Hưng Yên
Sau mấy ngày quần thảo với Việt Cộng, lúc nào cũng đinh tai nhức óc vì tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ vang trời xen lẫn với tiếng phóng lựu đạn M79, hoả tiễn chống chiến xa M72 của ta, lại có cả tiếng B40 của Việt Cộng nữa. Thôi thì súng lớn, súng nhỏ cứ thi nhau mà nổ, liên tu bất tận khiến người ta lúc nào cũng cứ như mê đi. Sướng nhất là mỗi lần nhìn thấy chiến xa T54 của địch bị trúng bom hoặc trúng hoả tiễn M72 của ta, có cái lật nghiêng, có cái lật ngửa chổng bốn vó lên trời, có cái cháy nám đen xụm hẳn xuống… Thật cái đám Việt Cộng này đúng là một lũ điên! Yên lành không muốn, kéo nhau vào đây gây sự làm chi để đến nỗi chết thảm thế này không biết. Bây giờ thì thằng nào còn sống đã chém vè mẹ nó hết rồi, còn lại là mấy trăm xác chết ngổn ngang, cứ nghĩ đến phải dọn sạch cái đám xác chết này là thượng sĩ Bức, trung sĩ Đợi và hạ sĩ nhất Hoạch đã thấy nản lắm rồi. Dĩ nhiên không phải chỉ có ba ông tướng này phải làm mà cả tiểu đoàn 6 Nhẩy Dù phải làm, thế nhưng sao mà thấy nó nản quá sức. Đánh nhau không sợ, mà sợ nhất là phải đem chôn cái đám Việt Cộng chết tan thây này. Nhưng mà sợ cũng phải làm, chứ không chôn để cho nó thối om lên rồi gây ô nhiễm cả một vùng trời Miền Nam hay sao?
Bây giờ thì mọi sự cũng đã tạm ổn, công sự phòng thủ cũng đã được củng cố lại xong rồi, thượng sĩ Bức lẩm bẩm:
– Đéo mẹ, chúng mày có ngon thì quay trở lại quần thảo một trận nữa đi, kẻo lại không biết thế nào là “sinh Bắc tử Nam”!
Thượng sĩ Bức còn đang lẩm bẩm nói một mình như thế thì đã thấy trung sị Đợi và hạ sĩ nhất Hoạch tìm đến. Ba ông tướng này tuy cấp bậc khác nhau nhưng lại thân nhau hơn anh em ruột, cứ có chút thì giờ rảnh là họ lại tìm đến với nhau. Ngoài cái cùng gan cóc tía, mỗi lần đụng trận là chỉ biết tiến chứ không biết lùi thì cả ba người hình như đều có một chút máu “sơ vơ” như nhau. Chả thế mà không như những “ông Binh” khác, cứ mỗi lần trở về hậu cứ là la cà tứ tung, thì ba nhà “quân sự hàng đầu” của tiểu đoàn 6 Nhẩy Dù này chỉ quanh quẩn ở nhà với vợ. Kệ ai muốn nói gì thì nói, có bảo họ là dân “cơm nhà quà vợ” thì họ cũng chỉ cười hề hề. Có lần chỉ có ba anh em với nhau thượng sĩ Bức đã phát biểu: Bọn nó không ở nhà với vợ mà cứ la cà tứ tung là bởi vì vợ bọn nó “bết”.
Ở đơn vị, thượng sĩ Bức được tiếng là một ông thượng sĩ đại đội vững như một cái cột sắt, hạ sĩ nhất Hoạch được kể là khắc tinh của chiến xa địch thì trung sĩ Đợi cũng được coi là người đã dọn đường cho cán binh Việt Cộng được dễ dàng đi theo Bác hơi nhiều. Bởi cứ mỗi lần khẩu đại liên M60 của hắn lên tiếng là y như rằng không nhiều thì ít thế nào cũng có một số thằng Việt Cộng được ôm đầu máu đi sang thế giới bên kia với Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng. Trung sĩ Đợi có lẽ cũng là tay ma lanh nhất trong số ba người, chả thế mà đánh nhau rầm rầm, chết chóc như thế mà không hiểu sao hắn còn thủ được đến hơn nửa bi đông đế. Những lúc như thế này mới thấy được hớp rượu là quý, bởi vì có phải thằng Việt cộng nào cũng đều mới chết cả đâu, có thằng đã trương phình lên, bốc ra mùi khăn khẳn, thế mà phải lôi những cái xác này quăng xuống hố cho xe công binh ủi đất lấp đi thì không khiếp sao được. Bây giờ được một hớp đế uống vô cho nó át đi cái mùi khăn khẳn như lúc nào cũng phảng phất đâu đây thì sướng quá đi chứ!
