Chủ Động

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Phàm khi làm việc gì, muốn thành công thì phải chủ động. Chủ động nghĩa là hành động theo những dự tính của mình định ra chứ không phải do người khác áp đặt. Chủ động công, chủ động thủ, chủ động tiến, chủ động thoái… Trong một cuộc đọ sức giữa hai phe, trong chính trường hay trong thương trường, trên chiến trường hay ngoài sân cỏ, phe áp đặt được đối phương là phe chủ động, đẩy đối phương vào thế bị động, đỡ đòn.

Khi chính quyền Việt Nam thả một ca sĩ hạng xoàng ra hải ngoại, chúng ta nơi nơi phải huy động nhân, tài, vật lực để đối phó từ thành phố này sang thành phố nọ. Đó không phải là chủ động. Khi chính quyền Việt Nam cưỡng chiếm đất đai của dân oan, ở hải ngoại ra văn thư, tổ chức hội thảo phản đối. Đó cũng không là chủ động. Khi phái đoàn của chính quyền Việt Nam ngồi trong phòng họp với giới chức Hoa Kỳ, chúng ta đứng ngoài biểu tình. Đó không là chủ động. Đấy chỉ là phản ứng đỡ đòn, không hề đẩy đối phương vào thế bị động.

Tôi không nói rằng đấy là những điều không đáng làm, không nên làm. Rất đáng, rất nên là đằng khác. Nhưng nếu có làm thì phải nằm trong kế hoạch, chứ không phải là mình đỡ đòn trong khi đối phương làm chủ tình thế.

Ngày xưa dân số còn thưa, mọi sự đều mới lạ, chúng ta chỉ có đỡ đòn thì là điều hiểu được. Nhưng hơn 37 năm đã trôi qua. Chúng ta không thể tiếp tục sinh hoạt trong tư thế, cung cách của 37 năm trước. Người Mỹ thường nói, nếu không thay đổi cách làm thì đừng mong thay đổi kết quả. Nếu chúng ta vẫn làm như xưa, vẫn trong thế bị động, thì không thể chờ mong kết quả sẽ khác hơn.

Làm thế nào để chủ động?

Muốn chủ động thì phải có kế hoạch, như người đi đường có lộ trình đã vạch sẵn. 

Muốn có kế hoạch thì phải biết rõ hoàn cảnh hiện nay, và định ra được mục tiêu muốn đạt đến, giống như lộ trình phải có điểm khởi hành và điểm muốn đến.

Mục tiêu ấy, tôi gọi là mục tiêu chiến lược. Không có mục tiêu chiến lược thì không thể lập kế hoạch. Không  có kế hoạch thì không thể chủ động.

Dĩ nhiên, dù đã vạch sẵn lộ trình, vẫn có những yếu tố bất ngờ. Nhưng chính nhờ có lộ trình nên khi phải lách phải, rẽ trái vì chướng ngại vật, chúng ta sẽ không mất phương hướng và lạc đường. Khi đã có kế hoạch dẫn đến mục tiêu chiến lược, chúng ta có khi tiến, khi lùi, khi công, khi thủ, khi chuyển mũi nhọn… nhưng vẫn là chủ động.

Tôi tin rằng ngày hôm nay tập thể 3 triệu hơn người Việt ở hải ngoại, với nhiều tấm gương thành công trong mọi lãnh vực, với sự hiểu biết về chính trường và quen biết trong các hệ thống chính quyền, với khả năng tài chánh phong phú và thế đứng vững chãi ở các quốc gia trong thế giới tự do, chúng ta có thể chuyển tình thế để nắm phần chủ động trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở quê nhà.

Muốn vậy, chúng ta cần có chung một số mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn nhằm huy động và quy tụ nhân tài vật lực. Chúng ta cần có kế hoạch để đạt các mục tiêu chiến lược ấy. Và chúng ta cần những người đủ khả năng và bản lãnh để, cùng nhau hay luân phiên, hướng dẫn đại khối thực hiện kế hoạch đúng cách, hợp thời.

Khi nào chúng ta hành động mà đối phương phải xào xáo họp bàn, ra nghị quyết, tổ chức họp báo, huy động cán bộ, cử phái đoàn chính phủ, tung lực lượng nằm vùng chống trả… hay phải ngồi xuống thương thảo trong điều kiện do chúng ta đặt định, thì lúc đó là chúng ta đang nắm thế chủ động. 

Bài liên quan:

Góp Gió Thành Bão
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2347

Làm Việc Gốc
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2341

Trước Vận Nước, Không Thể Làm Việc Vặt — Trách Nhiệm của Người Biết
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2336

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận