Cồn Dầu: Hai Năm Sau Ngày Đàn Áp

Trần Giu Hội
Ngày 7 tháng 5 năm 2012

Ngày mùng 4 tháng 5 năm 2010 đã trở thành một ngày định mệnh đối với giáo xứ Cồn Dầu.  Ngày mà hàng trăm giáo dân vô tội đã trở thành mục tiêu tấn công của hai tiểu đoàn công an cơ động khi họ tiễn đưa một người đồng đạo về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang giáo xứ. Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ xuống trên cánh đồng quê yên lành của một xứ đạo kỳ cựu 135 năm lịch sử . Hàng trăm giáo dân đã bị tra tấn, đánh đập không thương tiếc và cái chết bi thảm của anh Nguyễn Thành Năm là hậu quả của những trận đòn thù khốc liệt ấy. Chính quyền cộng sản nghĩ rằng họ đã có thể hoàn toàn đè bẹp ý chí tranh đấu của người dân Cồn Dầu qua cuộc đàn áp quy mô đó. Nhưng họ đã lầm.

Hai năm sau cái ngày tang thương ấy, hơn 100 gia đình vẫn cương quyết bám đất giữ làng. Hàng trăm ngôi mộ của tổ tiên người dân Cồn Dầu vẫn yên nghỉ trong nghĩa trang thiêng liêng của xứ đạo. Ngôi thánh đường vẫn rộn rã tiếng kinh cầu mỗi buổi chiều về và những người dân Cồn Dầu còn lại vẫn một lòng tin sắt son vào sự trường tồn của giáo xứ. Hơn 80 người con của xứ đạo đã phải trốn chạy sự truy lùng của công an cộng sản, đến những quốc gia láng giềng. Họ sẽ là những nhân chứng sống cho cái biến cố “cướp quan tài” có một không hai trên thế giới. Những gia đình đầu tiên sẽ lên đường đến xứ tự do, nơi họ sẽ không phải ngày đêm lo sợ sự rình rập của công an cộng sản và sự an nguy của bản thân. Ngày xưa cha ông họ đã phải dắt díu nhau xuôi thuyền về phương nam đến một nơi hoang vu tên là Cồn Giu Hội (bây giờ là Cồn Dầu) để tránh cuộc bắt đạo gắt gao của vua quan nhà Nguyễn. Ngày nay, con cháu họ lại phải một lần nữa băng rừng, vượt suối rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm lại chút tự do.

Để tưởng niệm cái ngày tháng năm hoa máu ấy, vào chủ nhật mùng 6 tháng 5 vừa qua, giáo dân Cồn Dầu đã kêu gọi những người con của giáo xứ, từ quốc nội đến hải ngoại, hiệp lòng cùng cầu xin cho giáo xứ được bình an và cho linh hồn người đã khuất, Thomas Nguyễn Thành Năm. Nhiều cộng đoàn giáo xứ khắp nơi và nhiều Linh Mục gốc Đà Nẵng đã hưởng ứng  lời kêu gọi và dâng lễ đặc biệt cầu cho giáo xứ Cồn Dầu. Ít nhất đó cũng là một nghĩa cử khích lệ làm ấm lòng những nạn nhân của cái biến cố đau thương ấy.

Cồn Dầu trong những ngày này tương đối yên tĩnh sau khi cha chánh xứ Nguyễn Tấn Lục quyết định không ký giao bàn thờ, thánh giá và vòng rào nghĩa trang cho chính quyền tháo gỡ. Cha đã chính thức thông báo cho chính quyền thành phố Đà Nẵng và Giám Mục giáo phận Châu Ngọc Tri trong ngày thứ Năm Tuần Thánh mồng 5 tháng tư vừa qua tại Cồn Dầu. Lý do là vì Thánh Giá, bàn thờ, vòng rào và mồ mả tại nghĩa trang là tài sản của giáo dân, Cha không có quyền ký giao cho ai cả. Giáo dân Cồn Dầu rất vui mừng và biết ơn người mục tử của mình đã có một quyết định can đảm và sáng suốt dù phải chịu bao nhiêu áp lực và đe dọa.

Tuy nhiên, chính quyền cộng sản không dễ dàng từ bỏ ý định chiếm đất Cồn Dầu. Họ dùng đủ mưu kế quỷ quyệt để đạt được mục tiêu. Mới đây, họ sai một tên giáo gian là Đặng Văn Liễu, trước đây từng làm chủ tịch hội đồng giáo xứ Cồn Dầu và nay đã đi khỏi giáo xứ, dẫn theo một số giáo dân đã ký giấy giải tỏa và đã di dời khỏi Cồn Dầu, đến gặp cha Lục và hạch hỏi tại sao không chịu ký giấy bàn giao nghĩa trang. Ông Liễu đã to tiếng chửi mắng rất vô lễ với cha Lục:”Mày chỉ là một thằng kéo xe bò, nhờ cách mạng mà mày được làm Linh Muc. Mày và mấy thằng cứng đầu còn ở lại thì coi chừng tao”. Ông ta cố ý đến gây sự, chờ giáo dân vào can thiệp là gọi công an đến thẳng tay bắt bớ như đã từng xảy ra tại Cồn Dầu và nhiều nơi khác. Ông Liễu và con ông ta có công ty với nhiều xe chở đất, chắc chắn đã được chính quyền hứa hẹn cho những hợp đồng đổ đất nếu giải tỏa được Cồn Dầu. Dù rằng thời nào cũng có những Giuda, nhưng Giuda kiểu côn đồ như Ông Liễu này thì hết chổ nói!

Hai năm đã trôi qua nhưng vết thương của ngày cũ vẫn còn đó trong lòng mỗi người dân Cồn Dầu, dù còn ở lại hay đã đi xa. Cánh đồng làng ngày xưa xanh tốt bây giờ biến thành bãi ruộng hoang ngập nước. Những ụ đất san lấp vội vàng và những ngôi nhà biến thành đống gạch vụn. Tượng Chúa buồn ủ rũ trong nghĩa trang loang lổ vết đào xới. Ai gây nên nông nỗi này ? Cuộc sống yên bình của hơn hai ngàn con người tự dưng bị tan nát bởi những cái chiêu bài quái gở “giải tỏa, cưỡng chế” như đã và đang diễn ra dồn dập trên mọi miền đất nước. Và Cồn Dầu đã trở thành một địa danh vang động trên thế giới vì đã dám gióng lên tiếng nói đòi công lý của những người nông dân mất nhà, mất đất, mất xứ đạo và mất cả quyền làm người.

Bài liên quan:

Nghĩ Về Cồn Dầu:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2408

Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu: Chuẩn Bị Cho Giai Đoạn 5:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2288

o  0  o

Hiện có khoảng 800 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.

Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:

BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – U.S.A.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

 

Viết một bình luận