Trung sĩ Đợi lôi cái bi đông dấu ở trong áo ra đưa cho thượng sĩ Bức bảo:
– Làm một ngụm đi anh Hai, cho nó át đi cái mùi chết trương của mấy thằng Việt Cộng.
Mắt thượng sĩ Bức sáng lên, thượng sĩ mở nắp bi đông đưa lên miệng làm một ngụm lớn, rồi khà một tiếng bảo:
– Đéo mẹ, nhớ quá, nhớ quá!
Trung sĩ Đợi hỏi:
– Nhớ gì thế anh Hai, bộ muốn quần thảo với tụi nó một trận nữa à?
– Cái đách, nhớ là nhớ mấy đứa con của tao!
Hạ sĩ nhất Hoạch vừa đưa tay ra cầm cái bi đông từ tay thượng sĩ Bức vừa cười cười:
– Có nhớ mấy đứa con thật không đấy bố, hay là nhớ con thì ít mà nhớ cái đ… mẹ nó thì nhiều đấy?
Thượng sĩ Bức cũng nhìn hạ sĩ nhất Hoạch cười cười hỏi lại:
– Không phải ai cũng ẩu tả như mày đâu nghe em út, mà thằng cu nhà mày đến nay đã được mấy tuổi rồi?
– Gì mà mấy tuổi anh Hai, bà xã em sanh sau chị Hai bên nhà những hai tuần lễ cơ mà, mà con nhỏ nhà anh Hai đến nay cũng mới được chừng hơn một tháng chứ mấy? Với lại thằng em này có làm gì đâu mà Thượng sĩ Đại Đội bảo là ẩu tả nào?
– Tau nghe rõ ràng vợ mày nó hối mày rút ra đi cho nó đi đái, thế không ẩu tả thì là gì, mà mày không sợ nó cũng bịnh lên bịnh xuống như vợ thằng cai Ròn à, phạm phòng đấy!
– Lầm rồi anh Hai ơi, nó hối em rút chiếc guốc từ gầm giường ra cho nó đấy, mới sanh chưa đầy một tháng, địa đạo còn nhão nhoẹt, bố ai dám mạo hiểm mà chui vô chứ?!
Nghe vậy, thượng sĩ Bức chưng hửng, thế ra là ông bà thượng sĩ lầm chứ không phải hạ sĩ nhất Hoạch ẩu. Chỉ tại Quan quản ông nóng lòng muốn lâm trận, còn Quan quản bà thì lại sợ là chiều chồng không bằng người ta nên mới buông suôi để thượng sĩ ông muốn làm gì thì làm nên mới đi đến cái kết cuộc là… lút cán như thế. Bây giờ thì chính thượng sĩ Bức lại lo, sau cú ấy mà bà thượng sĩ bị phạm phòng thì bỏ mẹ! Đéo mẹ mấy cái thằng Việt Cộng chết tiệt này, không có chúng mày thì ông bây giờ đang ở nhà với vợ, chứ đâu có phải lăn lộn ở mấy cái chỗ chết chóc như thế này. Thượng sĩ Bức chửi thầm trong bụng, rồi thượng sĩ lại nhìn hạ sĩ nhất Hoạch, nghĩ: Mà cái con vợ thằng này cũng kỳ, sai chồng lấy chiếc guốc từ gầm giường ra sao không nói cho rõ ràng mà lại bảo rút ra đi cho em đi đái, nghe vậy ai không tưởng là thằng này nó còn đang “ngâm” chứ? Với lại cũng chỉ tại cái trại gia binh, nhà gì mà bên mày nói, bên kia cứ nghe rõ mồn một… Thượng sĩ Bức còn đang nghĩ ngợi lung tung như thế thì nghe trung sĩ Đợi lên tiếng:
– Nghĩ gì mà thừ mặt ra thế ông, bộ nhớ con thì ít mà nhớ cái đ… bà xã thì nhiều thật đấy à?
