Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu: Từ Đối Phó Đến Chủ Động

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Tháng 5 năm 2010, chính quyền Đà Nẵng khởi động cuộc đàn áp đẫm máu để cướp trắng GiáoXứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng. Tháng 7, BPSOS cùng với thân nhân ở Hoa Kỳ của một số giáo dân Cồn Dầu phát động chiến dịch “Cứu Cồn Dầu”. Mục tiêu tối hậu của chiến dịch là bảo vệ sự trường tồn của giáo xứ với 135 năm lịch sử này. Gần 3 năm sau, Giáo Xứ Cồn Dầu vẫn đứng vững trước nhiều đợt tấn công của chính quyền Đà Nẵng.

Để đạt mục tiêu tối hậu, chiến dịch có hai mục tiêu ngắn hạn: bảo vệ tất cả những nạn nhân đã thoát ra khỏi Việt Nam, và đẩy lùi áp lực của chính quyền trên người dân ở Cồn Dầu. Kế hoạch thực hiện gồm 5 giai đoạn.

Bốn giai đoạn đầu nhằm lôi kéo sự can thiệp mạnh mẽ của Hoa Kỳ và quốc tế để cầm chân chính quyền trong khi văn phòng trợ giúp pháp lý của BPSOS ở Thái Lan can thiệp cho các giáo dân lánh nạn được xét là tị nạn và đi định cư ở Hoa Kỳ. Đưa họ sang được Hoa Kỳ là yếu tố cần thiết cho chiến dịch.

Ngay khi các giáo dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tháng 5 năm 2012 vừa qua, chiến dịch chuyển sang giai đoạn 5, là giai đoạn nắm chủ động vì:

– Nó củng cố tinh thần của người dân ở Cồn Dầu. Trước đây chính quyền Đà Nẵng đã từng tuyên bố sẽ bắt tất cả những người lánh nạn về nước để trừng trị. Nay thì lời tuyên bố ấy đã được chứng minh là trống rỗng.

– Các nạn nhân trước đây nay trở thành nhân chứng sống. Họ đã chia nhau đi nhiều thành phố để vận động ngay khi đặt chân đến Hoa Kỳ.

– Quan trọng nhất, họ tiếp tay đào sâu tình trạng sa lầy cho chính quyền Đà Nẵng trong ý định cướp trắng Giáo Xứ Cồn Dầu.

Vận động quốc tế là diện; tạo sa lầy mới là “điểm” của chiến dịch. Ngay buổi đầu, chúng tôi truy tìm tất cả các cựu giáo dân Cồn Dầu đã là công dân Hoa Kỳ và tìm được một trường hợp có bất động sản ở Cồn Dầu, do thừa kế từ thân nhân đã qua đời. Trường hợp này được dùng để cảnh báo Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: luật pháp Hoa Kỳ ngăn cấm việc ban cấp một số đặc quyền mậu dịch và đòi hỏi ngưng viện trợ tức khắc đối với quốc gia nào xâm phạm tài sản của công dân Hoa Kỳ. 

Điều này cài chính quyền Việt Nam vào thế phải chọn hoặc tiếp tục cướp đất để rồi mất quyền lợi mậu dịch và viện trợ, hoặc phải ngưng ý định cướp đất. Dù chỉ một hồ sơ “bất khả xâm phạm” cũng đủ tạm thời cầm chân một chính sách.

Qua năm 2011 chúng tôi gợi ý các gia đình ở Cồn Dầu làm giấy uỷ quyền tài sản cho con cái là công dân Hoa Kỳ. Khoảng chục trường hợp làm kịp điều này trước khi các uỷ ban nhân dân được lệnh không “công chứng” các giấy uỷ quyền như vậy nữa. Dù vậy số trường hợp “bất khả xâm phạm” đã tăng lên đáng kể.

Con số này tiếp tục tăng mỗi khi một gia đình người Cồn Dầu đến Hoa Kỳ định cư vì chúng tôi đã căn dặn tất cả những giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan nhờ người nhà âm thầm chuyển “sổ đỏ” – nghĩa là giấy xác nhận chủ quyền nhà và quyền sử dụng đất – sang cho họ. Ngay khi đặt chân đến Hoa Kỳ họ đã uỷ quyền bất động sản cho thân nhân là công dân Hoa Kỳ. Chính quyền Đà Nẵng có muốn tịch thu “sổ đỏ” thì cũng đã muộn rồi.

Vậy là ngày càng nhiều các lô đất “bất khả xâm phạm” nằm lỗ chỗ khắp xứ đạo; nhà thầu không thể khởi công xây dựng công trình “du lịch sinh thái” như dự định. Tình trạng nhì nhằng này kéo dài thì sẽ đến lúc các nhà đầu tư tự động rút vốn.

Chiến dịch Cứu Cồn Dầu không ngưng ở đó. Cuối giai đoạn 5, các công dân Hoa Kỳ sẽ dùng các điều khoản chế tài của luật pháp Hoa Kỳ để đòi lại phần đất đã bị tước đoạt, làm bài học cho kẻ cướp đất.

Chiến dịch này không chỉ bảo vệ một xứ đạo mà còn đưa ra cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại lẫn đồng bào trong nước một mô thức đấu tranh có phương pháp để chuyển từ đối phó sang chủ động. 

Bài liên quan:

Đất nuôi dân, dân giữ đất:
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2592

Chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản”:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2502

Chiến dịch “Cứu Cồn Dầu”:
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2579

Viết một bình luận