

Tuần rồi phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hội ý với 14 nhân sự đại diện cho các tổ chức xã hội dân sự khác nhau ở Việt Nam ,trước cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 19 với chính quyền Việt Nam ở Hà Nội. Khi vị trưởng phái đoàn Hoa Kỳ thăm dò ý kiến về việc cho Việt Nam tham gia TPP thì có 5 người ủng hộ, 8 người chống và 1 người không ý kiến. Sự bất đồng quan điểm này, theo tôi, là điều tốt và không ảnh hưởng gì tai hại đến công cuộc vận động nhân quyền đang diễn ra.

Nội việc phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gắn liền vấn đề nhân quyền với cuộc thương thảo TPP tự nó là một chỉ dấu tốt, mà chỉ cách đây 2 năm hoàn toàn không xảy ra.

Cài nhân quyền vào TPP

Tình trạng này khác hẳn so với đầu năm 2013, khi BPSOS phát động cuộc tổng vận động kéo dài hai năm 2013-2014 để cài điều kiện nhân quyền vào TPP. Lúc ấy Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ mới chỉ nói đến nhân quyền nhưng chưa cài nó vào TPP; ngay cả người Việt ở trong và ngoài nước cũng chưa để ý gì nhiều đến những diễn tiến quanh TPP. Nay thì vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trở thành nổi bật mỗi khi TPP được nhắc đến.

Thứ Sáu vừa rồi, khi đến Oregon để vận động cho TPP, Tổng Thống Barack Obama nêu đích danh Việt Nam để chứng minh rằng TPP sẽ cải thiện quyền của người lao động: “Dưới thoả thuận này, Việt Nam thực ra lần đầu tiên sẽ phải nâng các tiêu chuẩn lao động, phải ấn định mức lương tối thiểu, phải thông qua luật an toàn nơi làm việc để bảo vệ công nhân, và còn phải bảo vệ quyền tự do của người lao động về thành lập nghiệp đoàn, điều xảy ra lần đầu tiên… Và nếu Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trong thương ước này không hội đủ các đòi hỏi ấy, họ sẽ phải đối mặt các hậu quả đáng kể. Nếu bạn muốn tham gia thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thương ước, bằng không thì ở ngoài; nếu bạn vi phạm các quy tắc thì sẽ chịu hậu quả.” (Phát biểu ở Oregon, 8 tháng 6, 2015)

TNS Jeff Merkley đề nghị hoãn biểu quyết về TPA, ngày 12/05/2015

 

Hôm qua, nữ Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ, Massachusetts) cũng đưa Việt Nam ra làm dẫn chứng để phản bác lại Tổng Thống Obama (Phỏng vấn với Yahoo News, ngày 11 tháng 6, 2015). Bà Warren dẫn đầu phe chống TPP ở Thượng Viện Hoa Kỳ.

DB Sanders Levin (Dân Chủ, Michigan), người dẫn đầu phe chống TPP ở Hạ Viện, cũng nêu dích danh Việt Nam trong bản hướng dẫn về những khiếm khuyết của TPP: “Việt Nam trưng dẫn cho chúng ta thách thức lớn nhất từ trước đến giờ về việc đáp ứng thoả đáng các điều kiện [về quyền lao động]. Trong khi Hành Pháp đang đàm phán với Việt Nam về các vấn đề này, thành viên của Quốc Hội và cố vấn của họ thuộc các nhóm quan tâm vẫn chưa thấy một bản đề nghị nào để đối phó những vấn đề trọng yếu này. Hành Pháp cũng chưa cam kết gì về việc bảo đảm rằng các thay đổi về luật và lệ sẽ được thực hiện [bởi Việt Nam] trước khi Quốc Hội biểu quyết [về TPP] — hoặc kể cả trước khi TPP có hiệu lực.” (Tài liệu hướng dẫn “Right Track for TPP Act of 2015”)

Khi vấn đề quyền lao động ở Việt Nam được cả hai phía đưa lên bàn mổ, thì chính quyền Việt Nam có chạy đường nào cũng không thoát.

Mũi nhọn thứ hai

Quyền lao động là trọng tâm của cuộc tổng vận động 2013-2014. Mục đích của chúng tôi là tranh thủ cánh tả của Quốc Hội: Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ chỉ là thiểu số ở cả Hạ Viện và Thượng Viện trong nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 114 này. Hiện nay có khoảng 150 dân biểu và xấp xỉ 40 thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ chống TPP.

Giữa năm 2014, chúng tôi bắt đầu mở thêm mũi nhọn tự do tôn giáo, nhắm vào cánh hữu của Quốc Hội: Các dân biểu và thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hoà. Hiện nay, chỉ cần khoảng 70 dân biểu và 5 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hoà chống TPP thì đủ trói tay Hành Pháp Obama: Họ không đủ phiếu ở Quốc Hội để thông qua TPP. Hiện nay cũng gần đạt đủ số này.

Đạt và vượt qua túc số này là mục tiêu của cuộc tổng vận động ở Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 6 tới đây.

Chống mà không chống

Khi tôi dùng chữ “chống TPP” thì phải hiểu là “chống” văn bản TPP hiện nay chứ không phải là dứt khoát chống TPP cho đến cùng. Cũng vậy, mục tiêu của chúng tôi không phải là loại trừ Việt Nam ra khỏi TPP mà là đặt điều kiện để Việt Nam vào TPP.

Nội dung của TPP hiện chưa đặt nặng đúng mức vấn đề bảo vệ nhân quyền, để tránh tình trạng năm 2007 tái diễn: Sau khi tham gia vào WTO và tăng mậu dịch với Hoa Kỳ, Việt Nam mở chiến dịch đàn áp nhân quyền một cách thô bạo.

Hai khiếm khuyết lớn nhất của TPP hiện nay là:

(1) Không có cơ chế chấp hành, theo dõi và chế tài: Ngay cả trong lĩnh vực quyền lao động, tuy Hoa Kỳ đã đặt quyền lao động thành một điều kiện bất khả nhượng khi thương thảo với Việt Nam, văn bản TPP vẫn không có cơ chế nào để theo dõi việc thực hiện các cam kết, báo cáo vi phạm, và trừng phạt khi vi phạm.

(2) Một số quyền căn bản khác, như tự do tôn giáo, chỉ được nhắc đến qua loa: Không như quyền lao động, TPP chỉ đưa ra những lời khuyến cáo chứ không đặt thành điều kiện các quyền con người căn bản này.

Trong 6 tháng qua, chúng tôi ráo riết vận động để trám hai lỗ hổng này.

Trước cả TPP

Giờ đây nhiều người Việt ở trong và ngoài nước đang quan tâm theo dõi diễn tiến của TPP nhưng ít ai biết đến dự luật “tiền” TPP, nghĩa là phải được thông qua trước để mở đường cho TPP: Trade Promotion Authority (TPA).

TPA là đạo luật cho Tổng Thống Hoa Kỳ rộng quyền đàm phán các thương ước quốc tế và rồi Quốc Hội chỉ có quyền bỏ phiếu thuận hay chống chứ không được sửa đổi. Do đó, TPA còn được gọi nôm na là “Lối Đi Nhanh” (Fast Track).

Trong mấy tuần qua, chúng tôi đã làm việc với trên một chục văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ để vận động cài vào TPA một điều khoản ngoại lệ: Quốc Hội sẽ không có quyền sửa đổi thương ước đã ký kết ngoại trừ đối với những quốc gia vi phạm trầm trọng các nhân quyền căn bản, như tự do tôn giáo, buôn người, giam giữ tù nhân lương tâm. Với điều khoản ngoại lệ này, dù TPP đã hiệu lực nhưng nếu xét rằng Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền thì Quốc Hội vẫn có thẩm quyền để sửa đổi các điều khoản riêng đối với Việt Nam, như là chặn lại một số quyền lợi, kéo dài thời gian để Việt Nam hoàn toàn hội nhập TPP, v.v.

Tóm lại, kế sách của chúng tôi là vận động thay đổi văn bản TPP để cài thêm điều kiện nhân quyền mà Việt Nam phải cam kết và những cơ chế để theo dõi, kiểm soát, chế tài khi Việt Nam cam kết nhưng không thực hiện. Đồng thời chúng tôi vận động để đưa vào TPA điều khoản cho phép Quốc Hội Hoa Kỳ xiết chặt luật chơi nếu phát hiện rằng Việt Nam đang tìm kẽ hở để lách.

Nếu thành công, chúng tôi sẽ khoá chặt Việt Nam từ tứ phía.

Giải pháp trung đạo

Câu hỏi có-không của vị trưởng phái đoàn Hoa Kỳ đặt các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam vào thế phải chọn giữa trắng và đen, mà không có cơ hội để đưa ra một chọn lựa thứ ba. Thực ra, phái đoàn Hoa Kỳ hiểu rõ điều này vì trong nền dân chủ Hoa Kỳ người làm chính sách luôn luôn tìm giải pháp ở vùng không hẳn trắng mà cũng không hẳn đen.

Chọn lựa thứ ba là giải pháp trung đạo nhằm tạo ra một cơ chế TPP gồm 2 tầng: Tầng 1 dành cho những quốc gia đã sẵn sàng để tham gia toàn diện, và tầng 2 dành cho số nhỏ quốc gia chưa sẵn sàng, như Việt Nam. Quốc gia thuộc tầng 2 sẽ phải chịu nhiều sự kiểm soát khắt khe và chỉ được hưởng quyền lợi của TPP một cách tiệm tiến, tuỳ theo mức thoả đáng các điều kiện nhân quyền.

Nhưng chúng ta cần thời gian để thúc đẩy cho giải pháp trung đạo này. Kéo dài thời gian đang là chiến thuật của chúng tôi. Cuộc tổng vận động ngày 18 tháng 6 tới đây, nếu tranh thủ được thêm vài chục dân biểu và vài thượng nghị sĩ ủng hộ chúng ta, sẽ có tác dụng đẩy lùi việc hoàn tất đàm phán TPP đến cuối năm.

Hôm nay Thượng Viện sẽ biểu quyết là có đưa TPA ra để thảo luận hay không. Mấy ngày qua chúng tôi ráo riết vận động hoãn biểu quyết TPA để có thêm thời gian vận động cài điều khoản ngoại lệ. Nếu thành công, điều này cũng sẽ hoãn lại tiến trình hoàn tất đàm phán TPP.

Trong bối cảnh của giải pháp trung đạo kể trên, các lá phiếu “có” và “không” của các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam thực ra đều phù hợp. Đấy là thông điệp mà phái đoàn Hoa Kỳ đã nhận được qua buổi tiếp xúc với họ ở Hà Nội trong tuần qua.

 

Bài liên quan:

TPA: Thắng lợi bước đầu (16/04/2015)

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=3030

Thời điểm quyết liệt đã đến (16/12/2014)

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2987

Kế hoạch vận động 2013-2014 (16/05/2013)

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2671

 

Viết một bình luận