Mạch Sống, ngày 22 tháng 10, 2012
Lần đầu tiên các nhân chứng bằng xương bằng thịt đã hiện diện để tường trình cho đồng hương về cuộc đàn áp khốc liệt ở Việt Nam và thân phận tị nạn đầy gian truân ở Thái Lan. Các nhân chứng này, đến định cư ở Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, đã từ nhiều thành phố đến tham dự buổi tiệc “Mỗi Người Góp Một Bàn Tay”.
Qua hình thức hỏi đáp linh động được thực hiện bởi nhà báo Trương Gia Vy với phần dịch Anh ngữ của Bs. Đào Kiều Liên, các nhân chứng luân phiên kể lại các hình thức đàn áp phải gánh chịu dưới chế độ cộng sản.
Anh Trần Thanh Tiến và Cô Lê Thị Bích Trinh, hai giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẵng vừa đến Hoa Kỳ cách đây một tháng rưỡi, kể về cuộc đàn áp tôn giáo đã xảy ra cho xứ đạo của họ v à tri ân cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã tiếp sức cho BPSOS bảo vệ và đưa họ đến bến bờ tự do.
“Điều này tạo niềm tin và duy trì quyết tâm của các giáo dân còn ở Cồn Dầu trong việc tranh đấu bảo vệ giáo xứ đến cùng,” anh Tiến phát biểu.
Theo cô Trinh, ngoài số 60 giáo dân Cồn Dầu ra còn có khoàng 800 đồng bào đang lánh nạn cộng sản ở Thái Lan. Trong đó có nhiều nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền, nhiều bloggers, nhiều thành viên của các tổ chức và đảng phái hoạt động trong nước, một số mục sư Tin Lành, và nhiều trăm đồng bào thiểu số như Hmong, Khmer Krom và Thượng đã từng tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo và bảo vệ đất đai của tổ tiên.
Anh Y Soái Eban, người Ê Đê mới đến Hoa Kỳ khoảng 6 tháng, kể lại hành trình 5 năm trốn tránh, tù tội, và thoát hiểm để tìm tự do. Anh kể lại cuộc đàn áp khốc liệt và nhiều khi đẫm máu nhắm vào các đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo anh, do chính sách bưng bít thông tin rất chặt chẽ của chính quyền Việt Nam, ngay cả người dân trong nước cũng không hay biết gì về các cuộc đàn áp này huống hồ quốc tế.
Trong số người tị nạn ở Thái Lan cũng có một số nạn nhân của nạn buôn người. Đó là những người đã đứng lên tranh đấu đòi công lý và bị chính quyền Việt Nam trấn áp nên phải lánh nạn ở Thái Lan.
Cô Vũ Phương-Anh, đến từ Houston, là một trường hợp điển hình. Cô đã được Liên Minh CAMSA, mà BPSOS là thành viên sáng lập, giải cứu từ Jordan, Trung Đông, và sắp xếp cho lánh nạn ở Thái Lan. Sau hơn hai năm trốn tránh ở Thái Lan, Cô Phương-Anh đã đến Hoa Kỳ định cư cách đây hơn một năm.
Trong 4 năm rưỡi qua Liên Minh CAMSA giải cứu trên 3 ngàn đồng bào thoát khỏi cảnh nô lệ lao động hay tình dục và góp phần thay đổi khung luật ở một số quốc gia, như Mã Lai, Đài Loan và Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở hải ngoại tiếp xúc với những nhân chứng của cuộc đàn áp đang diễn ra ở trong nước, vốn khốc liệt hơn bội phần so với tin tức lọt ra ngoài”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, nhận định.
Qua hàng trăm hồ sơ tị nạn, BPSOS thu thập được nhiều thông tin về các hành vi đàn áp nhân quyền ở khắp đất nước và thường xuyên cập nhật các tổ chức nhân quyền quốc tế, và các cơ quan chính quyền dân chủ và Liên Hiệp Quốc.
“Họ cũng là sứ giả lên tiếng cầu cứu hộ cho 900 đồng bào đang lánh nạn cộng sản ở Thái Lan,” Ông nói tiếp.
Cả bốn đồng bào tị nạn có mặt ở buổi gây quỹ cùng nhau kêu gọi lòng thương cảm của đồng hương để giúp BPSOS có phương tiện tài chánh nhằm tiếp tục bảo vệ hàng trăm đồng bào đã phải bỏ nước đi lánh nạn và giải cứu hàng ngàn đồng bào đã bị bán buôn làm nô lệ.
BPSOS là tổ chức người Việt độc nhất đang bảo vệ cho những đồng hương lánh nạn ở Thái Lan và một số quốc gia trong vùng. CAMSA là chương trình độc nhất hoạt động ở tầm vóc xuyên quốc gia nhằm giải cứu người Việt bị bắt làm nô lệ và chặn đứng nạn buôn người.
Từ năm 2008 đến giờ BPSOS đã cung cấp sự bảo vệ pháp lý cho 360 trong số 900 đồng bào ở Thái Lan và lo về an ninh và đời sống cho nhiều gia đình gặp khó khăn đặc biệt.
“Từ giờ đến cuối năm sẽ có thêm nhiều chục đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan lên đường định cư ở các quốc gia tự do,” Ts. Thắng nói.
Trên một chục cựu nạn nhân buôn người được BPSOS giải cứu ở American Samoa vào cuối năm 2000 và một nạn nhân buôn người vừa được giải cứu ngay tại Hoa Kỳ cũng có mặt và đóng góp cho quỹ yểm trợ hoạt động của Liên Minh CAMSA.
Số tiền đóng góp tại buổi gây quỹ tổng cộng trên 25 ngàn Mỹ kim sau khi trừ chi phí, trong đó có 1,500 Mỹ kim của một số thân hữu dành riêng cho một trường hợp cần bảo vệ đặc biệt.
Buổi gây quỹ được tổ chức tại Nhà Hàng Phú Lâm ở San Jose, ngày 22 tháng 10, dưới sự điều động của một đội ngũ thiện nguyện viên có lòng với đồng bào lâm nạn.
***
Hiện có khoảng gần 900 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.
Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:
BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – U.S.A.