Bác Sĩ Nguyễn Thị Đảnh Ra Mắt Sách: “Memories and Thoughts – Kỷ Niệm Và Suy Ngẫm”

Westminster (Bình Sa)- – Chiều Chủ Nhật, 29 tháng 7 năm 2012 tại hội trường Nhật Báo Việt Báo số 14841 Moran ST, Westminster CA. 92683, Bác Sĩ Nguyễn Thị Đảnh đến từ Na Uy ra mắt tập sách Souvenirs et Penseés do bà viết bằng tiếng Pháp, được Bác sĩ Từ Uyên dịch sang tiếng Việt “Kỷ Niệm Và Suy Ngẫm” và Tiến Sĩ Đỗ Văn Thành, Giáo Sư tại Norwegian University of Science and Technology, dịch sang tiếng Anh “Memories and Thoughts.”

Tham dự buổi ra mắt sách ngoài một số đồng hương thân hữu còn có sự hiện diện của một số “khách phương xa” như Dược sĩ Minh Lượng, Cô Thắng Phương, đến từ Canada; Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng,đến từ Washington D.C.; và một số nhân sĩ trí thức cư ngụ tại Nam California, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, Ông Ngô Sĩ Khôi, Trần Dạ Từ, Nhã Ca và Hoà Bình của Việt Báo.

Sau nghi thức chào quốc kỳ Việt Mỹ và mặc niệm, Ông Ngô Sĩ Khôi, Chủ tịch hội Ái hữu cựu học sinh liên trường Lycée Marie Curie & Jean Jacques Rousseau – USA,  mở đầu buổi họp mặt và giới thiệu các tác giả, dịch giả. Trong phần phát biểu ông nhắc lại ngôi trường cũ với những kỷ niệm, những nhân vật xuất thân từ hai ngôi trường Marie Curie – J.J. Rousseau đã thành công và có nhiều đóng góp cho xã hội, và  trân trọng giới thiệu  tác giả sách “Kỷ Niệm Và Suy Ngẫm: “Bác sĩ Nguyễn Thị Đảnh sinh năm 1929 tại Gò Công, tốt nghiệp Tú Tài Pháp, tốt nghiệp Bác Sĩ tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1961, làm việc tại Bệnh Viện Nhi Đồng, Nha Y Tế Học Đường và có phòng mạch tại Khánh Hội. Bà là phu nhân của Ông Đỗ Văn Thảo, nguyên Giám Đốc Nha Ngoại Viện và Phó Tổng Thanh Tra Ngân Hàng Việt Nam Cộng Hoà. Sau biến cố 1975 ông bị bắt đi tù cộng sản tại Long Thành và sau đó chuyển đi các trại Bắc Thái, Hà Nam Ninh. Năm 1979 gia đình bà đi vượt biển và đến định cư tại Na Uy, và gia đình đoàn tụ năm 1981, sau khi Ông Đỗ Văn Thảo  được rời khỏi trại tù và xuất cảnh.

Sau đó Ông Ngô Sĩ Khôi giới thiệu Bác Sĩ Phạm Gia Cổn lên có đôi điều cảm nghĩ về cuốc sách.

BS. Pham Gia Cổn là một Quân Y Sĩ Binh Chủng Nhảy Dù, Giáo Sư Y Khoa, một Chưởng môn trong ngành Võ huật. Trong phần phát biểu ông kể là chính ông đã “xúc động đến lặng người” ngay khi đọc chương đầu tiên của cuốn sách, kể về trận đánh cuối cùng tại Cầu Xa Lộ Sài Gòn, khi khi  cả đơn vị gồm những  đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh.

Bác sĩ Phạm Gia Cổn nói cuốn sách “Kỷ Niệm Và Suy Ngẫm” đã “Xứng đáng góp vào với hằng trăm, hàng ngàn các tài liệu sách vở khác được viết trong mấy chục năm nay bằng nhiều ngôn ngữ đã phơi bày được thực trạng của cuộc chiếm đóng toàn cõi Việt Nam, chính sách tàn bạo, vô nhân gọi là “Tù cải tạo” và sự cai trị độc tài đảng trị, thành một tầng lớp Tư Bản Đỏ, của đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam.”

Bác sĩ Cổn nói thêm, tuy tác giả Nguyễn Thị Đảnh coi đây chỉ  là “những cảm nghĩ riêng tư” nhưng khi đọc  đọc  “Kỷ Niệm Và Suy Ngẫm,”  cuốn sách đã khẳng định được niềm tin cốt lõi, là dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào,  “Ý nguyện của người dân bao giờ cũng là cái gốc tồn tại và quyết định.”

