Huỳnh Ngọc Nga
Nhân vật:
– Vĩnh Tiến, chủ gia đình, 52 tuổi
– Thu Cúc, vợ Vĩnh Tiến, 46 tuổi
– Thu Hồng, con gái của Vĩnh Tiến và Thu Cúc, 18 tuổi
Cảnh phòng khách nhà vợ chồng Vĩnh Tiến, bình thuờng như bao nhà trung lưu khác, trang hoàng thanh nhả với tranh và lịch treo tường, bình hoa tươi trên bàn của bộ salon giữa nhà, một bàn thờ Phật trên cao ngay cửa thông với phòng trong có màn lụa chắn ngang; một bàn thờ gia tiên sát vách giữa nhà có một đồng hồ treo tường phía trên; bên phải dưới đất có một bệ thờ thổ địa, bên trái có một chậu cây cảnh đặt gần sát vách tường, một trụ mắc áo gần kề cửa ra vào, một bể cá kiểng to sủi nước đặt kế cạnh ghế salon; ở góc phòng khách đối diện là một bàn viết nhỏ trên để máy vi tính và điện thoại, một TV loại LCD 32” đặt đối diện với bộ salon, kề cận chậu cây cảnh. Vĩnh Tiến áo quần chửng chạc, đứng dựa salon, tay cầm cordlex (điện thoại không giây), mắt nhìn về hướng cửa chính.
Vĩnh Tiến: Anh nói rồi, em yên tâm đi Duyên, xong xuôi công chuyện anh sẽ về VN để gặp em mà. (ngừng giây phút để nghe đầu giây bên kia nói, thỉnh thoảng chàng trợn mắt, và nói tiếp) Cái gì? Anh đâu thể bỏ bà vợ gìa của anh ngang xương để cưới em liền được, cái gì cũng từ từ thủng thỉnh em à (lại ngưng và tiếp tục nói sau đó). Làm gì cũng phải có chương trình cục cưng ơi, ly dị bên nầy anh có đường ra chợ ngủ, còn tiền bạc đâu để về cưới em. (Chàng ngưng để nghe ứng đáp bên kia đầu giây).
Bên ngoài có tiếng cửa mở, đóng và tiếng chân người bước vào.
Vĩnh Tiến: (giọng hối hả) Thôi, như vậy đi, chờ anh tính kỹ lại chuyện chúng mình. Bây giờ anh có chuyện đột xuất, phải ngừng đây. Nhớ đừng suy diễn lung tung nghen cưng, Tết này chắc chắn anh sẽ về mà. Bye bye!
Chàng chưa kịp bỏ máy xuống thì Thu Cúc xách giỏ đi chợ bước vào loáng thoáng nghe đuợc câu điện đàm cuối của chồng, nàng khẻ nhíu mày.
Thu Cúc: (đặt giỏ xuống đất, tháo khăn choàng cổ, áo khoác mùa đông treo lên giá áo rồi ngó chồng) Anh điện thoại với ai vậy?
Vĩnh Tiến: (giọng lúng túng) Ơ, ơ… anh điện thoại với con Út, em anh, thăm hỏi bên nhà vậy mà.
Thu Cúc: Cả nhà, má và cô Út khỏe hết hả anh? Anh nói với cô Út Tết này anh về VN sao em không nghe anh bàn với em chuyện gì hết vậy?
Vĩnh Tiến: (tặc lưỡi, chậm rải từng bước qua lại trong phòng, giọng làm ra vẻ phân vân) Lạ thiệt, con Út nó nói má đi coi quẻ cuối năm cho má và vợ chồng mình, quẻ nói nhiều điều kỳ lắm. Bởi vậy anh tính Tết nay về hỏi đầu đuôi ra sao.
Thu Cúc: (ngạc nhiên) Chuyện gì mà kỳ? Ủa, chưa tới Tết mà má đi coi bói sớm vậy? Mọi năm má thường xủ quẻ xin xăm vào ngày Tết đúng đêm giao thừa mà.
Vĩnh Tiến: Ờ, thì anh cũng hỏi con Út như vậy. Nhưng Út nó nói tại má nghe trong người không được khỏe, lại thấy bên nầy vợ chồng mình mấy tháng nay chuyện “áp phe” cứ lộn xộn hoài nên đi coi bói sớm hơn mọi năm để biết xăm dạy thế nào mà tính trước.
