Báo Mạch Sống, ngày 19/06/2012
Hôm nay nữ Ngoại Trưởng Hillary Clinton công bố bản phúc trình về nạn buôn người trên thế giới, qua đó Việt Nam được xếp Hạng 2 thay vì bị đặt trong danh sách cần theo dõi như trong hai năm liền trước đây.
Việt Nam đã nằm trong danh sách cần theo dõi năm 2010 và năm 2011. Năm 2011 Việt Nam soạn thảo Kế Hoạch Hành Động Quốc Gia, một kế hoạch 5 năm để phòng chống buôn người. Theo bản phúc trình, nếu Việt Nam thực hiện đúng đắn kế hoạch này thì có thể xem là đang có những nỗ lực đáng kể nhằm phòng và chống nạn buôn người. Vì lý do đó, Việt Nam được xếp vào Hạng 2 trong năm nay.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có những khuyến cáo sau đây dành cho Việt Nam:
(1) Ban hành các hướng dẫn để thực thi luật chống buôn người, kể cả biện pháp trừng trị đối với mọi hình thức buôn người;
(2) Huấn luyện cán bộ tuyến đầu và giới chức tư pháp về các điều khoản trong luật chống buôn người, với tập trung đặc biệt vào nhận diện việc bóc lột nạn nhân như yếu tố chính trong các tội phạm buôn người;
(3) Truy tố hình sự những ai can dự vào việc cưỡng bách lao động, tuyển mộ người cho cưỡng bách lao động, hoặc lường gạt trong việc tuyển công nhân và áp dụng các hình phạt nặng nề đối với thủ phạm;
(4) Ngưng ngay việc cưỡng bách công dân vào công việc lao đông mang tính thương mại trong các trại cải huấn của nhà nước;
(5) Áp dụng các chính sách để nhận diện nạn nhân trong các thành phần dễ bị nguy cơ buôn người, như các người lao động ngoài nước mà đã bị cưỡng bách lao động, và bảo đảm rằng họ được hưởng các dịch vụ dành cho nạn nhân;
(6) Khai triển các thể thức chính thức cho điều trên đây và huấn luyện các giới chức hữu quan về việc sử dụng các thể thức ấy, kể cả các chỉ dấu được quốc tế công nhận về cưỡng bách lao động như là việc chủ sử dụng lao động hay môi giới tịch thu giấy thông hành;
(7) Tiếp tục nỗ lực bảo vệ người lao động ở ngoài nước qua các thoả thuận thư với thêm các quốc gia tiếp nhận gồm các biện pháp để bảo vệ công nhân Việt Nam;
(8) Có biện pháp bảo vệ nạn nhân của nạn buôn lao động để bảo đảm rằng công nhân không bị hăm doạ hay trừng trị vì đã phản đối điều kiện lao động hay vì đã rời bỏ nơi làm việc;
(9) Cải thiện sự hợp tác liên ngành trong các nỗ lực chống buôn người;
(10)Để theo dõi và đánh giá các nỗ lực nhằm thực hiện Kế Hoạch Hành Động Quốc Gia, cải thiện việc thu thập và chia sẻ dữ kiện ở tầm vóc toàn quốc về các hoạt động truy tố thủ phạm buôn người, đặc biệt là việc truy tố liên quan đến buôn lao động;
(11) Thực hiện và yểm trợ chiến dịch nâng ý thức chống buôn người nhắm vào các khách hàng trong kỹ nghệ mãi dâm
Các khuyến cáo này phản ảnh kế hoạch và mục tiêu của CAMSA, được đề ra từ năm 2008:
(1) Xoáy vào tình trạng buôn lao động trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam;
(2) Qua đó vận động quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, áp lực Việt Nam ban hành luật chống buôn người và thừa nhận tình trạng buôn lao động thay vì chỉ giới hạn định nghĩa buôn người trong phạm vi buôn phụ nữ và trẻ em trong kỹ nghệ mãi dâm;
(3) Vận động quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam khuyến khích, yểm trợ và tạo thuận tiện cho các nỗ lực ngoài chính phủ trong việc thông tin quần chúng để phòng ngừa nạn buôn người; và
(4) Vận động quốc tế áp lực Việt Nam ký Hiệp Định Thư LHQ Về Nạn Buôn Người.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]