Ts. Nguyễn Đình Thắng
Hôm qua hai anh em tất bật với những buổi họp trên Quốc Hội, rồi qua họp với vị Đại Diện Mậu Dịch của Hoa Kỳ ở gần Toà Bạch Ốc, và rồi mỗi người một ngả cho đến sáng sớm nay mới về đến nhà.
Trước đó mấy ngày, văn phòng của Đại Sứ Michael Froman, Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, gởi email mời tôi đến họp để thảo luận về cách thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo trong tiến trình thương thảo Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam. ĐS Froman là người đại diện cho Hành Pháp Obama trong cuộc thương thảo này.
Tôi báo động ngay cho Cao Quang Ánh, vì nghĩ rằng phải có sự hiện diện của vị cựu dân biểu liên bang này. DB Ánh gọi điện thoại cho hai vị dân biểu đương nhiệm là Bill Cassidy và Frank Wolf. Cả hai vị này cùng gọi cho văn phòng ĐS Froman yêu cầu mời DB Ánh, và có kết quả ngay.
Vì muốn một công được nhiều việc, hai anh em đã làm ngay một số buổi hẹn ở Thượng Viện để vận động cho Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam.
Tội cho anh chàng Ánh, mua vé gấp nên phải chọn chuyến bay đến phi trường Baltimore Washington International (BWI) xa lắc xa lơ. Hôm qua trời lại mưa nên kẹt xe, đến trễ.
Tôi đến sớm nên tạt sang Hạ Viện gặp nhân viên lập pháp của nữ DB Zoe Lofgren để bàn một số công việc về đỡ đầu cho tù nhân lương tâm, vận động Ngoại Trưởng John Kerry lên tiếng về vi phạm nhân quyền trong chuyến công du đến Việt Nam vào tháng 12 tới đây, và chuẩn bị cho Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2014.
Lúc 1:25pm tôi đội mưa đi từ Hạ Viện sang Thượng Viện vì có hẹn lúc 1:45pm. Mãi đến 2 giờ hơn DB Ánh mới đến nơi để cùng họp với vị Giám Đốc Lập Pháp của TNS John Cornyn để bàn kế hoạch thúc đẩy Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam (S 1649). Chúng tôi cũng bàn về việc tổ chức Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2014. Trước đấy, trong một buổi tiếp xúc riêng với DB Ánh, TNS Cornyn đã đồng ý sẽ hỗ trợ.
Sau đó chúng tôi đi nhanh qua văn phòng của TNS Bob Corker, họp với hai nhân viên về chính sách của ông ta. TNS Corker là thủ lãnh của nhóm Cộng Hoà trong Uỷ Ban Đối Ngoại ở Thượng Viện. Hai nhân viên của ông ta cho biết là tuần trước đó chính quyền Việt Nam đã gởi phái đoàn, dẫn đầu bởi một phó ngoại trưởng, đến Thượng Viện để vận động chống lại Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam. Phái đoàn bày tỏ lòng không vui về luật này và khoe là vừa mới được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.
Tội nghiệp, họ có biết đâu rằng các nhà lập pháp Hoa Kỳ không đánh giá cao lắm Hội Đồng này.
Hai nhân viên này nhắc lại là hồi tháng 6, đã từng gặp phái đoàn người Việt từ Tennessee, tiếu bang của TNS Corker, để vận động nhân quyền cho Việt Nam. Chúng tôi giải thích rằng đó là Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2013 và báo trước với họ về Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2014 mà chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị.
Xong việc, chúng tôi đi vội sang văn phòng của TNS Mazie Hirono. Khi còn là dân biểu, Bà Thượng Nghị Sĩ này trước đây là đồng viện của DB Ánh. Điểm thú vị là vị Giám Đốc Lập Pháp của bà ta là một người Việt Nam đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc ở Thượng Viện.
Tại mỗi buổi họp, chúng tôi đều kêu gọi các dân biểu và thượng nghị sĩ cùng gởi văn thư cho Ngoại Trưởng John Kerry trước khi ông ta đến Việt Nam vào tháng tới. Nhân viên của họ đều nói: “Xin hai anh cung cấp cho chúng tôi bản thảo của lá thư”.
Đó là thực tế. Mình muốn được việc thì các văn thư, thậm chí nhiều phần của các đạo luật, chính mình phải soạn ra rồi họ chỉ sửa sang.
Các buổi họp kéo dài hơn dự trù nên lấn sang giờ hẹn với một số nhân viên Quốc Hội ở Hạ Viện. Đó là những người mà đầu năm nay đã từng giúp chúng tôi trong việc tổ chức Ngày Vận Động Cho Việt Nam với 800 người từ 39 tiểu bang đổ về. Họ đã có kinh nghiệm. DB Ánh gọi điện thoại xin lỗi và hẹn lại sau ngày Lễ Tạ Ơn.
Lúc ấy đã là 3:30pm. Hai anh em đón taxi đến văn phòng của ĐS Michael Froman. Trời vẫn mưa tầm tã.
Tại buổi họp, bắt đầu lúc 4pm, còn có đại diện của 7 tổ chức nữa. Đó là những tổ chức đã từng quen biết và từng làm việc từ bấy lâu nay với chúng tôi. Mọi người luân phiên nêu lên các yêu cầu về nhân quyền, tự do tôn giáo, bồi thường cho tài sản của công dân Hoa Kỳ bị tịch thu, vấn đề pháp trị… Thông điệp chung kết là: Hành Pháp Hoa Kỳ cần cho Việt Nam biết rõ là nếu không cải thiện nhân quyền thì đừng trông mong gì vào TPP; Việt Nam đang bám vào đó như là tia hy vọng cuối cùng để cứu nguy nền kinh tế thảm hại.
ĐS Froman biết rằng chúng tôi không hăm doạ suông mà đã có cả một kế hoạch gom phiếu ở Hạ Viện và Thượng Viện.
Cuối tháng 7 BPSOS đưa ra kế hoạch gom phiếu đẩy lùi TPP vô hạn định: 160 vị dân biểu đảng Dân Chủ vì các điều khoản bảo vệ quyền lao động quá yếu kém, 25 vị dân biểu đảng Cộng Hoà quan tâm về vấn đề nhân quyền nói chung, và khoảng 35 phiếu của các vị dân biểu thuộc lưỡng đảng quan tâm đến mức thất nghiệp cao, cạnh tranh mậu dịch bất công, cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ…
Mục tiêu này đến nay gần như đạt được. Ngày 12 tháng 11, 22 vị dân biểu Cộng Hoà viết thư cho TT Obama khẳng định rằng sẽ không bỏ phiếu “tắt” cho TPP theo như TT Obama mong muốn. Bỏ phiếu tắt nghĩa là “chống” hay “thuận” trọn gói chứ không được mổ xẻ, cắt xén, thêm thắt. Nếu không bỏ phiếu tắt thì có nghĩa là Quốc Hội sẽ nghiên cứu, tranh cãi về từng điểm li ti không biết đến bao giờ. Rồi ngày hôm sau,13 tháng 11, lại có 151 dân biểu Dân Chủ bồi thêm lá thư tương tự. Nghĩa là 173 vị dân biểu đã khẳng định lập trường.
Xem ra đã đạt được trên 90% ước lượng hồi cuối tháng 7; chỉ cần thêm 45 phiếu nữa là đánh bại TPP trong năm nay và đẩy lùi nó về một tương lai xa mịt.
