Chẩn Bệnh Ung Thư Vú

Đào Hoàng

Xem xét các bất thường ở vú có phải là ung thư hay không?

Nếu việc tự khám vú, khám vú theo tiêu chuẩn y tế hoặc chụp mammogram cho thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào, một hay nhiều phương cách sau đây có thể được dùng để chẩn bệnh:

Aspiration: (Lấy nước hay tế bào để thử nghiệm bằng cách dùng kim nhỏ): Kim nhỏ (fine needle aspiration) được dùng để rút nước hay các tế bào riêng rẽ ra. Nếu chỗ bất thường có dạng u nang tức là bướu nước (cyst), thường chỉ cần dùng kim và ống chích lấy chất lỏng trong nang ra mà không cần cắt (như làm sinh thiết hay trích mô – biopsy).

Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghi ngờ là có ung thư nhưng khi thử nghiệm bằng kim nhỏ không có kết quả, thường phải sử dụng đến một trong những phương pháp sinh thiết dưới đây:

Biopsy (sinh thiết hay trích mô): Mẫu tế bào hay mô được lấy ra từ nơi có sự bất bình thường. Trích mô có thể thực hiện được bằng giải phẫu cắt toàn phần (excisional biopsy) hay một phần (incisional biopsy); hay bằng cách đâm kim vào chỗ bất thường để lấy tế bào ra. Loại trích mô dùng kim lớn (core needle biopsy) sẽ lấy ra một mẫu mô tế bào còn nằm trong cấu trúc của mô. Những mẫu tế bào này sẽ được thử nghiệm bằng kính hiển vi để tìm xem có ung thư hay có những tế bào bất thường không. Cách giải phẫu cắt toàn phần (excisional biopsy) hay một phần (incisional biopsy) và cách dùng kim lớn (core needle biopsy) chính xác hơn là dùng kim nhỏ trong việc chẩn bệnh vì lấy được nhiều tế bào hơn, và các tế bào này còn được nằm trong cấu trúc mô chứ không phải là các tế bào riêng rẽ được hút ra từ kim nhỏ.

Stereotactic Biopsy (trích mô với sự hướng dẫn của quang tuyến): Với phương pháp này, các bác sĩ có thể làm trích mô sử dụng kim lớn để lấy mô mẫu thử nghiệm dưới sự hướng dẫn của hình chụp. Chỗ bất thường sẽ được đánh dấu trên hình chụp, và một kim lớn sẽ được đâm vào chính chỗ này để lấy tế bào ra.

Ultrasound (siêu âm): Những luồng sóng âm thanh được chiếu vào vú và sự vang động của sóng âm thanh sẽ được phân tích: Phương pháp này phân biệt được bướu đặc và bướu nước. Nhiều khi phương pháp này còn có thể tiên đoán được bướu có phải ung thư hay không. Siêu âm cũng được dùng để hướng dẫn sinh thiết trong nhiều trường hợp. Bác sĩ sẽ định chỗ bướu bằng siêu âm, sau đó kim được đâm vào bướu và bác sĩ có thể nhìn thấy cùng lúc mình đâm kim vào đâu, để việc lấy tế bào được chính xác hơn.

MRI (Magnetic Resonance Imaging): Sử dụng những chấn động từ tính để chụp hình ba chiều các bộ phận trong cơ thể: MRI có thể được sử dụng để chụp hình vú nếu cần trong những trường hợp đặc biệt, khi mammogram hay siêu âm không có kết quả. MRI cũng có thể được dùng để truy tầm xem bệnh đã lây lan tới các cơ phận khác hay chưa.

CAT scan hay CT scan (Computerized Tomography): sự khám xét bằng quang tuyến X với sự hỗ trợ của máy điện toán để chụp hình: Cách này cũng có thể chụp hình cơ thể ba chiều được. Cách này không được dùng để truy tầm bệnh ở vú, nhưng rất hữu dụng trong việc truy tầm xem bệnh đã lây lan tới các cơ phận khác hay chưa. Ngoài ra, nó cũng được dùng rất nhiều để hướng dẫn làm sinh thiết các bướu tìm thấy ở các cơ phận trong cơ thể như phổi, gan, hạch, v.v.

PET Scan (Positron Emission Tomography): Sử dụng năng lượng phát ra từ hạt nhân positron hay hạt nhân dương tính để chụp hình: Một lượng đường có gắn chất phóng xạ rất nhỏ sẽ được chích vào cơ thể. Những tế bào cơ thể sẽ dùng chất đường này để hoạt động. Vì tế bào ung thư mọc nhanh hơn tế bào bình thường, chúng sẽ sử dụng nhiều chất đường này hơn, và sẽ hấp thụ nhiều phóng xạ hơn. Do đó khi hình chụp ra, những chỗ có ung thư sẽ nổi bật lên. Cách này chỉ cho thấy một cách tổng quát vị trí của ung thư, chứ không cho thấy được cấu trúc hay vị trí rõ ràng của ung thư. Do đó, rất nhiều trường hợp, ta phải chụp cả PET và CT scan rồi lồng hình vào nhau để kết quả được chính xác hơn. Phương pháp này thường được dùng để truy tầm chỗ ung thư đã lây lan hơn là để chẩn bệnh.

Các Thời Kỳ (Giai Đoạn) của Ung Thư Vú:

Thời kỳ 0: Khi ung thư còn bị giới hạn trong ống dẫn sữa (ductal in situ) mà chưa ăn vào mô vú hay mô nâng đỡ bên ngoài ống dẫn sữa. Cơ hội có thể chữa lành của thời kỳ này từ 90% đến 100% bằng giải phẫu toàn phần vú, hay một phần vú cộng với xạ trị (radiation). Có nhiều trường hợp, bác sĩ còn cho bệnh nhân dùng thêm thuốc loại kích thích tố như tamoxifen.

Thời kỳ I: Khi ung thư còn nhỏ hơn 2 cm và chưa lan vào hạch nách. Cơ hội sống còn sau mười năm là khoảng 80% đến 90%. Cách chữa cũng tương tự như thời kỳ 0, nhưng một số bệnh nhân có thể được khuyên nên sử dụng thêm hoá chất trị liệu (chemotherapy). Ngoài ra, các phụ nữ đã tắt kinh còn có thể được dùng một loại thuốc gọi là Aromatase Inhibitor như Arimidex, Letrozole, hay Aromasin thay vì tamoxifen. Đây cũng là thuốc loại kích thích tố.

Thời kỳ II: Khi ung thư từ 2 cm đến 5 cm và chưa lan vào hạch nách, hay nhỏ hơn 5 cm và đã lan vào một số hạch nách. Cơ hội sống còn sau mười năm tuỳ thuộc vào kích thước của ung thư và bao nhiêu hạch bị lây lan. Cách chữa cũng tương tự như thời kỳ I, nhưng phần lớn bệnh nhân được khuyên nên sử dụng thêm hoá chất trị liệu (chemotherapy), nhất là những ung thư lớn hay đã vào hạch nách.

Thời kỳ III: Khi ung thư lớn hơn 5cm hay đã lan vào nhiều hạch nách nhưng chưa lây lan đi xa. Cơ hội sống còn sau mười năm tuỳ thuộc vào kích thước của ung thư và bao nhiêu hạch bị lây lan. Đây là thời kỳ khá trễ và có cơ hội mắc bệnh ung thư vú trở lại hay lây lan qua các bộ phận khác rất cao. Cách chữa thường bắt đầu bằng hoá chất trị liệu (chemotherapy), sau đó là giải phẫu và xạ trị.

Thời kỳ IV: Ung thư đã lây lan ra tới các bộ phận như gan, phổi, xương, não, v.v. Ở thời kỳ này, trừ những trường hợp rất đặc biệt, bệnh nhân có nguy cơ mất mạng vì bệnh trong vòng năm năm rất cao. Cách chữa thường là với hoá chất hay thuốc loại kích thích tố.

Như ta thấy trên đây, ung thư vú được khám phá càng sớm bao nhiêu thì cơ hội sống còn càng cao bấy nhiêu. Do đó, tất cả phụ nữ nên quan tâm đến vấn đề truy tầm ung thư vú và theo lời khuyên truy tầm ung thư vú như trên.

Bài viết này được trích từ tài liệu thông tin của Hội Ung Thư Việt Mỹ nhằm mục đích hướng dẫn đồng hương hiểu biết về sức khoẻ để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận