Chuyện Kể Từ Thái Lan III

LTS: Là một cựu nữ sinh Trưng Vương, tác giả đã về hưu ở Houston. Cuối năm ngoái, qua chương trình Saigon Houston Radio, Bà nghe đến tình cảnh của đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan, nên quyết định lên đường tình nguyện và nhập toán BPSOS đang làm việc tại Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đặt ở Bangkok. Hàng ngày Bà thăm viếng và uỷ lạo các gia đình gặp khó khăn, dạy học cho người lớn và trẻ em, thăm nuôi những người bị bắt giam, và khi cần thì giúp cả phần thông dịch. Dưới đây là ký sự của Bà về những ngày tháng ở Thái Lan.

Tôi lại quen mắt dậy sớm, mở màn cửa thấy trời còn mờ tối. Lũ chim quen thuộc vẫn còn ngủ. Xem đồng hồ thấy mới có 3 giờ rưỡi sáng nhưng tôi không còn muốn ngủ nữa. Hình như niềm vui đã làm tôi tỉnh hẳn. Tuần này tôi bắt đầu làm ‘Cô Giáo’, làm ‘Tai Tử Kỳ’, làm ‘Người Ủy Lạo’…, việc nào cũng hứa hẹn nhiều thích thú. Tôi mở cửa ban-công cho gió mát lùa vào phòng, khí hậu thật đễ chịu, tôi thoải mái đứng ngắm trời đêm và tò mò chờ xem giờ nào thì con chim đầu tiên bắt đầu cất tiếng hót.

Khoảng hơn 4 giờ rưỡi có tiếng ríu rít từ lùm cây, hình như lũ chim non dậy trước nhất. Rồi thì vài tiếng hót khởi đầu và tiếp theo là nhiều giọng hót đua nhau rộn rã. Chúng hót không biết mệt, cứ một con véo von trước là bao nhiêu tiếng khác vút lên theo như là để đáp lại, không biết có phải chúng chào hỏi nhau không nhỉ?

Vui với thiên nhiên thì không bao giờ chán nhưng đến lúc trời bắt đầu ửng hồng thì tôi phải vào chuẩn bị ăn sáng để còn…đi làm. Hôm nay tôi làm cô giáo.

Làm Cô Giáo:

Tôi đến Nhà Từ Thiện từ lúc 9 giờ hơn để gặp Sơ Lita nói chuyện. Sơ cho xử dụng phòng trên lầu 3 để học cho kín đáo. Tôi lên lầu đã thấy mọi người ngồi chờ sẵn cả rồi. Hình như mấy chục cặp mắt đã theo dõi từng bước tôi vào phòng. Họ đứng dậy chào, lễ độ như học trò thuở thanh bình, trong một thoáng tôi có cảm giác như đang đứng trước một lớp học ngày nào. Tôi phải nói họ ngồi xuống và tạo không khí thoải mái cho lớp được tự nhiên. Khác với buổi nói chuyện tuần vừa rồi, lần này phái nữ hiện diện đông hơn. Lớp học hầu hết là người lớn, chỉ có 4 em là học sinh trung học.

Kể ra thì tôi cũng gan, tôi không phải là giáo sư Anh văn, vốn liếng tiếng Anh cũng không nhiều, chỉ là mong giúp cho họ những gì tôi biết, liệu tôi có làm được không đây? Không có sách vở hướng dẫn, nên bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi được biết đồng bào tị nạn rất muốn học đàm thoại và xin bắt đầu từ điểm căn bản nhất vì ngày trước họ không được học nhiều, bây giờ họ đã lớn cả  nên chỉ muốn học “tốc hành” để tạm nói khi cần đến. Nhưng trong một lớp có nhiều trình độ khác nhau, từ không biết gì đến cỡ trung học như thế này thì cũng khó mà biết phải bắt đầu từ điểm nào cho thích hợp với tất cả.

