Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 31 tháng 12, 2013
Bài thứ hai trong loạt bài này dùng cuộc tranh đấu cho Xứ Đạo Cồn Dầu để minh hoạ một kế hoạch dài hạn. Khác với cuộc giải cứu 15 cô gái Việt bị buôn sang Nga được hoàn tất trong 2 tháng rưỡi, cuộc tranh đấu cho gần 2 nghìn giáo dân Cồn Dầu đã kéo dài hơn 3 năm rưỡi và vẫn tiếp tục.
Trong một kế hoạch dài hạn, thời điểm để đạt mục tiêu tối hậu có thể là vài ba năm. Chúng ta không thể chờ lâu như vậy để đánh giá tính hữu hiệu của kế hoạch, mà phải có những mục tiêu ngắn hạn hơn để thường xuyên lượng định tiến trình thực hiện kế hoạch và điều chỉnh phương án nếu cần thiết. Các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn vẫn phải hội đủ hai đặc tính:
(1) Thể hiện phúc lợi cho đối tượng phục vụ
(2) Cụ thể, đo lường được và có thời điểm
Trong toan tính giải toả trắng Xứ Đạo Cồn Dầu, ngày 4 tháng 5, 2010 chính quyền Đà Nẵng thẳng tay đàn áp giáo dân. Trên 100 người bị đánh đập dã man, trên 60 người bị đưa vào đồn công an tra tấn, và sau đó 7 người bị xử án. Những tuần sau đó, công an tiếp tục truy lùng, đánh đập nhiều giáo dân. Một giáo dân bị đánh đến chết. Trên một chục giáo dân Cồn Dầu chạy thoát sang Thái Lan trong đợt đầu. Sau đó số giáo dân Cồn Dầu lục tục sang Thái Lan lánh nạn tổng cộng lên đến trên 90.
Tháng 7, 2010 BPSOS đưa ra chiến dịch “Cứu Cồn Dầu”, với 3 mục tiêu:
(1) Các giáo dân Cồn Dầu không còn bị bạo lực từ chính quyền Thành Phố Đà Nẵng
(2) Tất cả giáo dân chạy thoát sang Thái Lan không bị hồi hương như lời đe doạ của chính quyền Thành Phố Đà Nẵng
(3) Xứ Đạo Cồn Dầu sẽ trường tồn
Các mục tiêu này thể hiện phúc lợi cho 3 đối tượng phục vụ: (1) số giáo dân đang đề kháng lệnh cưỡng chế, (2) số giáo dân chạy sang Thái Lan lánh nạn ngày càng tăng, (3) toàn thể xứ đạo của tất cả giáo dân, bao gồm người ở lại, người đi lánh nạn và người đã định cư ở những nơi khác hay quốc gia khác. Các mục tiêu này đều cụ thể, có thể đo lường được và có thời điểm.
Thời điểm cho mục tiêu thứ nhất là cuối năm 2010. Phương án là vận động áp lực quốc tế, nhất là Hoa Kỳ. Trong thời gian rất ngắn, chúng tôi đã tổ ch1ưc các cuộc điều trần ở Quốc Hội, sắp xếp để các phái đoàn điều tra đến tận Thái Lan hay tận Cồn Dầu để phỏng vấn nạn nhân, và tổ chức các buổi tiếp xúc giữa thân nhân và nạn nhân Cồn Dầu với Bộ Ngoại Giao, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, và các dân biểu và thượng nghị sĩ… Nhất cử nhất động của chính quyền Đà Nẵng nhắm vào giáo dân Cồn Dầu đều lập tức được báo động đến các giới chức LHQ và Hoa Kỳ. Trước sự theo dõi sát sao ấy, chính quyền Đà Nẵng đã ngưng dùng bạo lực dù vẫn tiếp tục sách nhiễu một số gia đình ở Xứ Đạo Cồn Dầu.
Thời điểm cho mục tiêu thứ hai là đầu năm 2012 – lúc ấy ít ra phải có một người Cồn Dầu đang lánh nạn ở Thái Lan đến Hoa Kỳ định cư. Toán trợ giúp pháp lý của BPSOS ở Thái Lan đã lập hồ sơ xin tị nạn cho tất cả các giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan lánh nạn. Đồng thời văn phòng BPSOS ở Hoa Kỳ vận động Cao Uỷ Tị Nạn LHQ để họ công tâm cứu xét cho các hồ sơ xin tị nạn này. Gần đúng với dự kiến, tháng 5 năm 2012, người đầu tiên trong số các giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan đã đến Hoa Kỳ định cư, xoá tan nỗi lo sợ của người dân Cồn Dầu còn ở lại hay đang lánh nạn ở Thái Lan: Lời hăm doạ của ông thành uỷ hung hãn nhất nước bị một tổ chức người Việt vô hiệu hoá. Đến nay hầu hết các giáo dân Cồn Dầu đều được xét là tị nạn và quá nửa đã đến Hoa Kỳ định cư.
