Luật Sư An Phong (BPSOS) nói chuyện về tình trạng của người Việt tị nạn tại Thái Lan và các hoạt động chống tệ nạn buôn người của CAMSA -Montréal, 9-6-2012
Ngày thứ Bảy, 9/6/2012, tại Nhà Thờ Saint Pascal Baylon, Montréal, có một buổi tiệc gây quỹ để yểm trợ CAMSA (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia) do chị Trần Thị Đức tổ chức nhân dịp Luật Sư Võ Hoàng An Phong, phụ trách Văn Phòng Pháp Lý của CAMSA và BPSOS tại Thái Lan thăm viếng Montréal. Buổi tiệc có khoảng 150 người tham dự.
Hiện diện trong buổi tiệc có các thành viên của Ủy ban Yểm trợ CAMSA Montréal, Bác Sĩ Đào Bá Ngọc, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal, và một số quý vị từ xa tới như cha François Trần, từ bên Bỉ (Belgique) qua, ông TrầnVăn Nhã, Chủ Tịch Hội Người Việt Sherbrooke & Phụ tá Đại Diện Chủ Tịch Đoàn Liên Hội Người Việt Canada và phu nhân, và TS Lê Duy Cấn, Ủy Viên NgoạiVụ, Liên Hội Người Việt Canada.
Mở đầu buổi tiệc, chị Trần Thị Đức, người tổ chức, ngỏ lời cám ơn sự góp sức của một số anh chị em của Nhà thờ Saint Pascal Baylon đã giúp làm các thức ăn không tính công và các mạnh thường quân dù vắng mặt đã gửi tiền yểm trợ. Tiếp theo đó, anh Lê Hồng Hải đã làm rung động mọi người với bản nhạc Anh là ai của Việt Khang.
Trước khi bắt đầu buổi thuyết trình, đại diện CAMSA Montréal, cô Kim Oanh, lên giới thiêu cô LS An Phong, và BS Đào Bá Ngọc, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal có đôi lời nhắn nhủ về trường hợp ông Lý Tống người chiếnsĩ chống Cộng đang chờ tuyên án tại Hoa Kỳ trong lúc các buổi ca nhạc có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thân Cộng lại được tổ chức tại nhiều nơi ở Canada.
Trong suốt gần một giờ, LS An Phong đã lần lượt trình bầy các công tác của CAMSA tại Thái Lan, Đài Loan, và Mã Lai nhằm giúp (1) các đồng bào tị nạn; (2) các công nhân xuất cảng lao động; và (3) các chị em lấy chồng ngoại quốc tại các quốc gia nói trên.
Theo LS An Phong, hiện giờ có vào khoảng 800-900 người Việt tị nạn tại Thái Lan. Văn phòng CAMSA giúp họ xin quy chế tị nạn, và nếu đơn xin của họ bị bác, giúp họ kháng cáo. Với các anh chị em xuất cảng lao động –khoảng 200,000 tại Đài Loan và Mã Lai trên tổng số 700,000 người trên toàn thế giới –CAMSA giúp họ đòi được giới chủ đối xử công bằng và nếu cần, đưa ra pháp lý những trường hợp bị giới chủ lừa đảo, bóc lột trắng trợn. Tại Mã Lai, CAMSA đã giúp hàng trăm người trong các trường hợp này, và tại Đài Loan, CAMSA đã giúp được 19 anh em xuất cảng lao động kiện chủ hãng và sau cùng được bồi thường thiệt hại và giúp tìm việc khác.
Với các chị em lấy chồng Đài Loan, CAMSA, qua sự yểm trợ của Liên Hội Người Việt Canada, CAMSA đã thành lập được Trung Tâm Dịch Vụ và Thông Tin tại Thụ Lâm (Shulin), phía nam Đài Bắc. Trung Tâm này cũng giúp các anh chị em xuất cảng lao động về phương diện pháp lý. Ngoài ra, với sự yểm trợ của Ban Khuyến Học và Trường Việt Ngữ tại Calgary, Trung Tâm mở được một lớp Việt Ngữ cho con em các phụ nữ lấy chồng Đài Loan. Lớp Việt ngữ này được khai giảng vào tháng 3, 2012 và sẽ kéo dài cho tới cuối tháng 6 trước khi nghỉ hè.
Dưới sự điều khiển chương trình linh động và khéo léo của anh Phan Ngọc, xen kẽ với phần nói chuyện của LS An Phong là một chương trình văn nghệ giúp vui đặc sắc. Anh Lê Hồng Hải, ngoài bài Anh là ai, còn trình diễn hai bài khác: Anh còn nợ em và Riêng một góc trời; chị Như Hoa, Những ngày không có anh và Tà áo xanh; anh chị Phánh, Chiếc áo bà ba và Mưa trên phố Huế; chị Hải Phong từ Sherbrooke xuống tham dự với 4 ca khúc Dans le soleil et dans le vent, Serenade (Schubert), Tình cầm, và Hình ảnh một đêm trăng.
Với số tiền gây quỹ được tổng cộng $6,896.00 bữa tiệc này đã thành công mỹ mãn.
Buổi họp mặt chấm dứt lúc 2g chiều cùng ngày.
Ghi chú: Luật sư Võ Hoàng An Phong làm việc tại văn phòng BPSOS ở Houston, Hoa Kỳ. Vì bản thân cô cũng là một thuyền nhân, cùng với gia đình vượt biên sang Mã Lai vào cuối thập niên 80, và từng bị từ chối quy chế tị nạn, LS An Phong rất thông cảmvới các đồngbào còn bị kẹt lại Thái Lan. LS An Phong hiện công tác ở Bangkok trong vai trò quản trị các chương trình chống buôn người và bảo vệ người tị nạn Việt Nam.
Mạch Sống trích đăng từ Bản tin Liên Hội Người Việt Canada, phối hợp với bà Trần Thị Đức, Montréal