Tôi nghĩ khi người ta muốn học thì sẽ mau hiểu và sẽ không chán cho nên tôi khuyến khích họ đề nghị điều họ muốn học để tôi dựa vào đó đặt thành câu bằng Anh ngữ cho họ tập nói. Ngày đầu họ muốn học cách đặt câu hỏi. Tôi cho họ nhắc đi nhắc lại cho thật thuần những tiếng căn bản như: “What is” “Where is”, “How many”, “How much”… Sau đó hướng dẫn họ đặt thành câu thật ngắn, tập trả lời thật giản dị, rồi cho thực hành bằng cách để họ thay phiên nhau hỏi và trả lời. Sau cùng là tôi hỏi lại. Lần lượt như vậy với từng câu, từng người. Quả nhiên họ học rất vui, khi ra về họ đã biết một chút về cách đặt câu hỏi. Niềm vui của tôi là khi nghe họ bập bẹ với nhau bằng mấy tiếng vừa học được. Tôi sẽ cố gắng giúp trong thời gian tôi ở đây để khi được đi định cư, họ không đến nỗi ngơ ngác như khi tôi đến xứ Thái.

Không biết tiếng của người bản xứ đôi khi cũng thiệt thòi. Hôm nay tôi gặp phải một người lái Taxi không thật thà. Thường thì tôi đi từ chỗ nhóm Cồn Dầu về nhà mất khoảng 100 đến 115 Bạt, tùy theo đường có bị kẹt xe hay không. Lần này, khi tôi nói địa chỉ cho người tài xế thì anh ta hỏi tôi một tràng tiếng Thái, tôi lắc đầu không biết. Có lẽ vì thế mà anh ta biết tôi không phải là người địa phương cho nên đã lái đi lung tung thật là lâu mới về, và lần này tôi đã phải trả gấp đôi những lần trước. Anh ta còn trẻ mà đã xấu thế! Tức thật! Để rồi tôi sẽ tìm đường đi xe bus cho khỏi bị bắt chẹt như thế này.

Trên đường về nhà, tôi ghé vào khu chợ nhỏ trong xóm xem người ta bán hàng. Chợ này họp từ chiều cho đến khuya. Họ bán đủ thứ rau tôm thịt cá.
Tôi thấy rau rút mắt cũng sáng lên nhưng thôi, có mua cũng không nấu được.  Hàng cá thì nhiều. Người Thái Lan thích ăn cá nướng, chỗ nào cũng có bán. Họ xiên từng con rồi nướng than cho cháy cạnh, ăn với nước mắm ớt thật cay. Tôi đứng xem người ta nướng cá, toàn là cá không vẩy trông như cá trê, họ lấy từ thùng ra là nướng ngay, trông da con cá còn đen thui, không cạo rửa gì cả, tôi có thích cũng không dám ăn thử.

Sợ đứng lâu sẽ động lòng nên tôi ghé lại chỗ mấy người đang xúm xít mua. Tôi thấy người bán có 1 rổ tép tươi, những con tép trong xanh còn đang  nhảy lách tách, nếu gặp ở Mỹ chắc chắn là tôi mua cả rổ về làm mắm tép rồi. Người bán hàng đang ra sức giã 1 cối sả chanh ớt rau thơm và gia vị.  Sau đó ông ta xúc mấy thìa tép đổ vào trộn đều rồi cho vào từng túi nhỏ đưa cho người mua. Thì ra là họ ăn tép sống như thế. Có gì ngon nhỉ? Tôi hay tò mò thử món lạ và cũng thích Sushi nhưng không dám thử món này, lỡ ăn phải trứng giun thì chết!

Tôi ghé đến hàng mực tươi nướng, món này thì nhất định tôi phải mua rồi. Họ ướp mực nang với chút bột nghệ pha muối rồi nướng trên bếp than, khói xông lên khen khét nhưng mà thơm, nhìn hấp dẫn lắm. Tôi mua 2 xâu 40 Bạt để về ăn với mì gói làm bữa cơm chiều. Lúc đi ngang hàng ở ngoài cổng tôi thấy có bày những bát đựng đầy trái nhỏ hình bầu dục giống như quả dâu da, màu vàng vàng, hồng hồng, cam cam trông rất đẹp. Bà bán hàng đon đả mời chào, tôi muốn hỏi là loại trái gì nhưng không biết nói, chỉ làm hiệu như cắn 1 trái ăn, bà bán hàng liến láu ‘Ạ loy’, ‘Ạ loy’(tức là ngon lắm, ngon lắm, tôi mới học được hôm qua), thế là tôi mua liền vì tưởng đó là một loại trái cây, ngon mà. Trên đường về tôi lấy 1 quả ăn thử, chao ôi, nó chua ơi là chua, thì ra đó chỉ là cà chua, 1 loại cà chua tôi chưa bao giờ thấy. Thế mà tôi cứ tưởng là loại trái cây ngon lắm chứ, ‘Ạ Loy’ mà! Buồn cười thật! Tôi lại có thêm một kỷ niệm vui vui về tiếng Thái.

Buổi tối nghỉ ngơi tôi bắt đầu mở Emails ra đọc. Đây là một phương cách giúp tôi giảm đi sự mệt mỏi và học được nhiều điều tôi chưa biết. Đó cũng là niềm vui của tôi. Ngày còn đi làm, nơi làm việc của tôi nghiêm ngặt thế mà không ngày nào tôi bỏ Email, nó cho tôi cảm súc mà tôi đã ghi vào bài này, xin mời đọc:

Emails

Mỗi ngày vào đến sở
Là tôi mở Emails
Trong danh sách thật nhiều
Tôi tìm tên quen trước
Và điều tôi mong ước
Là có được nụ cười
Là tìm được đôi lời
Làm tim tôi rộn rã
Như cơn mưa mùa Hạ
Như gió mát trưa Hè
Như một ly cà phê
Làm thơm nồng buổi sáng.

Thế đấy! Và hôm nay, một trong những thư tôi nhận được đã làm tim tôi xúc động, đó là thư của một người bạn cùng trường đã lớn tuổi và không giầu, chị muốn tôi ứng trước 50 Đô để chị góp thêm cho đồng bào tị nạn.

Bạn hiền cửa tôi! Năm chục đồng của bạn đã lấy của tôi khá nhiều nước mắt!

Sáng Thứ Bảy tôi đến dạy cho một nhóm đồng bào Thượng. Nhóm Cồn Dầu ở cùng chỗ nên học chung rất tiện, còn đồng bào thiểu số thì lại ở rải rác nhiều nơi và ở xa nhau, họ không được tự do đi lại nên khó họp thành một lớp đông người. Tôi không biết làm sao để có thể giúp được hết, tạm thời chỉ đến dạy cho từng nhóm có 5-6 người trở lên thôi.

Đây là lần đầu tôi gặp nhóm này, họ gồm 9 người Lạch ở tỉnh Lâm Đồng, gần Đà Lạt. Năm người là nạn nhân bị chính quyền CS chiếm nhà lấy đất và đàn áp Tôn Giáo. Bốn người là nạn nhân của tệ nạn buôn người.

Lúc tôi đến chỗ hẹn thì đã có 2 cô bé chờ sẵn để đưa tôi về nơi trú ngụ của họ. Nếu không phải là họ chạy đến chào hỏi thì tôi cũng không biết vì hai cô bé trắng trẻo nhanh nhẹn này không có điểm nào là “Thượng” như tôi từng nghĩ. Nhìn họ, tôi liên tưởng đến hình ảnh các cô sơn nữ xinh xinh trong những bản nhạc hay của thời tiền chiến.

Tôi theo họ vào khu chung cư cũ trong ngõ hẻm, phải leo 2 lần cầu thang lên, phòng nhỏ bé thiếu tiện nghi, nếu kê giường là chật. Phía sau phòng chỉ có một khoảng trống nhỏ xíu để làm chỗ nấu ăn và tắm rửa, ngay bên cạnh một phòng vệ sinh làm sơ sài theo lối cũ. Như thế mà giá thuê mỗi phòng cũng hơn 100 USD một tháng! Đắt thật! Hai ba người thuê chung một phòng họ mới trả nổi. Mức sống tối thiểu cho 1 người tị nạn ở đây khoảng hơn 200 Đô một tháng, nhưng họ chỉ làm được khoảng hơn 100 Đô. Vì thế họ phải chung nhau mới đủ sống.

