Ts. Nguyễn Đình Thắng
Nay tình hình đã tương đối ổn định đối với 3 người Việt bị cảnh sát Thái Lan bắt: Trương Quốc Huy, Phạm Mạnh Hùng và Lê Văn Quang. Vì vẫn còn đang làm việc với CUTN/LHQ về các hồ sơ này nên chúng tôi không thể đi vào chi tiết. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng nguy cơ bị dẫn độ đã được đẩy lùi. Bước kế tiếp là bảo đảm rằng CUTN/LHQ nhanh chóng hoàn tất thủ tục phỏng vấn tị nạn, và vận động cho những ai đã được xét là tị nạn sớm có quốc gia nhận định cư để thoát khỏi trại giam.
Việc cảnh sát Thái Lan bắt 3 người Việt vừa qua không ngưng ở đó. Trong 6 tháng qua, đã có nhiều trường hợp đồng bào lánh nạn đã nhận được những lời đe doạ qua điện thoại hay trực tiếp từ một số người lạ mặt nói tiếng Việt. Cũng đã có ít ra 2 trường hợp bị kẻ lạ theo dõi và đột nhập vào nhà đánh cắp máy điện toán, máy chụp hình, ổ cứng và các tài liệu. Chẳng hạn, anh Lê Văn Quang đã đổi chỗ ở khi nơi đang tá túc bị theo dõi. Nơi này sau đó đã bị kẻ lạ đột nhập, đánh cắp máy móc và tài liệu, và đập phá đồ đạc. Chúng tôi nghĩ rằng những điều xảy ra gần đây không ngẫu nhiên và đã cập nhật cho CUTN/LHQ về tất cả các sự việc này.
Dựa trên kinh nghiệm tích luỹ, chúng tôi xin lưu tâm đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan và những ai ở hải ngoại quan tâm đến số phận của họ những điều sau đây.
Đối với những đồng bào lánh nạn, chúng tôi nhắc nhở:
(1) Không nên xuất hiện bằng tên thật hay biệt danh mà ai cũng biết: Hễ còn ở Thái Lan là hãy còn hiểm nguy rình chờ. Do đó, nếu viết bài hay trả lời phỏng vấn thì nên dùng tên hiệu và tránh không đưa hình ảnh của mình ra công chúng. Một khi bị đưa vào trại giam thì dù không bị dẫn độ, đương sự vẫn bị vô hiệu hoá trong mọi hoạt động trong thời gian bị giam giữ.
(2) Không nên tụ tập đông người ở chốn công cộng. Cho dù không có kẻ gian chủ tâm hãm hại, nhiều khi chính người dân Thái, khi phát hiện người Việt lánh nạn, sẽ báo cho cảnh sát biết để đến bắt. Nếu phải họp hành đông người thì cần tìm các địa điểm kín đáo, tốt nhất là trụ sở của các cơ quan Thái hay quốc tế.
(3) Tránh di chuyển thành nhóm đông người mà nên sắp xếp người đi trước cách người đi sau một khoảng đủ để thấy nhau; nếu một người bị cảnh sát chặn bắt thì lập tức các người khác báo động cho nhau, cho CUTN/LHQ và cho văn phòng của chúng tôi ở Bangkok.
(4) Tránh tìm những nơi ẩn náu qua cùng một đường dây để tránh bị liên luỵ dây chuyền khi đường dây bị lộ. Nhiều người mới đến Thái Lan lánh nạn đã phải nhờ người đi trước mách bảo chỗ mướn nhà và nếu người này bị lộ thì mọi người cũng bị lộ theo. Trong trường hợp bất khả kháng phải nhờ người mách nơi mướn nhà, thì sau thời gian ngắn cần phải tự mình tìm nơi khác để đổi nơi ở.
(5) Luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng di chuyển: Dù là nơi nhà mình đang ở hay là nơi đang tụ họp, cần định hướng các lối thoát cửa trước, cửa sau, cửa hông và nơi ẩn mình nếu không thoát ra kịp.
