Mạch Sống, ngày 29/11/2013
Hôm nay Bà Farida Shaheed, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Quyền Văn Hoá, đã mở cuộc họp báo để công bố các nhận xét tổng quát về chuyến thị sát kéo dài 12 ngày ở Việt Nam.
“Cốt yếu là”, bà nhấn mạnh, “Việt Nam cần cân nhắc mở rộng không gian cho người dân đưa ra quan điểm của họ và đảm bảo rằng người dân có thể đóng góp tri thức của mình, bao gồm tri thức truyền thống, vào sự phát triển của đất nước”.
Bà Shaheed đã nhắc đến Giáo Xứ Cồn Dầu một cách cụ thể:
“Tôi cũng quan ngại trước những trường hợp đời sống và văn hóa của cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng thiểu số đã bị các chương trình phát triển phá vỡ hoàn toàn. Ví dụ, tôi được biết rằng người dân ở giáo phận Cồn Dầu ở Đà Nẵng đã và vẫn đang tiếp tục bị cưỡng chế khỏi mảnh đất họ đã sống lâu đời để dọn đường cho một dự án nhà ở tư nhân lớn. Tôi hy vọng rằng chính phủ sẽ kịp thời can thiệp để giải quyết trường hợp cụ thể này. Nhìn chung hơn, tôi khuyến nghị Chính phủ đảm bảo việc công nhận sở hữu tập thể đối với đất đai cho những cộng đồng có ước muốn giữ và phát triển nếp sống truyền thống của họ, thường là dựa vào nông nghiệp, vào rừng, chăn nuôi hay đánh cá.”
Bà Shaheed cũng bày tỏ mối quan tâm về chính sách của nhà nước đối với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên:
“Một ví dụ khác là về Cồng chiêng. Nhiều cộng đồng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn đang chơi Cồng chiêng và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Cồng chiêng được coi là một nhạc cụ linh thiêng và quý giá, chỉ được đem ra chơi vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên ngày nay Cồng chiêng còn được đem ra biểu diễn theo yêu cầu của khách du lịch ở một số nơi, và rõ ràng điều này đã làm mất đi tầm quan trọng văn hoá ban đầu của sinh hoạt này.”
Bà Shaheed cũng nêu lên quan ngại về điều 88 trong Bộ Luật Hình:
“Trong các cuộc thảo luận của tôi với chính quyền, ví dụ, tôi đã nêu ra những trường hợp bị kết tội theo điều 88 Bộ luật Hình sự do ‘tiến hành tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’.”
Từ nhiều tháng trước chuyến đi Việt Nam của Bà Shaheed, BPSOS đã phối hợp với nhiều nhóm ở hải ngoại và trong nước để soạn các tài liệu về vi phạm quyền văn hoá đối với các dân tộc bản địa Khmer Krom, Tây Nguyên, Chăm, và Hmông; đối với các tôn giáo như Cao Đài và Phật Giáo Hoà Hảo; và đặc biệt là đối với Giáo Xứ Cồn Dầu. Các tài liệu này đã được nộp cho Bà Shaheed trước ngày bà ta lên đường đến Việt Nam.
Ngày 8 tháng 11 BPSOS đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa một thành viên của phái đoàn của Bà Shaheed với những nhà tranh đấu thuộc nhiều thành phần khác nhau đang lánh nạn ở Thái Lan.
Buổi họp báo của Bà Shaheed bắt đầu lúc 10 giờ sáng và tổ chức ở văn phòng Chương Trình Phát Triển LHQ, 29 Phan Bội Châu, Hà Nội.