Michelle Võ
Dựa trên câu chuyện có thật
Tôi đứng trên đầu tàu, giang hai tay rộng, hít thở những ngọn gió đầu xuân thật dễ chịu, bỗng nhìn xuống thấy những cơn sóng đập vào đầu tàu. Tôi rùng mình sợ hãi. Nước mắt tôi trào ra. Hình ảnh khủng khiếp hiện về như bóng ma theo mãi cuộc đời tôi. Cách đây 25 năm tôi đã leo lên chiếc tàu định mệnh, liều mạng vì hai chữ “tự do”. Bọn hải tặc đã cướp đi đời trong trắng của tôi. Tôi còn nhớ 7 tên đen đúa, mặt mày đầy sẹo, ăn nói la lối, tay mang vũ khí. Chúng gom góp hết tiền, gạo, nữ trang rồi cột những người đàn ông lại. Chúng đưa tôi đi vô một góc. Tôi càng chống cự bao nhiêu, chúng càng đánh tôi đau hơn bấy nhiêu. Tôi đã bị loài thú dữ thay phiên nhau làm thịt. Tôi ngất đi, máu trong miệng, mũi lem đầy mặt.
Sau khi đến đảo, mấy người thanh niên trên tàu phải cõng tôi vào bệnh viện. Họ đã cứu mạng tôi. Sau khi nằm trong bệnh viện một thời gian, tôi đã sống lại nhưng tôi đã sống với khổ nhục, có lúc cảm thấy linh hồn mình như tấm kính bị nát ra thành nhiều mảnh. Tôi sống xơ xác như mảnh tàn y đã bị thấm hơi thở, mùi hôi của kẻ cướp. Tôi liên lạc được với cậu mợ ở Houston và tôi được sang đây.
Tôi sống với gia đình cậu mợ được yên ổn vài tháng thì cậu mợ muốn tôi ra phòng mạch của cậu để làm kế toán ở đó. Sáng cậu chở tôi đi làm, chiều cậu chở tôi về. Cứ như thế được vài tuần. Tôi cũng lãnh lương như những công nhân khác, chỉ khác là tôi phải đưa tất cả số tiền mình làm trả lại cho cậu mợ vì mợ bảo tôi còn thiếu cậu mợ tiền vé máy bay, tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, v.v. Mợ nói gì cậu cũng nghe. Tôi cũng nghĩ: “Mình sống trong một gia đình thì dù có cực nhọc đến đâu vẫn có gia đình bên cạnh mình – còn hơn lang thang ngoài kia, bơ vơ lắm”.
Tôi làm đuợc một thời gian thì cậu giữ tôi làm trễ hơn. Cậu bảo công việc nhiều lắm, bổn phận tôi là cháu phải giúp đỡ cậu. Tôi nhớ một ngày mùa hạ, mưa ròng rã cả ngày, đường xá Houston ngập đầy. Sau khi khóa cửa văn phòng, cậu tắt đèn. Tôi bỗng run sợ. Tôi hỏi: “Cậu ơi! Tại sao cậu tắt đèn?”. Cậu nói rằng có mưa và sấm sét cho nên tắt đèn đi kẻo bị mất điện. Rồi tiếng giày cậu tiến dần đến tôi. Tim tôi như ngừng đập – tôi ngột ngạt giữa bóng tối. Cậu ôm chầm lấy tôi. Cậu nói thầm thì: “Cho cậu hưởng một chút sướng đi con. Nhìn thấy bộ ngực con đầy đặn cậu chịu không nổi”. Cậu sờ soạn khắp thân tôi. Cậu nói tiếp: “Đúng là con gái 19 tuổi. À mà con đâu còn là con gái; con đã là đàn bà rồi thì chuyện này có gi lạ với con đâu hả?”. Tôi khóc thất thanh, van lơn: “Cậu ơi! Tha cho con đi cậu. Cậu ơi, đây là chuyện loạn luân cậu ạ.” Cậu hét to: “Ở xứ này văn minh lắm, ba cái chuyện này là thường tình. Đâu có gì mà con phải sợ.” Cậu kéo tay tôi nằm xuống đất. Cậu nắm giữa hai tay tôi và đè cả thân cậu trên người tôi. Sau khi cậu làm chuyện ô nhục, cậu căn dặn: “Chuyện này bây không có quyền cho ai biết, không thôi tao tống cổ bây về lại đảo.”
Tôi khóc như thác lũ, như cơn mưa đầu mùa tàn nhẫn, nhưng vẫn cắn răng chịu. Tôi sợ bị trả về đảo, sau đó lỡ phải về Việt Nam bằng đường biển và chẳng may gặp lại lũ cướp biển bất nhân thì sao. Một lần, rồi hai lần, rồi có tuần 2-3 lần như vậy, cậu quyết tâm không tha cho tôi. Tôi tìm đường thoát thân. Một buổi trưa, tôi nhờ một người bạn đồng nghiệp chở tôi đi mua đồ ăn trưa. Đến một tiệm ăn, tôi nói khéo là có hẹn bạn nên bảo cô bạn về phòng mạch trước đi. Sau khi bóng xe của cô bạn đã khuất, đôi chân tôi như run rẩy, không can đảm bước đi. Nhưng tôi gắng gượng bước từng bước chậm rồi đi nhanh hơn một tí, hơn một tí nữa. Tôi bắt đầu chạy chậm, sau đó chạy nhanh hơn nữa. Tôi chạy qua những ngõ hẻm, những con đường lạ mà tôi chưa từng đi qua. Tôi chạy qua đèn xanh, đèn đỏ, như kẻ vừa thoát ngục tù, vừa sợ hãi, vừa khóc ngất từng cơn. Nước mắt tôi lăn dài trên môi, trên má. Tôi chạy đến khi gần đứt hơi.
Đến một trạm xe bus tôi leo lên xe bus đang đậu và nhờ người lái xe bus cho tôi xuống một trạm cảnh sát. Người đàn bà da đen lái xe bus nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Bà ta biết tôi đang chạy trốn. Bà ta thả tôi xuống gần trạm cảnh sát. Cảnh sát giúp đưa tôi vào nhà tạm trú. Họ cho tôi đi học lớp Anh Văn. Nhờ học lớp đó, tôi quen Thế, người chồng tương lai của tôi. Tôi với Thế có 3 mặt con, nhưng bí mất của đời tôi không bao giờ tôi tiết lộ cho Thế biết. Nhưng oái ăm cuộc đời, vào một buổi chiều khi Thế đóng cửa tiệm rượu thì người bạn của Thế là Thắng đi ngang và hai người tình cờ gặp lại nhau. Thắng là người đi cùng chuyến tàu với tôi. Thắng vô tình đã kể cho Thế nghe chuyện tôi bị nhục trên chiếc tàu đó. Thế bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó. Trước khi đi, Thế chỉ trách tôi là không chia sẻ với anh chuyện đời thật của tôi. Thế ra đi, không một lần ngoảnh mặt, không một lời tiếc nuối. Tôi nhìn anh ra đi. Tôi không rỏ một giọt lệ, không la hét, không van lơn, chỉ biết chấp nhận sự bẽ bàng của cuộc đời mình. Nước mắt tôi đã cạn.
Sau khi Thế li dị tôi, cậu có ghé chia buồn với tôi. Cậu mượn tôi số tiền $40,000 cho con gái cậu làm vốn. Thấy mãi mà cậu không trả, tôi có vài lần gọi điện thoại nhắc nhở nhưng cậu chỉ trả tôi có $10,000. Tôi đòi phần còn lại. Cậu nói: “Tao không trả, bây làm gì tao? Nếu bây làm lớn chuyện, tao sẽ cho mấy thằng Mỹ đen thanh toán.” Tôi cười mỉm, nghĩ thầm rằng bây giờ mình không còn phải là cô gái 19 tuổi nhút nhát ngày xưa. Tình cờ, tôi nghe đài 900AM và xem VANTV thì biết được có tổ chức có thể giúp tôi. Tôi tìm đến cô Michelle và nhờ cô can thiệp. Cô đã đưa tôi đến văn phòng luật sư của quận và giới thiệu luật sư giúp tôi. Sau đó họ giúp tôi đòi được phần tiền mà cậu định giựt của tôi.
Đang hướng về quá khứ thì các con của tôi chạy đến ôm tôi. Mấy mẹ con đứng trước đầu tàu nhìn bầu trời bình an êm đềm. Khác với lúc nãy, tôi có cảm tưởng là bóng tử thần đã bị tiêu hủy. Có lẽ dĩ vãng sẽ không làm cho tôi run sợ nữa.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]