Hôm nay tôi gặp 6 người, còn 3 người kia đi làm. Bốn cô con gái nhanh nhảu dễ thương, hai cô da hơi ngăm ngăm, nhưng hai người đàn ông thì đúng là hình ảnh mà tôi thường nghĩ trong đầu. Da họ nâu đen và rắn dỏi, tóc quăn quăn. Hai người này nói tiếng Việt không sõi, nói chuyện ít thì được, còn nói nhiều thì mấy cô con gái phải thông dịch. 

Nhà không có bàn ghế, chúng tôi cùng ngồi xuống sàn. Trong 6 người thì 1 người có trình độ Anh ngữ kha khá, 3 người biết chút ít và 2 người  thì chưa biết gì. Tôi bắt đầu ngay bằng những câu chào hỏi thông thường và giản dị nhất rồi hướng dẫn họ từ đó. Tôi cũng áp dụng phương pháp thực tập như với nhóm Cồn Dầu và họ học rất vui. Có một điều tôi thấy rõ, là họ rất muốn học và học rất chăm, nhất là phái nữ. Bài học đầu gần 2 tiếng mà vẫn còn muốn tiếp tục, nhưng tôi cho ngừng ở đấy và ngồi nói chuyện thân tình với họ.

Họ kể cho tôi nghe lúc chạy sang đây họ rất khổ, khi có người kêu đi rửa chén, đi giặt giũ, đi quét dọn thì có ăn, còn không thì đói. Sau nhờ có người giới thiệu đến BPSOS và họ đã được cơ quan này giúp đỡ và giới thiệu với Sơ Sutisa (người Thái Lan). BPSOS đã đưa họ về đây ở gần Sơ để Sơ giúp cho họ học tiếng Thái, học may, học khâu búp bê và nhận việc về cho họ làm. Sơ cũng xin được việc ở nhà thờ gần bên cho mấy người đàn ông. Nhờ thế mà họ đã có thể sống mấy năm nay, mặc dù sống khó nghèo.

Tôi chưa bao giờ làm việc với đồng bào thiểu số nên chưa hiểu về họ và đôi khi nghĩ về họ với một chút thiên kiến. Nhưng bây giờ có dịp gần họ hơn, hiểu họ hơn, tôi thấy họ dễ mến và đáng thương hơn tôi tưởng. Họ chất phác và rất thương nhau, khi họ tin mình là họ nghe theo tất cả. Tôi hy vọng là chế độ Cộng Sản không làm ảnh hưởng đến bản tính chân thật của họ.

Chúng tôi ngồi nói chuyện thoải mái, tôi kể cho họ nghe qua về cuộc sống ở Mỹ và cho họ tha hồ hỏi, họ vui như tìm được một người trong gia đình. Đến trưa thì có thêm 1 người đi làm về. Tôi đưa cả nhóm đi ăn bữa trưa ở một quán gần đấy (họ không dám đi xa vì không có giấy tờ hợp lệ) và tôi cũng để cho họ tha hồ chọn món. Nhưng cũng chỉ là một quán bình dân, họ chọn bát mì xá xíu, chọn đĩa cơm có thịt nướng đã cho là sang lắm. Tội nghiệp!

Nhìn họ, tôi âm thầm cầu mong cho họ sớm được đến đất tự do để biết thế nào là một cuộc sống đầy đủ.

