Bước Kế Tiếp Sau Khi Hạ Viện Mỹ Thông Qua Luật Nhân Quyền cho Việt Nam

VOA, 28.06.2013

Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ ngày 27/6 thông qua Luật Nhân Quyền cho Việt Nam 2013 với tỷ lệ tán thành áp đảo.

Luật mang số hiệu HR 1897 do dân biểu Chris Smith đề xướng ngăn cản Hoa Kỳ viện trợ không có mục đích nhân đạo cho Việt Nam cho đến khi nào Hà Nội chứng tỏ tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền.

Đây là một trong những mục tiêu trong chiến dịch vận động của cộng đồng người Việt đánh động sự lưu tâm của chính giới Hoa Kỳ hầu thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.

 

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS đã phát động nhiều cuộc vận động nhắm vào cơ quan hành pháp và lập pháp Mỹ với các cuộc điều trần ở Hạ viện về thực trạng nhân quyền Việt Nam và các cuộc thảo luận trực tiếp giữa cộng đồng người Việt và các giới chức, nghị sĩ Hoa Kỳ mà cao điểm là Ngày Tổng Vận động hôm 4/6 khi hàng trăm người Việt từ khắp nơi đổ về Quốc hội yêu cầu Washington chú trọng điều kiện nhân quyền trong giao thương với Hà Nội.

Sau khi Luật HR 1897 được Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện thông qua, các mục tiêu và các bước tiếp theo trong kế hoạch vận động 2013-2014 cho nhân quyền Việt Nam ra sao? Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, Giám đốc điều hành BPSOS, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, cho biết thêm chi tiết:

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Mục tiêu ngay trước mắt là đưa đạo luật này ra trước toàn thể Hạ viện trước cuối tháng 10 để được biểu quyết thông qua với đa số áp đảo, tạo triển vọng được thông qua ở Thượng viện.

VOA: Vì sao thời hạn đề ra là trước cuối tháng 10 năm nay?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Vì chúng ta muốn luật được thông qua thật sớm nhưng cũng muốn bảo đảm là khi nó được đưa ra toàn thể Hạ viện thì phải được thông qua. Do đó, chúng ta cần thời gian để vận động thêm các dân biểu, đặc biệt các dân biểu đảng Dân chủ.

VOA: Mục tiêu chung cuộc là luật này được thông qua ở Thượng viện để chính thức có hiệu lực. Vậy kế hoạch vận động nhắm vào Thượng viện ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Chúng tôi đã bắt đầu tiếp xúc với một số thượng nghị sĩ đặc biệt là ông Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để thuyết phục ông nếu không ủng hộ thì ít ra cũng đưa luật ra để các thượng nghị sĩ khác biểu quyết. Bước thứ hai là vận động từng vị thượng nghị sĩ như cuộc vận động ở Hạ viện. Chúng tôi dự trù tháng 3 sang năm tổ chức Ngày Vận động cho Nhân quyền Việt Nam lần thứ 3 và kỳ này sẽ tập trung thật nhiều vào Thượng viện.

VOA: Đó là các kế hoạch vận động cho Luật Nhân quyền Việt Nam chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, trong khung làm việc chung của cuộc vận động bắt đầu từ tháng 4 năm nay hiện đang tiếp diễn, còn những mục tiêu nào đang được tập trung tới?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Còn hai mục tiêu nữa. Hiện nay chúng tôi đang vận động Hạ và Thượng viện đặt điều kiện chỉ cho Việt Nam vào Hiệp định Mậu dịch Tự do Xuyên Thái Bình Dương TPP khi Việt Nam chứng tỏ cải thiện nhân quyền cụ thể, bằng không, sẽ bị loại trừ ra khỏi TPP. Mục tiêu này cận kề hơn Luật Nhân quyền cho Việt Nam. Một mục tiêu nữa là đòi hỏi Tổng thống Mỹ áp dụng ngay những biện pháp chế tài đối với Việt Nam vì Hà Nội đã cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Vấn đề này cũng được kéo vào việc thương lượng TPP.

VOA: Trọng tâm anh nhắc đi nhắc lại là TPP. Cuộc vận động nhắm tới việc làm thế nào để chính phủ Mỹ có thể áp lực Việt Nam hoặc cải thiện nhân quyền hoặc bị loại ra TPP. Trong trường hợp Việt Nam bị loại sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà thành phần bị thiệt thòi trực tiếp chính là người dân Việt Nam. Anh phản hồi thế nào trước ý kiến này?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Không, ngược lại. Hiện nay nhiều nhóm lợi ích khác nhau đang vận động để không cho Việt Nam vào TPP cho đến khi Hà Nội thật sự tôn trọng quyền của người lao động, có những công đoàn tự do và độc lập của người lao động. Nếu mậu dịch Việt-Mỹ được gia tăng trong tình trạng nhân quyền Việt Nam như bây giờ thì e rằng càng trầm trọng hơn nạn công nhân bị bóc lột mà không có tiếng nói. Cho nên, không nhất thiết khi phát triển mậu dịch thì người dân tự động sẽ được thoải mái hơn hay được hưởng các lợi ích đó, mà nhiều khi có tác dụng ngược lại. Hiện ở Việt Nam đang xảy ra tình trạng cưỡng bức lao động như đối với các tù nhân và các cải tạo viên. Một khi có nạn cưỡng bức lao động như vậy, giá thành sản phẩm của Việt Nam sẽ được thấp xuống, không cạnh tranh công bằng với Mỹ.

Chúng tôi mong Việt Nam sẽ được vào TPP, nhưng phải có điều kiện. Bởi, nếu không, sẽ xảy ra tình trạng y hệt như năm 2006. Khi Tổng thống Bush bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) và cho Việt Nam được hưởng quyền quan hệ bình thường với Mỹ một cách thường trực, lập tức xảy ra các cuộc đàn áp rất nặng nề tại Việt Nam kéo dài tận ngày hôm nay. Đó là tín hiệu sai lầm và nguy hiểm mà Hoa Kỳ đã nhắn cho Việt Nam. Cho nên, chúng tôi muốn chặn lại ngay vì e rằng nếu không sẽ gia tăng đàn áp tại Việt Nam.

VOA: Ngoài chiến dịch vận động tại Mỹ, BPSOS cũng có cuộc quốc tế vận kêu gọi mọi người trong và ngoài nước góp ý với Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc liên quan đến cuộc Kiểm tra Định kỳ Toàn diện UPR. Xin hỏi làm thế nào người dân trong nước có thể góp ý với Hội đồng Nhân quyền?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc muốn tạo cơ hội để thường dân, các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền lên tiếng và cung cấp dẫn chứng, thông tin, tư liệu để Hội đồng dựa vào đó thực hiện cuộc kiểm tra. Họ không muốn chỉ nghe chính quyền Việt Nam mà nghe cả tiếng nói của người dân. Trở ngại lớn là người dân trong nước không biết đến việc này và không biên soạn được những báo cáo bằng tiếng Anh. BPSOS chúng tôi sẽ hỗ trợ dân trong nước. Nếu họ muốn góp ý với Hội đồng, chúng tôi giúp duyệt xét lại hồ sơ và dịch ra tiếng Anh.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Viết một bình luận