Phong Lan
LTS: Tác giả là một chuyên gia làm việc trong một công ty lớn ở Hoa Kỳ. Cô tình nguyện với Liên Minh CAMSA và đang thành lập nhóm yểm trợ ở Orange County, California. Tháng 11, 2012, Cô đã lên đường đến Thái Lan và Mã Lai để phụ giúp cho các hoạt động của BPSOS ở hai quốc gia này. Ở Thái Lan cô thăm viếng và phát quà cho nhiều trăm đồng bào lánh nạn cộng sản cũng như phỏng vấn một số các nhà tranh đấu, các đồng bào thiểu số, các giáo dân Cồn Dầu, các nạn buôn người. Ở Mã Lai Cô có dịp chứng kiến và tham dự một số hoạt động hàng ngày của văn phòng Liên Minh CAMSA, do BPSOS đồng sáng lập năm 2008, kể cả thăm viếng nạn nhân và truy tố thủ phạm. Dưới đây là một trong loạt bài ký sự của Cô về chuyến đi này.
Tháng 11 vừa qua, đến Thái Lan tôi đã có dịp phỏng vấn em L., một công nhân bị lừa qua Jordan lao động xuất khẩu, bị đánh đập và bóc lột sức lao động. Em và các bạn đình công nên bị trục xuất về Việt Nam. Một người trong nhóm, cô Vũ Phương Anh, được BPSOS và CAMSA giải cứu trên đường về Việt Nam và sắp xếp để lánh nạn ở Bangkok và rồi định cư ở Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, em L. tiếp tục tranh đấu và phối hợp hành động với cô Phương Anh ở Thái Lan để phanh phui đường dây buôn người của chính quyền Việt Nam. Em L. đã phối hợp các nạn nhân khác cùng đi kiện thưa nhưng không ai giải quyết, em bị dàn cảnh tai nạn xe cộ với lời cảnh cáo của công an. Em vẫn tiếp tục tranh đấu và bị tai nạn xe cộ lần 2, gãy hết răng, mặt mũi miệng bị thương tích, và bị chấn thương não. Em bị mất trí nhớ và mất hết nhà cửa. Em sống không nổi ở Việt Nam nên đành phải để lại mẹ già và con thơ mới 2 tuổi để trốn sang Thái Lan xin tị nạn. BPSOS đã đưa em đến trú ẩn ở nơi cách biệt và an toàn. Hôm nay nhận được tin em bé của em đã được đưa sang Thái Lan đoàn tụ cùng em. Chúng tôi vui mừng cho em và mong rằng những ngày sắp tới của em “hết cơn bĩ cực, tới hồi thới lai”. Luật sư của BPSOS đang giúp cho hai mẹ con em xin quy chế tị nạn với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Xin mời các cô chú, các anh chị nghe em kể lại đoạn đường đau khổ của em từ công nhân lao động xuất khẩu đến tị nạn như thế nào.
Phong Lan: Em có thể nói tên em được không? Em tên gì?
L.: Dạ, cháu tên Nguyễn Thị L.
Phong Lan: Em năm nay bao nhiêu tuổi?
L.: Dạ năm nay cháu 28 tuổi
Phong Lan: Em mới qua Thái Lan ?
L.: Dạ, cháu qua gần 3 tháng rồi
Phong Lan: Em kể về em chút xíu được không ? Trước đây em có đi làm bên Jordan phải không?
L.: Năm 2007, ở địa phương có chương trình cho người dân đi lao động xóa đói giảm nghèo, đi lao động tromg vòng 3 năm, lao động ngày 8 tiếng không kể thứ 7, chủ nhật mỗi tháng được 250US.
Phong Lan: Em ở thành phố nào?
L.: Cháu ở Phú Thọ, miền trung du, miền núi. Lúc trước khi đi, bọn cháu bị họ chuyển từ công ty này đến công ty khác, thì họ nói phải chờ đợi, họ cũng không cho bọn cháu học gì hết về văn hóa, hay pháp luật, họ cũng không nói gì về cái nơi cháu đến. Trước một ngày bay đi, họ mới cho bọn cháu ký hợp đồng lao động vào buổi tối.
Phong Lan: Hợp đồng như thế nào?
L.: Họ nói đây là hợp đồng ngoại nên có tiếng Anh và Trung; ông chủ của cháu là người Đài Loan. họ cho bọn cháu ký lúc 9 giờ tối, thì bọn cháu mới hỏi sao không có tiếng Việt, họ nói đây là bản hợp đồng ngoại nên không có tiếng Việt, họ giải thích lung tung.
Phong Lan: Em có tốn tiền nhiều không cho cái dịch vụ này.
L.: Trước khi đi, cháu có dược hướng dẫn cầm cố cái sổ đỏ vào cho ngân hàng, để vay 3000 USD lúc đấy khoảng 45,000,000 đồng để đi Jordan, còn học tiếng, ăn uống chi phí, làm giấy tờ thì phải đến công ty này nộp một ít tiền, công ty kia nộp một ít tiền rất là tốn kém.Vào lúc đêm lúc trước khi đi, người ta mới cho vài hộp sữa, và ít bánh mì đi ăn đường vì từ Việt Nam đến Jorrdan mất mấy ngày. Trong lúc đưa đi, không có được ai đưa đi chỉ có mấy chị em ở quê ra thì không biết chỉ mò mẫm đi và cũng may đã đi được đến nơi, phải chuyển máy bay rất nhiều lần thì mới đến nơi.