Làm ‘Tai Tử Kỳ’:

Một trong những nhu cầu của người tị nạn là được tâm sự. Nhiều người bị chờ đợi quá lâu mà không được qui chế tị nạn nên họ rất lo sợ và xuống tinh thần, họ cần tìm sự khuyến khích, cần tìm niềm hy vọng, và họ cần được than thở. Nói chung, họ cần có người để tâm sự. Việc này thì Luật Sư An Phong và Anna (hai nhân viên của BPSOS, lo cho đồng bào tị nạn ở Thái Lan) không giúp được vì đã quá bận cho nên tôi lại phải làm ‘Tai Tử Kỳ’, nghĩa là làm người lắng nghe và thông cảm với nỗi niềm người kể.

Hình như việc này cũng thích hợp với tôi, có lẽ vì tôi đã hiểu khi người ta thất vọng thì người ta cần gì. Tôi quan tâm đến tâm sự của họ và chia sẻ cảm nghĩ của mình với lòng chân thành. Tôi không có khả năng giúp cho họ được Cao Ủy Tị Nạn chấp nhận, nhưng tôi giải thích để họ hiểu tình trạng khó khăn chung để đừng quá thất vọng, và khuyên họ suy nghĩ đến những điều họ có thể làm để cải tiến cuộc sống.

Thú thật là trước khi sang đây, tôi không biết nhiều về chuyện của đồng bào tị nạn đang trốn ở bên này. Số người tị nạn bây giờ đã lên đến hơn 800 rồi, họ đều chạy bằng đường bộ, đều liều chết ngày đêm vượt rừng qua Lào, qua Cam Bốt mà sang đây. Thậm chí họ cũng biết đã có nhiều người sang là bị bắt, bị trả về Việt Nam rồi bị tù, bị hành hạ và bị mất tích mà họ vẫn cứ đi. Tại sao vậy? Lý do gì đã khiến những con người hiền lành chất phác, bao đời chỉ muốn ôm chặt lấy mảnh đất tổ đã phải bỏ hết mà đi?

Thì đây, tôi đã gặp, đã nghe người trong cuộc kể chuyện của họ và được biết những trường hợp này (xin kể tóm tắt thôi):

1. Trường hợp của Nhóm Cồn Dầu: Họ là nạn nhân của vụ chính quyền lấy nhà, lấy đất để làm nơi du lịch. Làng Cồn Dầu có cảnh đẹp thiên nhiên được hai nhánh sông bao bọc. Từ hơn trăm năm qua người Cồn Dầu đã nối tiếp bồi đắp tài sản của họ nên nơi này càng ngày càng có giá trị hơn. Bây giờ chính quyền Cộng Sản lấy tất cả và bắt họ phải dọn đi một vùng đất xa xôi chưa có người ở mà chỉ được bồi thường một số tiền nhỏ. Họ xin mua lại một miếng đất đủ để làm căn nhà nhỏ hoặc được mua chung cư khi chính quyền đã làm xong để được ở lại nơi này, nhưng không được, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trả lời họ: “Tụi mày là dân răng hô trán dô, không ở đây được”! Người dân chống lại nhưng đã bị công an đàn áp. Những người không đồng ý đã bị ghép vào tội chống phá nhà nước, họ bị xách nhiễu không còn làm ăn gì được, rồi bị công an tìm cớ giam giữ hành hung, có người đã bị đánh chết. Họ không còn chịu đựng nổi nên phải bỏ hết mà chạy.

2. Trường hợp của Nhóm Đồng Bào Thượng và H’Mông: Họ là nạn nhân của vụ chính quyền đàn áp tôn giáo và chiếm nhà, chiếm đất để làm nơi du lịch như trường hợp của người Cồn Dầu. Chính quyền Việt Cộng cấm họ không được theo đạo Tin Lành vì cho Tin Lành là đạo của Mỹ, ai theo Tin Lành đều bị coi là CIA. Ai đến nơi thờ phượng là bị bắt, bị giam giữ tra khảo, bị đánh tàn nhẫn nếu không chịu bỏ đạo. Đất đai của họ đã được canh tác thành những vườn cà phê, vườn rau, vườn cây ăn trái trù phú, chính quyền ngang nhiêm chiếm của họ, không bồi thường và ép họ phải đi vào vùng xâu vùng xa canh tác từ đầu. Người dân không chịu nổi đã biểu tình phản đối và đòi được tự do tôn giáo, đòi chính phủ tôn trọng nhân quyền, nhưng đã bị đàn áp rất dã man. Họ bị kết tội cấu kết với ngoại bang chống phá nhà nước, bị công an trấn áp, bị truy lùng bắt vào tù hành hạ, nhiều trường hợp nạn nhân đã bị mất tích.Vợ của họ bị công an thường xuyên làm bậy rồi dọa giết nếu nói ra. Dân làng sống trong sợ hãi, ai trốn được phải tìm đường mà chạy.

3. Trường hợp của nạn nhân vụ buôn người. Họ là các thiếu niên nam nữ vùng cao nguyên, mới lớn, hiền lương chất phác, đã tin theo lời dụ dỗ của tổ chức buôn người, đồng ý đi nước ngoài làm lao động 3 năm với số lương được hứa hẹn thật cao cộng thêm tiền phụ trội nếu làm trên 8 tiếng một ngày. Bố mẹ của họ đã phải thế chấp nhà cửa và tài sản của gia đình cho tổ chức này để họ đưa đi. 
Trong 2 năm làm việc vất vả mỗi ngày 14 tiếng, họ chỉ được nuôi ăn và mỗi tháng chỉ được mấy chục đồng Mã Lai để mua vật dụng cần thiết cho cá nhân, điều kiện sống thiếu thốn cực khổ. Họ đã tìm cách liên lạc với trụ sở CAMSA ở Mã Lai xin giúp đỡ và được một nhà thờ Tin Lành giúp cho phương tiện trở về Việt Nam. Khi về, họ bị công an theo dõi, bị khủng bố tinh thần, bị cấm sinh hoạt với nhà thờ, bị đón đường đánh, bị đe dọa đến mạng sống cho nên cuối cùng họ phải chạy.

Nghe chuyện của họ tôi mới hiểu! Sống mà bị đàn áp hàng ngày, bị ngang nhiên cướp mất tài sản, bị đánh như đòn thù thì làm sao họ chịu đựng được. Họ cũng là con người mà. Ở vào hoàn cảnh ấy chắc tôi cũng phải chạy thôi.

Điều lo sợ chung của họ là Cao Ủy Tị Nạn vẫn chưa cho họ qui chế tị nạn. Lý do là chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã che đậy và chối bỏ mọi hành vi dã man của họ cho nên Cao Ủy Tị Nạn cho rằng bây giờ Việt Nam đã thay đổi, và người tị nạn trở về VN sống cũng không sao. Họ không thể hiểu được những gì đã xảy ra cho những người đã phải bỏ cả tài sản, quê hương mà chạy!

Khổ cho người tị nạn là nếu không được qui chế tị nạn thì họ không có giấy tờ hợp pháp, họ phải sống trốn tránh, họ phải tự tìm cách sinh tồn, con của họ không được đi học, không được giúp đỡ cả về y tế. Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ không có tương lai!

Ôi! Những người không đường về! Tôi có thể giúp họ gì bây giờ!

Những điều tôi không biết:

Từ trước tôi cứ tưởng là nạn nhân Cộng Sản sẽ đương nhiên được Cao Ủy Tị  Nạn cho qui chế tị nạn. Nhưng không phải. Cao Ủy Tị Nạn luôn luôn từ chối cho đến khi nào người tị nạn chứng minh được là họ về nước thì sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.

Làm sao chứng minh? Đồng bào tị nạn CS bây giờ đều là những người dân hiền lành chất phác, họ không có khả năng để chứng minh tội ác mà Cộng Sản Việt Nam che dấu. Chính vì thế mà có nhiều người đã bị trả về và họ lại bị tù, có người bị đánh đến chết hoặc bị mất tích!

Nạn nhân CSVN đã biết vậy cho nên nhiều người nhất định không về mà trốn ở đây, mặc dầu họ sống rất vất vưởng. Họ hy vọng gì? Họ trông chờ vào sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại, không phải là giúp nuôi họ nhưng là giúp phương tiện để thuê người có khả năng điều trần với Cao Ủy Tị Nạn thay cho họ. Họ cần Luật Sư.