Thu Cúc: (cười nhẹ) Trời ơi, má già thì bịnh hoạn đau nhức là chuyện thường. Em chưa tới tuổi như má mà bây giờ còn nghe xương cốt kêu lắc cắc mỗi buổi sáng thức dậy đây nè. Còn chuyện “áp phe” bên nầy của vợ chồng mình, ai biểu anh kể cho má nghe làm chi để má lo lắng vậy không biết nữa. Thị trường chứng khoán thế giới đang bị khủng hoảng khắp mọi nơi, mình bị ảnh hưởng là chuyện tất nhiên rồi. Sao anh không nói cho má yên tâm. Nhưng thôi, quẻ thế nào mà anh cho là kỳ vậy?
Vĩnh Tiến: (đưa tay xoa xoa càm, làm ra vẻ khó nói) Năm kỵ, tuổi xung, chưa tới ngày tháng mà má bịnh rề rề còn vợ chồng mình thì gần “sập tiệm” vì mấy cái cổ phần trong Cty cứ tụt giá vù vù. Xăm nói muốn hóa giải , trong nhà phải thêm người tuổi Thân, mạng thủy, mà phải là thủy đại dương chứ không phải thủy sông lạch thường đâu. Má nghe xăm nói nên biểu anh… (bỏ nhỏ giọng) cưới vợ bé.
Thu Cúc: (giật nẩy người, tròn xoe mắt, cao giọng) Cái gì? Anh nói lại em nghe thử coi, má biểu anh cưới vợ nhỏ hả? Quẻ nào, xăm nào xúi bậy vậy? Để em điện thoại về hỏi má cho rõ mới được.
Vĩnh Tiến: (lắc đầu) Điện thoại mà ăn thua gì, nhà má ở trong đồng mấy năm nay chưa bắt đường dây điện thoại, kêu nhờ nhà người ta rồi bắt con Út chạy tới chạy lui phiền thiên hạ lắm. Hôm nay con Út sẳn đi chợ Tỉnh nên ghé bưu điện điện thoại cho anh đó chứ. Vả lại, mấy chuyện này phải hỏi cho kỹ càng mới được. Bởi vậy anh mới tính Tết này về thăm má để biết ngọn ngành ra sao đó. Con Út kể, xăm nói vợ chồng con cái mình tuy hạp tuổi nhưng đụng phải năm nay kỵ thành ra Tứ hành xung phải hóa giải bằng cách cưới thêm cho anh một cô vợ tuổi Thân để thành Tam Hạp hầu hóa giải tai biến có thể xảy ra
Thu Cúc: (xua xua tay, lắc đầu, mặt quạu quọ) Thôi thôi… không xung hạp gì hết, khi khổng khi không tự dưng má , ủa quên, “quẻ xăm “ muốn phá tan gia đạo người ta à. Em đã chịu hết nổi rồi, hồi đó nếu em không chịu đổi giờ rước dâu, đi cửa sau về nhà chồng, chắc gì vợ chồng mình cưới được nhau. Cưới nhau rồi, đẻ con cũng phải chờ năm hạp, đáng lẻ con Thu Hồng năm nay đã hai mươi tuổi chứ đâu phải mười tám như bây giờ, cũng tại má bắt tụi mình “canh” không cho nó ra đời sớm, sợ kỵ tuổi má thành Tứ hành xung. May là ba má em bảo lảnh tụi mình sang đây, chứ nếu còn ở bển chắc giờ nầy em “trần thân” với gia đình anh về tội không sanh con trai nối dõi giòng họ nhà anh. Cái gì em cũng chìu được, nhưng cưới vợ nhỏ cho anh thì… (gằn giọng) “không bao giờ”. Thật vô lý, muốn nhà thêm tuổi Thân thì gả cô Út cho người tuổi “ông Tề thiên” đi, sao lại kêu anh cưới vợ nhỏ? Em phải điện thoại hỏi cho ra lẻ mới được.
Vĩnh Tiến: (hốt hoảng ngăn vợ) Đừng, đừng em. Con Út nói má không khoẻ lắm, đang lên máu cao độ, mình hỏi tới hỏi lui làm má suy nghĩ nhiều, “tăng xông” tăng nguy hiểm. Bởi vậy anh mới tính về VN để từ từ khuyên giải má đó. Bộ em tưởng anh thích mấy cái vụ vợ lớn, vợ bé nầy lắm sao? Vợ chồng mình ở với nhau hơn hai mươi mấy năm nay rồi, em không biết tình anh đối với em thế nào à? (chàng lại chắc lưỡi tỏ vẻ khó chịu) Má cũng kỳ, hết chuyện tính hay sao mà lại tính chuyện vợ một, vợ hai cho anh vậy không biết nữa. Con Út là gái, nữ sanh ngoại tộc nên chồng tương lai của nó tuổi con gì cũng chẳng ăn thua gì tới người trong giòng tộc hết, má nói vậy đó. Mình làm con, nhiều khi muốn cải cũng không dám cải, thêm nổi sợ chọc má buồn, má lên máu té lăn ra cái đùng thì còn khổ hơn nữa chứ (hạ giọng thấp xuống, nói vừa đủ hai vợ chồng cùng nghe) Đó là chưa nói tới việc nếu má giận tụi mình, dám chia hết mấy mẩu ruộng ở dưới Sa Đéc và cái nhà hương hỏa cho con Út với thằng Ba mà bỏ tên vợ chồng mình ra lắm à nghen.