Tiếp theo lời phát biểu của Tác Giả Bs. Nguyễn Thị Đảnh đã ngỏ lời  cảm ơn quí vị thân hữu tổ chức, Nói về cuốn sách, Bà cho biết, “đây là cảm nghĩ riêng tư của tác giả, lồng trong nhiều kỷ niệm và dữ kiện góp nhặt qua lời tường thuật của chồng bà, Ông Đỗ Văn Thảo.”

Được biết, Ông Thảo sinh ngày 21 tháng 8 năm 1927 tại Gò Công, một tỉnh miền Nam Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, ông về làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) từ tháng 4 năm 1955. Trước Tháng Tư  năm 1975, ông Thảo từng đảm nhận các chức vụ Giám Đốc Nha Ngoại Viện, Phó Tổng Thanh Tra Ngân Hàng… Sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, Ông bị tù cộng sản tại Miền Bắc. Ra tù tháng 9 năm 1980, ông đoàn tụ với gia đình tại Bergen – Na Uy tháng 12 năm 1981 và ông qua đời tháng 1 năm 2001 tại Oslo – Na Uy.

Sau đó là phần phát biểu của dịch giả, Giáo sư  Tiến Sĩ Đỗ Văn Thành, thứ nam của tác giả.Giáo sư Thành nói ông vinh hạnh khi chuyển ngữ từ nguyên tác Pháp ngữ sang Anh ngữ cuốn sách của thân mẫu, vì “có cơ hội đóng góp vào việc duy trì và quảng bá sự thực về thời kỳ khổ nạn của người Việt tự do sau 30 tháng tư năm 1975.”

Giáo sư Thành cũng trình bầy một số trích đoạn tiêu biểu  từ  cuốn sách:

“Ai nói rằng quân đội ta không chiến đấu? Chúng tôi đã cùng các anh dự trận chiến cầu xa lộ và thấy họ chiến đấu ra sao. Họ đầy lòng hy sinh và đầy dũng cảm.”

Dịch giả cũng trích dẫn một số chuyện vui Sài Gòn hậu 30 Tháng Tư 75,  trong đó có chuyện anh cán bộ cộng sản ra lệnh cho người tới trình diện:

“Thôi được anh trình diện tôi ngày 31 tháng Tư tới,  anh ta nói một cách tự nhiên. Nhưng tháng Tư làm gì có ngày 31, anh bạn chồng tôi không biết làm cách nào để cán bộ hiểu sai lầm đó nhưng tránh được cơn thịnh nộ của người cán bộ năng nổ đang nắm quyền hiện tại. Nếu anh đi về và không nói gì thì biết đúng ngày nào phải trình diện để thoát hình phạt. Người cán bộ ngẩng mặt lên, thấy anh còn đứng đó lớn tiếng:

Sao không về đi đừng xin xỏ gì, đối với tù nhân cũ, luật là luật, đúng một tháng trình diện lại.”

Bạn chồng tôi ấp úng: “Thưa cán bộ, tôi không thể trở lại ngày 31 vì tháng đó không có 31 ngày.”

“Sao không có ngày 31, ai nói vậy?” Anh (cán bộ) hét lớn, “tôi chán những điều bịa đặt của lũ trí thức các anh.” Sau đó anh dở cuốn lịch và chửi thề Đ.M. đứa chó nào đã xé ngày 31, nói “Thôi trở lại ngày 30 vậy,  đưa thẻ đây để tôi sửa lại.”

Trong phần thân hữu phát biểu, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng đã đề cập tới sự trưởng thành của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, và nói sách “Kỷ Niệm và Suy Ngẫm” của Bs. Đảnh là cuốn sách quí để nhắc nhở những thế hệ tương lai phải luôn ghi nhớ và xứng đáng với những hy sinh cao cả mà lớp người đi trước đã trải qua, để dọn đường cho họ.” Tiến sĩ Thắng cũng nói  ông rất mừng là gặp lại Đỗ Văn Thành, một người bạn đã tiếp tục con đường đấu tranh  cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại quê nhà.

Sách “Memories and Thoughts / Kỷ Niệm và Suy Ngẫm”, của Bác sĩ Nguyễn Thị Đảnh, English by Đỗ Văn Thành, Vietnamese by Từ Uyên là một cuốn sách xứng đáng có trong mọi tủ sách gia đình người Việt tỵ nạn cộng sản, giá bán mỗi cuốn 15 mỹ kim.Đồng hương hoặc các đại lý muốn có sách xin liên lạc về Toà soạn Việt Báo, (714) 894-2500./.

Mạch Sống trích đăng từ trang Việt Báo. Nguồn: http://www.vietbao.com/D_1-2_2-349_4-195366_5-50_6-1_17-183276_14-2_15-2/

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

 

Viết một bình luận