Thượng sĩ Bức lừng khừng:
– Có khi cả hai thứ, chứ mi không nhớ vợ con mi à? Mà này Đợi, sao cứ đêm hôm khuya khoắt là thỉnh thoảng tao lại nghe mi thở đến phì một cái, cứ như mới lặn xâu ở dưới nước trồi lên vậy?
Nghe hỏi, trung sĩ Đợi chưa trả lời vội mà đưa cái bi đông lên miệng làm một hớp đã rồi mới cười cười:
– Thì nín hơi “hãm”, đến khi không chịu được nữa mới cho “xì” ra, như thế nó mới “phê” chứ anh hai!
Đúng là lính tráng có khác, hở ra một tí là nói chuyện bù khú ngay được, mỗi lần đụng trận, cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, thế nhưng khi xong rồi, người còn sống vẫn cứ vui vẻ cười đùa được như thường. Thượng sĩ Bức, trung sỉ Đợi và hạ sĩ nhất Hoạch cũng vậy, nói chung là những người lính của những đơn vị càng được tiếng là anh hùng bao nhiêu thì lại càng gần với cái chết bấy nhiêu. Khi lâm trận, không ai chắc chắn là mình sẽ chẳng việc gì, và cũng chẳng ai nghĩ là mình sẽ bỏ sác ngoài mặt trận. Tuy lo thì có lo nhưng nhiệm vụ vẫn cứ phải làm, và phải làm đến nơi đến chốn. Để bảo vệ mầu cờ sắc áo, bảo vệ mạng sống của đồng đội và cũng là để bảo vệ chính mạng sống của mình, một người lính muốn được gọi là đã làm tròn nhiệm vụ thì không thể xìu xìu ển ển được.
Thượng sĩ Bức người Quảng Bình, giọng nói trọ trẹ, tuổi mới khoảng ba mươi ngoài, người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm đen, tướng người khoẻ mạnh. Đã mấy năm làm Thượng sĩ Đại đội, bình thường rất vui vẻ cởi mở, nhưng khi cần thì cũng nghiêm khắc ra phết, bởi thế khi thượng sĩ ra lệnh thì lính tráng dưới quyền đố cậu nào dám ho hoe, ngay cả những cậu bình thưởng được kể là thân với thượng sĩ cũng vậy. Thượng sĩ chỉ có một cái yếu điểm duy nhất là… không chịu la cà quán xá với anh em. Nhậu thì có nhậu, nhưng mà chỉ nhậu ở nhà thôi, mà thường những lần nhậu của thượng sĩ hiếm khi lại vắng mặt hai tay là trung sị Đợi và hạ sĩ nhất Hoạch, bởi thế đã có người đùa bảo: Có khi 3 tay này là dân bê đê. Sau lưng thượng sĩ, lính tráng có đứa còn cười bảo: Ngoài cái… của Quan “Quản bà” ở nhà, bảo đảm là thượng sĩ chưa thấy đến cái thứ hai đâu!
Thượng sĩ Bức bảo nhớ đứa con gái mới sinh của thượng sĩ là thật đấy. Ông bà lấy nhau đến nay cũng đã được hơn 5 năm, sinh được 3 đứa con, đứa sau cùng là gái mới sinh được chừng hơn một tháng đây. Trong đơn vị ai cũng bảo trông ông bà thượng sĩ thật là đẹp đôi. Tuy nước da ông có ngăm ngăm đen, nhưng dáng người dong dỏng cao, bắp thịt rắn chắc khoẻ mạnh và khuôn mặt trông rất có nét, nói chung thượng sĩ Bức được kể là người tương đối đẹp trai. Còn bà thượng sĩ thuộc loại mình dây, mặt mũi có duyên và lúc nào cũng tươi tắn vui vẻ, người ta bảo những người như thế là “mỏng mày hay hạt”, tốt lắm. Có người còn đùa bảo bà thượng sĩ thuộc loại “trường túc bất chi lao” chả trách được thượng sĩ ông cứ mê vợ như điếu đổ là phải. Nói như thế có khi là cũng hơi quá, chứ thường ra thì anh đàn ông nào lại chả “mê” vợ, không mê thì lấy về làm gì? Một khi người ta đã yêu nhau, đã quen hơi bén tiếng nhau thì khi phải xa nhau, có nhớ nhau đến da diết thì cũng đúng thôi. Ngày chưa có đứa con nào, mỗi lần phải đi hành quân xa, thượng sĩ Bức chỉ phải nhớ có một cái “mùi của bu nó” thôi, đến khi có con thì nhớ cả mùi của bu nó lẫn của mấy đứa con là đúng quá rồi chứ còn gì nữa. Anh con trai nào cũng vậy, hồi còn độc thân, mỗi lần nhìn thấy con người ta “ị” thì sợ lắm, nhất là mấy đứa con nít mới sanh, nó mà “phẹt” một cái, vàng khè, nói xin lỗi, đang ăn mà nhìn thấy cảnh này chắc là nuốt không vô, nhưng đến khi có vợ có con, riết rồi nó cũng quen đi.
Căn “trại gia binh” của thượng sĩ Bức chỉ đủ rộng để kê được hai cái giường và một cái bàn nhỏ với 4 cái ghề gỗ (nói chung thì căn nào cũng chỉ rộng có thế thôi, trừ những người quá đông con, tỉ như ngoài 9-10 đứa con lại có thêm cả cha mẹ già ở chung, thì được đặc biệt cấp phát 2-3 căn không kể). Hai cái giường, một cái dành cho 2 thằng con trai, đứa ngoài 3 tuổi, đứa gần hai tuổi, còn một cái là của ông bà thượng sĩ và bế-bi mới sinh. Tuần lễ đầu khi bà mới sanh, thượng sĩ cũng có ôm gối sang ngủ với hai thằng con trai, nhưng chỉ được một tuần, ông lại ôm gối “hồi cư” về nằm chung với bà với lý do là hai thằng nhóc đêm nằm quay ngang quay dọc khiến thượng sĩ khó ngủ quá. Còn cái bàn với 4 cái ghế gỗ thì: Ăn cũng đấy, nhậu cũng đấy, khi cần phải viết lách hay là tiếp khách thì cũng đấy. Vừa đa dụng vừa tiện lợi, chẳng bù với ở bên Mỹ này, phòng ăn riêng, phòng khách riêng rồi phòng ngủ riêng, thật là rắc rối, lỉnh kỉnh.
Nằm chung với hai thằng con trai thì thượng sĩ Bức chỉ phải ngửi mùi khai thôi, vì tuy hai thằng đã lớn mà thỉnh thoảng vẫn còn đái dầm, ngày nắng thì còn giặt chiếu mà phơi ngay đi được, chứ gặp phải hôm trời mưa thì đành chịu, vì thế mà cái chiếu cứ ẩm và thâm xì xì… Còn nằm chung với bà và bế bi thì thượng sĩ được ngửi một thứ mùi tổng hợp: mùi đàn bà, mùi hôi hôi, ngòn ngọt của sữa người, mùi ngai ngái chua chua của phân và nước tiểu bế bi, cộng thêm cả với mùi “đàn ông” của chính thượng sĩ nữa, nó làm thành một cái mùi tổng hợp thật khó mà có thể diễn tả cho chính xác được. Mấy cô, mấy cậu mới lớn mà cho thưởng thức mùi vị này chắc sẽ chạy te luôn, nhưng còn đối với mấy ông đã năm, ba con rồi thì thú thực đây mới đúng là cái mà người ta gọi là “Hương gây mùi nhớ” đấy. Chính cái việc ôm gối “di cư” sang ngủ với hai thằng con trai, mà mới chỉ một tuần sau, thượng sĩ đã ôm gối “hồi cư” về nằm với bà không phải vì hai thằng nhóc khi ngủ quay ngang quay dọc, mà chính vì thiếu cái mùi đặc biệt mà thượng sĩ đã ghiền lắm rồi ấy.
Hồi mới có đứa con đầu lòng, mỗi lần phải giặt tã cho con thì thượng sĩ Bức lấy làm khổ sở lắm. Mặc dù phân con nít mới sanh nó chỉ có mùi chua chua chứ không kinh khiếp như phân người lớn, nhưng cứ nhìn thấy nó vàng khè, lợn cợn là thượng sĩ cũng ớn lắm rồi, nhưng ớn cũng phải làm, riết rồi nó cũng quen đi. Cho đến bây giờ, bà thượng sĩ đã ở cữ đến lần thứ ba thì ông thượng sĩ đã quen với việc giặt giũ lắm, mà không phải chỉ có mấy cái tã và mấy cái áo của bế bi đâu, mà là nguyên cả một cái thau nhựa tổ chảng, đầy nhóc, gồm chung cả quần áo của bà thượng sĩ với mấy đứa nhỏ. Mấy thằng ranh con nhầng nhầng con nhà hàng xóm, không biết ai xúi mà một buổi sáng khi thấy thượng sĩ Bức bê thau đồ tổ chảng ra cạnh cái giếng nước công cộng ngồi giặt, chúng đã chỉ trỏ bảo nhau: Sáng nào thượng sĩ Bức cũng điểm tâm một thau tổ bố thế kia thì… no suốt ngày rồi chứ còn gì nữa! Ấy là những ngày thượng sĩ Bức có mặt ở nhà, chứ khi ông đã phải đi hành quân rồi thì đương nhiên bà thượng sĩ phải tự làm lấy. Ông bà thượng sĩ Bức lại là người miền Trung, mà đàn bà miền Trung sau khi sanh thường là kiêng cử kỹ hơn đàn bà hai miền Bắc và Nam, thế mà lần này bà sanh mới được có hơn một tháng là ông đã phải xa bà… Rồi lại nghĩ đến cái “cú” bị mắc lỡm vì câu “Rút ra đi cho em đi đái” của con vợ thằng cha hạ sĩ nhất Hoạch làm thượng sĩ Bức lại càng thêm lo. Đéo me! Cái gì mà rút ra đi cho em đi đái? Nhờ chồng lấy chiếc guốc từ gầm giường ra mà lại nói thế thí ai nghe mà không hiểu lầm chứ? Cũng chính vì hiểu lầm nên ông bà thượng sĩ mới đi đến chỗ… lút cán và bây giờ ông thượng sĩ mới lo.
Trong ba người chơi thân với nhau, chỉ có trung sĩ Đợi là sướng. Tuy có tới những 5 đứa con và đứa sau cùng đã hơn 2 tuổi rồi mà lần này vợ hắn lại trễ nải, chưa có bầu bì gì, thành ra trung sĩ Đợi là người thoải mái và no đủ nhất. May mắn hơn nữa là cứ mỗi khi “bà Đội” ở cữ là thế nào bà cụ thân sinh ra bà đội cũng từ Huế vào săn sóc cho con gái và cháu ngoại. Có khi bà cụ vào trước khi bà đội ở cữ cả nửa tháng, rồi ở chơi đến “ngoài cữ” mới về trở lại Huế, thành ra được tiếng là “trai nuôi vợ đẻ gầy mòn”, nhưng thực tế thì trung sĩ Đợi chả phải làm gì vì mọi việc từ nấu ăn cho đến giặt dũ đã có bà nhạc hắn lãnh hết. Đợi ta chỉ có mỗi việc là đợi cho tới khi bà cụ trở về Huế rồi thì cứ đêm hôm khuya khoắt, chịu khó nín hơi “hãm” cho đến khi không nín được nữa mới thở phì ra một cái cho nó “phê”. Tuy vậy, dù không phải vất vả vì đường giặt giũ như thượng sĩ Bức, nhưng còn việc phải thưởng thức cái mùi vị tổng hợp: khai khai, hôi hôi, ngòn ngọt, chua chua, ngai ngái thì anh nào có vợ có con cũng được thưởng thức như nhau, riết rồi đâm ghiền. Chẳng phải cứ thơm như múi mít mới làm cho người ta nhớ quay nhớ quằt, mắm tôm có thơm đâu, thế mà có ông đã từng làm lớn thật là lớn, đã từng ăn đủ thứ cao lương mỹ vị mà còn sợ sang Mỹ không có cà ghém mắm tôm mà ăn đấy thôi! Chả nói đâu xa, cứ lấy ngay một ông “Xếp Kèn” mà làm thí dụ điển hình. Vợ người ta, bình thường chỉ có “hôi” mùi đàn bà thôi, chứ vợ ông Xếp Kèn thì đặc biệt lắm, bà hôi nách hơn bất cứ người hôi nách nào. Ông Xếp Kèn có lẽ năm nay cũng đã ngoài 50, sắp giải ngũ đến nơi rồi. Ông đi lính từ ngày còn trẻ, có lẽ từ hồi còn gọi là những ông binh “Khố xanh, Khố đỏ” cơ, và nghề nghiệp chuyên môn trong quân đội của ông là thổi kèn: thổi kèn báo thức, thổi kèn chào cờ, thổi kèn báo giờ đi ngủ, còn khi ra trận thì thổi kèn thúc quân. Ấy là ngày xưa, chứ bây giờ “báo thức hay báo ngủ” người ta đã dùng “kẻng” thay cho kèn, còn chào cờ thì đã có máy thu băng. Chỉ cần bấm nút một cái là có đủ tiếng trống, tiếng kèn rộn rã lại còn có thêm cả lời ca nữa, nên chẳng ai còn cần đến tiếng kèn tò te tí te của Xếp Kèn làm gì. Mà giả thử có cần, thì Xếp Kèn cũng không còn thổi kèn được nữa, nhậu quá, rụng mẹ nó hết răng rồi, thế nên mặc dù Xếp vẫn còn giữ được cái kèn làm kỷ niện cuộc đời binh nghiệp của mình, nhưng thỉnh thoảng đem kèn ra thử, chỉ thấy nó phì phì chứ không ra tiếng te te như trước nữa.
Xếp Kèn đi lính từ ngày còn trẻ đến nay đã gần về hưu mới đeo được cái lon trung sĩ nhất, nhưng vì là người có tuổi lại thâm niên công vụ nên cả đơn vị đều ưu ái gọi ông là Xếp Kèn và ông thấy gọi như thế cũng không có gì là xúc phạm nên vui vẻ chấp nhận. Xếp Kèn lấy vợ từ trước khi đi lính và có cả thẩy là 12 người con. Những lúc vui câu chuyện Xếp thường đùa bảo: Tại già rồi, chứ nếu còn trẻ có khi còn đẻ nữa. Bà Xếp sanh 12 lần, nhưng các người khuất mày khuất mặt bắt đi mất 2, nay còn lại chẵn chục. Mấy người con lớn của Xếp đều đã nhập ngũ, người thì đăng vào Thuỷ Quân Lục Chiến, người đăng vào Biệt Đông Quân, người đăng vào Biệt Kích Dù, toàn là những binh chủng mà cứ nghe đến tên là Việt Cộng đã khiếp vía. Theo Xếp Kèn cho biết thì ông với bà là người cùng làng, ngày còn trẻ bà đẹp lắm, chỉ phải cái tội hơi hôi nách một tí, nhưng “gần” riết rồi nó quen đi, đến nay thì chả còn thấy gì nữa cả. Khi cao hứng Xếp còn rung đùi cười bảo: Một khi người ta yêu nhau thì… như tớ bây giờ mà lâu không ngửi được cái mùi ấy là nhớ phát điên lên đấy, rồi Xếp còn ư ử ngâm:
“Mũi em những tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo lông rồng trời cho.
Đêm nằm ngủ ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm…”
Ngâm xong Xếp còn bảo hôi nách có một tí mà nhằm nhò gì.
Bà Xếp Kèn hồi còn trẻ chắc là đẹp thật, chả thế mà nay đã có tuổi và sanh nở nhiều như thế mà trông bà vẫn còn có nét lắm. Có điều cứ như lời Xếp ông nói thì Xếp bà chỉ hôi nách có một tí thôi. Vậy mà sau lưng Xếp, có đứa nó lại bảo nếu đi cùng chiều gió mà đi sau bà thì cách 100 mét vẫn còn thấy phảng phất cái mùi mà Xếp ông cho là quyến rũ đấy. Nhưng mà cũng có sao đâu, tục ngữ ta đã chẳng có câu “Rắm ai vừa mũi người ấy” là gì đấy?!
Chẳng phải chỉ có thượng sĩ Bức, trung sĩ Đợi, hạ sĩ nhất Hoạch hoặc Xếp Kèn mới nhớ cái mùi đặc biệt của vợ của con đâu, mà nói chung thì anh đàn ông nào có vợ có con hoặc có người yêu mà phải sống xa thì đều nhớ như nhau cả. Nói ra sợ người ta cười chứ, có “ông binh” khi đi hành quân đã lén bỏ cái xú chiêng của vợ vào ba lô, rồi thỉnh thoảng lại len lén lấy ra hít một cái. Có ông còn bỏ áo lót của vợ cùng với áo của mấy đứa con vào chung một cái túi, tối ngủ lấy ra làm gối gối đầu để suốt đêm được ngửi cái mùi của vợ của con cho nó đỡ nhớ. Đọc sử thế giới, Napoléon anh hùng có kém ai, mà cũng có ai “mê” vợ hơn Napoléon đâu? Truyện kể rằng ông mê Josephine đến nỗi đi hành quân xa nàng một thời gian, trước khi về gặp lại nàng, ông đã viết thư dặn đừng có tắm rửa gì cả, cứ để nguyên như thế cho ông, vì ông chỉ “mê” có cái mùi ấy thôi. Như thế không phải là “Hương gây mùi nhớ” thì thế nào mới là hương gây mùi nhớ nữa?
Thượng sĩ Bức, trung sĩ Đợi và hạ sĩ nhất Hoạch truyền tay nhau làm hết bi đông đế. Thượng sĩ Bức là người làm ngụm sau cùng và có lẽ cũng đã hơi xừng xừng rồi, nên vừa đưa cái bi đông trả cho trung sĩ Đợi ông vừa lẩm bẩm:
– Đéo mẹ, bây giờ mà đám con cháu cáo già còn dám quay trở lại thì chúng mày sẽ biết tay ông, ông thì cứ diệt cho bằng hết, để chúng mày sống rồi chúng mày phá người ta hoài? Cú này mà vợ ông có bệnh hoạn gì thì chúng mày cứ bỏ bà chúng mày với ông!
Nghe thế, trung sĩ Đợi và hạ sĩ nhất Hoạch nhìn nhau chưng hửng, thượng sĩ Bức bảo “vợ ông có bệnh hoạn gì” là bệnh hoạn làm sao? Hai ông bà là người miền Trung, kiêng cử kỹ như thế thì bệnh hoạn thế nào được? Chả lẽ trước khi đi hành quân xa, Quan quản ông đã “làm gì” Quan quản bà à? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cả hai người chả người nào dám hỏi, mà giá có hỏi thì thượng sĩ Bức cũng chả nói.
* Ngày xưa quen gọi: Thày Cai, ngài Đội, quan Quản, quan Một, quan Hai, quan Ba… chứ không gọi Hã sĩ, Trung sĩ, Thượng sĩ, Thiếu úy, Trung úy, Đại úy… như sau này.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]