(6) Luôn luôn giữ trong mình các số điện thoại để cấp báo trong trường hợp bị cảnh sát Thái Lan bắt. Trong phần lớn trường hợp, nếu CUTN/LHQ được báo động trong vòng vài tiếng đồng hồ và có quốc tế can thiệp trong vòng 48 tiếng thì nguy cơ bị dẫn độ sẽ giảm hẳn đi.
(7) Luôn luôn gởi sẵn hồ sơ xin tị nạn, kèm với hình ảnh và tài liệu hỗ trợ, cho một người hay tổ chức pháp lý tín cẩn giữ để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền can thiệp khi mình bị lâm nạn.
Các phái đoàn đến thăm đồng bào lánh nạn cũng cần thận trọng để tránh không gây thêm rủi ro cho họ:
(1) Tránh nhờ một người hay một nhóm người hướng dẫn cho cả chuyến đi thăm vì như vậy thì thông tin của nhiều người sẽ bị gom về một mối, rất nguy hiểm.
(2) Tránh nhờ một người hay một nhóm người phân phối quà cáp, tiền trợ giúp đến mọi đồng bào vì thông tin về mọi người cũng sẽ bị gom về một mối, rất nguy hiểm.
Từ năm 2007, khi những người Việt đầu tiên đến Thái Lan lánh nạn trước làn sóng đàn áp ở trong nước, BPSOS đã mỗi năm cử 3 hoặc 4 phái đoàn đến Thái Lan để hỗ trợ pháp lý và làm việc với các giới chức CUTN/LHQ, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ tị nạn của Thái Lan và quốc tế. Năm 2010, khi số người Việt lánh nạn vượt con số 500, chúng tôi mở văn phòng hoạt động thường trực ở Thái Lan.
Để giúp đồng bào đối phó với các hiểm nguy luôn rình chờ, toán hoạt động của BPSOS ở Thái Lan:
(1) Đã thuê luật sư nhân quyền Thái Lan để can thiệp trong trường hợp khẩn cấp.
(2) Đang gây quỹ để tuyển một luật sư có kinh nghiệm và nói rành tiếng Việt đến Thái Lan để thay thế luật sư tiền nhiệm đã trở lại Hoa Kỳ.
(3) Sắp gởi một trợ lý pháp luật đến Thái Lan trong khi chờ đợi có luật sư.
(4) Cung cấp laptop cho một số nhà hoạt động và trưởng nhóm tị nạn để giúp họ sinh hoạt và liên lạc với nhau và với chúng tôi mà không phải di chuyển.
(5) Thiết lập hệ thống báo động để khi một người bị lâm nạn thì lập tức có người khác báo động ngay cho chúng tôi biết.
(6) Tạo môi trường tương đối an toàn cho những đồng bào lánh nạn tụ họp khi phải tiếp xúc các tổ chức quốc tế.
(7) Lập hồ sơ pháp lý cho khoảng phân nửa số 900 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan.
(8) Lập trang bpsosrcs.wordpress.com để cung cấp các thông tin và hướng dẫn thiết thực cho đồng bào lánh nạn ở Thái Lan.
Để hỗ trợ cho toán hoạt động thường trực ở Bangkok, mỗi năm BPSOS cử 3 đến 4 phái đoàn chuyên gia từ Hoa Kỳ đến Thái Lan tiếp xúc với các giới chức của CUTN/LHQ, các toà đại sứ Hoa Kỳ và Canada, và các tổ chức bảo vệ người tị nạn. Mỗi chuyến đi về, các phái đoàn này làm việc trực tiếp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, một số văn phòng dân cử Liên Bang đặc trách vấn đề tị nạn, và văn phòng CUTN/LHQ ở HTĐ về chính sách bảo vệ người tị nạn nói chung hay để can thiệp từng hồ sơ cụ thể.