Thu Cúc: (giọng nghi ngờ) Chú Ba đi tu từ nhỏ đến giờ, không lẻ cũng chấp nhận chuyện chia chác của cải, đất đai sao?
Vĩnh Tiến: Thì cho nó cũng như cúng chùa chứ có gì đâu, mỗi lần giận anh chuyện gì má nói hoài là cúng chùa còn tốt hơn cho mấy đứa “ngổ nghịch” ăn, em không nhớ sao?
Thu Cúc ngồi xuống ghế salon, mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Vĩnh Tiến nhìn đồng hồ trên tường, vẫn đi đi lại lại trong phòng, thỉnh thoảng chàng liếc mắt nhìn trộm vợ để xem động tỉnh thế nào.
Thu Cúc: Không phải em ham nhà đất, nhưng anh là con trai lớn, theo tục lệ thì ngôi nhà hương hoả đó là của vợ chồng mình, còn ruộng đất cũng phải có để sau nầy mình về quê hương có chổ dưỡng già hoặc cho con Thu Hồng làm của hồi môn khi nó lấy chồng. Tiếc là mình không có con trai nên cũng khó làm “reo” với má. Chắc má muốn có cháu nội trai nên bày ra chuyện tứ hành xung để cho anh cưới vợ nhỏ kiếm cháu trai chứ gì, em biết lắm mà.
Vĩnh Tiến: (chụp liền cơ hội) Ừ, biết đâu đấy. Cũng tại em không chịu đẻ con trai, hồi đó biểu “rặn” thêm đứa nữa cũng hẹn lần hẹn lựa hoài, đến bây giờ thì hết non hết nước. Thằng Ba thì đi tu, má hết hy vọng có cháu nội trai nối dõi tông đường. (chàng dừng lại trước mặt Thu Cúc, nhìn vợ rồi cười cười, giọng nữa đùa, nữa thật) Như ngày xưa là em phải cưới vợ bé cho anh rồi đó nghen, nếu không thì…
Thu Cúc: (chồm lên, giọng sừng sộ khiêu chiến) Nếu không thì sao chứ? Anh nói thử em nghe coi. Trời ơi, làm như một mình em sanh được con trai hay con gái vậy đó. Người ta chứ phải máy móc đâu mà muốn gì đuợc nấy. Ở đây mà anh làm như ở bên nhà, cứ sòn sòn năm một là đủ chết đói. Em sanh cho anh con Thu Hồng là tròn phận sự, gái hay trai gì cũng là con, là cháu của họ nhà anh. Anh có giỏi cứ cưới vợ bé như lời má, quên, như lời xăm dạy đi, rồi xem em làm gì cho biết. Trước hết anh phải bước qua xác chết của em đó.
Vĩnh Tiến: (hốt hoảng, vuốt vai vợ, xuống giọng) Em… anh chỉ nói tục lệ mình ngày xưa là vậy thôi, chứ anh có đòi lập phòng nhì đâu mà em cay cú dữ vậy? Thôi, để anh đi đặt vé máy bay nghen, mùa Tết đặt giờ nầy là trể rồi, sợ dám hết vé lắm đó. Về bển coi má thế nào để còn biết chuyện thiêt hư nữa. Mua vé đi trước Tết rồi anh sẽ về sớm cho em khỏi trông.
Thu Cúc: (đứng phắt dậy) Ủa, sao em lại phải trông anh về? Vợ chồng mình cùng đi VN chứ. Em cũng muốn đối mặt sự thật hỏi cho ra lẻ, chuyện quan trọng của gia đình mình mà.
Vĩnh Tiến: (xua xua hai tay) Thôi thôi… gần tết nhứt đến nơi rồi, em phải ở nhà lo cúng kiến đưa rước ông bà nửa chứ. Con Thu Hồng có biết làm gì đâu, giao nhà cửa cho nó, chừng mình về không chừng cái nhà này dám mọc bánh xe đi chơi với nó lắm đó. Còn chuyện của má, một mình anh giải quyết được mà.
Thu Cúc: (nhìn dò xét chồng) Thiệt không đó? Hay anh đang tính chuyện gạt em để về bển hú hí với bồ nhí? Đàn ông mấy anh ghê lắm, ông nào ông nấy cũng miệng lưỡi tráo trở với vợ nhà. Lúc sau nầy mấy ông lại thêm tật về VN lập phòng nhì, cưới vợ nhí. (giọng hăm doạ) Em nói trước rồi nghen, anh mà lộn xộn là… chết với em đó.
Vĩnh Tiến: Trời đất, em không tin lòng chung thủy của chồng em sao? Anh vẫn thích “một vợ nằm giường Lèo” hơn “hai vợ nằm chèo queo” em à.
Thu Cúc: (nghiêm mặt) Được rồi, giường Lèo hay chuồng heo là tùy anh thôi. Để em mua vài món quà cho anh đem về tặng má và cô Út, sẳn mua thêm bánh mứt chuẩn bị đưa ông Táo vào vài ngày sắp tới đây, còn khoảng ba tuần là Tết đến nơi rồi. Làm gì thì làm, phong tục của mình phải giữ anh à, không lẻ ở đây rồi mình quên hết thành ra mất gốc, mình nhà làm ăn nên phải cúng kiếng cho đàng hoàng chứ thiệt tình để anh đi một mình em không yên bụng chút nào hết. Ông bà mình nói hoài, “Sông bao nhiêu nước cho đầy. Trai bao nhiêu vợ cũng chưa vừa lòng”(ngừng một chút, giọng băn khoăn lo ngại) Đi đặt vé cận ngày như vầy chắc gì có vé trống, hay anh chờ ra giêng về thăm má được không? Lúc đó giá rẻ lại dễ mua nữa.
Vĩnh Tiến: (lắc đầu lia lịa) Không đuợc, không được, anh đã lỡ hứa với… con Út là Tết anh về, mình phải giữ lời kẻo ở bển nó trông, tội nghiệp. Hơn nữa, má đang bịnh, về Tết cho má vui, biết đâu má khỏe ra. Vé cận Tết tuy khó mua và cao giá thiệt, nhưng anh có cách của anh để kiếm đuợc giá như ý mình mà, yên tâm đi. (cúi xuống hôn vợ) Anh đi nghen. Em có đi đâu nữa thì nhớ kêu con Thu Hồng ở nhà chờ ông thợ sửa ống nuớc tới, họ hẹn đến trong buổi sáng nầy đó.
Vĩnh Tiến bước ra khỏi phòng. Trong hậu trường vọng ra âm thanh nho nhỏ bản nhạc “Cánh thiệp đầu Xuân”. Thu Cúc cầm giỏ đi chợ đem vào nhà trong rồi trở ra bước lại bàn vi tính, ngồi xuống mở máy, thao tác, cô chăm chú nhìn lên màn ảnh nhỏ.
Thu Cúc: (chắc lưỡi tỏ vẻ bực bội rồi lẩm bẩm một mình) Năm nay năm Thìn, mình tuổi Sửu, tử vi trong sito http://www.tuvi.com/ nói mình đề phòng bị gạt vì kỵ Tứ Hành Xung Thìn-Tuất-Sửu-Mùi tứ hành xung. Ai dám gạt mình vậy cà? Anh Tiến tuổi Dậu, má ảnh tuổi Tý, con Hồng tuổi Mùi. (ngẫm nghĩ) Nếu có kỵ thì chỉ mình với con Hồng gặp năm khắc mà thôi, ăn thua gì tuổi Dậu của ảnh… (lắc lắc đầu) Ối lộn xộn quá, nhức đầu hết sức. (rồi nàng cao giọng gọi vào trong) Hồng à, ra má biểu coi, trưa trời, trưa trật rồi con làm gì rút ở trong phòng hoài vậy, bửa nay không đi học hả?
Thu Hồng khoảng mười tám, hai mươi ăn mặc đồ ngắn trong nhà đi nhè nhẹ, rón rén bước ra. Mắt cô ngó láo liên như tìm kiếm, dò xét tình hình trong phòng.
Thu Cúc: (nhìn Thu Hồng bằng vẻ ngạc nhiên rồi sẳng giọng): Thu Hồng, con làm gì mà láo liên vậy?
Thu Hồng: (quan sát chung quanh thêm vài giây hỏi nhỏ Thu Cúc) Má, ba đi rồi hả má?
