Ts. Nguyễn Đình Thắng
Trong thời gian gần đây, một số người bắt đầu quan tâm đến việc dùng đòn bẩy mậu dịch để cải thiện nhân quyền. Hai đòn bẩy mậu dịch mà chúng ta có thể sử dụng hiện nay là: GSP và TPP.
Ngày 9 tháng 5, 2008 Việt Nam nộp đơn xin quy chế Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (Generalized System of Preferences, hay gọi tắt là GSP). Nếu được ban cấp quy chế này thì Việt Nam sẽ được giảm hay miễn thuế trên nhiều mặt hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ. Điều này sẽ giúp Việt Nam phát triển mậu dịch và kinh tế.
Một tuần trước chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6 năm 2008, Hành Pháp Bush công bố bắt đầu cứu xét đơn xin GSP của Việt Nam.
Tuy nhiên hai bên gặp phải nhiều nút chặn. Đó là các điều kiện do Luật Mậu Dịch Hoa Kỳ năm 1974 áp đặt đối với quốc gia nào muốn hưởng GSP. Các điều kiện này gồm có:
(1) Thực thi kinh tế thị trường
(2) Tôn trọng tác quyền
(3) Tôn trọng quyền của người lao động
(4) Mậu dịch hai chiều công bằng
(5) Không cưỡng đoạt tài sản của công dân hay công ty Hoa Kỳ
Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, trực thuộc văn phòng Tổng Thống, đã thực hiện nhiều buổi thương lượng với Việt Nam. Các điều kiện luật định kể trên từng bước được tháo gỡ. Chẳng hạn, Hoa Kỳ chấp nhận lập luận là Việt Nam có kinh tế thị trường mà chỉ đòi hỏi giảm bớt tỉ lệ của khu vực quốc doanh. Thậm chí quyền của công nhân lập nghiệp đoàn tự do và độc lập cũng vậy. Việt Nam lập luận rằng Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam tuy không độc lập nhưng có thành lập các ban cố vấn gồm những người độc lập và như vậy có thể được xem là độc lập. Hoa Kỳ chấp nhận lý lẽ ấy.
Những tháo gỡ này phần nào do sự vận động bền bỉ từ phía Việt Nam. Cứ mỗi lần có dịp tiếp xúc với giới chức cao cấp của Hoa Kỳ, đích thân Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng ra vận động cho GSP: chẳng hạn như ngày 22 tháng 7 năm 2010 khi gặp nữ Ngoại Trưởng Hillary Clinton (http://www.vietnamembassy-brunei.org/vnemb.vn/tin_hddn/ns100723185025?b_start:int=35), và ngày 20 tháng 1, 2012 khi họp với TNS John McCain (http://www.thanhniennews.com/index/pages/20120120-mccain-pledges-more-support-as-meeting-with-vn-pm.aspx).
Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ giữ kín nội dung các cuộc thương thảo với Việt Nam về GSP. Tuy nhiên, từ vị thế là thành viên Quốc Hội, một số vị dân cử Liên Bang đã có đủ thông tin để theo dõi diễn tiến. Trước dấu hiệu Hành Pháp Hoa Kỳ tuần tự tháo gỡ hết các điều kiện từ 1 đến 4 để tiến đến ban cấp GSP cho Việt Nam, ngày 27 tháng 4, 2012 nữ Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ, CA) đưa vào Hạ Viện dự luật Fostering Rights through Economic Engagement in Vietnam Act, viết tắt là FREE Vietnam Act (H.R. 5157), nhằm ngăn chặn Tổng Thống ban cấp GSP cho Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền. Sáu vị dân biểu khác đồng bảo trợ cho dự luật này: Gerald Connolly (Dân Chủ, VA), Susan Davis (Dân Chủ, CA), Daniel Lungren (Cộng Hoà, CA), Brad Miller (Dân Chủ, NC), Loretta Sanchez (Dân Chủ, CA) và Frank Wolf (Cộng Hoà, VA).Tuy nhiên dự luật này đã không được đưa ra biểu quyết và đã chết vào cuối khoá Quốc Hội nhiệm kỳ 112.
Giữa tháng 8, khi rõ ràng là H.R. 5157 không có cơ hội để được biểu quyết, BPSOS đưa ra chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản” dùng điều kiện cuối cùng còn lại này làm nút chặn tiến trình ban cấp GSP cho Việt Nam. Hành Pháp Hoa Kỳ không hề nghĩ đến điều kiện này là vấn đề phải quan tâm. Chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản”. Nút chặn này không dễ tháo gỡ nếu như chứng minh được rằng quả thực Việt Nam đã cướp đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Thực ra, vấn đề tài sản đã được BPSOS đưa ra từ cách đây hai năm để chặn việc xoá trắng Giáo Xứ Cồn Dầu, vì một số công dân Hoa Kỳ có tài sản ở Giáo Xứ Công Giáo này và tài sản ấy vừa bị cướp đoạt hay đang bị đe doạ cướp đoạt. Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ biết tình trạng chinh quyền Việt Nam cướp đoạt và tiếp tục hăm doạ tài sản của công dân Hoa Kỳ, nhưng không nghĩ rằng ở tầm mức ảnh hưởng lên đến hàng trăm ngàn công dân Hoa Kỳ.
Giữa GSP và TPP
Để hiểu rõ hơn về thế cờ GSP và sự tương quan giữa GSP và TPP, xin lưu ý những điểm sau:
GSP là một đặc quyền mậu dịch được thông qua và gia hạn định kỳ bởi Quốc Hội. Còn quốc gia nào được hưởng GSP vào thời điểm nào thì do Tổng Thống toàn quyền quyết định miễn là vào thời điểm ấy đặc quyền GSP đang hiệu lực. Chính bởi vậy DB Lofgren mới phải vội vã đưa ra H.R. 5157 vào cuối tháng 4 năm ngoái để cản chặn nguy cơ Tổng Thống Obama ban cấp GSP cho Việt Nam. Chiến dịch đòi tài sản cùng mục tiêu, nhưng dùng luật đã có sẵn (Luật Mậu Dịch năm 1974) làm nút chặn.
Song song với GSP Hoa Kỳ đang thương lượng đa phương với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, về Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là TPP). Nếu được TPP thì Việt Nam cũng được miễn trừ thuế nhập cảng và do đó không cần GSP nữa. Nếu đang được hưởng GSP thì quy chế này sẽ tự động chấm dứt khi Việt Nam tham gia TPP.
Khác với GSP, TPP là một thương ước phải được cả lưỡng viện Quốc Hội chuẩn duyệt thay vì Tổng Thống toàn quyền định đoạt. Do đó, TPP là tiến trình kéo dài và có nhiều bấp bênh hơn GSP. Hành Pháp Obama cũng giữ kín các cuộc thương lượng TPP kể cả đối với các dân biểu và thượng nghị sĩ và dự định hoàn tất thương lượng TPP vào cuối năm 2012.
Do phản ứng mạnh của Quốc Hội, Hành Pháp Obama tuyên bố kéo dài cuộc thương lượng vô hạn định. Tuy nhiên những người trong cuộc biết rằng Hành Pháp Obama muốn hoàn tất thương lượng vào cuối năm nay.
Từ giờ đến cuối năm là giai đoạn mà các thành phần đặc quyền đặc lợi đang ráo riết vận động cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp để cài đặt điều kiện về tác quyền, sự minh bạch, v.v. Cộng đồng người Việt chúng ta ở Hoa Kỳ cần vận động để cài vào đó các điều kiện về nhân quyền.
Tóm lại, GSP không là một thương ước và do đó Tổng Thống Hoa Kỳ có thể đơn phương ban cấp quy chế này cho một quốc gia. Nữ DB Lofgren đã ra đạo luật để cản chặn việc này đối với Việt Nam. Dùng luật có sẵn để làm nút chặn là cách khác; chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản” đi con đường này. Hai cách này bổ túc cho nhau.
Còn TPP sẽ phải đi qua thể thức bỏ phiếu tại Quốc Hội, với thời gian có thể kéo dài và nhiều yếu tố bất định. Chúng ta cần vận dụng thời gian trước mắt để vận động Quốc Hội cài đặt các điều kiện về nhân quyền trong thương ước này.
Bài liên quan:
Chiến Dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản”: Hoa Kỳ tạm ngưng cứu xét quy chế GSP cho Việt Nam
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2613