Ts. Nguyễn Đình Thắng
Chiến dịch thỉnh nguyện thư 30 ngày gởi Toà Bạch Ốc và cuộc vận động một ngày ở Quốc Hội có tác dụng ảnh hưởng chính giới Hoa Kỳ và đồng thời nâng ý thức của chính cộng đồng người Việt về vai trò quốc tế vận của mình. Như bất kỳ phương tiện nào, quốc tế vận chỉ phát huy tác dụng trong tay người biết sử dụng. Chúng ta cần thấu đáo cách sử dụng các hình thức vận động chính sách cho đúng việc, đúng lúc.
Nói chung, có hai hình thức vận động: quần chúng và hậu trường, với những tác dụng riêng biệt nhưng có thể bổ trợ cho nhau.
Vận động quần chúng có nghĩa huy động số đông đồng loạt lên tiếng, qua các hình thức thỉnh nguyện thư, biểu tình, tẩy chay… và thường mang tính cách biểu lộ tình cảm về một vấn đề hơn là lý luận để tìm giải pháp. Tác dụng chính của vận động quần chúng là lấy số đông áp đảo để tranh thủ sự chú ý của các giới chức làm chính sách. Chính vì tính cách quần chúng của nó nên hình thức vận động này khó đi sâu vào nội dung của vấn đề.
Đi sâu vào nội dung là lãnh vực của vận động hậu trường, qua các buổi họp riêng. Các buổi họp riêng cho hai bên có thời gian để trao đổi quan điểm, diễn ra trong môi trường kín đáo để có thể thảo luận những điều tế nhị, và dựa trên sự quen biết để tiến đến phối hợp hành động.
Một cách phối hợp hai hình thức vận động là dùng vận động quần chúng để yểm trợ hay mở màn cho vận động hậu trường, như hồi trống để thúc quân. Vận động quần chúng sẽ vô nghĩa nếu không có vận động hậu trường đi kèm.
Ngược lại, vận động hậu trường nhiều khi không cần có vận động quần chúng bổ sung. Quả vậy, các đại công ty thường mướn chuyên viên vận động hậu trường để kín đáo ảnh hưởng chính sách, nhất là những chính sách không được lòng của quần chúng. Hoặc các cộng đồng có thế lực, như Do Thái hay Cuba, đã cài được người vào trong guồng máy Lập Pháp và Hành Pháp nên thường xuyên tranh thủ được sự quan tâm của các giới chức có thẩm quyền mà không phải tốn công huy động quần chúng.
Trong suốt mấy chục năm qua, một số tổ chức người Việt ở Hoa Kỳ vẫn thực hiện công cuộc vận động hậu trường. Tuy nhiên kết quả còn khiêm nhường, do thế và lực hãy còn hạn chế. Để tăng hiệu quả, vừa qua chúng ta đã bổ sung các nỗ lực vận động hậu trường bằng hai cách:
– Huy động sự lên tiếng đồng loạt của quần chúng Việt trên toàn quốc Hoa Kỳ
– Phát huy khả năng vận động hậu trường ở từng địa phương
Chiến dịch thỉnh nguyện thư vừa qua với 150 nghìn người tham gia, phái đoàn 165 người vào Toà Bạch Ốc kèm với cuộc biểu dương gồm cả nghìn người ở trước Toà Bạch Ốc, và trên 500 người vận động hành lang ở Quốc Hội minh hoạ cách bổ sung thứ nhất.
Ngay sau cuộc vận động một ngày ở Quốc Hội, BPSOS đã phối hợp với nhiều tổ chức ở các địa phương để lập tức nhắc nhở từng văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ đã tiếp xúc. Chẳng hạn, phái đoàn Michigan đã gởi thư đi và đã nhận hồi âm của nhiều vị dân cử, cho biết Bộ Ngoại Giao xác nhận là đã nhận được danh sách 600 tù chính trị, tôn giáo và lương tâm do các vị dân cử này chuyển đến.
Nhưng phái đoàn Michigan không ngưng ở đó.
Đầu tháng 4, Dân Biểu John Conyers (Dân Chủ, Michigan) gởi Bà Chánh Văn Phòng đến Đà Nẵng để tìm hiểu về tình trạng đàn áp xứ đạo Cồn Dầu. Khi được tin, một thành viên của phái đoàn Michigan là cử tri của DB Conyers lập tức gởi văn thư cho vị dân biểu này để trình bày thực trạng ở Cồn Dầu và giới thiệu người đại diện cho các gia đình Cồn Dầu ở Hoa Kỳ. Vị đại diện này, ở North Carolina và cũng từng tham gia phái đoàn vận động Quốc Hội ngày 5 tháng 3, cùng với một số thân nhân của người dân Cồn Dầu đã gặp Bà Chánh Văn Phòng của DB Conyers.
Trên đây là ví dụ của việc phối hợp nhịp nhàng giữa hai hình thức vận động quần chúng và hậu trường, cũng như sự phối hợp hàng ngang giữa các địa phương về vận động hậu trường. Nếu tập thể người Việt chúng ta ở hải ngoại cùng nhau thao dợt cho nhuần nhuyễn và linh động cả hai hình thức vận động kể trên, thì chúng ta sẽ thực hiện hiệu quả hơn công tác quốc tế vận nhằm hỗ trợ công cuộc tranh đấu của đồng bào trong nước.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]