Thu Cúc: Ờ, ba con mới đi vài phút thôi. Mà con làm gì lạ vậy Thu Hồng?
Thu Hồng: (thở hắt ra rồi làm ra vẻ bí mật) Con có chuyện nầy hay lắm, má muốn nghe không?
Thu Cúc: Chuyện gì nữa đây? Có gì thì nói má nghe, bày đặt hỏi han nữa? Đâu, chuyện gì, nói đi?
Thu Hồng: (đặt tay lên vai mẹ) Má à, gia đình Táo quân có mấy người hả má? Hồi con còn nhỏ, con nhớ má hay kể chuyện nhà Táo có hai ông một bà mà vẫn sống thuận hòa vui vẻ phải không má?
Thu Cúc: (cười nhẹ) Bộ tính vô trường kể chuyện cổ tích nước mình cho lớp con nghe hả?
Thu Hồng: (lắc đầu) Không phải đâu má ơi, tụi bạn Ý… ẹ của con ở đây dù con có kể rành rẻ đến mấy tụi nó cũng không hiểu nổi tại sao người Việt mình thờ 3 cái ông lò dưới bếp và tại sao lại có 1 ông lò cái và 2 ông lò đực. (cười tủm tĩm) Con chỉ muốn biết nếu đổi lại nhà Táo có hai bà một ông thì cuộc sống của họ có còn vui vẻ nữa không vậy mà.
Thu Cúc: (thờ ơ trả lời) Một ông hai bà hay ba, bốn bà là chuyện thường tình hồi xưa ở nước mình và bây giờ nhiều nơi cũng còn giữ tục lệ đó dù ngoài vòng luật pháp, vui vẻ hay không là tùy cách họ đối xử với nhau. (rồi Thu Cúc nghiêm trang nhìn con nói tiếp) Chuyện Táo quân VN là chuyện có đạo lý, sự hy sinh giữa vợ chồng với nhau. Con còn nhớ sự tích Táo quân má kể con nghe như thế nào không?
Thu Hồng: (nhanh nhẩu) Nhớ chứ má. Chuyện vợ chồng Thị Nhi và Trọng Cao vì không con nên sinh buồn phiền cãi cọ nhau hoài. Một hôm cũng vì gây gổ nên chồng lở tay đánh vợ khiến vợ giận bỏ nhà ra đi. Số trời đưa đẩy, Thị Nhi gặp anh thợ săn tên Phạm Lang hết lòng giúp đở và kết duyên vợ chồng. Riêng chàng Trọng Cao khi vợ bỏ đi rồi mới hối hận bèn lên đường tìm nàng và tiêu hết tiền đem theo trong cuộc tìm kiếm đó đến nổi phải đi ăn xin. (cô gái ngừng một chút, ngó mẹ và hỏi) Con nhớ đúng vậy không má?
Thu Cúc: (đứng dậy, nắm tay con gái kéo về bộ salon và hai mẹ con cùng ngồi xuống) Trí nhớ con tốt lắm, nhưng chưa hết mà, sau đó chuyện gì đã xảy ra để họ được phong chức Táo quân? Con nói tiếp má nghe thử coi.
Thu Hồng: (mặt hớn hở vì được mẹ khen) Con nhớ má kể Trọng Cao tình cờ vào đúng nhà bà vợ năm xưa để xin ăn lúc Phạm Lang đi vắng, vợ chồng cũ gặp nhau mừng mừng tủi tủi , Thị Nhi đem Trọng Cao vào nhà cho ăn uống, hàn huyên. Nhưng lúc đó ông chồng mới lại bất thình lình đi săn về, bà vợ hoảng hốt dẫn chồng cũ ra vườn dấu vào một ụ rơm. Phạm Lang về ra ụ rơm đốt lửa lên để thui con mồi mới săn được. Trọng Cao không muốn vợ mang tiếng với chồng mới nên chẳng chạy ra và đành chịu chết trong ụ rơm. Người vợ đau lòng quá nhảy vào chết theo chồng cũ. Ông chồng mới không hiểu “ất giáp” gì hết, thấy vợ nhảy vào lửa cũng nhảy theo để cứu vợ nên cũng “ngũm” theo vợ luôn. Ngọc Hoàng Thượng Đế thương ba người trung nghĩa nên săc phong họ làm Táo quân, phải vậy không má?
Thu Cúc: (gật đầu, cười) Con giỏi lắm, giỏi vì con sống xứ người mà vẫn biết chuyện xưa tích cũ ở quê nhà, vậy mới đáng là con của má. Nhưng nếu con nói cho má biết chức vụ của mỗi Táo thì con còn giỏi hơn nữa đó. Con nói được điều đó không?
