Phong Lê
Mạch Sống xin chân thành cám ơn quý độc giả và quý thân hữu xa gần đã gởi thiệp chúc mừng Năm Mới về tòa soạn. Xin chân thành cám ơn những lời chúc tốt đẹp của quý vị. Mạch Sống cũng luôn luôn biết ơn quý vị đã hỗ trợ cho Mạch Sống tồn tại và phát triển trong suốt thời gian qua. Chủ nhiệm, chủ bút và tất cả nhân viên tòa soạn chân thành cám ơn quý vị và kính chúc quý độc giả và thân hữu một Năm Mới an khang, hạnh phúc và thịnh vượng.
Mỗi năm người Việt ở Mỹ được ăn hai cái Tết: Tết Tây và Tết Ta. Tết Tây còn gọi là Tết Dương Lịch. Tết Ta còn gọi là Tết Âm Lịch hay Tết Nguyên Đán, Tết Cổ Truyền. Tết Âm Lịch đến sau Tết Dương Lịch. Tết Âm Lịch (Lunar New Year) theo chu kỳ vận hành của mặt trăng và theo qui luật cứ ba năm thì có một năm nhuần, nghĩa là có 13 tháng. Năm Nhâm Thìn 2012 là năm nhuần và có hai tháng Tư. Tết Âm Lịch không bao giờ đến trước ngày 21 tháng 1 Dương Lịch và cũng không bao giờ đến sau ngày 19 tháng 2 Dương Lịch. Cứ hai hay ba năm thì Tết Âm Lịch rơi vào tháng 1 Dương Lịch còn lại là vào tháng Hai. Tết Nguyên Đán năm nay đến sớm, vào ngày 23/1 Dương Lịch. Tết Tân Mão năm ngoái rơi vào ngày 3/2/2011 và sang năm Tết Quý Tỵ đúng vào ngày 10/2/2013.
Người Mỹ đón mừng năm mới vào ngày 1/1 Dương Lịch. Vào đêm 31/12 mọi người (kể cả người Việt Nam ở Mỹ) đều nô nức chờ đợi phút giao thừa điển hình là theo dõi chương trình đón giao thừa của hàng trăm ngàn người ở quãng trường Times Square, New York. Tại Times Square, vào một phút trước giao thừa, quả cầu thời gian nổi tiếng rực rỡ ánh đèn màu được từ từ hạ xuống trong lúc mọi người đồng loạt đếm ngược mỗi giây đồng hồ. Khi quả cầu xuống đến chân cột vào đúng phút giao thừa, dòng chữ “Happy New Year” được thắp sáng, mọi người cùng nhau reo hò đón mừng năm mới bằng những lời chúc tụng, bằng những nụ hôn trong khi trên bầu trời tràn ngập hoa giấy thả từ trên cao xuống.
Người Việt Nam ở Mỹ chú trọng đến Tết Nguyên Đán hơn và đón mừng năm mới vào ngày 1/1 âm lịch. Cũng bánh chưng bánh tét, cũng đầy đủ các thứ mứt, cũng thịt kho dưa hành, cũng hoa mai, hoa đào, hoa cúc mừng xuân, cũng múa lân, cũng lì xì cho trẻ em… Nói chung thì nhiều gia đình có đủ cả phong tục ngày Tết Nguyên Đán, nhưng cũng có nhiều người Tết đến lại càng ưu tư trăn trở cho tình hình ở quê hương, cho hiểm họa ngoại xâm, đau buồn vì việc mất đất mất biển.
“Tết tha hương có bánh chưng bánh tét sao không thấy Tết
Xuân viễn xứ cũng cành đào cành mai mà chẳng gặp xuân.”
Nhớ lại những mùa xuân thời Việt Nam Cộng Hòa, những mùa xuân thanh bình của những năm 1960, người dân an cư lạc nghiệp, chuyến tàu xuyên Việt Sài gòn Huế như chở cả mùa xuân của đất trời vào lòng đất Việt.
Hãy nghe nhà thơ Trần Trung Đạo thương nhớ những mùa xuân và trăn trở ngậm ngùi đón xuân tha hương:
Ai có về bên kia đất nước
Thở dùm tôi hơi ấm quê hương
Tôi, con én lạc mùa xuân trước
Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương
Vẫn đếm xuân về trên đất khách
Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi
Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười
…
Ai có về bên kia đất nước
Chở dùm tôi nỗi nhớ qua sông
Hỡi em, cô gái mùa xuân trước
Còn đứng hong khô áo lụa hồng
Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
(Xuân Đất Khách, Trần Trung Đạo)
Năm mới, mọi sự đều đổi mới, ước vọng vận hội mới cho quê hương Việt Nam. Đón xuân Nhâm Thìn, xin mọi người Việt Nam chúng ta cầu nguyện cho hồn thiêng sông núi phù hộ cho quê hương Việt Nam sớm có dân chủ tự do, thoát khỏi hiểm họa ngoại xâm, đất nước Việt Nam được hưng thịnh, phú cường và trường tồn mãi mãi. BPSOS và Mạch Sống xin trân trọng Chúc Mừng Năm Mới.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]