Bị Kẹt Giữa Hai Ngôn Ngữ

N.V.T

Có rất nhiều người di dân kém tiếng Anh, nghèo và sống cô lập. Trẻ em của những gia đình di dân, mặc dầu sinh đẻ ở Mỹ và đã đi học mẫu giáo gần ba năm như trường hợp của William Martinez sinh ở Gaithersburg, Maryland, chỉ biết vài tiếng Anh như “happy” và “hello” nghe được trên vô tuyến truyền hình hay ở sân chơi thể thao.

Những con số thống kê nói lên rất nhiều: Ðây là những người mà cuộc sống bị khoanh tròn trong nghèo khổ, cô lập và không được chú ý đến. Nhiều trẻ em dùng phần lớn thời giờ trong những căn hộ chật hẹp, ngồi trước máy truyền hình. Cha mẹ chúng lại có ít hay không có học thức và phải làm việc nhiều giờ với đồng lương ít ỏi. Nhiều người không có ở nhà khi con họ thức dậy. Phần lớn trẻ con lại không sống trong mạng lưới cộng đồng di dân có tổ chức có thể lấp chỗ trống đó.

Việc đó đưa chúng đến hai điều bất lợi: không những chúng không học tiếng Anh mà thường chúng còn không học giỏi tiếng mẹ đẻ.

Hậu quả là khi mới vào trường học, trong cuộc thi trắc nghiệm để biết ngôn ngữ nào vượt trội, thường thì chúng có rất ít ngữ vựng ở cả hai ngôn ngữ. Nhiều đứa gặp khó khăn khi học đọc và học viết, thua cả những thành viên trong gia đình mới di dân đến.

William bây giờ 7 tuổi, học lớp hai ở trường Tiểu Học Gaithersburg, chỉ nói được những chữ đơn giản và thường lấy tay đập vào trán cố tìm chữ để nói. Em nhăn nhó rất buồn cười. William và 13 trẻ em khác được chuyển đến một lớp học đặc biệt vì cần có sự giúp đỡ thêm.

Trong một cuộc thi trắc nghiệm khả năng Anh ngữ mới đây, em được điểm không và dường như em chưa bao giờ thấy tiếng Anh.

William cùng với các trẻ em khác như William là một vấn đề đau đầu đối với thầy giáo. Mặc dầu các em nói lưu loát nhưng lại không biết những từ đơn giản như roof (mái nhà), pants (quần). Chúng nói giỏi là nhờ xem chương trình truyền hình tiếng Tây Ban Nha và phim hoạt hoạ Mỹ, vốn giúp chúng dùng chữ và câu nhưng không sửa soạn cho chúng đọc và viết.

Mặc dầu có những ngoại lệ, các giáo viên sợ rằng nhiều trẻ em sẽ chối bỏ tiếng mẹ đẻ, một mô hình của sự đồng hoá ở Hoa Kỳ. Và nếu tiếng Anh của chúng kém cỏi, có nguy cơ chúng trở thành “nửa mù chữ”. Chúng có thể có một số ngữ vựng ở mỗi bên ngôn ngữ nên pha trộn cả hai khi nói. Ðó không phải là một song ngữ, mà là một thứ “phi ngôn ngữ”.

Những Cộng Ðồng Phân Tán

Một cuộc điều tra và nghiên cứu năm 1993 tại California và Texas cho thấy 1/3 trong số 2,1 triệu học sinh di dân học tiếng Anh tại các trường công lập Hoa Kỳø sinh ra ở Mỹ. Với vài ngoại lệ, những sinh viên đó nói ngôn ngữ thứ nhất của họ tương đối giỏi, một phần vì những cộng đồng di dân ở các tiểu bang đó lớn và nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, các cộng đồng di dân nhỏ hơn và phân tán, các gia đình không những sống trong nghèo khổ mà còn bị cô lập.

Trong nhiều năm, các cộng đồng di dân ở Cali và Texas học cao và có địa vị vững chắc. Con cái của họ học tiếng Anh rất nhanh. Các giáo viên trong chương trình ESOL (Tiếng Anh cho những người nói ngôn ngữ khác) đưa các học sinh ra ngoài lớp học vài giờ trong một tuần để thực tập viết câu và học văn phạm. Học sinh thực hành tốt và trong bài thi trắc nghiệm toán chúng vượt các học sinh bản xứ cùng học tiếng Anh với chúng.

Nhưng trong thập niên 1980 và 1990, nhiều di dân đến vùng Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn một cách bất hợp pháp. Một cuộc điều nghiên trong mùa hè vừa qua cho thấy 30 phần trăm con cái của những người di dân, đặc biệt là gốc Châu Mỹ La Tinh, có khuynh hướng ít học hơn và gia đình của chúng có tiền lương kém hơn các cộng đồng Hispanic có cơ sở vững chắc như ở Cali và Texas.

Lấy một thí dụ như ở quận Montgomery, 30 phần trăm trẻ em gốc Châu Mỹ La Tinh không đi mẫu giáo. Nhiều em, như William, được giao phó cho những người giữ trẻ, ngồi trước máy TV trong khi cha mẹ chúng đi làm quét dọn nhà cửa và văn phòng hay làm thợ xây dựng.

Synthia Woodcock Dang đã dạy các trẻ em cùng trong một gia đình di dân, trong số này có em theo cha mẹ đến Mỹ với tư cách di dân, có em sinh ra ở Mỹ. Synthia nhận xét mặc dầu các em đến từ quê hương trong tình trạng nghèo khổ, nhưng nhờ ông bà kể cho nghe chuyện cổ tích, và cùng đi chợ với ông bà, nên giàu kinh nghiệm. Trong khi các em của chúng, sinh tại Mỹ, không có ai để cùng nói chuyện với. Sự cô lập đó khiến các em này trởû nên kém tiếng Anh.

Thấy Mà Không Nghe

Ngôn ngữ, bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, phát triển qua sự tương tác. Có em câm lặng vì không có ai nói chuyện với em. Mẹ em lại luôn vắng nhà.

Vy Phạm, 9 tuổi, sinh ra ở Silver Spring, Maryland, học lớp bốn trường tiểu học McAuliffe ở Germantown. Tiếng Anh của em rất hạn chế vì mẹ em, Chi Phạm, 34 tuổi, người Việt lai Mỹ, sống nghèo khó, đi giữ trẻ và hiện nay đi quét dọn ở nhà hàng Roy Roger’s gần nhà. Vy Phạm không làm bài tập tại nhà. Giáo viên khuyên em đọc sách nhưng nhà em không có sách vì mẹ em không biết đọc và gia đình em sống chung với một gia đình khác.

Bước Ðầu Tìm Cách Giúp Ðỡ

Ðể có sự thay đổi, các người làm công tác xã hội, với dự án về mù chữ trong gia đình, đã làm việc tại nhà với một bà mẹ, khuyến khích bà ta tắt TV và nói chuyện với con cái của bà hay đưa chúng đi chơi ngoài công viên.
Bây giờ bà mẹ đã bắt đầu nói chuyện cẩn thận với con, cho con tham gia câu lạc bộ, và trong những ngày cuối tuần bà đã biết bò trên sàn nhà chơi giỡn với con.

Việc Không Phải Là Dễ

Bà mẹ đã đến Mỹ để có một cuộc sống tốt hơn, để rũ bỏ đau buồn tìm hy vọng, nếu không phải cho bà, thì cũng là cho con cái. Bà nói: “Tôi không muốn các con tôi có một cuộc sống khổ nhọc như tôi.” Bà đã tiến bộ nhiều nhưng con đường vẫn còn dài trước mắt.

(N.V.T. viết theo Brigid Schulte W.P. “Trapped Between 2 Languages,” The Washington Post, June 09, 2002)

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

 

Viết một bình luận