Hai phương án kể trên, được chia thành 4 giai đoạn thực hiện kéo dài 2 năm rưỡi, đặt nền móng cho mục tiêu thứ ba: Xứ Đạo Cồn Dầu sẽ trường tồn.
Không như hai mục tiêu trước, thời điểm cho mục tiêu thứ ba trải dài từng ngày: Mỗi ngày mà Xứ Đạo Cồn Dầu còn tồn tại thì ngày ấy là một thành quả. Nói cách khác, cuộc đối đầu diễn ra từng ngày một và thắng lợi cũng đếm từng ngày một. Đến nay Cồn Dầu đã đứng vững 1.300 ngày.
Để đạt điều này, phương án của chúng tôi gồm hai phần. Thứ nhất là giúp cho các giáo dân Cồn Dầu vượt qua sự sợ hãi. Chúng tôi đã báo trước cho họ về từng giai đoạn của chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” và những thành quả dự kiến. Khi thấy tình hình diễn ra đúng như đã báo trước thì tinh thần và quyết tâm bảo vệ xứ đạo của họ ngày thêm vững vàng.
Thứ hai là dùng quốc tế vận để chặn việc sử dụng bạo lực. Cho đến nay các vấn đề tự do tôn giáo, chống tra tấn, đòi tài sản của công dân Hoa Kỳ, và quyền tự do văn hoá đã trở thành những nút chặn hiệu quả do có sự lên tiếng và can thiệp của quốc tế, nhất là LHQ và Hoa Kỳ. Các nút chặn khác đang được chuẩn bị: quyền môi sinh, quyền sức khoẻ, và quyền sinh kế.
Với các nút chặn ngày càng chồng chất và quyết tâm của giáo dân là bảo vệ xứ đạo đến cùng, chính sách cưỡng chế sẽ khựng lại khi không thể dùng bạo lực. Phương án này được trình bày trong một bài trước đây.
Tiến lên thì không được; đứng một chỗ càng lâu thì càng sa lầy vì sẽ:
(1) Tăng mâu thuẫn với chính quyền trung ương khi việc cưỡng chế Xứ Đạo Cồn Dầu ảnh hưởng đến cuộc thương thảo với Hoa Kỳ về TPP
(2) Tăng rủi ro bị phanh phui về tính bất hợp pháp của chính sách cưỡng chế
(3) Tăng rủi ro bị điều tra về tham nhũng trong quan hệ với nhà thầu
(4) Tăng triển vọng bị nạn nhân, trong đó cỏ cả công dân Hoa Kỳ, đòi bồi thường vì bị xâm phạm tài sản trái với luật quốc gia và luật quốc tế
(5) Tăng rủi ro nhà thầu và các nguồn đầu tư rút lui và thưa kiện vì lỗ nặng
Khi tiến không được mà đứng yên thì ngày càng tăng rủi ro, lùi bước sẽ là cách khôn ngoan để giảm thiệt hại.
Phương án cho năm 2014 của chúng tôi là thúc đẩy cho nhanh, sâu và rộng tiến trình sa lầy này, với 2 mục tiêu cụ thể, đo lường được, có thời điểm và thể hiện phúc lợi cho đối tượng phục vụ:
(1) Lệnh cưỡng chế đất sẽ được chính thức thu hồi — trường hợp đầu tiên vào giữa năm 2014
(2) Đất đã cưỡng chế sẽ được hoàn trả — trường hợp đầu tiên vào cuối năm 2014
(3) Qua bài này tôi minh hoạ thế nào là một kế hoạch trung hạn, kéo dài 3 đến 5 năm.
Trước khi hành động thì đã phải lập sẵn kế hoạch. Bất luận ngắn hay dài, đã gọi là kế hoạch thì phải có các mục tiêu và các phương án để đạt từng mục tiêu. Trong số các mục tiêu ấy phải có mục tiêu đủ ngắn hạn để kịp thời đánh giá tiến triển của kế hoạch, tránh tình trạng “sai một li, đi một dặm”.
Đó là thái độ cần thiết của người hoạt động cho một công cuộc liên quan đến nhiều người.