Trà Mi-VOA
Bất chấp phản đối của trên 60 tổ chức nhân quyền quốc tế, Đông Nam Á dự tính thông qua tuyên ngôn nhân quyền chống lại nạn tra tấn và bắt bớ trái phép tại khu vực ASEAN vốn tai tiếng về các vi phạm nhân quyền.
Lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam dự kiến chính thức thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN vào ngày 18/11 tới đây nhân cuộc họp thượng đỉnh thường niên của khối ở Campuchea, theo tin từ giới chức ngoại giao và các văn kiện mà hãng thông tấn AP thu thập được.
Quan chức ngoại giao của ASEAN nói bản tuyên ngôn nhân quyền này dù chưa hoàn hảo nhưng là một dấu mốc quan trọng của khu vực, giúp thúc đẩy các cải cách dân chủ tại các nước như Miến Điện, quốc gia mà cho tới nay vẫn còn bị lên án nhiều về thành tích nhân quyền tệ hại.
Nhà ngoại giao Rosario Manalo của Philippines cho rằng quan trọng là các chính phủ thiếu dân chủ trong khu vực chấp nhận bản tuyên ngôn này, vốn dĩ có thể bị phá vỡ bởi bất kỳ nước thành viên ASEAN nào.
Tuy nhiên, 62 tổ chức hoạt động nhân quyền trên thế giới bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch và Hội Ân xá quốc tế hôm 15/11 ra thông cáo chung, kêu gọi trì hoãn việc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN vì cho rằng thỏa thuận này không đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Giới bảo vệ nhân quyền yêu cầu ASEAN phải soạn thảo lại và chỉnh sửa những sai sót trong bản tuyên ngôn nhân quyền như bỏ các điều khoản mượn danh nghĩa ‘an ninh quốc gia’ hay ‘đạo đức’ để giới hạn các quyền tự do căn bản của công dân.
Trong số những tổ chức nhân quyền lên tiếng phản đối Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN có Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, một tổ chức phi chính phủ-phi lợi nhuận của người Mỹ gốc Việt hoạt động về dân sự và chính trị, do Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành. Ông Thắng cho biết:
“Bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN đi lùi và kéo thấp xuống các tiêu chuẩn của Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Theo nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế, nhân quyền không thể nào bị đặt điều kiện. Trong khi đó, bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN lại có những điều kiện chẳng hạn như không được can dự vào ‘chuyện nội bộ’ của các quốc gia khác. Nếu những bản Tuyên ngôn Nhân quyền mà còn bị đặt điều kiện thì các quốc gia độc tài, các chế độ độc tài sẽ mượn cớ những điều kiện ấy để giới hạn nhân quyền. Điều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đó là lý do mà chúng tôi chống lại, yêu cầu phải sửa đổi, và đang vận động để các nước ASEAN hoãn lại việc chuẩn duyệt Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.”
Bản thảo cuối cùng của Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN có đoạn viết ‘nhân quyền và các quyền tự do căn bản’ có thể bị giới hạn ‘để đáp ứng các yêu cầu thích đáng về an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe, an toàn, và đạo đức công.’
Bản Tuyên ngôn cũng nói rằng việc thực thi nhân quyền phải được xem xét dựa trên bối cảnh của quốc gia và khu vực với các đặc điểm nền tảng khác nhau về chính trị-xã hội, kinh tế, pháp lý, văn hóa-lịch sử, và tôn giáo.
Những người phản đối Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN khẳng định luật quốc tế không cho phép dùng các giới hạn bao quát để biện minh cho những hành vi vi phạm nhân quyền.
Giới hoạt động nhân quyền nói theo luật quốc tế, các nước thành viên ASEAN, cho dù có khác biệt về bối cảnh quốc gia và khu vực, có nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo vệ tất cả các quyền tự do căn bản của con người.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo rằng tiến trình soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN đa phần được tiến hành trong vòng bí mật, nội dung văn bản ít được chia sẻ và không bao giờ được công bố công khai.
Cao Ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Navi Pillay từng lên tiếng bày tỏ quan ngại và chỉ trích rằng Tuyên ngôn Nhân quyền không có tính cách ràng buộc pháp lý của ASEAN được soạn thảo thiếu minh bạch, không thông qua các cuộc tham vấn công khai hợp lý.
Bà Pillay kêu gọi lãnh đạo các nước ASEAN hoãn thông qua bản tuyên ngôn cho tới khi nó được tham khảo công khai rộng rãi với các tổ chức xã hội dân sự và chỉnh sửa lại nội dung.
Tờ Jakarta Post trích dẫn phát biểu của bà Pillay nói rằng nhìn chung bản tuyên ngôn phản ánh nhân quyền căn bản nhưng có nhiều đoạn đáng quan ngại vì vi phạm đến các nguyên tắc căn bản.
62 tổ chức dân sự cấp quốc gia, khu vực, và quốc tế phản đối việc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN cam kết sẽ bác bỏ văn kiện này nếu nó được thông qua với nội dung hiện tại.
Họ kêu gọi các nước Đông Nam Á gửi bản thảo lại cho Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền yêu cầu phải chỉnh sửa lại trên tinh thần tuân thủ luật nhân quyền quốc tế.
Giới bảo vệ nhân quyền cho biết người dân Đông Nam Á và cộng đồng bảo vệ nhân quyền quốc tế sẽ tiếp tục dựa trên các công cụ quốc tế hiện hành để bảo vệ nhân quyền tại ASEAN.
Một vài tổ chức nhân quyền hoan nghênh việc Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN chống lại các vi phạm nhân quyền như nạn buôn người. Bản tuyên ngôn cũng nêu bật nhiều quyền dân sự và chính trị trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền bao gồm ngăn cấm tình trạng tra tấn, bắt bớ tùy tiện, và nạn lao động trẻ em.
Bài Liên Quan
Việt Nam Phản Đối Đài Loan Trao Giải Nhân Quyền
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]