Thiên Thơ
Chương Trình CADV
“Đây là câu chuyện bạo hành gia đình thật thương tâm đã thực sự xảy ra. Thân chủ đã gọi đến Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển – Chương Trình Cộng Đồng Chống Bạo Hành Gia Đình để được giúp đỡ từ mùa thu năm 2012. Sau tám tháng sống nương náu tại nhà tạm trú (shelter), cô ấy đã được học Anh văn, được người giữ ba đứa con dưới 10 tuổi để đi làm sáu ngày một tuần và được đi học lấy bằng Nails. Hiện nay, cô và ba đứa con thơ đang sống an vui trong một ngôi nhà chung cư được chánh phủ trợ cấp trong hai năm để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn sinh sống tự túc và tự lập trong tương lai.”
o 0 o
Mai sống trong một miền quê tại Vĩnh Long, Việt Nam. Tình cờ Mai gặp lại Tâm, một người bạn trai cùng quê từ tấm bé từ Mỹ trở về Việt Nam thăm cha mẹ tại quê nhà sau sáu năm xa cách. Tâm lớn hơn Mai 9 tuổi và bao giờ cũng thích chiều chuộng bé Mai ngây thơ, khờ khạo. Lần viếng thăm này, Tâm nói với Mai là Tâm rất nhớ quê hương, nhớ Mai và ngỏ lời muốn xin cưới Mai và bảo lãnh cô sang Mỹ sống chung với Tâm. Mai cảm thấy rất vui sướng, hạnh phúc và vâng lời cha mẹ làm đám cưới với Tâm. Năm sau, Tâm trở lại Việt Nam cưới Mai và làm giấy bảo lãnh vợ sang Mỹ. Khi Mai rời Việt Nam sang Mỹ, Mai đã có một bé trai hai tuổi với Tâm.
Với tâm hồn ngây thơ đơn giản, Mai rất yêu chồng và luôn luôn làm vừa ý chồng. Nàng sanh thêm hai đứa con sau đó: bé gái nay đã 7 tuổi và bé trai 6 tuổi. Nhưng hạnh phúc gia đình Mai-Tâm thật vô cùng bấp bênh sau tám năm chung sống tại Hoa Kỳ. Tâm không còn là người chồng có thể sống chung được như Mai đã lầm tưởng. Trái lại, càng ngày Tâm càng ham mê cờ bạc, rượu chè thâu đêm suốt sáng. Mỗi lần Tâm đòi tiền đi cờ bạc mà Mai không đưa thì cô có thể bị đòn bầm mình. Gia đình Tâm thấy vậy cũng nóng ruột cho Mai, khuyên cô nên bỏ Tâm ra đi để tránh cảnh bị hành hạ ngày đêm. Thằng con trai lớn cũng rất thương mẹ, bảo mẹ bỏ ba đi, ra sống riêng để không bị ba đánh bầm dập nữa. Nhưng Mai cương quyết không bao giờ bỏ ba đứa con thơ lại cho Tâm, một người chồng không còn lương tâm, không hề biết lo lắng gì cho vợ con cả. Nàng tự nghĩ nếu bỏ nhà ra đi được, Mai sẽ mang hết ba đứa con đi theo. Dù cho có chết đi, Mai cũng quyết tâm không bao giờ bỏ bê con cái sống không có người mẹ săn sóc, thương yêu bên cạnh.
Những đứa con thơ của Mai không hề biết tình cha con là gì. Chúng chỉ nghe cha chửi mắng và thấy mẹ thường bị cha đánh đập, tra khảo để lấy tiền đi cờ bạc. Mai không biết Anh ngữ nhưng làm móng tay rất khéo nên đã gầy dựng được uy tín trong tiệm Nails của mình trong những năm qua. Mai không được chồng cho phép học lái xe. Tất cả thời giờ của Mai dành hết cho tiệm Nails và cơm nước cho gia đình. Nàng rất thương yêu con cái như bao nhiêu phụ nữ khác. Mai cũng đã hy sinh chịu đựng cùng cực trong bao nhiêu năm qua.
Một hôm, Tâm về nhà nói đã cờ bạc thua lỗ và cầm bán luôn cả tiệm Nails rồi. Tâm còn hung hăng bảo Mai còn bao nhiêu tiền cứ đưa hết ra để Tâm đánh bạc tiếp gỡ gạc được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Mai hoảng hốt nói còn tiền gì đâu mà đòi thì Tâm làm dữ, xách dao ra đập chém bàn ghế bảo sẽ giết chết hết cả nhà rồi tự tử cho xong nợ. Mai hoảng hốt kéo ba đứa con chạy ra khỏi nhà sợ Tâm nổi điên sẽ giết chết con cái. Cô gọi taxi chở bốn mẹ con đến trường học của các con để nhờ nhà trường giúp đỡ. Mai biết rất rõ không thân nhân bè bạn nào dám chứa chấp, giúp đỡ bốn mẹ con họ trong lúc này vì Tâm rất hung dữ và nguy hiểm. Các cô giáo trong trường đã gọi cảnh sát can thiệp cho bốn mẹ con được vào nương náu trong nhà trạm trú. Một tuần sau, Mai gọi đến văn phòng Ủy Ban Cứu Ngưòi Vượt Biển để được giúp đỡ. Khi quản lý viên Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển hỏi: “Cô Mai có vấn đề khó khăn nào trong cuộc sống gia đình?” thì Mai nói rất tự nhiên là chồng cô đánh đập cô không biết bao nhiêu lần trong hơn mười năm chung sống. Có khi dí dao vào cổ bảo đưa tiền, có khi đấm đá vào người túi bụi, không cần biết ai sống ai chết. Những người bà con, bạn thân hỏi Mai tại sao không bỏ phứt ông ấy đi thì Mai nói ra đi không tiếng Anh, không nhà cửa, mất hết con cái, không tiền bạc, không biết lái xe thì làm sao mà sống đây? Nhưng cuối cùng cô đã phải quyết định đem hết con cái ra đi để bảo vệ sinh mạng mình và các con, không muốn dại dột để một người điên cuồng phá hủy mạng sống cả gia đình chỉ vì máu cờ bạc.
Sống trong nhà tạm trú cô Mai không hiểu gì nhiều vì không đủ tiếng Anh. Lúc dẫn con ra đi, trong tay cô chỉ có $100. Cô ấy phải gọi bạn bè thân mượn tiền để chi dụng thêm. Mỗi đêm, cô Mai và các con đều cầu nguyện Đức Mẹ thiêng liêng ban phép mầu cứu sống họ, giúp họ vượt qua những gian truân, tủi nhục, cay đắng này… Vài tuần sau, Tâm lân la dọ hỏi biết được vợ con đang ở nhà tạm trú của chánh phủ. Tâm tìm đến gặp Mai gây gỗ ầm ĩ, hăm dọa sẽ thưa kiện Mai đã bắt hết ba đứa con đi mà không cho ông ấy biết. Nhà tạm trú biết được việc này quyết định cho cô Mai và các con phải dọn đến ở một nơi khác để bảo vệ sự an toàn cho cả gia đình và những người khác đang cư ngụ tại nhà tạm trú.
Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (UBCNVB) đã liên lạc với các nhà tạm trú để xin chuyển gia đình cô Mai đến một nhà tạm trú tại một tiểu bang khác để bảo vệ an toàn cho cả gia đình cô Mai. Quản lý viên UBCNVB cộng tác tích cực với nhà tạm trú trong công tác thông dịch, lo giúp đỡ cô và các con xin Food Stamp và tiền mặt để chi dụng khi cô chưa có công ăn việc làm. Từ đó, các con của cô được chuyển trường. Cô được cấp phiếu đi taxi đến trường học Anh Văn vì chưa biết lái xe. Sau đó cô tìm được việc làm, được giúp học nghề Nails miễn phí để lấy bằng cấp hành nghề. Mỗi ngày, cô được người giữ ba đứa con sau khi chúng đi học về để cô có thể làm việc trong tiệm Nails đến 8 giờ tối. Cuộc sống của cô Mai và ba con nhỏ mỗi ngày một an vui, hạnh phúc hơn từ khi cô bắt đầu làm việc. Một thời gian sau, cô Mai và các con được nhà tạm trú phối hợp cùng UBCNVB giúp họ làm đơn xin nhà ở chuyển tiếp. May mắn thay, gia đình cô được chấp thuận dọn ra một căn hộ chung cư do chánh phủ trợ cấp trong hai năm. Cô Mai sẽ trả một phần tiền nhà, tiền điện nước, và tiền bảo hiểm các dịch vụ khác chiết tính trên thu nhập của mình. Cô và các con vô cùng vui sướng được dọn vào một chung cư hai phòng nhìn ra hồ bơi rất đẹp, bắt đầu một cuộc sống mới tự do và sung túc hơn nhiều. Đơn vị chung cư cộng đồng này rất rộng lớn, có hồ bơi và sân quần bợt để người cư trú có thể tham dự các môn thể thao này. Các con của cô Mai vui thích vô cùng vì từ đây chúng được yên tịnh học hành và bơi lội hay tập đánh banh vào cuối tuần. Cả gia đình đã sống sót sau những ngày bỏ trốn ra khỏi nhà để không bị giết hại vô lý. Họ đang sống an vui sau những tháng năm gian truân, vất vả. Cô Mai đã tập đi xe bus và metro trong khu vực chung cư mới. Cô sẽ học lái xe và lấy bằng lái để tự mình có thể chở các con đi đây đi đó trong tương lai. Một người bạn tốt đã hứa cho cô Mai chiếc xe hơi cũ để tạm dùng trong buổi đầu khó khăn.
Cô Mai thường tâm sự cuộc đời cô và các con coi như chết đi sống lại. Cô rất cảm kích và biết ơn tất cả những cơ quan bất vụ lợi trên nước Mỹ đã giúp đỡ cô và các con vượt qua những cơn bão táp phong ba, sống sót đến ngày nay. Cô biết rõ cô đã yêu thương Tâm vô cùng. Nhưng rất tiếc tình yêu đầu đời ngây thơ, khờ dại đã không đặt đúng đối tượng nên bản thân và con cái phải chịu điêu đứng quá nhiều. “Sau cơn mưa, trời lại sáng”. Cô Mai và các con luôn cảm nhận sâu xa họ đã được giúp đỡ, bênh vực tận tình để được tiếp tục sống và làm lại cuộc đời. Cô thầm nguyện trong tương lai khi nếp sống gia đình đã ổn định, khá giả hơn, cô sẽ tình nguyện đóng góp vào các chương trình từ thiện, ích lợi này để phần nào đáp lại công ơn của cộng đồng Việt Mỹ và của đất nước Hoa Kỳ. Bao nhiêu người đã thực sự mở rộng vòng tay cứu sống, hỗ trợ cô và các con từng bước khó khăn trong những ngày gian nan, khốn khổ nhất để dần dần gượng đứng trở lại trong vinh quang và hạnh phúc.
Xin kính mời quý vị gọi đến các quản lý viên Chương Trình Cộng Đồng Chống Bạo Hành Gia Đình của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển để được hướng dẩn giải quyết những trái ngang, bế tắc, bất an trong hôn nhân và cuộc sống qua những số điện thoại sau: Virginia: 703-538-2190; Maryland: 301-439-0505; Houston, Texas: 281-530-6888.
This project was supported by Grant No: 2009-EH-S6-0063 awarded by the Office on Violence Against Women, U.S. Department of Justice. The opinions, findings, conclusions and recommendations expressed in this publication/program/exhibition are those of the author(s) and do not necessarily reflect the views of the Department of Justice, Office on Violence Against Women.