Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 11, 2013
Bà Farida Shaheed, Báo Cáo Viên Đặc Biệt Của LHQ trong lĩnh vực văn hoá, đang có mặt ở Việt Nam để thị sát cách thực hiện quyền văn hoá ở đất nước này. Bà ta đến Việt Nam ngày 19 tháng 11 và sẽ có buổi họp báo ở Hà Nội trước khi rời Việt Nam vào tuần tới. Trong nhiều tháng trước đó, BPSOS đã phối hợp và hướng dẫn nhiều thành phần ở trong nước và tổ chức ở hải ngoại để soạn và nộp các bản phúc trình cho Bà Shaheed cùng với danh sách các nhân vật phái đoàn của bà ta nên tiếp xúc.
Quyền văn hoá là một quyền rất rộng. Nhân quyền về mặt văn hóa bảo đảm quyền được thừa hưởng nền văn hoá của mình, thể hiện qua nghệ thuật, ngôn ngữ, bản sắc; được làm thành viên trong nhóm văn hoá, lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng; được tham gia các hoạt đồng cộng đồng và trong lĩnh vực giáo dục.
Vì định nghĩa rất rộng nên nó bao gồm nhiều khía cạnh đời sống, như phong tục tập quán, tục lệ, nếp sống, sắc phục, thế giới quan, vũ trụ quan, tín ngưỡng, quan hệ xã hội, giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, ngôn ngữ, phim ảnh, thực phẩm, trang phục… Nó nối kết các lĩnh vực quyền khác nhau, như quyền tự do phát biểu, quyền tự do thông tin, quyền tự do mở trường để trao truyền giá trị văn hoá đến các thế hệ mai sau, quyền hội họp để sinh hoạt theo truyền thống văn hoá hay lễ nghi, quyền bảo tồn đất đai và nơi thờ phượng của tổ tiên, quyền có một nếp sống riêng biệt và không bị áp đặt phải theo một nếp sống ngoài ý muốn. Và nhiều nữa.
Chẳng hạn, khi chính quyền Đà Nẵng dùng bạo lực nhằm giải toả trắng xứ đạo Cồn Dầu ở Đà Nẵng thì đó là vi phạm quyền văn hoá của một cộng đồng Công giáo thuần thành với nếp sống văn hoá đặc thù được lưu truyền qua 135 năm lịch sử — nghĩa trang Cồn Dầu từng được nhà nước công nhận là di sản văn hoá. Hoặc, khi chính quyền Vĩnh Long ngăn cản các tín đồ Cao Đài tham dự lễ giỗ với lập luận rằng họ mặc áo dài và đàn ông thì đội khăn đóng cổ truyền và như vậy là sinh hoạt tôn giáo nên chi phải có sự cho phép trước của chính quyền theo đòi hỏi của Nghị Định 92, thì đó là vi phạm quyền văn hoá của các tín đồ Cao Đài này. Hoặc về niềm tin, người Cao Đài tôn thờ cả Phật lẫn Chúa mà nay cấm họ sinh hoạt liên tôn, thì đó là vi phạm quyền sống theo thế giới quan của riêng họ. Đối với đồng bào Hmong mới xuống Hà Nội biểu tình vì chính quyền đã phá sập các “nhà đòn” chứa dụng cụ ma chay của họ thì đó là vi phạm quyền văn hoá một cách không thể chối cãi. Bắt phải định cư định canh và dùng hộ khẩu kiểm soát sự đi lại là vi phạm truyền thống du canh của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hoặc xua đuổi các buôn làng Thượng ra khỏi vùng đất tổ tiên cho các dự án khai thác bauxite rồi bỏ tù những ai lên tiếng, kể cả blogger Điếu Cày, cô Đỗ Thị Minh Hạnh, Ls Cù Huy Hà Vũ… là những vi phạm chồng chất về quyền văn hoá. Việc tịch thu các chùa chiền của đồng bào Khmer Krom, mà trước 1975 chính là những trung tâm dậy ngôn ngữ và văn hoá Khmer, là vi phạm quyền văn hoá…
Những ví dụ trên cho thấy quyền văn hoá là sợi dây xuyên qua nhiều lĩnh vực nhân quyền và nối kết chúng lại với nhau.
Khi ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, chính quyền Việt Nam muốn chứng tỏ thiện chí bằng ký vào Công Ước Quốc Tế về Chống Tra Tấn, mời Bà Shaheed đến thị sát ở Việt Nam, và hứa mời Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đến Việt Nam vào tháng 9 sang năm.
Các báo cáo viên đặc biệt là các chuyên gia do LHQ chỉ định nhưng hoạt động độc lập để theo dõi các lĩnh vực nhân quyền trên thế giới hoặc ở một số quốc gia đặc thù, để rồi tường trình cho Hội Đồng Nhân Quyền LHQ kèm với những đề nghị về biện pháp đối phó hay cải thiện.
Khi mời Báo Cáo Viên Đặc Biệt về văn hoá đi Việt Nam, có thể nhà nước Việt Nam đã nghĩ rằng đây là vấn đề ít ai ở trong và ngoài nước am hiểu để mà lên tiếng, và như vậy phái đoàn LHQ sẽ không tìm hiểu được gì hơn là đi thăm phố cổ Hội An, Văn Miếu, vài ngôi chùa cổ… và cũng chẳng tiếp xúc được ai hơn là các phái đoàn nghinh tiếp hay những người được nhà nước sắp xếp.
Trong suốt 3 tháng trước ngày Bà Shaheed lên đường, chúng tôi đã hỗ trợ cho nhiều nhóm bị đàn áp chuẩn bị các bản báo cáo gởi cho bà ta. Trước hết là nhiều buổi trình bày về khái niệm quyền văn hoá cho nhiều nhóm Cao Đài, Hoà Hảo, Công Giáo, Khmer Krom, dân tộc Tây Nguyên, Chăm, và Hmong ở hải ngoại, ở Thái Lan và ở Việt Nam. Kế đến chúng tôi hỗ trợ các nhóm này để thực hiện bản báo cáo nộp trước cho Bà Shaheed và đề nghị phái đoàn của bà ta nên gặp những ai để tìm hiểu thêm khi đến Việt Nam. Và đầu tháng 11, qua văn phòng bảo vệ pháp lý ở Thái Lan, BPSOS tổ chức buổi gặp gỡ giữa một thành viên trong phái đoàn của Bà Shaheed với các nhà đấu tranh thuộc các tôn giáo và các dân tộc thiểu số đang lánh nạn ở Thái Lan.
Theo thông tin nhận được từ các nhóm ở trong nước, cho đến nay phái đoàn LHQ của Bà Shaheed đã tiếp xúc với một số nhà tranh đấu và nhân chứng trong danh sách đề nghị.
Tại buổi họp báo vào tuần tới, Bà Shaheed sẽ có một số nhận xét sơ khởi về chuyến thị sát. Tháng 3 sang năm bà ta sẽ nộp bản tường trình chi tiết cho Hội Đồng Nhân Quyền LHQ và công bố lịch trình theo dõi những sự cải thiện của chính quyền Việt Nam.
Điều cần lưu ý là một quốc gia có thể từ chối không mời Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ viếng thăm, nhưng khi đã mời thì phải tuyệt đối không được cản chặn hay can thiệp vào lịch trình tiếp xúc của Báo Cáo Viên Đặc Biệt cũng như của mọi thành viên trong phái đoàn LHQ trong thời gian viếng thăm, và cũng không được hăm doạ hay làm khó cho những ai đã tiếp xúc hay báo cáo với phái đoàn dù là trước, trong hoặc sau thời gian viếng thăm của phái đoàn.
Nếu nhất nhất hành động nào có tính cách sách nhiễu, đe doạ, đàn áp các thành phần đã tiếp xúc hay báo cáo với Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ đều dẫn đến sự lên tiếng của bà Shaheed, kèm với sự phụ hoạ mạnh mẽ của các chính quyền dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, thì chúng ta sẽ mở ra thêm một hành lang an toàn cho sự phát triển các yếu tố của xã hội công dân, và cũng bắc thêm nhiều cây cầu nối kết các thành phần dân chúng trong nước với quốc tế để thoát tình trạng “căn phòng tiếng vọng.”
Điều này khả thi và đang được thực hiện.