Houston, Xứ Nóng Tình Nồng

Tuỳ bút của Đinh Thị Ngọc Tuyết

Năm nay mình có duyên với tiểu bang cao bồi Texas. Tháng 9 vừa rồi, đến Dallas, TX tham dự dạ tiệc Góp Một Bàn Tay (GMBT) để gây quỹ Pháp Lý giúp đồng bào tị nạn CS tại Thái Lan và các nạn nhân buôn người. Ngồi chung bàn với chị Janet Thuý Hằng Nguyễn và anh Tuấn Trần, cư dân Houston, TX. Hai chị em chuyện trò rất vui vẻ và thân mật. Chị Thúy Hằng rủ mình về Houston để tham dự chương trình gây quỹ Góp Một Bàn Tay do chị và các thân hữu tổ chức ngày 16 tháng 11, 2013. Vì có duyên với Houston, nên mình lại lên đường tòng quân.

Kỳ này đi mình ên vì chàng ở nhà trông đám gà con. Trước khi ra phi trường, chú gà út nước mắt lưng tròng vẫy tay chào gà mẹ. Chú nghe gà mẹ hứa sẽ mua bánh ngọt hình trái bắp và bánh mì Lees Sandwiches về thì chú gà út khóai chí cười toe. Miệng cười mà mắt thì sũng nước. Thương ơi là thương.

 

 

Chiều thứ sáu sau giờ làm việc, mình về nhà ăn cơm chiều với đàn gà con, sau đó ra phi trường đón chuyến bay thẳng từ Louisville đến Houston. Đáp xuống phi trường Houston là anh Dan (Dũng) Trần ra đón. Hai anh em về đến nhà chị Thúy Hằng cũng gần 9:30 tối. Vừa vào nhà, chưa kịp dọn hành lý, là mình đã sà vào bếp để thưởng thức món mì khô Chợ Lớn tuyệt hảo của đầu bếp Ngô Thị Hiền đến từ tiểu bang Maryland. Món mì khô là món khoái khẩu của mình. Đã được ăn ngon mà còn được truyền bí quyết cách luộc cọng mì cho khô và giòn nữa. Quá là vui thú.

Nhà chị Thúy Hằng lúc này rộn ràng tiếng cười nói. Nhìn quanh mình thấy nhà có 3 xóm nhà lá. Xóm nhà lá thứ nhất là xóm mê ăn hơn mê uống, ngồi ở phòng khách. Mình tham gia xóm này vì mình đang đói nên mình mê ăn. Xóm này gồm có vợ chồng chị Cẩm Sa, anh David, Tuyết, chị Ly, chị Hiền Em, chị Hiền Ngô, chị Thúy Hằng. Xóm này ăn uống rôm rả và xôm tụ lắm.

Xóm nhà lá thứ hai tập trung ở dưới bếp. Xóm này mê uống hơn mê ăn. Tham gia nhóm này có Thảo Nhi, anh Dan, Chị Kim Dung, anh Phát. Trên bàn la liệt những chai và ly rượu. Tiếng cụng ly cốp cốp, dzô dzô vang vọng lên tới nhà trên. Mồi nhậu của xóm nhà lá này là bánh cracker, phó mát, bánh mì, và trái cây, và dĩ nhiên là không thể thiếu rượu. Vừa có rượu ngon, vừa có bạn hiền nên cứ thế là dzô dzô. Không phải như cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa uống rượu mà không có bạn hiền nên đã buông lời than “Rượu ngon không có bạn hiền: Không mua không phải không tiền không mua”.

Xóm nhà lá thứ 3 tập trung ở ngoài vườn sau. Xóm này không mê ăn mà cũng không mê uống. Tham gia nhóm này có anh Tuấn Trần, anh Dũng Ngô và một vài thân hữu. Hình như nhóm này mê “tám” hơn mê ăn và uống. Có nhóm này thì đồ ăn đỡ hao và đồ nhậu đỡ tốn.

Mà nói nào ngay, dân cư của ba xóm nhà lá cứ di cư vòng vòng. Hết chạy qua rồi chạy lại, đến khi cuộc vui đã tàn thì ba tụ gôm lại chỉ còn 1 cái nhà lá. Những lần gặp gỡ như thế này thật là quý vì các anh chị em thân hữu có dịp hàn huyên tâm sự, trao đổi những suy nghĩ và tâm tư, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi.

Gần 2 giờ sáng, tiệc tàn. Thảo Nhi đã tót lên lầu say giấc nồng từ thăm thẳm chiều trôi rồi vì rượu dzô là ta đi ngủ. Chị Hiền Ngô, chị Thuý Hằng và mình dọn dẹp đôi chút rồi tắt đèn đi ngủ.

Sáng sớm thứ 7, chị Hiền Ngô lục đục xuống bếp tìm đồ ăn sáng. Mình cũng xuống bếp nhóm tụ với chị Hiền. Hai chị em uống trà nóng vừa ăn bánh, quá là vui thú niềm riêng. Nữa tiếng sau thì Thảo Nhi và chị Hằng cùng thức. Ăn sáng xong, mọi người lo khiêng đồ ăn ra xe chị Hằng để đến nhà chị Hương, em chị Hằng, chuẩn bị nấu cho bữa tiệc tối.

Bếp nhà chị Hương và anh Nam thật là tuyệt vời. Rất là rộng rãi, đầy đủ đồ nghề nấu ăn như một nhà hàng. Cần gì cũng có, nồi niêu xoong chảo, rất nhiều nồi to để nấu. Anh chị chủ nhà, Hương và Nam rất hiếu khách, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhóm nhà bếp do bếp trưởng Ngô Thị Hiền đảm trách thoải mái nấu nướng, bày biện. Hai anh chị giúp dọn dẹp nhà bếp trong lúc nấu và sau khi nấu.

Thảo Nhi lo phụ trách phần cắt hành, gọt khoai tây, cắt khoai môn. Tội nghiệp cô nàng ngồi lâu tê cẳng, cắt hành chảy nước mắt ròng ròng, hai tay tê vì cắt những củ khoai môn vừa to vừa nặng. Mình cũng nhảy vào cắt phụ hành với Nhi vì hành cay nên không ai cắt lâu được. Khoảng 2 tiếng sau, có chị Hiền em, anh Dan, chị Ly, anh Phát đến phụ nên không khí trong nhà bếp rộn rã và nhộn nhịp hơn.

Chị Hằng chạy ra chợ mua thêm một số món còn thiếu. Tuyết cắt thịt bò và tranh thủ mở những hộp cà chua và nước sauce để chuẩn bị nấu món bò ragu kiểu Pháp. Chị Hiền là đầu bếp. Khi thịt bò, thịt gà, cà chua, hành và khoai tây đã chuẩn bị sẵn sàng thì bếp trưởng ra tay. Mình là thợ vịn cho chị Hiền, chị sai đâu thì mình đánh đó như Thiên Lôi vậy. Theo đầu bếp làm việc, mình học được nghề nấu món ragu nha. Thật là nhất cử lưỡng tiện.

Trong lúc đang hầm nồi thịt bò và gà, thì đầu bếp Hiền nấu món chè khoai môn và chè hoa câu. Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, sau 6 tiếng quần thảo trong bếp, đầu bếp Ngô Thị Hiền và các thợ vịn đã cho xuất lò được 4 món: Bò Ragu, Gà Ragu, chè Khoai Môn bột bán nước dừa, chè  Hoa Câu. Chị Hằng và Nhi cũng hoàn thành xong món bánh Pate Chaud nóng giòn vừa thổi vừa ăn.