Thu Hồng: (phụng phịu, giọng nhỏng nhẻo) Má ăn gian con rồi, má đâu có kể cho con nghe “phần hành, chức vụ” của mỗi Táo bao giờ, làm sao con biết được.
Thu Cúc: (vuốt tóc con gái) Thôi, để má “phụ chú” thêm nghen. Táo quân còn được gọi đầy đủ là Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một phần hành khác nhau.
Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp, danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần quân.
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, danh hiệu Thổ Địa Long Mạch Tôn thần.
Thị Nhi làm Thổ kỳ, trông coi việc chợ búa, danh hiệu Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh thần.
Thu Hồng: (dẩy nẩy, nhăn nhó) Khó nhớ quá má ơi. Thôi, con kêu họ là ông bà Táo cho xong, danh hiệu gì dài dòng và rắc rối quá, sao má nhớ hay vậy?
Thu Cúc: Má phải đọc sách và học thuộc để truyền kể lại cho con biết, chứ mình xa quê hương như vầy, những thế hệ sau như con nếu không có người truyền kể để biết “chuyện ta” thì sẽ chỉ biết “chuyện người” nơi đây và dần dần sẽ thành mất gốc đó con. Con có muốn biết tại sao người Việt mình có tục thờ cúng Táo quân không?
Thu Hồng nhìn mẹ, nhẹ lắc đầu. Thu Cúc đứng lên bước lại gần tấm lịch treo tường, đưa tay khẻ giở từng tờ lịch nhỏ, chăm chú xem ngày tháng trong đó rồi đứng đó ngoắc tay về hướng Thu Hồng.
Thu Cúc: Lại đây má cho con coi ngày đưa ông Táo là ngày nào. Tính ra chỉ còn hơn ba tuần nữa là Tết đến rồi, mau thiệt.
Thu Hồng: (đi đến bên mẹ, nhìn vào lịch, tò mò hỏi) Ngày nào mình cho mấy “ổng bả” về trời vậy má? Con nhớ mọi năm má đưa rồi rước Táo nhà ta nhưng má chưa nói cho con biết tục lệ cúng kiếng thế nào hết, hình như trước tết hả má?
Thu Cúc: (chỉ tay vào lịch cho con thấy) Người Việt mình quan niệm rằng Thổ Công thay mặt ba thần Táo ngày 23 tháng chạp lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của từng người trong nhà gia chủ trong năm và đến 27 thì đuợc rước về. Thường thường người ta nói Táo lên trời bằng cá chép, loại cá chép vượt vũ môn hoá rồng. Bởi vậy đưa Táo về trời nhiều nơi còn mua cá chép giấy để đốt như đốt vàng mả vậy đó.
(Như chợt nhớ ra điều gì, Thu Cúc nhíu mày hỏi con) Ủa, con nói con có chuyện gì hay lắm để hỏi má, không lẻ chỉ hỏi chuyện nhà Táo thôi sao? Vậy mà má tưởng con có chuyện quan trọng lắm để kể má nghe chứ.
Thu Hồng: (sực tỉnh, đưa tay vổ trán) Đúng rồi má ơi, con định cho má biết một chuyện “khủng khiếp”, tại má nói vòng vo về gia đình nhà Táo nên con bị phân tâm mà quên mất chuyên “long trời lỡ đất” nầy. Đây cũng chuyện Táo nghen má, nhưng Táo một ông và chuẩn bị có hai bà, má muốn nghe không?
Thu Cúc: (tò mò) Cái con nhỏ nầy, nói hay không tùy con, làm bộ tịch để vòi vĩnh má chuyện gì nữa đây?
Thu Hồng: (lại ngó nhìn chung quanh như trước và khẽ nghiêng đầu nói nhỏ với mẹ) Ba có bà Táo “hai” má ơi.
Thu Cúc: (sửng sốt, đưa hai tay lắc vai con gái hỏi dồn dập) Cái gì bà Táo “Hai”? Ba con có vợ bé hả? Thiệt hôn? Làm sao con biết được vậy?