Thật ra qua Ngày Vận Động Cho Việt Nam 4 tháng 6 vừa rồi, vài chục vị dân biểu Cộng Hoà và Dân Chủ đã đồng ý sẽ chặn TPP dù không có tên trong hai lá thư trên, như: Ted Poe, Ed Royce, Ileana Ros-Lehtinen, Bill Cassidy, David Price… Đó là chưa kể nhiều vị dân biểu ở những vùng có ngành may dệt bị ảnh hưởng nặng nề vì sự cạnh tranh bất công từ phía Việt Nam, như: Patrick McHenry, Howard Coble, Bill Pascrell… Tôi nghĩ là hiện nay chỉ cần thêm mươi phiếu nữa thôi. Với tổng lực của nhiều tổ chức tầm cỡ và dày dạn kinh nghiệm vận động, chúng tôi sẽ đánh bại TPP nếu đưa vào Quốc Hội để phê chuẩn trong năm nay. Tuần tới tôi đã hẹn họp lại với các tổ chức này để lên kế hoạch.
Họp xong đã là 5 giờ chiều. DB Ánh và tôi lại lấy taxi về lại Quốc Hội, nơi cả hai người đậu xe. DB Ánh đi thẳng ra phi trường BWI. Đường xa, gặp giờ cao điểm lại bị mưa tầm tã nên mất đến 3 tiếng đồng hồ. Tôi thì cũng bị kẹt xe, đến 6 giờ chiều mới về đến gần văn phòng, ghé ngang tiệm ăn cơm chiều rồi vào văn phòng để chuẩn bị cho buổi họp với các cơ quan LHQ và tổ chức xã hội công dân diễn ra ở Thái Lan. Ban ngày bên họ thì đó là ban đêm bên này.
Cô Nat, nhân viên của BPSOS ở Thái Lan, dự họp trực tiếp. Còn tôi thì họp qua hệ thống Webex, dùng Internet để mọi người thấy được nhau. Trong rất nhiều vấn đề bàn thảo, tôi nhắc nhở mọi người là TPP ảnh hưởng chung đến nhiều quốc gia Đông Nam Á, không riêng Việt Nam, và đề nghị chung sức nhau đẩy lùi TPP. Thế là mọi người giao cho BPSOS soạn thảo kế hoạch chung.
4 giờ sáng thì họp xong. 4:30 am tôi về đến nhà chuẩn bị đi ngủ để hôm sau lại còn một ngày dài làm việc.
Vào văn phòng sáng nay, tôi nhận được text nhắn qua điện thoại: DB Ánh cho biết là vì thời tiết xấu, máy bay bị trễ, đến 3:30 sáng mới về đến nhà ở New Orleans. 3:30 sáng bên ấy là 4:30 sáng ở Virginia.
Đây không phải là lần đầu tiên hai anh em cùng sánh vai đi vận động như vậy. Trong mấy năm nay đã nhiều lần chúng tôi làm việc này. Nhưng không phải chỉ có vậy. Tôi nhớ lại thuở xa xưa.
Cách đây 17 năm, Cao Quang Ánh là sinh viên mới ra trường, chở toàn bộ gia sản trên chiếc xe cọc cạch đến Virginia với vài trăm bạc trong túi, vừa đến nơi là đã đến tình nguyện với BPSOS. Tôi nhận vào chương trình thực tập và đưa cậu thanh niên hãy còn bỡ ngỡ ấy nhiều lần vào Quốc Hội để vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, vận động mở lại chương trình HO cho các bác đi “tù cải tạo” và vận động mở chương trình ROVR để tái định cư thuyền nhân sau khi họ đã bị trả về Việt Nam. Chàng thanh niên Cao Quang Ánh bắt đầu nuôi giấc mơ trở thành dân biểu Hoa Kỳ, từ dạo ấy.
17 năm sau, cậu thanh niên ấy mang tư cách một cựu dân biểu liên bang, có tiếng nói ảnh hưởng đối với cả hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ. Hai anh em vẫn như ngày nào, cùng nhau dấn thân trong trận chiến quốc tế vận để lên tiếng cho những đồng bào bị đàn áp và chặn mất tiếng nói.