Tiệc bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều nên lúc 4:30 chiều, chị Hương và chị Hằng tranh thủ chở tất cả các món ăn trực chỉ đến Rosemary Garden để chuẩn bị cho tiệc tối. Chị Hiền Ngô và Tuyết được anh Tuấn chở về lại chị Hằng để chuẩn bị và sau đó chạy thẳng ra Rosemary Garden để dự tiệc. Trên đường đi, anh Tuấn ghé vào Lees Sandwiches để mua 30 ổ bánh mì mới ra lò, thơm nứt mũi luôn.

Đúng 6 giờ chiều, mình có mặt tại Rosemary Garden. Vào cửa là đã thấy không khí nhộn nhip. Từ 6 giờ đến 7:30 tối, quan khách bắt đầu đến và thưởng thức món các thịt bò, thịt gà ragu nóng hổi chấm bánh mì và tráng miệng bằng chè khoai môn và hoa câu do đầu bếp Ngô Thị Hiền đảm trách.  Ban tổ chức còn chuẩn bị một bàn lớn có bánh mì và patê gan cho chị Cẩm Sa chế biến, bánh ngọt, cheese, bánh lạt, trái cây, và rau quả các loại để quan khách thưởng thức. Anh Dan Tran cũng chở những thùng bia và rượu từ Dallas xuống Houston để quan khách uống thoải mái với tinh thần đóng góp tùy tâm.

Các thiện nguyện viên làm việc sốt sắng và phục vụ quan khách rất chu đáo. Chú Đoàn Bốn, chủ nhân một Nursery có tầm vóc ở Houston, đã ưu ái gởi tặng nhiều chậu cây xanh đủ cỡ và đủ kiểu để tranh trí khán phòng. Nhờ có màu xanh của lá mà khán phòng nhìn tươi mới như có sức sống của thiên nhiên.

Mình có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Danh Hui, chị ruột của Huỳnh Thị Bé Hương, nạn nhân đầu tiên được giải thoát và hồi hương trong số 15 cô gái bị lường gạt và bán vào ổ mãi dâm ở Nga vào tháng 4 năm nay.  Liên Minh CAMSA đưa cô Danh Hui đến Quốc Hội Hoa Kỳ điều trần vào ngày 11 tháng 4, 2013.

Sau khi mọi người đã dùng xong cơm chiều, quý đồng hương và quan khách đã dành cho bếp trưởng Ngô Thị Hiền những tràng pháo tay giòn giã khi ban tổ chức giới thiệu người đầu bếp đến từ Maryland đã vất vả chuẩn bị và nấu những món ăn rất ngon miệng để khoải đãi mọi người.

Đúng 7:30 tối, chương trình được chính thức khai mạc. Anh Dũng Ngô, Giáo Sư Khoa Tâm Lý Học của trường Đại Học Texas at Tyler là người điều kiển chương trình.  Quốc Ca Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa được mọi người đồng thanh hát vang. Mình cứ mỗi lần cất tiếng ca: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi..” là cảm xúc trào dâng và nước mắt bắt đầu tuôn, giọng bắt đầu nghẹn.

Sau phần hát quốc ca, mọi người cùng lắng đọng và dành “một phút mặc niệm để ghi nhớ công đức tiền nhân, các anh hùng dân tộc vị quốc vong thân. Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu bảo vệ tự do. Phút mặc niệm để thương xót cho hàng ngày đồng bào chúng ta chết đớn đau trong vùng kinh tế mới, các chiến hữu đã gửi thân xác lại góc núi ven rừng trong ngục tù cộng sản. Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến hàng vạn đồng bào chúng ta kém may mắn trên đường tìm tự do đã gửi thân lại vùng biên giới và trên sóng biển mênh mông. Và sau hết, phút mặc niệm để thương tiếc cho những thân xác Việt Nam đã vùi chôn nơi xứ lạ quê người.”

