Br. Huynhquảng
Bạn thân mến, chúng ta đang cùng nhau trao đổi về chủ đề Đơn Sơ – Chân Thật. Hôm nay mục Sống Đẹp tiếp tục mời bạn đào sâu hơn đức tính này; cụ thể là mời gọi bạn sống với sự chân thật ấy từ trong căn tính của mình, chứ đừng theo những lời mời gọi “ngắn hạn, cấp thời” của thời cuộc để chữa cháy, hay tìm một mối lợi trước mắt.
Một cuộc thử thách
Một nhà sư đức hạnh trụ trì tại một ngôi chùa cũ nát. Một ngày nọ thầy gọi các đệ tử lại và dạy rằng. “Ngôi chùa của chúng ta sắp đổ nát, chúng ta cần phải xây sửa lại. Nhưng chúng ta không có tiền để làm việc này. Vậy mỗi ngày khi các con đi khất thực, các con hãy tìm cách lấy cắp những vật quí giá mà có thể bán được; chúng ta có thể kiếm tiền nhanh chóng để xây lại ngôi chùa. Một điều hết sức quan trọng là không để cho ai bị bắt, nếu không thì hậu quả sẽ khôn lường.”
Các đệ tử ngạc nhiên khi nghe thầy mình dạy như vậy, nhưng không một ai dám thắc mắc, vì họ nghĩ là với lý do chính đáng – xây lại nhà chùa, thầy của mình đã phán đoán hợp lý nên dạy đệ tử làm như vậy.
Các đệ tử căn dặn nhau cẩn thận và bắt đầu ra đi. Dầu vậy, có một đệ tử ngồi lại và không chịu đi. Thầy tiến đến và hỏi: “Tại sao con không đi khất thực?” Đệ tử đáp, “Thưa thầy, con không thể làm theo lời dạy của thầy được. Vì dù khi con lấy cắp, nếu không ai thấy việc con làm thì chính con cũng thấy việc ấy là sai.” Vị minh sư ôm chầm lấy đệ tử và nói, “Chỉ có mình con là vượt qua cuộc thử thách này, còn tất cả người khác thì không.”
* * *
Câu chuyện ngắn gọn đơn sơ trên nêu bật nhân phẩm của một vị chân tu. Dù chỉ là một đệ tử chập chững bước vào đường tu, nhưng anh đã biết phân biệt rạch ròi sự thật và gian dối, điều nên làm và điều không được phép làm. Thực ra, một trẻ em cũng có khả năng phân biệt và chọn lựa như vậy. Tuy nhiên, điều đáng bàn đến chính là sự ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh làm cho các đệ tử khác tuân theo lời dạy của thầy mình một cách mù quáng. Các đệ tử chỉ thấy được việc xây lại ngôi chùa mà không thấy được việc xây đời tu trên sự chân thật mà mình hướng tới. Quả vậy, hoàn cảnh có thể đẩy ta vào chốn thanh bại danh liệt, nhưng hoàn cảnh cũng có thể thanh luyện ta nên chính nhân.
Vào những năm 1990, khi một vài Đại chủng viện tại Việt Nam được phép mở lại, việc tuyển lựa ứng sinh vào Đại chủng viện rất bị giới hạn. Mặc dù các ứng sinh đã được giáo quyền chấp thuận, nhưng quyết định cuối cùng thuộc về chính quyền. Chính quyền phỏng vấn ứng sinh và sẽ chấp thuận ai được đi học và ai sẽ bị gạt. Vì thế, các ứng sinh hết sức lo âu và sợ bị chính quyền gạt ra khỏi danh sách gia nhập chủng viện. Vì lẽ đó, việc “quen biết” với chính quyền cũng nằm trong tiến trình. “Chỉ một chầu nhậu” bao cho công an đặc trách về tôn giáo thì có thể được chính quyền xét duyệt cho vào Đại chủng viện. Điều đáng mừng thay, một vài ứng sinh đã nhận ra điều “không ai thấy này” để quyết tâm với lòng mình: “Tôi không thể làm như vậy, vì hôm nay tôi “lo” một chầu nhậu cho các anh công an, nhưng vài năm sau khi tôi dâng thánh lễ, có lẽ các anh ấy chê cười Giáo hội tôi rằng: Ông linh mục đó là do tôi “cho” làm linh mục.” Hậu quả của sự “không biết thời” ấy là những năm tháng tu chui và có người còn bị bắt bỏ tù nữa.
Giá phải trả cho sự thật là như thế đó. Giá ấy cao lắm, đắt lắm và âm thầm lắm. Rất nhiều người đã nêu gương sống thật cho chúng ta bằng những quyết định rất “không biết thời, thiếu khôn ngoan.” Nhưng chính trong những chọn lựa sống như thế, họ đạt được lý tưởng của họ. Thực vậy, vì ngoài việc cố gắng giữ cho mình sống đúng theo sự chân thật, thì những người này cũng đã không tạo cớ vấp phạm hay thêm điều kiện cho người khác nhúng tay vào sự gian trá, móc ngoặc. Mối lợi riêng trước mắt không phải là điều quan trọng nhất – không thể nào bằng lý tưởng và sự thật mà họ theo đuổi và phục vụ. Họ góp phần vào việc xây dựng một xã hội lành mạnh hơn, chân thật hơn, và chấp nhận trả một giá cao trong những năm tháng tiếp theo.
Thưa bạn, chúng ta cầu chúc nhau can đảm sống theo sự thật. Đừng vì mối lợi trước mắt mà bỏ quên đi bức tranh toàn cục của xã hội chúng ta. Ta tự hỏi với nhau rằng, nếu các đệ tử đều hiểu được như người môn sinh nọ thì vị minh sư mừng và hãnh diện về đệ tử của mình biết bao?
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]