Ts. Nguyễn Đình Thắng
Lực còn yếu thì cần dùng thế để thành công. Một triệu rưởi người Việt ở Hoa Kỳ số chưa đủ đông, tài chánh chưa đủ lớn và ảnh hưởng chính trị chưa đủ mạnh để áp lực chính phủ Hoa Kỳ thực sự quan tâm và hành động vì nhân quyền cho đồng bào của chúng ta ở trong nước. Khi đặt lên bàn cân chính sách, nhân quyền vẫn nhẹ hơn là mậu dịch, đối ngoại và những vấn đề chiến lược rộng lớn khác, vốn thay đổi theo mỗi đời tổng thống.
Dùng thế là biết đặt mình ở đúng vi trí vào đúng thời điểm để xoay chuyển chính sách mà bình thường ra đòi hỏi nhiều lực hơn là mình có. Ở đây tôi trình bày cách áp dụng nguyên tắc này để xoay chuyển chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Nói chung, Hoa Kỳ có biện pháp chế tài áp dụng khác nhau dành cho ba thành phần quốc gia sau đây.
(1) Các quốc gia khủng bố: Bóp nghẹt và cô lập kinh tế bằng mọi cách.
(2) Các quốc gia xâm phạm tài sản của công dân Hoa Kỳ: Trừng trị kinh tế cho đến khi chấp nhận hoàn trả hay bồi thường tài sản đã xâm phạm
(3) Các quốc gia vi phạm nhân quyền: Uyển chuyển, khi thì chế tài mạnh mẽ như đối với Nam Phi, Miến Điện trước đây, khi thì lại vuốt ve, chiều đãi để chiêu dụ như là đối với nhiều quốc gia Trung Đông, Việt Nam ngày nay
Chính sách của Hoa Kỳ đối với thành phần thứ ba này đã sang một bước ngoặt lớn dưới Hành Pháp Clinton. Khi vừa đắc cử Tổng Thống Clinton tuyên bố tách lìa nhân quyền ra khỏi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Quyết định này đã đẩy lùi và trói tay phong trào đấu tranh cho nhân quyền quốc tế ở Hoa Kỳ. Theo chính sách này, Hoa Kỳ ngày càng nhích gần về ngoại giao, hợp tác quân sự, trao đổi mậu dịch, viện trợ phát triển cho nhiều quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng, mà nổi bật nhất là Trung Quốc.
Một số vị dân biểu có lòng với nhân quyền tìm cách vá víu lỗ hổng khổng lồ này về chính sách của Hoa Kỳ về nhân quyền. Mãi đến năm 1998, tức 6 năm sau, DB Frank Wolf và TNS Sam Brownback mới thành công trong việc đưa ra luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, mà trong đó có biện pháp chế tài dành cho quốc gia nào bị đưa vào danh sách CPC (quốc gia cần quan tâm đặc biệt). Tuy nhiên phân loại quốc gia nào là CPC lại nằm toàn quyền trong tay Hành Pháp. Việc diễn giải và đánh giá tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở một quốc gia được “du di” cho phù hợp với chính sách thay vì lẽ ra phải ngược lại.
Đến năm 2000 DB Christopher Smith nối gót đưa ra thành công đạo luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, cũng có biện pháp chế tài đối với quốc gia nào bị xếp Hạng 3. Cũng vậy, việc xếp hạng cũng được du di cho phù hợp chính sách của Hoa Kỳ đối với quốc gia ấy thay vì phản ảnh thực tế.
Hai đạo luật trên là hai đạo luật nhân quyền độc nhất thoát qua được sự chống đối của Hành Pháp Clinton, với các biện pháp chế tài đã bị cắt giảm đi rất nhiều.
Trong tình cảnh ấy, khai thác các luật về nhân quyền là điều rất khó khăn vì Hành Pháp có rộng quyền diễn giải và phúc trình về tình trạng vi phạm nhân quyền ở một quốc gia, khi thì sát sao, khi lại rất rộng rãi. Điều này có thể giải thích tại sao mãi đến giờ này ĐS Hoa Kỳ ở Việt Nam mới đến thăm BS Nguyễn Đan Quế và Hoà Thượng Thích Quảng Độ, nghĩa là sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã phổ biến bản phúc trình thường niên về nhân quyền cũng như bản phúc trình thường niên về tự do tôn giáo. Lẽ ra phải gặp trước để hội ý nhằm giúp cho bản phúc trình được chính xác. Năm nay Việt Nam tiếp tục nằm ngoài danh sách CPC bất chấp sự leo thang đàn áp tôn giáo.
Trong rất nhiều năm, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã cố gắng vận động Hành Pháp để áp dụng các biện pháp chế tài đối với Việt Nam. Khi mà Việt Nam vẫn còn nằm trong thành phần thứ ba kể trên thì việc này hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý muốn của Hành Pháp.
Qua chiến dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản” chúng ta dùng thế công dân của ngày càng đông người Việt ở Hoa Kỳ để “lái” Việt Nam vào thành phần thứ hai, gồm số nhỏ các quốc gia đã tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Khi ấy luật pháp Hoa Kỳ rất rõ ràng, biện pháp chế tài rất mạnh mẽ, và Hành Pháp không rộng quyền diễn giải mà bắt buộc phải thi hành.
Vấn đề là chúng ta phải khéo gắn liền quyền lợi của mình, công dân Hoa Kỳ gốc Việt, với quyền lợi của đồng bào ở trong nước theo thế đòn bẩy. Lấy thế công dân của mình để che chắn cho dân không mất đất và dân tộc không mất lãnh thổ.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]