Thương Nguyên
Tết… Một danh từ ngắn gọn nhưng lại chất chứa cả một mùa xuân. Nhìn những chiếc bánh chưng xanh và các câu đối đỏ, tâm hồn tôi chợt xôn xao một niềm vui. Khi vạn vật còn đang co ro trong cái giá buốt của mùa đông thì Tết đến cùng với mai vàng và nắng ấm. Chim én cũng vừa xuất hiện từng đàn như báo hiệu mùa Xuân đang gần kề. Mùa Xuân mang lại sự tươi mới cho muôn loài. Cây cối đâm chồi nảy lộc. Đất trời như chợt tỉnh sau một giấc ngủ dài.
Cùng chung bước với cái tân của Tết Nguyên Đán, cái mới của mùa xuân, và cùng ngày với lễ Tình Yêu, chương trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình của tháng này sẽ đặc biệt đóng góp thêm những hướng dẫn để giúp canh tân tình yêu trong gia đình, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, với ước mong đời sống gia đinh luôn duy trì được sự tươi mát, rạo rực của mùa xuân.
Giữ cho tình yêu được luôn tươi mới không phải là một việc dễ làm. Trong đời sống hôn nhân, tình yêu nồng say của đôi tình nhân đã biến chuyển theo thời gian cộng thêm những yếu tố khác như tình nghĩa, bổn phận và trách nhiệm. Không có sự chuyển hóa này hôn nhân sẽ dễ dàng gặp những khủng hoảng.
Đời sống mặn nồng của đôi vợ chồng dễ có khuynh hướng bị phai nhạt theo thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạnh nhạt giữa vợ chồng. Một trong những nguyên nhân là sự thờ ơ, lãnh đạm. Thái độ thờ ơ thiếu sự chia sẻ, quan tâm của người phối ngẫu làm cho cả hai cảm thấy lạc lõng và nhụt chí. Lâu dần, hai người trở nên lạnh lùng với nhau, và rất có thể với những thân nhân khác trong gia đình. Ngoài ra, thái độ thờ ơ còn làm cho mọi người trong gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo các nhà tâm lý học, sự thờ ơ, lãnh đạm trong hôn nhân là do trạng thái hụt hẫng khi nhận ra người phối ngẫu không còn thủy chung hoặc người phối ngẫu đang thay đổi, không còn tuyệt vời như xưa nữa. Hụt hẫng này làm cho cuộc sống chung trở nên khó chịu. Ngày tháng trôi qua, ái ân nguội lạnh và tình vợ chồng sẽ dễ dàng đi đến chỗ ly tán.
Một nguyên nhân khác về tâm lý là sự chán nản. Nhiều người gặp những trở ngại trong hôn nhân, không hài lòng với cuộc sống do những thất bại, trở ngại về công việc, kinh tế, con cái, bạn bè, v.v. nên đâm chán nản. Họ khao khát được yêu nhưng không được đáp trả như ước muốn. Họ mong mỏi có được hạnh phúc nhưng chỉ gặp toàn những xung đột. Tình trạng tâm lý chán nản và thất vọng của một người có thể giết chết dần mòn tình yêu vợ chồng.
Các nhà tâm lý học đã đề nghị những phương thức sau đây để giúp làm mới tình yêu giữa vợ chồng:
1. Cách sống Lạc Quan
Trong những mối tương giao với mọi người và sự vật chung quanh, con người dễ có những kết quả không vừa ý. Qua lăng kính của một người có cái nhìn lạc quan, những biến cố không vừa ý xãy đến trong gia đình sẽ là cơ hội để thông cảm thay vì cắn đắng xung đột với nhau.
Các nhà tâm lý cho rằng yếu tố này rất quan trọng vì có thông cảm vợ chồng mới có thể hiểu nhau, nâng đỡ, ít sự xung đột và dễ tha thứ cho nhau hơn. Sống lạc quan là lối sống tích cực. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho vợ chồng mà còn tạo sự gắn bó giữa các thành phần trong gia đình và góp phần phòng tránh bệnh tật. Khi một người cứ thường xuyên bị những căng thẳng vì xung đột trong gia đình sẽ dễ sinh ra các chứng bệnh khác nhau. Tinh thần lạc quan là một liều thuốc bổ bồi dưỡng cho đời sống gia đình.
2. Chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau
Sự chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau là những biểu hiện của tình yêu chân chính. Khi được chăm sóc, lúc khoẻ mạnh cũng như khi đau yếu, người phối ngẫu sẽ cảm thấy mình được yêu và sẽ đáp trả tình yêu. Với một chút tế nhị, một chút lưu tâm, một nụ cười, một thái độ cảm thông và biết lắng nghe, một câu an ủi, một lời khích lệ, một cử chỉ ân cần, chúng ta sẽ làm mới được tình yêu cho nhau.
3. Quan tâm đến vẻ bên ngoài
Cách ăn mặc, trang sức càng làm tăng thêm sức hấp dẫn không những cho phụ nữ thôi nhưng cũng áp dụng được cho cả nam giới. Ví dụ khi đi ra ngoài với nhau, người chồng khoác lên chiếc áo vest, chải tóc lại cho gọn gàng, tỉa hay cạo râu cho tươm tất. Người vợ thì trang điểm nhẹ nhàng, thay đổi kiểu tóc sẽ tạo được cảm giác mới lạ và một hấp lực giữa hai vợ chồng.
4. Gia đình cùng nhau du lịch
Hòa mình với thiên nhiên qua những cuộc phiêu lưu cùng với gia đình là một trong những phương cách hữu hiệu để làm mới tình yêu. Nếu có thể, mỗi năm mọi người trong gia đình nên chọn một địa điểm mới mà họ chưa từng đặt chân đến để cùng nhau du lịch. Rũ bỏ mọi gò bó của cuộc sống, tìm lại cảm giác hứng thú trước những điều mới mẻ trong những dịp du lịch không chỉ tạo sự thoải mái, sự thanh thản, xua tan những mệt mỏi nhưng còn tạo sự gắn bó giữa mọi người trong gia đình. Trong đời sống hối hả hằng ngày cha mẹ và con cái có những hướng đi khác nhau nên khó có cơ hội để thông cảm, chia sẻ và dành giờ cho nhau. Con cái có việc học và bạn bè để giao du, cha mẹ có công việc làm và nhiều công tác để hoàn tất. Khi cùng nhau du lịch, gia đình rũ bỏ tất cả những bận rộn trong cuộc sống và cùng nhau vui chơi. Cùng nhau du lịch là cơ hội để tạo niềm vui cho cả gia đình, nối lại tình thân, xóa tan những buồn phiền, và cũng là dịp để hòa giải, để cùng nắm tay nhìn về một hướng.
5. Bữa cơm ngon với ánh nến
Một trong 10 món quà được mong chờ trong gia đình là bữa cơm ngon miệng trong không khí bình an nhẹ nhàng. Sau một ngày làm việc cực nhọc, bữa cơm ngon miệng với sự bày biện của ánh nến lung linh sẽ tạo cho khung cảnh gia đình được ấm áp và thân tình hơn.
6. Khám phá một cái nhìn mới về nhau
TS Phillip C. McGraw – nhà nghiên cứu tâm lý đồng thời là chủ tịch tổ hợp luật Courtroom Sciences Inc, cho rằng: “Có 12 loại cảm xúc cơ bản, trong đó, phụ nữ và nam giới, mỗi người cần nhận 6 loại cảm xúc. Người phụ nữ cần nhận sự chăm sóc, sự thông hiểu, sự tôn trọng, sự cống hiến, sự đồng tình và sự bảo đảm. Còn nam giới cần nhận sự tin cậy, sự chấp nhận, sự đánh giá cao, sự khâm phục, sự ủng hộ và sự khuyến khích.”
Với những bận rộn thường nhật vợ chồng thường quên đi những nhu cầu cảm xúc cơ bản này của nhau. Một khi thấu hiểu được 12 nhu cầu cảm xúc cơ bản này, việc khám phá một cái nhìn mới về nhau để hiểu nhau hơn sẽ không còn là vấn đề nan giải.
7. Cách đối thoại
Cách đối thoại của phái nam và phái nữ khác nhau. Người phụ nữ có khuynh hướng nói về sự liên hệ và nhắm đến tâm tình. Các đấng nam nhi thường nói về tình trạng và thích những dữ kiện. Khi cần sự giúp đỡ đàn ông và đàn bà dùng những phương cách khác nhau. Nhưng dù là phương cách nào, “ngọt mật cũng chết ruồi”. Nghe những lời ngọt ngào tâm hồn chúng ta cũng thoải mái hơn dù công việc có nặng nề đến đâu. Theo bà Joan Leingang, chủ tịch Phong Trào Gia Đình, một tổ chức nhỏ được thành lập khoảng cuối thập niên 1940, “cách đối thoại thành thật nhưng ngọt ngào là phương pháp hữu hiệu nhất để tránh những xung đột trong gia đình và cũng là mô hình giáo huấn tốt nhất đối với các trẻ em thanh niên”. Việc đối thoại hòa hợp với nhau rất quan trọng trong đời sống gia đình. Khi biết cách cư xử hợp ý với nhau, đôi vợ chồng sẽ dễ hiểu và cảm thông với nhau hơn trong những vấn đề thiết thực của cuộc sống gia đình như dạy dỗ con cái, chi tiêu, liên hệ với gia đình đôi bên, v.v.
8. Chia sẻ công việc nhà
Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy khi đôi vợ chồng sống với phương thức “Cùng Ăn, Cùng Làm và Cùng Ngủ” sẽ giữ được quân bình trong gia đình và qua đó sẽ yêu nhau hơn và hạnh phúc hơn. Họ sẽ cảm thấy mật thiết hơn khi có nhau và tình vợ chồng sẽ sâu sắc, đậm đà và gắn bó lâu dài.
9. Dành giờ ái ân
Trong hôn nhân, ái ân là nhịp cầu nối kết đời sống lứa đôi. Một đời sống ái ân hòa hợp sẽ giúp cho tình yêu giữa vợ chồng thêm mặn mà, nồng cháy. Có không ít những cặp vợ chồng qua một thời gian chung sống, cảm thấy nhàm chán trong chuyện chăn gối.
Bà Joan Leingang nói: “Ái ân không phải là vấn đề kiểu cọ; nó là vấn đề tình yêu, sự tôn trọng và sự gần gũi với một người phối ngẫu. Nếu không có một đối thoại êm đẹp, nó không có hiệu quả.”
Việc ái ân không chỉ giới hạn ở ý nghĩ về chuyện chăn gối. Đối với hai người yêu nhau thì bất cứ hành động gì cũng được coi là sự diễn đạt tình yêu. Sự vuốt ve thật quan trọng, và nó không bắt buộc phải là một phần của sự chung đụng dẫn đến việc chăn gối. Vuốt ve âu yếm là một hình thức tuyệt vời có giá trị để diễn đạt tình cảm con người. Ái ân còn giúp mang lại cảm giác sảng khoái, đầu óc thư thái và giải tỏa mọi căng thẳng, lo lắng.
10. Vấn đề tiền bạc
Những cuộc nghiên cứu cho thấy 97 phần trăm của những trục trặc hôn nhân phát sinh từ vấn đề tiền bạc. Nhà tâm lý học William Roberts Nadel cho rằng “Đàn ông coi lương bổng là thước đo của sự thành công, nhưng người phụ nữ chỉ xem đó là sự thành đạt của nghề nghiệp”. Thông thường, trục trặc xẩy ra khi có những ý tưởng khác biệt về cách dùng tiền cho việc gì. Tài chánh là một vấn đề đa dạng. Để mất độc quyền kiểm soát tiền bạc có thể tạo nên những phản ứng tâm lý bất lợi. Cả hai nên có sự đồng ý trong việc chi tiêu, việc dành dụm cũng như việc kinh doanh. Nhiều gia đình Việt Nam đã lâm vào cảnh tan nát vì chồng hoặc vợ lén lút giúp tiền bạc cho thân nhân còn ở quê nhà. Nhiều người đã không nghĩ rằng việc lén lút này đã làm giảm đi sự tin tưởng nơi người phối ngẫu. Giúp đỡ người khác là một việc tốt nhưng cần có sự đồng ý của cả hai. Đôi bên cần tôn trọng nhau và nâng đỡ nhau trong việc chi tiêu, liên hệ với thân nhân của đôi bên và quân bình hóa đời sống tài chánh của gia đình.
