Trẻ Em Tị Nạn Lần Đầu Đến Lớp

Mạch Sống, ngày 1/8/2012

Một nữ thiện nguyện viên người Việt, một nữ tu Công Giáo người Phi Luật Tân, một nữ giáo viên người Thái, và một nữ mạnh thường quân người Việt đã cùng nhau đem diễm phúc “được đi học” cho hàng chục trẻ thơ tị nạn.

Những người Việt xin tị nạn ở Thái Lan hiện nay đều bị xem là di dân bất hợp pháp. Vì không còn trại tị nạn, họ sống lẩn lút giữa người dân Thái và không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào của chính phủ Thái hay của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Nếu bị phát giác, họ có thể bị bắt bớ và giam cầm rồi trục xuất. Con cái của họ không có cơ hội đi học.

Trong số người Việt xin tị nạn, các đồng bào người Hmong theo đạo Tin Lành rất khổ. Chính quyền địa phương dùng nhiều biện pháp để cấm đạo và cướp đất của họ. Đầu tháng 5 năm 2011, hàng nghìn người Hmong tập trung tại Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để cầu nguyện để được tự do tôn giáo và không bị cướp đất đai của tổ tiên. Công an ập đến, đàn áp thẳng tay, gây tử thương cho một số người và bắt giam những người mà họ tình nghi là đã tổ chức buổi cầu nguyện.

Nhiều đồng bào Hmong lẩn trốn trong rừng. Sau nhiều tháng, một số dọ dẫm tìm đường đến Thái Lan. Hiện nay số đồng bào Hmong ở Thái Lan ước chừng gần 300 trong tổng số gần 900 người Việt đang lánh nạn ở quốc gia này.

Khi được biết là BPSOS đang cần người thiện nguyện, Cô Tuyết Mai, cựu nữ sinh Trưng Vương đang sinh sống ở Houston, đã tình nguyện lên đường tham gia với “nhóm trẻ” của BPSOS ở Bangkok.

Qua những buổi thăm viếng các gia đình đồng bào người Hmong, Cô Tuyết Mai đã quan tâm đặc biệt đến các trẻ em bị thất học. Cô tìm ra một số trường học sẽ nhận các em nhưng chương trình học đều bằng tiếng Thái.

Cô Tuyết Mai được giới thiệu đến Sơ Estrellita Lantin, một nữ tu Công Giáo người Phi Luật Tân. Sơ Lita, tên gọi tắt, rất thương người Việt tị nạn. Chính Sơ đã đón nhận một số đông giáo dân Cồn Dầu đến sống gần khu vực hoạt động của Sơ để tiện việc bảo vệ cho họ khi gặp trở ngại với cảnh sát. Đã không ít lần, luật sư của BPSOS đã báo động cho Sơ Lita biết khi người Việt bị cảnh sát bắt, và Sơ Lita luôn thành công trong việc điều đình cho họ được thả.

Nghe Cô Tuyết Mai kể về hoàn cảnh của các trẻ em Hmong, Sơ Lita đồng ý cho mượn cơ sở để mở lớp cho các em. Sơ Lita tìm được giáo viên tình nguyện dậy tiếng Thái. Tuy nhiên sách vở, bút giấy, phấn bảng… tốn khoảng 90 Mỹ kim một tháng. Sơ Lita không có ngân sách để chi trả.

Cô Tuyết Mai đã gởi email cho một mạnh thường quân để nhờ chuyển đến thân hữu và kêu gọi giúp đỡ:

“Tôi thấy trẻ em Hmong ở đây rất đông mà không được đi học, cả ngày chỉ quanh quẩn trong phòng nhỏ hẹp rất là tội nghiệp. Tôi nhờ các Sơ đến trường xin giúp nhưng nhà trường cho biết muốn được vào học thì các em cần phải biết tiếng Thái. Các em cần học tiếng Thái.

“Về cơ hội được đi tị nạn của người Hmong cũng rất mong manh, không biết họ sẽ phải ở đây đến bao giờ. Với tình trạng này, tôi nghĩ là họ cần nói được tiếng Thái mới sinh tồn được. Vì thế tôi đã xin Sơ Lita tìm người dậy tiếng Thái giúp cho họ. Hiện giờ đã có cô giáo người Thái và có 2 lớp học, 1 lớp cho trẻ em và 1 lớp cho người lớn. 

“Chị Huệ biết không, tôi chưa bao giờ thấy 1 lớp học nào mà học trò lại chăm học đến như vậy. Lớp bắt đầu từ 1 giờ, nhưng mới hơn 11 giờ đã thấy các em đứng lấp ló ngoài cửa, chỉ chờ lớp trước vừa ra là các em vào ngồi rồi. Mới 12 giờ các em đã đến đầy lớp. Hỏi ra thì được biết là các em ăn một ngày có 2 bữa, bữa sáng lúc 10 giờ và bữa chiều lúc 5 giờ, thế thôi. Vì thế, sau khi ăn cơm là các em chỉ chờ để đi học. Các em rất chăm và học rất nhanh, lại ngoan nữa, ai thấy cũng thương. Cách đây mấy tuần An Phong đến lớp xem các em học cũng thích lắm, An Phong có chụp hình và quay cả phim khi các em hát, còn các em thì vui mừng khi được cô An Phong mang cho bao nhiêu là kẹo. Nhìn các em vui, lòng tôi thật là mãn nguyện, bao giờ tôi cũng ở lại lớp với các em, chỉ trừ những khi tôi có việc phải đi.

“Vấn đề là mặc dù cô giáo tình nguyện dạy giúp nhưng Sơ phải trả chi phí khoảng 90 Dollars cho cô giáo về học cụ, bài vở, và thỉnh thoảng có ít kẹo bánh để thưởng cho các em.  Sơ cho biết chỉ có tiền cho 3 tháng, bây giờ đã gần hết tháng thứ 2. Vì thế, Sơ rất mong tìm được sự trợ giúp để cho lớp được trường tồn.”

Thế là “Chị Huệ”, vị mạnh thường quân sinh sống ở Nam Cali, ứng ra ngay số tiền cho đủ một năm học.

Các em bé thơ phải rời bỏ bản làng thân thương, theo bố mẹ sống lẩn lút nơi đất lạ quê người nay có chút niềm vui: Dù bữa đói bữa no, mỗi ngày các em được đến lớp, được cô giáo dậy dỗ, được kết bạn trang lứa, được hít thở khí trời.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận