Ts. Nguyễn Đình Thắng
Khi cần thoát ra khỏi cơn khủng hoảng hay một vấn nạn, chúng ta cần người lãnh đạo.
Lãnh đạo là khả năng dẫn đường, đưa tập thể từ hiện trạng xấu đến một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Tập thể có thể là tổ chức, công ty, cộng đồng, quốc gia, hay cả nhân loại. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, chỉ ra được điểm mốc cho cả hành trình. Không những vậy, người lãnh đạo còn phải biết chuyển ý tưởng thành hành động, để đoàn người cùng nhịp bước tiến lên.
Đó là lãnh đạo. Còn lãnh đạo tài là người tạo ra được cơ chế có khả năng tự vận hành dài lâu mà không cần đến mình nữa. Lãnh đạo tài có thể ví như người chế tạo ra chiếc đồng hồ, ai muốn sử dụng chỉ cần lên dây cót mà chẳng cần biết đến người thiết kế ra nó.
Để làm ví dụ, chúng ta hãy so sánh cuộc cách mạng dân chủ Pháp và Hoa Kỳ. Khác với mấy nhà cách mạng dân chủ Pháp, các vị khai sinh ra đất nước Hoa Kỳ đã khéo tạo dựng cơ chế thể hiện các tư tưởng dân chủ qua hiến pháp, hệ thống luật pháp, và những định chế xã hội dân sự. Nền dân chủ ấy có khả năng tự tồn lâu dài và mọi người dân, trong hành sử bình thường mỗi ngày, góp phần phát huy nền dân chủ qua cơ chế sẵn có. Như vậy các tư tưởng dân chủ không còn lửng lơ ở mức trừu tượng mà đã được cài ngay vào cơ chế vận hành của toàn xã hội, trong từng hoạt động bình thường của người dân và tự tồn qua nhiều thế kỷ. Và cũng chính cơ chế ấy đào tạo nên những lớp người lãnh đạo cho hôm nay và ngày mai.
Người lãnh đạo tài do đó phải có bản lĩnh về tư duy để đề ra những nguyên tắc vận hành cho cơ chế, có khả năng huy động phương tiện và nhân sự để thiết lập cơ chế và, trước khi rút lui vào hậu trường, có đảm lược để chuẩn bị cho lớp người kế thừa duy trì và phát triển cơ chế. Điều cần chú ý là lãnh đạo tài thường không phải là một người mà là một nhóm, mỗi người một sở trường và một phận sự.
Thay vì thiết kế một đồng hồ, người lãnh đạo tồi là người giữ giờ, nghĩa là ai muốn biết giờ giấc đều phải qua tay mình. Mình là cơ chế, cơ chế là mình. Mình là nhất hạng và kiểm soát tất cả, còn mọi người chỉ có vâng phục hay phụ trợ. Mình là cha, là bác còn thiên hạ chỉ là con, là cháu. Người mắc tâm bệnh trầm kha như vậy không thể nào dẫn dắt tập thể đi lên vì “cái tôi” che lấp quyền lợi của tập thể và cản chặn bước tiến của người khác; họ sợ người khác nổi bật hơn mình. Người lãnh đạo tồi sẽ dẫn tập thể đi lòng vòng và có khi xuống hố sâu.
Đó là tình trạng ở nước ta. Người được tôn vinh là “cha già” dân tộc chỉ biết hô hào độc lập, tự do, hạnh phúc nhưng không thiết kế nổi một cơ chế để thể hiện những điều ấy; chỉ biết điều hành quốc gia bằng khẩu hiệu và mưu mô chứ không đề ra được nguyên tắc vận hành trường tồn cho xã hội; tốn rất nhiều thì giờ để tự đánh bóng mình thay vì xây dựng cho đội ngũ lãnh đạo và quản trị đất nước có tài có đức để thay thế mình. Người lãnh đạo với khả năng chỉ có vậy thì đất nước khó mà ngóc đầu lên được.
Xét vậy, người mang “hội chứng lãnh tụ” thì tất nhiên không thể nào là người lãnh đạo tài. Tiếc rằng hội chứng này không chỉ có nơi người cộng sản mà ít nhiều bàng bạc trong hàng ngũ những người Việt tự nhận là tranh đấu cho tự do, dân chủ.
Vì tiền đồ của cộng đồng và của dân tộc, mọi người Việt phải dứt khoát không tôn thờ và cũng không đi tìm lãnh tụ mà hãy cùng nhau tạo dựng nên một đội ngũ lãnh đạo cho ngày hôm nay và mai sau. Ở bước căn bản nhất, chúng ta phải đòi hỏi thái độ nghiêm túc nơi những người muốn đóng vai trò lãnh đạo: phải nêu ra được sách lược để chuyển ý tưởng thành hành động, phải chứng minh được khả năng quán xuyến qua việc thiết lập những cơ chế phát triển cộng đồng ở hải ngoại hay phát triển dân chủ trong nước, và phải đào tạo được những con người giỏi giang và chân chính để nối tiếp vai trò lãnh đạo.
Chúng ta cần những người lãnh đạo tài.