Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu: Cuối Năm Tính Sổ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Chỉ trong vài tiếng nữa, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Quyền Văn Hoá sẽ họp báo ở Hà Nội sau chuyến thị sát 10 ngày. Không biết rằng bà ta có sẽ nêu đích danh Cồn Dầu không, nhưng bà ta biết rất rõ về những gì đã xẩy ra ở Cồn Dầu từ 3 năm rưỡi qua và cho đến tận hôm nay.

Tháng 7 năm 2010, BPSOS đưa ra chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” để kêu gọi đồng hương tiếp tay. Chúng tôi đưa ra 3 mục tiêu cụ thể:

(1)    Can thiệp cho tất cả giáo dân Cồn Dầu đi lánh nạn được xét là tị nạn và được định cư.
(2)    Đẩy lùi bạo lực của chính quyền Đà Nẵng đối với những giáo dân Cồn Dầu còn ở lại.
(3)    Duy trì sự trường tồn của Giáo Xứ Cồn Dầu.

Ba năm rưỡi trôi qua. Đến nay trên 90% các giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan đã được xét là tị nạn và quá nửa đã định cư ở Hoa Kỳ. Để làm bằng cho người ở trong nước, họ đã xuất hiện trên truyền hình, đài phát thanh, báo chí và ngay cả trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Lời tuyên bố của Ông Bí Thư đầy quyền thế hoá ra hoàn toàn vô hiệu.

Mục tiêu thứ hai xem như cũng đạt 9 phần 10. Với sự  chú ý sát sao của quốc tế, chính quyền Đà Nẵng không còn dám công khai dùng bạo lực mà chỉ thì thụt tách từng gia đình giáo dân ra để áp lực.

Mục tiêu thứ ba tuy chưa ngã ngũ nhưng ngày càng rõ: sau ba năm rưỡi, Giáo Xứ Cồn Dầu vẫn tồn tại.Kế hoạch của chúng tôi là gài nút chặn, ngày càng thêm nút chặn, để chặn đứng chính sách cưỡng chế.

Các vấn đề dùng làm nút chặn gồm có: đàn áp tôn giáo, tra tấn, xâm phạm tài sản của công dân Hoa Kỳ, và vi phạm quyền văn hoá. Qua quốc tế vận, mỗi vấn đề trở thành một nút chặn ngày càng kiên cố.

Đàn áp tôn giáo: Chúng tôi đã vận động Quốc Hội Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo, và ngày càng thêm các tổ chức quốc tế bảo vệ tự do tôn giáo nhập cuộc. Các thân nhân của giáo dân Cồn Dầu, rồi đích thân các nạn nhân khi vừa đến Hoa Kỳ định cư đã tham gia quốc tế vận.

Tra tấn: Khoảng 70 giáo dân Cồn Dầu đã bị tra tấn, có người đến sẩy thai và có người đến chết. Các hồ sơ tra tấn đã được nộp cho Quốc Hội và BNG Hoa Kỳ và Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trong cuộc vận động áp lực Việt Nam ký Công Ước Quốc Tế Về Chống Tra Tấn. Dưới áp lực ngày càng đè nặng ấy, Việt Nam đã ký công ước này. Cồn Dầu trở thành điểm nóng về nạn tra tấn mà quốc tế vẫn tiếp tục theo dõi.

Tài sản của công dân Hoa Kỳ: Trong số giáo dân Cồn Dầu đã đến Hoa Kỳ từ lâu và đã mang quốc tịch Mỹ, một số có nhà có đất ở Cồn Dầu do cha mẹ để lại khi qua đời. Khi cưỡng chế các tài sản này thì có nghĩa là chính quyền Đà Nẵng đã cướp đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Chúng tôi đã đưa vấn đề này đến giới chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại Giao, Bộ Thương Mại và Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ như là một vấn đề vi phạm nguyên tắc trầm trọng: nếu Việt Nam không tôn trọng tài sản của công dân Hoa Kỳ thì lấy gì bảo đảm rằng họ sẽ tôn trọng tài sản của các công ty Hoa Kỳ? Đó là câu hỏi mà Thứ Ba vừa qua chúng tôi đã đặt cho Đại Sứ Michael Froman, Đại Diện Mậu Dịch của Hoa Kỳ, người đang thương thảo với Việt Nam về thương ước mậu dịch Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương. Chính quyền trung ương ở Việt Nam nay đứng giữa hai chọn lựa: một là áp lực chính quyền Đà Nẵng phải ngưng tay, hai là chấp nhận nguy cơ cho việc phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ.

Quyền văn hoá: Giải toả trắng một xứ đạo với 135 năm lịch sử và một nghĩa trang đã được nhà nước công nhận là di sản văn hoá thì rõ ràng là vi phạm quyền văn hoá của các giáo dân Cồn Dầu một cách thậm tệ. Bà Farida Shaheed, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Quyền Văn Hoá hiện đang có mặt ở Việt Nam, biết rõ về việc này. Tuần rồi Bà đã bất chợt đến tận Giáo Xứ Cồn Dầu để thị sát cũng như đã gặp riêng hai nạn nhân làm nhân chứng, hoàn toàn ngoài sự trù tính của chính quyền. Trước ngày Bà Shaheed lên đường đến Việt Nam, BPSOS đã gửi cho Bà tập hồ sơ về Cồn Dầu và sắp xếp để một thành viên trong phái đoàn của Bà tiếp xúc với đại diện giáo dân Cồn Dầu ở văn phòng của BPSOS ở Thái Lan. Chỉ trong vài tiếng nữa thôi Bà Shaheed sẽ có buổi họp báo ở Hà Nội trước khi lên đường rời Việt Nam.

Chúng tôi đang chuẩn bị thêm một số vấn đề nút chặn nữa như là quyền môi sinh – các cánh đồng lúa phì nhiêu năm xưa nay đã bị nhà nước dẫn nước mặn vào để không cầy cấy gì được nữa; như là quyền kinh tế — các giáo dân Cồn Dầu đã bị bóp nghẹt kinh tế và bị tước đoạt sinh kế…

Khi các nút chặn dầy đặc, thì chính sách cưỡng chế sẽ không thể tiến thêm được nữa. Đó là phân nửa của cách đạt mục tiêu thứ ba: bảo vệ sự trường tồn của Giáo Xứ Cồn Dầu. Phân nửa kia sẽ được trình bày trong một bài sau.

Viết một bình luận