Chính sách của chính phủ Thái Lan hiện nay rất bất lợi cho người tị nạn. Thêm vào đó là sự gia tăng áp lực từ chính quyền Việt Nam. Theo kinh nghiệm, khi xảy ra một vụ bắt người theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam thì cần hành động gấp rút và đúng nơi, đúng cách nội trong 48 tiếng để ngăn chặn nguy cơ dẫn độ. Cho đến khi yên tâm là áp lực quốc tế đã vượt quá áp lực từ phía Việt Nam đè lên Thái Lan, sau khi đã hướng dẫn cho những đồng bào có thể bị liên luỵ kế hoạch phòng thân, chúng tôi mới lên tiếng công khai để báo động hay trấn an số đồng bào lánh nạn còn lại. Lên tiếng sớm hơn thì có thể chính là mách nước cho đối phương và tạo hoang mang không cần thiết cho đồng bào lánh nạn.
Đây không phải lần đầu tiên BPSOS đối phó với tình huống như vậy. Tháng 5 năm 2009, cảnh sát Thái cũng đã bố ráp ở nhiều địa điểm cùng lúc và bắt đi 4 vị sư cùng với khoảng 30 đồng bào Khmer Krom. Sau đó chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm đối đầu với cuộc dẫn độ người tị nạn về các quốc gia khác nhau. Chính quyền dân sự Thái không hoàn toàn kiểm soát được hành vi của quân đội; giới lãnh đạo quân đội Thái có khi đã thoả thuận riêng với những chính quyền khác và áp lực chính quyền dân sự phải nghe theo.
Riêng đối với 4 vị sư Khmer Krom kể trên, chúng tôi đã phối hợp với một tổ chức nhân quyền của người Khmer Krom. Sau khi tổ chức này đã sắp xếp xong kế hoạch, các nhà sư yêu cầu chính phủ Thái “dẫn độ” họ nhưng không phải về Việt Nam mà là về Cambốt. Công an Cambốt được huy động đến đón họ ở biên giới, và chắc chắn sẽ giải giao họ cho công an Việt Nam. Khi các vị sư này, đều mặc thường phục, vừa qua biên giới thì lập tức cả trăm người Cambốt cũng cạo trọc đầu đổ ập đến làm cho công an Cambốt không biết ai vào với ai. Nhân lúc lộn xộn, các vị sư đã được người hướng dẫn đi trốn. Sau 3 tuần ẩn mình, họ đã quay ngược trở lại Thái Lan. BPSOS đã chuyển tiền sẵn để đưa họ đến tạm trú ở những nơi an toàn trong thời gian đang làm việc chặt chẽ với CUTN/LHQ. CUTN/LHQ đã nhanh chóng công nhận tư cách tị nạn của cả 4 vị sư này và đưa họ đi định cư gấp rút ở các xứ Bắc Âu trong vòng vài tuần lễ.
Ai tham gia buổi điều trần ở Quốc Hội nhân ngày Vận Động Nhân Quyền Cho Việt Nam vào ngày 4 tháng 6 năm nay, thì đã gặp Sư Tol Danh, là một nhân chứng điều trần. Sư Tol Danh là một trong 4 vị sư kể trên.
Mỗi lần can thiệp, chúng tôi hành động một cách khác để tạo bất ngờ cho đối phương. Và yếu tố bất ngờ này chỉ có tác dụng khi hành động trong âm thầm.
Chúng tôi mong rằng mọi người trong chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ và giúp đỡ các đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan. Trong tinh thần ấy, khi họ lâm nạn, chúng ta phải hành động để can thiệp chứ không thể chỉ đưa tin, nhất là đưa tin nóng mà không có một chủ ý bảo vệ cho người lâm nạn hay hướng dẫn cho những đồng bào đang đứng trước hiểm nguy để tránh lâm nạn.
Trở lại với 3 người Việt vừa bị cảnh sát Thái bắt, họ đã thoát hiểm bị dẫn độ nhưng vẫn còn phải đối phó với những rủi ro về an ninh cá nhân khi còn ở Thái Lan, nhất là trong hoàn cảnh trại giam. Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát tình trạng của từng người trong sự phối hợp với CUTN/LHQ, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ tị nạn của Thái Lan và quốc tế.