Ts. Nguyễn Đình Thắng
Người đang lún trong vũng lầy, muốn sống thì phải tự mở đường thoát. Muốn tăng triển vọng thì người ấy phải nhận diện những trở lực, trợ lực, và cơ hội để rồi liệu sức, nương thế mà từng bước thoát ra. Dân tộc Việt Nam muốn thoát cơn đại nạn hiện nay cũng phải làm y như vậy.
Muốn sống là yếu tố tiên quyết. Thiếu quyết tâm ấy thì người ta sẽ đầu hàng, an phận và buông xuôi trước khó khăn và thử thách. Đối với một dân tộc, quyết tâm ấy chính là tinh thần bất khuất và ý chí thăng tiến. Chúng xuất phát từ niềm tự tin mãnh liệt rằng mình có khả năng xoay đổi thời vận, vượt qua chướng ngại, và từng bước đi lên. Ngày xưa, Hội Nghị Diên Hồng được triệu tập chính là để thổi bùng lên niềm tự tin của cả dân tộc trước hiểm hoạ bắc thuộc. Niềm tự tin mãnh liệt ấy, cụ Phan Chu Trinh gọi là dân khí. Dân tộc Việt Nam đang bị suy nhược trầm trọng về dân khí.
Sau nhiều năm bị thống trị, khống chế và bưng bít, người dân Việt Nam mất dần khả năng đề kháng và trổi dậy. Trong thời gian gần đây, bắt đầu có sự đổi chiều — ngày càng có nhiều tiếng nói khẳng khái và hành động khí phách ở trong nước. Tuy nhiên, nếu so với đại khối dân tộc thì đó mới chỉ là những tiếng nói rời rạc và hành động lẻ tẻ. Sự suy nhược dân khí cũng ảnh hưởng đến không ít người Việt ở ngoài nước, khi lập luận “thay đổi vận nước khó lắm, thôi thì giúp được người nào thì hay người nấy”. Chỉ khi nào tuyệt đại da số người Việt trong và ngoài nước cùng tự tin mãnh liệt vào khả năng định đoạt số phận và tương lai chung của đất nước, lúc ấy dân tộc Việt Nam mới có cơ hội thoát nạn.
“Chấn dân khí” – cũng dùng lời của cụ Phan Chu Trinh – là mục tiêu gốc thứ nhất của giai đoạn hiện nay.
“Chấn dân khí” sẽ phải đi qua nhiều giai đoạn: bớt sợ và rồi hết sợ, ý thức được và rồi quyết tâm bảo vệ quyền của mình, và cuối cùng là quyết tâm xây dựng một xã hội tốt đẹp và gìn giữ giang sơn gấm vóc cho con cháu của mình về sau. Sự thay đổi này có thể xẩy ra. Chúng ta hãy nhìn vào người dân Syria. Sau 40 năm hãi sợ trước bạo quyền, người dân Syria đã khắc phục sự sợ hãi để đứng lên đòi nhân quyền và tự do. Quân đội nã súng, hàng ngàn người ngã gục, nhưng hàng trăm ngàn người khác vẫn tiếp tục đứng lên.
Nhưng sự thay đổi khởi đầu từ đâu? Có nhiều cách và cũng đã có sẵn nhiều bài học trên thế giới trong lịch sử cận đại. Nhưng cách nào thì vẫn cùng một chân lý: nó khởi đầu với một số ít người chấp nhận gian nguy, hy sinh, thiệt thòi. Đó là đội ngũ tiên phong khởi động sự thay đổi. Cố Tổng Thống Vaclav Havel, một nghệ sĩ với dáng dấp thư sinh và tính tình nhỏ nhẹ và là người đã góp phần khởi động cuộc cách mạng nhung làm sụp đổ khối cộng sản Đông Âu và cả Liên Xô, nói về đội ngũ tiên phong ấy: “Những người ‘đối kháng’… nói hộ cho những người im lặng. Họ chấp nhận rủi ro đến mạng sống khi những người khác không dám, hoặc không thể làm.” Và Ông đã lấy triết lý “tỉ như” để chấn dân khí, khởi sự với chính mình: dù dưới sự kềm kẹp, hãy sống tỉ như đang có tự do; dù xã hội chung quanh băng hoại, hãy cư xử tỉ như đang giữa một nền văn hoá tử tế; dù số đông đang bải hoải, hãy hành động tỉ như trong lòng một dân tộc bất khuất. Và triết lý ấy, khởi đầu từ một người, đã lan ra khắp xã hội.
Xây dựng đội ngũ tiên phong tài đức với đủ bản lãnh và kinh nghiệm tập hợp và tổ chức quần chúng, để từng bước tăng trưởng nội lực của dân tộc, là mục tiêu gốc thứ hai của giai đoạn hiện nay.
Trong hoàn cảnh Việt Nam, mọi nỗ lực chấn dân khí và xây dựng đội ngũ tiên phong sẽ phải đối phó với hai trở lực lớn: từ trong là chế độ độc tài muốn dân nhu nhược để dễ thống trị và từ ngoài là chủ trương bành trướng của Trung Quốc với mục tiêu khuất phục dân ta.
Đẩy lùi trở lực từ trong và từ ngoài là mục tiêu gốc thứ ba của giai đoạn hiện nay.
Mọi nỗ lực của chúng ta, trong và ngoài nước, phải nhắm vào ba mục tiêu trên cùng một lúc. Khi dân khí mãnh liệt, khi đội ngũ tiên phong đủ tài và đức để huy động quần chúng, và trở lực giảm xuống thấp hơn so với nội lực của dân tộc và những trợ lực từ ngoài, thì lúc ấy vận hội sẽ đến cho dân tộc Việt Nam tự vượt thoát.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]