Thu Hồng: Hồi nảy lúc má đi chợ, ba điện thoại với cô Duyên nào đó ở Việt Nam và hẹn Tết về thăm cổ. Hình như cô Duyên đó còn xúi ba ly dị với má để cưới cổ nửa đó má. Ba tưởng chỉ có mình ba nên ba nói cao giọng lắm. Lúc đó cửa phòng con mở nên con nghe hết. Má cẩn thận, đừng để ba về VN một mình, nếu không kể như nhà mình một Táo ông, hai Táo bà đó má. (ngừng một chút, cô nhìn mẹ ái ngại) Má, má có sao không? Mặt má xanh quá vậy? Để con đi lấy nước má uống nghen. (cô chạy vào trong lấy nước).
Thu Cúc: (ôm đầu,, bước lại salon ngồi phịch xuống, miệng lẩm bẩm) Vậy mà dám nói với mình là điện thoại với cô Út, … về VN thăm má, … xăm biểu cưới vợ nhỏ… Được rồi, để coi con vợ già nầy ra tay cho biết. Mầy không được ghen ồn ào lên nghen Thu Cúc, phải ghen một cách “văn hóa”, ghen sao cho anh chồng tuổi Dậu của mầy không được léng phéng thêm con “ khỉ” cái nào nữa hết mới được.
Thu Hồng đem nước ra cho mẹ, Thu Hồng đón ly nước uống rồi ngả người ra sau thành ghế cùng lúc Vĩnh Tiến từ ngoài bước vào. Vĩnh Tiến tháo nón, cổi áo khoác treo lên giá áo, đến bên cạnh vợ, ngồi xuống.
Vĩnh Tiến: Có chuyện gì mà coi bộ em mệt vậy? (ngó con gái) Má con sao vậy, Hồng?
Thu Hồng: (ngập ngừng) Dạ… dạ…, có gì đâu ba. Má đang kể chuyện Táo quân cho con nghe bỗng nhiên ..má mệt, con cũng không biết tại sao?
Thu Cúc: (khoát tay) Chắc em bị máu xâm nên hơi choáng váng, anh và con đừng lo cho em. À, anh mua vé máy bay đuợc không? Sao anh về sớm vậy?
Vĩnh Tiến: (thở ra chán nản) Mấy hảng mình hay đi hết chổ từ lâu rồi. Tết mà, thiên hạ đặt vé từ nửa năm trước chứ ai đâu như mình. Để anh lên internet coi thử mấy hảng của A Rap hay China còn chổ không thì mua đại cho xong.
Thu Cúc: (nhìn thẳng vào mắt chồng) Đặt vé luôn cho em nữa đi, em cũng phải về có chuyện quan trọng.
Vĩnh Tiến: (ngạc nnhiên) Chuyện gì nữa đây? Anh với em đã bàn với nhau lúc nảy rồi mà.
Thu Cúc: (thản nhiên) Em suy nghĩ rồi, mình đừng làm má buồn anh à. Nhà mình phải có thêm người tuổi Thân, vợ chồng mình tự tìm, anh tìm cô vợ nhỏ, em tìm anh chồng nhí. Để xem hai con khỉ đó có hóa giải cái Tứ Hành Xung của gia đình mình không.
Vĩnh Tiến: (bật dậy như lò xo) Hả, em nói cái gì? ”Chồng nhí” của ai? Em điên à?
Thu Cúc: (cũng bật đứng dậy, nói từng lời rõ ràng) Em nói cả hai vợ chồng mình cùng về VN kiếm người tuổi Thân để hoá giải Tứ Hành Xung cho gia đình và cho má. Anh kiếm vợ nhỏ thì em cũng tìm chồng nhí. Nam nữ bình quyền mà.
Vĩnh Tiến: (giơ tay trỏ mặt vợ, gằn giọng) Em học lối ăn nói đó ở đâu vậy? Không sợ con nó cười à ? Đàn bà có chồng mà… (tức tối, bước lại bên bàn computer chống tay lên thành ghế, mặt hầm hừ)
Thu Cúc: (hất mặt cao, thách thức) …mà sao? Em mà có thế nào đi nữa cũng tại anh thôi, đừng kiếm chuyện với em. Em biết hết rồi. Anh hẹn cái cô Duyên nào đó Tết về gặp cổ thì cứ nói thiệt đi cho dễ nghe hơn, đừng đem má vô làm bình phong đặt điều bói xăm, xủ quẻ mà mang tội vọng ngôn
Vĩnh Tiến: (giựt mình, lúng túng) Ai, ai nói em mấy chuyện vô lý đó? Anh có biết cô Duyên nào đâu ? (quay sang ngó con gái dò xét, Thu Hồng xanh mặt phủi tay lia lịa ra dấu không biết gì hết) Em… em đừng có lộn xộn.
Thu Cúc: (đến nắm tay Thu Hồng kéo lại truớc mặt chồng) Thu Hồng, con nói đi, nói cho ba con biết con đã nghe « ổng » hứa hẹn gì với cô Duyên trong điện thoại để “ổng” không chối bai chối biến nữa.
Thu Hồng: (sợ sệt, hết nhìn cha lại ngó mẹ, ấp úng) Hồi nảy con ở trong phòng nghe ba “phone” với cô nào tên Duyên nói là ba chưa thể bỏ “bà vợ già” ngang xương đuợc, phải đợi từ từ thủng thỉnh để ba tính cho kỹ, nếu bỏ liền, ly dị ba có đường ra chợ ngủ, hết tiền về cưới cổ.
Vĩnh Tiến: (trợn mắt ngó con rồi đưa hai tay ôm đầu) Trời! Con hại ba rồi.
Thu Cúc: (cười gằn đắc thắng) Anh hết chối rồi hén, còn nói “xăm” kêu cưới vợ nhỏ nữa không? (Bỗng nàng đưa tay ôm mặt khóc) hu hu… vợ chồng ăn ở với nhau mấy chục năm chưa gọi là tình… hu hu… hồi còn trẻ cục muối cắn đôi, bây giờ già rồi tính điều san sẻ, hu hu…
Vĩnh Tiến: (lúng túng, hai tay xoa vào nhau) Em… anh có san sẽ gì đâu. Hồi đó cục muối cắn đôi thì bây giờ nguyên bịch đường anh cho em giữ hết đó chứ. Chuyện về VN con Hồng nghe được là chuyện qua đường thôi mà em…
Thu Cúc: (nói trong tiếng nấc) Chuyện qua đường sao? Tiền bạc vợ chồng làm ra cực khổ để lo cho tương lai con cái hay để giúp đở cha mẹ già, người thân khốn khó, chớ có đâu đem về vui chuyện… qua đường qua xá như vậy? Quê hương về để thăm viếng bà con, bè bạn, để viếng mộ mả ông bà cho thỏa lòng nhớ thương (khóc lớn hu hu…) chứ ai đâu về đem tiền cho gái để mang tiếng già..dịch, già không nên nết cho thiên hạ cười thứ việt kiều làm bại hoại đạo lý xã hội, hu hu… Anh nghĩ như vậy được lắm sao?
Vĩnh Tiến: (rút khăn tay ra lau nước mắt, nước mủi cho vợ, xuống giọng) Anh thấy mấy thằng bạn về bển lập phòng nhì nên định bắt chước hứa hẹn cho vui chứ anh bỏ vợ anh sao được. Em là dâu có cưới hỏi đàng hoàng của má anh, là mẹ của con gái anh mà. Thôi, Tết nầy vợ chồng mình cùng về thăm má, không có cô Duyên cô Diếc gì nữa hết, để chuyện cúng kiến ở nhà cho con Hồng nó lo, được không em?
Thu Cúc: ( gật đầu trong tiếng thút thít nho nhỏ) Em tính rồi, giữ người ở chứ không ai níu kéo người đi, nếu anh muốn bỏ mẹ con em thì cứ đi, em cũng đi…
Vĩnh Tiến: (lo lắng) Em định đi đâu ?
Thu Cúc: (nhỏ nhẹ) Em đi tu.
Vĩnh Tiến: (thở phào) Trời, vậy mà anh tưởng em đi kiếm chồng nhí chứ.
Thu Cúc: (đấm vai chồng, bẻn lẻn) Em nói theo tục ngử của ông bà mình mà. Hể ông an chả thì bà ăn nem cho công bình chứ bộ.
Vĩnh Tiến: Đuợc rồi, kỳ nầy vể bển, em muốn ăn chả, ăn nem gì, ở đâu anh dẫn đi ăn đủ hết.
Thu Hồng: (giơ tay lên) Ba, má… Vậy là Táo quân về chầu Thượng đế kỳ nầy sẽ kể chuyện ba má về VN ăn chả, ăn nem còn con phải đi học không thể cùng về với ba má đuợc. (giọng thắc mắc và pha chút lém lĩnh) Ở lại nhà có món gì đặc biệt cho con không hả ba má?
Vĩnh Tiến và Thu Cúc: (đồng loạt trả lời) Thì còn thèo lèo cứt chuột của Táo quân dành cho con đó.
Thu Hồng: (đưa hai tay lên trời) Táo bà, Táo ông ơi, sao không ăn chả, ăn nem cho con đuợc nhờ…
Cả ba cùng cười, nhạc trổi cao lên bản Mừng Xuân Mới, màn từ từ hạ cánh…
Hết