Ts. Nguyễn Đình Thắng
Trong kế hoạch quốc tế vận của chúng tôi cho suốt năm 2015, tự do tôn giáo là mũi nhọn nhân quyền. Lập trường này đang được nhiều thực thể quốc tế có ảnh hưởng lên Việt Nam hưởng ứng. Trước áp lực từ nhiều phía, quan trọng nhất là Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam hứa hẹn sẽ cứu xét Luật Tôn Giáo vào tháng 5 này để thông qua và thực thi đầu năm 2016.
Đây là lúc các tổ chức tôn giáo và các cộng đồng tôn giáo độc lập ở trong nước cần lên tiếng, với chính quyền Việt Nam và với quốc tế, nhằm ảnh hưởng đến nội dung của dự thảo luật này.
Luật Tôn Giáo
Việc ban hành Luật Tôn Giáo đang được chính quyền Việt Nam dùng để chứng minh thiện chí cải thiện chính sách đối với tôn giáo. Họ cho biết đã hoàn tất dự thảo đầu tiên và đã gửi nó đến các tổ chức tôn giáo để tham khảo ý kiến. Nếu đúng vậy thì chắc chắn đấy là những tổ chức tôn giáo quốc doanh mà thôi.
Đó chính là lý do các cộng đồng tôn giáo và các tổ chức tôn giáo độc lập cần đồng loạt lên tiếng ngay lúc này, để góp ý cho dự thảo Luật Tôn Giáo: thẳng với Quốc Hội Việt Nam và qua quốc tế.
Các Thực Thể Có Ảnh Hưởng
Lúc này Hoa Kỳ có ảnh hưởng nhất. Hiện nay, Bộ Ngoại Giao, Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, và nhiều thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ đặt tự do tôn giáo làm trọng tâm hàng đầu về nhân quyền Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định sẽ xoáy vào vấn đề tự do tôn giáo tại cuộc đối thoại nhân quyền ở Hà Nội vào đầu tháng 5 tới đây. Tuần đầu tháng 6, Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế sẽ cử phái đoàn đến Việt Nam thị sát tình trạng của các tôn giáo. Liền sau đó Quốc Hội Hoa Kỳ có thể sẽ triệu tập buổi điều trần về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Năm nay khối Liên Âu cũng đặt trọng tâm vào tự do tôn giáo trong lần đối thoại nhân quyền với Việt Nam vào tháng 1 vừa qua. Họ sẽ họp lại với Việt Nam tháng 12 năm nay.
Văn phòng của Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng đã nhiều lần chỉ trích Việt Nam về các vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo.
Những điều đòi hỏi
Trong các cuộc vận động chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ và quốc tế đòi hỏi Luật Tôn Giáo phải:
– Tuyệt đối không đòi hỏi người dân phải đăng ký các sinh hoạt tôn giáo như thờ cúng, cử hành lễ, cầu nguyện;
– Tôn trọng quyền thực hành giáo luật qua các công tác xã hội, y tế, từ thiện, giáo dục, tương trợ…
– Tôn trọng quyền giảng dạy và truyền bá giáo lý;
– Tôn trọng quyền sở hữu tài sản, kể cả đất đai và bất động sản, của các giáo hội và cộng đồng tôn giáo;
– Tạo điều kiện để mọi tổ chức tôn giáo, nếu họ muốn, có thể dễ dàng “đăng ký” quy chế pháp lý cho tiện việc giao dịch khi mở trường học, lập bệnh viện, xin trợ cấp tài chánh…
– Trừng phạt những kẻ xâm phạm các quyền tự do tôn giáo của người dân.
Tiếng nói của người ở trong nước
Khi lên tiếng, chúng tôi lấy tư cách công dân của Hoa Kỳ hay của các quốc gia tự do để vận động chính quyền của mình và LHQ áp lực lên chính quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, cần có tiếng nói của chính những thành phần bị ảnh hưởng trực tiếp: các cộng đồng tôn giáo và các tổ chức tôn giáo ở trong nước. Đây chính là cơ hội để các cộng đồng và tổ chức tôn giáo này tạo thế đứng và ảnh hưởng ở trong nước và trên trường quốc tế.
Tạo điều kiện thuận lợi
Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các cộng đồng và tổ chức tôn giáo ở trong nước tiếp xúc với các phái đoàn Hoa Kỳ và quốc tế viếng thăm Việt Nam, có cơ hội lên tiếng tại các diễn đàn khu vực và thế giới, và nộp hồ sơ vi phạm tự do tôn giáo trực tiếp cho các cơ quan chính quyền và LHQ.
Đồng thời chúng tôi đã soạn sẵn nhiều tài liệu để ai ai cũng có thể sử dụng, kể cả những người ở trong và ngoài nước, trong công tác vận động. Các tài liệu này được lưu trữ tại: http://dvov.org/religious-freedom/
Hai tài liệu mới nhất gồm có “Văn Thư của Giám Mục Hoàng Đức Oanh gửi giáo dân Giáo Phận Kontum” và “Bản Lập Trường Về Phật Giáo Hoà Hảo” bằng tiếng Anh và tiếng Việt — tài liệu thứ hai này là sự đúc kết ý kiến của nhiều thành phần tín đồ PGHH ở trong và ngoài nước qua 5 buổi lấy ý kiến từ cuối năm 2014 đến giờ. Trước đây chúng tôi cũng đã soạn tài liệu tương tự cho đạo Cao Đài.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cung ứng các tài liệu như vậy để mọi người cùng sử dụng nếu muốn.
Kết luận
Sự phối hợp trong-ngoài là cần thiết vào thời điểm mang tính cách quyết định này đối với tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ở ngoài, chúng tôi đã và tiếp tục làm những gì có thể, trong tư cách công dân Hoa Kỳ và thế giới, để tạo thuận lợi cho sự lên tiếng của người ở trong nước.
Trong năm 2015, chúng tôi tập trung nhiều vào mũi nhọn tự do tôn giáo. Tôi mong rằng đồng bào ở trong nước sẽ tận khai thác những cơ hội đang được mở ra từ mũi nhọn này.