Sau đây là những phương thức được đề nghị để làm mới tình cảm với con cái.
1. Thực sự lắng nghe:
Cha mẹ cần thực sự lắng nghe để hiểu được những gì con cái nói. Việc lắng nghe bao gồm việc đặt ra các câu hỏi và kiểm tra lại những điều đã được nghe. Khi lắng nghe trẻ, cha mẹ nên gạt bỏ quan điểm, giải pháp, những lời chỉ trích, mệnh lệnh của mình để lắng nghe trẻ nhiều hơn. Bằng cách lắng nghe, cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ giải bày vấn đề, khuyến khích trẻ chia sẻ nỗi lo lắng của mình và có thể trẻ sẽ tìm ra giải pháp cho chính mình.
Cổ nhân có câu “thói quen lâu dần thành bản tính thứ hai của con người”. Khi những nổ lực kể trên trở thành thói quen thì hoa trái của những việc làm đó là những ngày hạnh phúc giữa vợ chồng và con cái. Nếu biết yêu, chúng ta có thể đem mùa xuân đến cho người khác. Với những thiện chí nhỏ nhoi mỗi người chúng ta đều có khả năng làm một cành mai, một cánh én, một chút nắng ấm để đem mùa xuân đến cho người khác và đặc biệt là đem hạnh phúc đến cho chính bản thân mình.
2. Ngọt ngào, dịu dàng và kiên nhẫn với con cái:
Sự ngọt ngào và dịu dàng với con cái sẽ dần dần thay đổi được thái độ bướng bỉnh của con trẻ, đặc biệt là đối với các em ở tuổi vị thành niên. Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy khi các phụ huynh nói chuyện ngọt ngào và kiên nhẫn, giúp con cái từ những cử chỉ nhỏ nhặt, con cái sẽ cảm thấy được một sự an toàn và hòa đồng với cha mẹ. Ngoài ra, khi được đối xử thân tình con cái sẽ dễ dàng thố lộ những suy tư, khắc khoải hoặc khi gặp những khó khăn trong cuộc sống.
3. Quan tâm
Vấn đề quan trọng trong việc giáo dục con cái không phải chỉ là vấn đề thời gian mà là sự quan tâm đích thực. Trẻ ở bất cứ tuổi nào cũng cần được khen nhiều lần mỗi ngày. Cha mẹ cần khen những điều tốt mà con cái đạt được. Nên tránh việc chỉ trích nặng nề những lỗi lầm mà chúng lỡ gây ra. Hãy liệt kê những ưu điểm của con cái và thường xuyên động viên khen thưởng chúng kịp thời. Những lời khen, những lời động viên, những nụ hôn và cả những phần thưởng đậm chất tinh thần… là những điều trẻ sẽ rất vui khi nhận được.
4. Tránh nhục mạ con cái
Khi con cái làm điều sai trái, cha mẹ là những người sẵn sàng sửa phạt chúng, nhưng không phải là trước mặt người khác, nhất là trước mặt bạn bè của chúng. Đừng khiến chúng có cảm giác bị nhục mạ. Phải chăng nhờ lầm lỗi mà chúng có thể trở nên hoàn thiện hơn, như cha mẹ chúng bây giờ?
5. Sẵn sàng trả lời những câu hỏi của con cái
Hãy nên dành thời giờ giải thích những băn khoăn, thắc mắc của con cái. Và nếu ta không biết, hãy cùng chúng tìm hiểu câu trả lời, hoặc tham khảo nơi sách vở và các chuyên viên.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]