Phong Lan: Trong chuyến bay đó có hơn bao nhiêu em đi làm?
L.: Chỗ bọn cháu có hơn 200 anh chị em, nhưng mà đi chung chỉ có khoảng 10 người. Khi sang đến Jordan thì ông chủ thu lại cái hợp đồng, và passport và cháu không có giấy tờ gì cầm theo, và không có thời gian, cơ hội nào để được biết cái gì được viết trong cái bản hợp đồng? Tại vì tiếng tăm không biết, bọn cháu không hiểu biết gì nhiều lắm về mọi vấn đề. Sang đến bên ấy, nghỉ ngơi chút thì ông chủ nói: Có đơn hàng gấp thì làm giúp ổng để kịp tiến độ giao hang, cho nên đến một cái bọn cháu làm luôn. Còn ngày cuối tuần vẫn làm việc bình thường, vì thật ra là cháu làm từ lúc 6 giờ sáng đến độ khoảng 9, 10 giờ đêm, lúc thì 11 giờ đêm. Vì khi ở Việt Nam ký hợp động thì mình làm thêm giờ nào, họ sẽ tính trả thêm tiền cho mình giờ đó, nên bọn cháu cũng không phản đối cái việc mình phải làm thêm, tại vì đi lao động cũng muốn kiếm tiền gởi về nhà trả nợ. Khi nhận lương tháng đầu tiên, bản thân cháu cũng hoàn thành số lượng sản phẩm khi ông chủ đưa ra, nhưng ông chủ trả cho người cao nhất là 150 USD, còn lại là trả thấp dần; chẳng hạn như người ta làm chậm hơn thì được trả từ 100 USD xuống mấy chục đô. Cháu mới hỏi ông chủ tờ giấy thông báo trong hợp đồng làm 8h được 250 USD mỗi tháng, và có tính thêm tiền chuyên cần, này nọ kia, vậy mà bọn cháu làm luôn ngày thứ 7, chủ nhật và thêm mỗi ngày phải làm thêm 6 giờ, 5 giờ, 4 giờ tùy thuộc vào thời gian ông chủ đưa ra, tại sao chúng tôi nhận được số tiền như vậy? Ông chủ nói rằng: “Tôi làm đúng theo hợp đồng đã ký, các bạn hỏi phía Việt Nam.” Và bọn cháu hỏi phía bên Việt Nam, người ta cũng không trả lời và chỉ hứa giải quyết, và tình trạng này kéo dài 3 tháng mà bọn cháu chỉ nhận được số tiền có bấy nhiêu mà không có gì thay đổi.
Đến dịp Tết VN, bọn cháu được nghỉ mấy ngày. Lúc đó bọn cháu buồn và khổ lắm rồi, cứ nghĩ là đi ra ngoài kiếm tiền lao động vất vả như vậy, làm việc theo đúng hợp đồng mà đã không có rồi, còn bị bắt buộc làm thêm rất nhiều thời gian như vậy cả thứ 7, chủ nhật không được gì mà nhận được đồng lương quá rẻ mạt như vậy nên mới bàn với nhau khiếu kiện đình công để cho ông chủ phải thực hiện đúng cái hợp đồng mình đã biết ở VN. Khi bọn cháu đình công, thì ông chủ không đồng ý, ổng nói ở Jordan đình công là bất hợp pháp và sẽ bị bắt, nhưng bọn cháu cũng không hề biết đình công là bị như thế nào, bị xem là bất hợp pháp. Lúc đó mới lờ mờ hiểu được là bị bọn họ lừa, mới gọi điện thoại về Việt Nam cho công ty môi giới; họ nói rằng họ sẽ sang nhưng mà không sang; kể cả bọn cháu đình công họ cũng không sang. Ông chủ cho 1 người nước ngoài, bọn cháu cũng không biết ông ấy làm cái gì, thì ông nói ổng là bộ trưởng bộ lao động ở nước Jordan đến cùng với 1 đám cảnh sát cầm gậy, cầm súng theo vào và nói rằng nếu bọn cháu không đi làm, họ sẽ bắt bọn cháu đi tù và bắt bọn cháu ký vào cái bản ghi nợ vì bọn cháu đình công làm tổn thất đến công ty đến pháp luật của Jordan. Nhưng bọn cháu không ký. Cô nhân viên được công ty xuất khẩu loa động Việt Nam đưa sang Jordan làm phiên dịch đưa người vào gặp các chị em; nó lôi mấy chị em ra bắt là phải ký theo cái biên bản họ đưa ra.
Phong Lan: Bọn em không ký thì có gì xảy ra?
(còn tiếp)
***
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau bốn năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên 4 nghìn nạn nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia liên hệ.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]