Sau nghi lễ chào cờ chấm dứt, anh Dũng Ngô đã mời chị Thúy Hằng, đại diện ban tổ chức chào đón và cám ơn quý ân nhân bảo trợ, quý bạn bè thân hữu, và đặc biệt là quý đồng hương Việt Nam đã dành chút thời gian qúy báu để đến tham gia và ủng hộ cho chương trình gây quỹ giúp đồng bào tị nạn cộng sản tại Thái Lan và các nạn nhân buôn người.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, cô Phạm Tuyết Mai, luật sư Lan Ng. là ba diễn giả chính của chương trình. Ts. Thắng chia sẻ:  “Tháng 10 vừa qua, Liên Minh CAMSA được mời sang Cyprus để tìm hiểu tình trạng của hàng nghìn người Việt lao động tại quốc gia nhỏ bé này. Nhiều người trong số họ bị lường gạt, bóc lột và bỏ rơi ở xứ lạ quê người. Liên Minh CAMSA đang phối hợp với các tổ chức địa phương để giúp đỡ cho số đồng bào này. Điều này cho thấy rằng Liên Minh CAMSA ngày càng tăng tầm vóc và uy tín quốc tế.”

Diễn giả thứ hai được mời lên sân khấu là cô Phạm Tuyết Mai. Cô là một cựu nữ sinh Trưng Vương và đã về về hưu ở Houston. Cuối năm 2011, qua email Cô  nghe đến tình cảnh của đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan nên quyết định lên đường tình nguyện và nhập toán BPSOS đang làm việc tại Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đặt ở Bangkok vào tháng 3 năm 2012. Hàng ngày Cô thăm viếng và uỷ lạo các gia đình gặp khó khăn, dạy học cho người lớn và trẻ em, thăm nuôi những người bị bắt giam, và khi cần thì giúp cả phần thông dịch. Cô Tuyết Mai đã dành hơn 6 tháng để sống giữa những người tị nạn và đã góp một bàn tay làm thay đổi cuộc đời của những mảnh đời bất hạnh.

Đây là những lời tâm tình của anh Dan Trần khi nghe cô Tuyết Mai chia sẻ những gì mắt cô đã thấy, tai cô đã nghe, và tay cô đã làm cho đồng bào đang lánh nạn CS tại Thái Lan: “Nghe cô tường thuật lại hình ảnh các em bé Hmong bị gò bó trong nhà vì sợ bị lộ diện, và các em mong muốn được đi học mà lấp ló trước lớp học dành cho người lớn, các em bò vô lớp học. Và chuyện cô kể một em bé xin thêm gói chip cho em nhỏ ở nhà, thì không sao cầm được nước mắt, thương cảm cho các mảnh đời kém may mắn đó.”

Mọi người chăm chú lắng nghe những lời chia sẻ từ đáy lòng và trái tim của cô Tuyết Mai. Một số hình ảnh của Cô đang dạy học hay viếng thăm và ủy lạo các đồng bào và trẻ em đang lánh nạn ở Thái Lan cũng đưọc trình chiếu trên màn ảnh để mọi người có thể hiểu thêm về hoàn cảnh khó khăn và khốn cùng của đồng bào Việt Nam lánh nạn Cộng Sản trên đất Thái.

Mình đã đọc được loạt bài tường thuật của cô Tuyết Mai trên báo Mạch Sống từ tháng 4 năm 2012. Mình rất ngưỡng mộ và mến phục nghĩa cử cho đi và phục vụ đồng bào của cô. Không ngờ, hôm nay lại được gặp cô bằng xương bằng thịt, được ôm cô vào lòng, thật là hạnh phúc. Cô rất bình dị và khiêm tốn. Cô có cách diễn đạt và chia sẻ rất hay, đi vào lòng người và chạm tới trái tim của người nghe.

Sau phần chia sẻ của cô Tuyết Mai, luật sư Lan Ng. là một trong những luật sư Việt Nam đã đến Thái Lan để giúp đồng bào tị nạn. Ls Lan tường trình với quý đồng hương những khó khăn về pháp lý mà đồng bào VN chúng ta đã trải qua trong quá trình nộp đơn xin tị nạn chính trị với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ.

