Br. Huynhquảng
Thưa quí bạn, chúng ta đã lần lượt suy ngẫm về ba đề tài: Tha Thứ, Hiệp Nhất, và Sống Hiện Tại. Thực ra, sống giây phút hiện tại không gì khác hơn chính là sống thật với con người mình. Sống hiện tại luôn luôn níu kéo chúng ta trở lại với hiện tại, với bản chất con người thật của mình. Vì lý do đó, mục Sống Đẹp hân hạnh giới thiệu đến quí bạn đề tài mới: Đơn Sơ – Chân Thật, chỉ với hy vọng phần nào góp thêm chất liệu màu sắc để bạn và tôi cùng nhau hoàn thiện bức tranh của chính mình.
Cổ nhân dạy rằng, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện.” Con người sinh ra vốn mang lấy bản chất thiện trong con người mình. Hay nói một cách khác, ai ai cũng có dòng máu thiện. Bản chất thiện, đơn sơ, chân thật hiển hiện rõ nhất trong mỗi trẻ thơ. Nơi các em, chúng ta không tìm thấy bất kỳ sự tính toán hơn thua, lo âu, gian dối. Có thể nói rằng chính sự đơn sơ chân thật của trẻ em là điểm thu hút mãnh liệt nhất làm cho ai ai cũng yêu mến và thích gần gũi trẻ thơ. Và sự đơn sơ chân thật này cũng chính là sức mạnh siêu việt cho những ai sống đức tính này. Thực vậy, đơn sơ là dấu ấn của đời sống tự do đích thực.
* * *
St. Thomas More là một đại thần dưới triều đại vua Henry VIII (1509-1547). Ông rất được vua và các quan nể phục và kính trọng không bởi chỉ tài năng mà còn vì tính trung thực của ông. Vua Henry VIII tuy là một vị vua, nhưng ông không phải là mẫu gương cho dân thần noi theo. Ông muốn phế truất hoàng hậu Catherine để cưới Ann Boleyn với lý do là ông muốn có một người con trai. Tất cả các quan trong triều đều ủng hộ Henry, duy chỉ Thomas More là người không ủng hộ sự việc này. Đối với Thomas More, dù là vua cũng không thể đi trái luật tự nhiên và của Giáo Hội. Cuộc đối thoại sau đây nói lên bản lĩnh của Thomas More.
Thomas More: Tâu hoàng thượng, tại sao ngài lại tìm sự ủng hộ của hạ thần?
Henry: Bởi vì khanh là người chân thật. Không có gì quí hơn là sự chân thật trong con người của khanh… Đối với những người như Norlk, Cromwell họ theo trẫm là vì vương miện và ngai vàng của trẫm. Họ chỉ hùa theo đám đông, còn khanh thì khác.
Thật buồn thay, dù Henry rất quí trọng và nể phục Thomas More, nhưng ông đã không thể vượt qua cái tôi ích kỷ của mình để ôm lấy chân lý. Cuối cùng, Thomas More đã bị giết vì dám nói lên sự thật; Thomas More đã để lại cho đời một mẫu gương can đảm dám sống và chết cho sự thật.
* * *
Thưa bạn, sự thật vốn rất đơn sơ – không cầu kỳ, không tính toán, không mưu mô. Sự thật là Henry VIII không được phép cưới thêm một người vợ nữa thì Thomas More chỉ đơn giản hiểu và nói đúng như thế thôi. Thomas More không cần phải suy nghĩ tính toán theo kiểu lợi mất được thua. Kiểu tính toán lợi mất được thua trong các mối quan hệ là nguyên nhân chủ yếu phá hư đi tình bạn, tình yêu, gia đình, và các mối quan hệ xã hội khác. Khi tính toán lợi mất được thua, thì sự đơn sơ chân thật bị biến dạng và hậu quả là tìm mọi cách để che đậy sự biến dạng ấy – càng che đậy bao nhiêu, thì sự đơn sơ chân thật càng bị bóp méo bấy nhiêu.
Cầm một món hàng trên tay, dù dưới nhãn hiệu gì đi chăng nữa chúng ta cũng không thể biết chắc 100% nó là hàng thật. Không ai muốn mua hàng giả, và cũng không ai muốn mình bị lừa. Mua một món hàng cần phải là hàng thật thì chẳng lẽ con người đến với nhau mà lòng không thật hay sao? Chúng ta mong đợi một món hàng phải là thật bao nhiêu thì người bạn của chúng ta cũng mong đợi sự chân thật bấy nhiêu khi mình đến với nhau.
Thưa bạn, đơn sơ chân thật là một đức tính cao quí và giá của nó cũng rất cao. Sống sự thật có thể dẫn bạn đến sự cô đơn, ngược dòng, và bị loại bỏ. Có khi vì sự thật mà bạn phải nhận những cái nhìn lạnh lùng tê tái. Nhưng hãy là bạn như bạn đang sống với sự thật và cho sự thật. Như thế, thật đơn sơ làm sao!
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]