Can Thiệp Cho 3 Đồng Bào Bị Bắt ở Thái Lan

BPSOS, ngày 17 tháng 12, 2013

Tuần qua, tin tức về 3 người Việt ở Thái Lan bị cảnh sát Thái bắt đã tạo hoang mang cho số 900 đồng bào đang lánh nạn ở quốc gia này. Nhiều người Việt ở hải ngoại đã bày tỏ mối quan tâm và lo lắng.

Chiều tối ngày 11 tháng 12, cảnh sát Thái bắt Trương Quốc Huy và Lê Văn Quang tại căn chung cư nơi hai anh đang tá túc. Cảnh sát Thái cũng đã hỏi chủ nhà người Thái về anh Đặng Chí Hùng, mà tên trên giấy tờ là Phạm Mạnh Hùng. Tuy nhiên anh Hùng đã chuyển đến ở một khu chung cư khác, cùng với gia đình anh Trần Quốc Hiền. Cả hai khu chung cư có cùng một chủ nhà.

Sáng hôm sau ông chủ nhà đã báo động cho anh Hùng để phòng thân.

Anh Hùng và anh Hiền đã cùng đến gặp luật sư của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ để xin sự bảo vệ. Tuy nhiên, luật sư bảo hai anh cứ yên tâm về nhà, không việc gì phải lo lắng. Khi bước vào sân của khu chung cư, cảnh sát Thái mặc thường phục đã bắt ngay anh Hùng, còng tay anh và đưa về phòng để lục soát. Cảnh sát cho biết là chỉ được lệnh bắt anh Hùng nên đã để yên cho anh HIền và gia đình.

Hiện nay hai anh Huy và Hùng đã bị đưa vào trại giam của sở di trú Thái Lan (IDC) còn anh Quang thì, theo nguồn tin chưa kiểm chứng được, đang phải làm lao động để đóng tiền phạt nhập cảnh bất hợp pháp.

Ngay khi anh Hùng bị cảnh sát bắt, BPSOS đã được một đồng bào trong nhóm giáo dân Cồn Dầu báo cho biết. Chúng tôi đã thực hiện ngay một số công việc như sau:

– Thông tin cho Cao Uỷ Tị  Nạn Liên Hiệp Quốc ở cấp cao nhất và yêu cầu can thiệp
– Thông tin đến bộ phận bảo vệ người tị nạn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đến Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan
– Phối hợp với các tổ chức bảo vệ pháp lý cho người tị nạn và các tổ chức nhân quyền ở Thái Lan để lên tiếng với chính phủ Thái

Ngày 16 tháng 12, chúng tôi đã truy ra được số IDC của hai anh Huy và Hùng và nhờ một người ngoại quốc đến IDC để thăm hai anh. Tuy nhiên người này mới chỉ thăm được anh Huy. Trại giam IDC cho biết là anh Hùng bị giam trong quy chế đặc biệt nên chỉ được thăm vào những giờ giấc nhất định. Người này sẽ trở lại để thăm anh Hùng nội trong tuần này.

Chúng tôi hiện có 3 mục tiêu:

(1)    Ngăn chặn mọi ý định cưỡng bức hồi hương các anh Hùng, Huy và Quang
(2)    Kêu gọi Hoa Kỳ nhận định cư sớm anh Huy vì anh đã có quy chế tị nạn và đã được phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn đợt một trong tiến trình nhận định cư
(3)    Kêu gọi CUTN/LHQ gấp rút hoàn tất tiến trình phỏng vấn tị nạn cho anh Hùng và khởi đầu tiến trình này đối với anh Quang

Theo luật hiện hành ở Thái Lan, mọi người đến Thái Lan lánh nạn đều bị xem là cư trú bất hợp pháp, ngay cả sau khi được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn. Vì không còn trại tị nạn, họ phải sống lẩn lút giữa người dân Thái và thường xuyên đứng trước hiểm nguy bị bắt và tống giam. Một khi bị đưa vào trại IDC thì họ sẽ ở đó cho đến khi hồi hương hoặc đi định cư ở một quốc gia khác. Trong một số trường hợp, người đã có quy chế tị nạn của CUTN/LHQ có thể đóng tiền thế chân để được ra ngoài sống nhưng phải trở lại IDC trình diện hàng tháng.

Ngày 16 tháng 12, khi tiếp xúc với DB Ed Royce, Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện, tại văn phòng của Ông ở Nam Cali, một phái đoàn người Việt đã nêu trường hợp của các anh Hùng, Huy và Quang. DB Royce cho biết sẽ lập tức liên lạc với Đại Sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan cũng như Tổng Trưởng Tư Pháp của Thái Lan để ngăn chặn mọi ý định dẫn độ. Tại buổi họp trước đó với nhân viên đại diện cho TNS Barbara Boxer, phái đoàn yêu cầu TNS Boxer lên tiếng với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Phái đoàn gồm có Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc BPSOS; Ông Lê Tinh Thông, Bác sĩ kiêm nhạc sĩ Trung Chỉnh và phu nhân; Luật sư Mike Võ, thành viên hội đồng quản trị của BPSOS ở California; và cô Khánh Doãn và cô Kathy Võ, nhân viên của BPSOS.

BPSOS hiện có văn phòng hoạt động ở Thái Lan với mục đích bảo vệ số ngày càng đông các đồng bào chạy sang quốc gia này lánh nạn cộng sản. BPSOS thực hiện trang blog: bpsosrcs.wordpress.com để hướng dẫn đồng bào về luật lệ ở Thái Lan, cách phòng thân, thủ tục cứu xét quy chế tị nạn của LHQ, và các thông tin liên quan đến đời sống tị nạn.

Viết một bình luận