Chính vì có Luật Sư giúp đỡ mà những người đã bị Cao Ủy Tị Nạn từ chối như chị Phương Anh, anh Ysoai và nhiều nữa, đã được họ xét lại và được chấp nhận, bây giờ đã được an cư ở Hoa Kỳ.

Trước khi sang đây tôi vẫn tưởng là BPSOS có Fund của chính phủ để lo cho người Việt tị nạn CS ở Thái Lan, và tôi cứ thắc mắc tại sao BPSOS không tìm thêm luật sư để giúp cho mau. Cũng vì tưởng thế nên lần nào BPSOS kêu gọi sự giúp đỡ tôi cũng chỉ xin gia đình và bạn bè đóng góp để giúp thẳng cho đồng bào tị nạn chứ không nghĩ đến vấn đề giúp cho quỹ pháp lý.

Nhưng tôi đã lầm. Fund chính phủ cho chỉ được quyền xử dụng cho các chương trình ở bên Mỹ và cho 1 chương trình ở Mã Lai, bên Thái Lan hoàn toàn không có. Vì thế BPSOS vẫn phải vận động gây quỹ để có tiền thuê Luật Sư giúp người tị nạn.

Hiện giờ BPSOS chỉ có 1 Luật Sư, 1 phụ tá, trong khi người Việt tị nạn ở đây đã lên đến hơn 800 rồi, có nhiều người đã phải chờ đến 4, 5 năm.

Tôi không nghĩ là cộng đồng thờ ơ với đồng bào tị nạn, chỉ là vì chưa biết (cũng như tôi). Mong rằng lời trần tình về những điều tôi không biết sẽ đến được nhiều người để đồng bào tị nạn có thêm sự giúp đỡ.

Cộng đồng Người Việt Quốc Gia đã từng hô hào người trong nước chống lại sự áp bức và vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản, họ đã làm và đã bị đàn áp, đã phải bỏ hết mà chạy. Bây giờ họ đang mong chờ chúng ta giúp đỡ để họ có cơ hội đến được bến bờ tự do.

Điều giúp đỡ thiết thực nhất là cùng nhau đóng góp vào quỹ trợ giúp pháp lý để thuê Luật Sư giúp họ. Kẻ ít người nhiều, bao nhiêu cũng là quý.
Mọi đóng góp cho Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý xin gửi về địa chỉ này:

BPSOS/RCS
P.O. BOX 8065
FALLS CHURCH, VA 22041

Tin vui cuối tuần:

Tôi vừa nhận được một tin làm tôi ngạc nhiên. Có một người đọc bài tôi viết về việc giúp người tị nạn bên Thái Lan và đã muốn liên lạc để giúp đỡ. Tôi mừng quá vội liên lạc ngay thì được biết chị ở tận miền Nam Cali và là người rất được cộng đồng người Việt ở đấy biết đến qua những sinh hoạt xã hội của chị. Chị đang phụ trách dạy tiếng Việt cho trung tâm Việt Ngữ Phật Giáo. Chị cho biết sẽ gửi tặng người tị nạn 500 Đô và một số CD về bài học Anh Ngữ chị có. Không những thế, chị còn dặn là trong trường hợp khẩn thiết cần tiền thì cứ cho chị biết. Tôi giữ niềm vui một mình không được cho nên xin chia sẻ ở đây. Quí vị có biết người có lòng tốt này là ai không? Xin thưa, đó là chị Holly Huệ Ngô ở vùng Garden Grove miền nam California.

Xin cám ơn chị Huệ, một người tôi chưa được gặp nhưng đã có sự “Đồng thanh tương ứng” trong việc làm nhân đạo. Cầu chúc tinh thần xã hội của chị càng ngày càng nảy nở rộ như một hồ sen bát ngát.

*   *   *

Hiện có khoảng 800 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.

Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:

BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – U.S.A.

 

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận