Ts. Nguyễn Đình Thắng
Cuối tháng 3, tôi đến Grand Rapids, tiểu bang Michigan. Lần trước tôi đến thành phố này là cách đây 13 năm. Thành phố nay trông khác xưa. Và người xưa thì người còn người mất.
Chiều Thứ Sáu 27 tháng 3, anh Việt Hải sắp xếp buổi hội luận ở đài truyền hình với chủ đề “nói với người trẻ”. Người phối hợp là cô Hải Miên, một chuẩn bác sĩ với giọng nói nhỏ nhẹ và duyên dáng.
Khi cô hỏi về kế hoạch đào tạo 500 người trẻ lãnh đạo trong 5 năm, tôi giải thích rằng đấy là sự nới rộng một chương trình mà tôi thực hiện từ những năm đầu của thập niên 1990.
Tôi kể: “Cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh là một trong những người trẻ mà tôi đào tạo, khi vừa ra trường năm 1996. Trong suốt một năm thực tập, tôi nhiều lần dẫn cậu thanh niên Cao Quang Ánh vào Quốc Hội để làm quen với chính trường Hoa Kỳ, và cậu thanh niên này đã nuôi chí vào Quốc Hội Hoa Kỳ từ thuở ấy. Nay Cao Quang Ánh đã làm nên lịch sử: là người Việt đầu tiên vào Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ. Sự kiện lịch sử này đã khuyến khích thêm nhiều người trẻ Việt dấn thân vào chính trường Hoa Kỳ.”
Sau buổi phỏng vấn, một người tham gia hội luận thố lộ là đã sinh hoạt nhiều năm với nhau, bây giờ nghe tôi kể thì mới biết chi tiết này.
Kế hoạch đào tạo lãnh đạo
Cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh không phải là người duy nhất trong số người mà tôi hướng dẫn, chuẩn bị, khuyến khích, và hỗ trợ để bước vào chính trường Hoa Kỳ. Từ 1990 đến 2010, khoảng 50 người trẻ đã đi qua chương trình đào tạo, và một số đã hoặc đang bước vào chính trường Hoa Kỳ. Trong đó một khuôn mặt tương đối quen thuộc với cộng đồng chúng ta là cô Luật Sư Tuyết Dương, trước đây làm trong Toà Bạch Ốc.
Năm 1990, khi khởi xướng công cuộc quốc tế vận để ngăn chặn cưỡng bách hồi hương thuyền nhân, tôi khám phá ra là người Việt ở hải ngoại ít ai có kinh nghiệm dòng chính. Đó là lý do cho công cuộc đào tạo nhân sự một cách dài hạn.
Nhưng mức độ đào tạo chỉ dăm người mỗi năm không bắt kịp nhu cầu tăng trưởng và thăng tiến của cộng đồng người Việt ở hải ngoại và nhu cầu thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
Năm 2010, tôi manh nha ý tưởng đào tạo hàng loạt những người trẻ để nhập vào dòng chính trong 3 lĩnh vực: chính trị, kinh tế và xã hội. Trong hơn một năm sau đó, tôi đã đến hàng chục thành phố ở khắp đất nước Hoa Kỳ để tìm những người cùng tâm nguyện. Ngày 2 tháng 7, 2011 khoảng 250 người, phần lớn thuộc giới trẻ và trung niên, tụ hội về thủ đô Hoa Kỳ để đưa ra kế hoạch đào tạo 500 người trẻ lãnh đạo trong 5 năm tới. Kế hoạch này có tên “500 trong 5 năm”.
Làm chính trị
Trong một bài trước, bài “Tôi Không Làm Chính Trị”, tôi đã định nghĩa cụm từ “làm chính trị” để tránh tình trạng ông nói gà, bà nói vịt: Hoạt động để chính mình hay người của mình tham gia chính quyền, kể cả việc thay thế đảng đương quyền.
Tham chính không là viêc đơn giản mà phải có quyết tâm, có bản lĩnh, chịu khó trau luyện, có người hướng dẫn, biết người biết ta, và biết vận dụng thời cơ. Muốn gặt hái kết quả nhiều khi phải đầu tư cả chục năm trời.
Làm chính trị, theo như tôi định nghĩa ở trên, còn có nghĩa vận động cho người của mình tranh cử, hay đảng của mình nắm chính quyền. Trong mùa tranh cử năm ngoái ở Hoa Kỳ, với sự tiếp tay của những người Việt hoạt động trong cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ, tôi kết nối nhiều nhóm trong cộng đồng Việt với ban vận động tranh cử cho các ứng cử viên Thượng Viện ở những tiểu bang “bất phân thắng bại” như: Kentucky, Georgia, North Carolina, Tennessee, Oklahoma, Louisiana, Michigan… Kết quả là nhiều vị tân Thượng Nghị Sĩ nay “mắc nợ” các nhóm người Việt đã góp phần cho sự đắc cử của họ. Và trong một trường hợp duy nhất, ứng cử viên được nhóm người Việt ủng hộ đã không đắc cử, nhưng đảng của họ vẫn ghi nhận sự nhập cuộc của khối cử tri gốc Việt.
Các khoản “mắc nợ” ấy gộp chung lại thành “vốn chính trị” mà chúng ta tích luỹ để khi hữu sự thì sử dụng.
Từ cả 2 phía
Trong vấn đề ảnh hưởng chính sách, vai trò của “tay trong” rất quan trọng — đó là những người Việt tham chính và những người mà chúng ta tiếp tay đưa vào hệ thống chính quyền, kể cả Lập Pháp lẫn Hành Pháp; họ giúp lái tiếng nói của chúng ta đến đúng nơi, và khuếch tán tiếng nói của chúng ta lên tầm cao và rộng hơn.
Nhưng đấy mới chỉ là một mặt của đồng tiền. Mặt kia là sự kết hợp và tổ chức quần chúng thành lực lượng để tạo thanh thế, tiếng nói và ảnh hưởng lên các nhà làm chính sách. Thiếu tiếng nói của quần chúng thì những người “tay trong” cũng chẳng có gì để khuếch tán hay lèo lái.
Công việc kết hợp và tổ chức quần chúng đòi hỏi đội ngũ nhân sự dày dạn kinh nghiệm, bền bỉ tinh thần và sẵn sàng đi đường dài đến cả chục năm để thành tựu. Trong số những người trẻ đã qua chương trình đào tạo mà tôi khởi sự từ hơn 20 năm qua, khá nhiều người chọn con đường này thay vì “làm chính trị”.
Các cuộc tổng vận động hàng năm có đạt được thành quả chính là nhờ sự tổng hợp của cả 2 thành phần nhân sự.
Để tạo dựng thế Bách Việt, chúng ta cần một kế hoạch đầu tư về nhân sự với chiều dài nhiều chục năm.