Sau phần chia sẻ của các diễn tả, chương trình gây quỹ được bắt đầu với màn đấu giá bức Thư Pháp “Trả Ta Sông Núi” được Nha Sỹ Tuấn Trần mua với giá $1,000 đô la. Một số tranh ảnh cũng được bán đấu tranh theo hình thức “silence auction”.

Mình thật là may mắn khi chuộc được tấm ảnh “Lòng Thương Xót Chúa” do Bác Sỹ Linh Mục Phạm Hữu Tâm tặng.  Mình không hề biết câu chuyện đằng sau bức tranh thêu này cho đến khi về đến nhà chị Hằng, chị mới nói mình may mắn lắm vì đã chuộc được tấm ảnh này và Chị Thúy Hằng kể cho mình nghe về câu chuyện của bức tranh thêu này.

Cuối tháng 9 vừa qua phái đoàn Liên Tôn gồm có LM Phạm Hữu Tâm từ Houston, HT Thích Huyền Việt từ Houston và MS Y Hin Nie từ Greensboro (NC) đã đến thăm đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan.

Qua sự sắp xếp của toán thiện nguyện của BPSOS túc trực ở Thái Lan, trong chuyến viếng thăm phái đoàn đã tiếp xúc và phát quà cho hơn 700 đồng bào thuộc nhiều thành phần: các nhà tranh đấu dân chủ, các bloggers, các người biểu tình chống Trung Quốc, các thanh niên Công giáo, các Mục Sư và tín đồ Tin Lành, các đồng bào Phật tử, các dân tộc bản địa Tây Nguyên, Hmong và Khmer Krom, và cả một số nạn nhân buôn người gặp nguy hiểm vì đã dám tố giác nạn buôn người. Con số đồng bào đang lánh nạn thực ra nhiều hơn là vậy, có lẽ lên đến 900.

Cha Tâm đã đưọc một chị Việt Nam đang lánh nạn tại Thái tặng bức tranh cho chính tay chị thêu. Chị vừa mới sanh em bé, không có tiền trả tiền nhà thương. May nhờ vào tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam tại hải ngoại đã giúp đỡ tài chánh để chị có tiền đi bệnh viện sanh em bé. Để tỏ lòng biết ơn, chị không có gì ngoài tấm lòng và đôi tay khéo léo của chị, chị đã tranh thủ thời gian khi em bé ngủ và đã thêu 4 tháng ròng rã để hoàn thành bức ảnh “Lòng Thương Xót Chúa”.

Chị đã tặng cho Cha Tâm và Cha Tâm đã mang từ Thái Lan về Mỹ, tặng lại cho chị Thuý Hằng để bán đấu giá gây quỹ giúp người tị nạn. May mắn thay, mình được ơn phúc chuộc ảnh Chúa về nhà. Cuộc đời thật đẹp vì những tấm lòng luôn biết cho đi.

Mình rất xúc động khi thấy rất nhiều quý đồng hương Việt Nam đã dành thời gian quý báu đến tham dự buổi tiệc gây quỹ giúp đồng bào VN về pháp lý. “Không có sự can thiệp của luật sư thì họ hầu như không có cơ hội để được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ cứu xét tư cách tị nạn dù đã từng bị tù đày, dù đang bị truy nã, hay dù đã có trường hợp hồi hương và bị tra tấn và tù tội. CUTN/LHQ hiện rất khắt khe vì nhiều lý do, dẫn đến các quyết định hết sức bất công và nguy hiểm cho đồng bào lánh nạn.”

Quý đồng hương và bạn bè thân hữu ở Houston, TX đã mở rộng vòng tay và tấm lòng đóng góp giúp đồng bào VN đang lánh nạn tại Thái Lan. Mình được phân công làm việc với chị Thảo, nhân viên văn phòng của BPSOS tại Houston trong ban thủ quỹ. Số tiền bán tranh ảnh đấu giá và đóng góp tài chánh thu về được hơn $20,000 đô la.

Ban văn nghệ đã trình bày những bản Hùng Ca Sử Việt thật hào hùng và khí thế. Chị Cẩm Sa rất duyên dáng trong tà áo Huế màu tím. Chị hát rất hay và với tất cả tấm lòng nhạc phẩm Truờng Ca Hội Trùng Dương của cố nhạc sỹ Phạm Đình Chương.

Buổi tiệc họp mặt và gây quỹ được kết thúc lúc 11:00 tối. Các anh chị em thiện nguyện và ban tổ chức đã ở lại thu dọn và cùng chụp hình chung để giữ làm kỷ niệm. Do tiếp khách và chuẩn bị cho chương trình, mọi người đều thấm mệt và đói, thế là mọi người cùng kéo đến nhà hàng Sinh Sinh để ăn tối trước khi chia tay.

Đến gần 2 giờ sáng mới về đến nhà chị Hằng, bốn nàng ngự lâm pháo thủ (Hiền Ngô, Hằng, Nhi, Tuyết) bụng thì no, mà thân xác thì rã rời, và hai mắt thì díu lại. Mọi người chỉ kịp thay đồ là lăn đùng ra ngủ một giấc say sưa

Sáng Chúa Nhật, bốn nàng ngự lâm dậy sớm, ăn điểm tâm, uống trà gừng cho ấm bụng rồi kéo nhau đi lễ Misa. Sau lễ, hẹn với anh Thắng, anh Dan, chị Hiền em, và chị Hương cùng gặp bốn nàng ngự lâm pháo thủ để ăn trưa tại nhà hàng La Madeleine, gần trường đại học Rice. Anh em đã chia sẻ những kế hoạch và chương trình Vận Hội Cho Dân Tộc trong những ngày kế tiếp.

Đến 2 giờ trưa, anh em bắt đầu chia tay. Nhi cùng với anh Dan, chị Hiền em lái xe về lại Dallas, TX. Anh Thắng ra phi trường về lại Virginia. Chị Hiền Ngô ở lại chơi ngày Chúa Nhật rồi thứ hai ra phi trường bay về  Maryland. Chị Thúy Hằng chở mình ra và chị Hiền ghé tiệm Lees Sandwiches, mua bánh ngọt và bánh mì về làm quà cho đám gà con, sau đó thì trực chỉ ra phi trường Hobby để bay về lại Lousiville, Kentucky.

Mình ra phi trường hơi trễ, may mắn nhờ có Chúa cùng với bức ảnh “Lòng Thương Xót Chúa” đồng hành với mình nên dù trời mưa bão ở vùng Trung Tây nước Mỹ, có gió xoáy và mưa lớn, máy bay rung rinh, nhào lên, lộn xuống mấy lần, nhưng mình về tới nhà bình an và đúng giờ, và đặc biệt là bức ảnh còn nguyên vẹn, không bể kính và trầy sướt chút nào.

Về đến nhà thì đám gà con đã lên chuồng ngủ sớm để thứ hai đi học. Chàng thấy vợ mang bức ảnh về, miệng vợ cười toe, thao thao bất tuyệt kể chuyện đường xa và câu chuyện về bức ảnh. Chàng lau chùi tấm ảnh cho sạch bụi rồi treo lên tường. Vừa thu dọn hành lý xong thì đã thấy chàng đã làm xong tô phở bò nóng hổi vừa thổi vừa ăn trên bàn. Oh la la, đời sao mà đẹp thế !!! Đang đói mà có tô phở nóng, ôi đời em lên hương, lên hương !!!

Về đến nhà bình an sau hai ngày cuối tuần bận rộn tại Houston, tuy rất mệt nhưng rất vui, ăn thì nhiều mà ngủ thì ít, nhưng lòng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Được gặp gỡ và quen biết rất nhiều anh chị em có tấm lòng nhân ái với đồng bào và tha thiết với quê hương.

Sống trên đời, cần có một tấm lòng, nhưng không để gió cuốn bay đi, mà để phục vụ đồng bào và đất nước.

Viết một bình luận