Ngọc Thanh Nguyễn
Hầu như ai trên quả đất này cũng có một số nỗi lo. Ví dụ, sống ở California thì lo động đất; ở Lousiana thì sợ trắng tay hoặc mất mạng vì lũ lụt; ở New York, Michigan, Minnesota, Illinois, Gia Nã Đại, v.v. thì lo bão tuyết mỗi mùa đông. Ngoài những mối lo đặc thù của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng, hoặc mỗi cá nhân, đa số chúng ta có mối lo chung là nạn thất nghiệp. Thật vậy, nỗi lo này là nỗi lo chung toàn cầu hiện nay. Nếu tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh thì công việc làm gia tăng, kinh tế phục hồi, và cuộc sống sẽ được ổn định hơn. Nếu được thế, hạnh phúc sẽ được tô son điểm phấn hơn. Vì vậy, chúng tôi xin gửi đến quý vị một vài góp ý, mong rằng sẽ giúp quý vị thành công hơn trong lãnh vực tìm việc làm.
Nếu quý vị muốn thành công hơn khi đi phỏng vấn, xin chuẩn bị trước những câu hỏi mà người phỏng vấn có thể đặt ra như sau đây:
– Tại sao bạn muốn được làm cho công ty chúng tôi trong khi công ty A cũng đang tuyển dụng người có khả năng tương tự?
– Xin tóm tắt học vấn và quá trình làm việc của bạn?
– Tại sao bạn lại muốn tìm việc khác thay vì tiếp tục làm cho công ty của mình?
– Nếu như cấp trên của bạn hay áp lực bạn phải làm nhiều và đồng thời đối xử không công bằng với bạn, bạn sẽ giải quyết bằng cách nào?
– Tại sao bạn nghĩ rằng công ty chúng tôi cần người như bạn? (Hãy nói về kinh nghiệm, kỹ năng và nghiệp vụ của bạn sao cho thích ứng với việc làm mà bạn đang xin)
– Đối với bạn, người đồng nghiệp lý tưởng phải là người thế nào? (Người tuyển dụng muốn tìm hiểu bạn là người như thế nào qua câu trả lời của bạn)
– Việc làm này có lợi ích gì cho tương lai của bạn?
– Những ưu điểm/khả năng nào của bạn sẽ giúp bạn thành công sau khi nhận việc?
– Xin cho biết mối quan hệ giữa bạn và cấp trên của bạn?
Ngoài ra, có nhiều điều tưởng rằng không quan trọng nhưng có thể làm bạn không được tuyển dụng. Quý vị nên lưu ý những lời khuyên dưới đây để cuộc phỏng vấn được kết quả tốt với người tuyển dụng:
– Đến sớm 5 hoặc 10 phút trước giờ phỏng vấn
– Chào hỏi nhân viên tiếp tân với thái độ hòa nhã và lịch sự vì đây là điểm gây ấn tượng đầu tiên về bạn
– Mang theo vài ba bản resume
– Không nên xưng hô với người phỏng vấn bằng tên họ (John, Lisa, v.v.); nên gọi họ bằng Mr., Mrs., Ms., Dr., v.v.
– Khi đối đáp, nên lộ ra vẻ tự tin về kiến thức và khả năng làm việc của mình, nhưng đừng làm họ hiểu lầm là mình tự hào và kiêu căng
– Hãy nói về những thành quả mà quý vị nghĩ rằng mình sẽ đem đến cho công ty sau khi được nhận vào làm.
– Nên hỏi những câu hỏi cần thiết và liên quan đến công việc và công ty để họ biết rằng mình quan tâm về công việc cũng như công ty.
– Đừng quên viết email hoặc gửi thiệp cám ơn người phỏng vấn; nên làm càng sớm càng tốt.
– Đến gần cuối cuộc phỏng vấn, nên nói rằng bạn rất muốn được làm cho họ, bạn có khả năng để làm công việc này; kinh nghiệm và kỹ năng của bạn có vẻ rất thích hợp với việc mà công ty đang muốn tìm người làm.
Thường thường, người phỏng vấn sẽ cho quý vị cơ hội đặt một số câu hỏi vào cuối cuộc phỏng vấn. Quý vị nên hỏi như dưới đây:
– Ai sẽ là cấp trên của tôi?
– Khi nào thì công ty cho tôi biết là sẽ tuyển dụng tôi hay không?
– Nếu tôi được nhận vào làm việc, tôi có được tham gia vào những lớp huấn luyện nghề nghiệp của công ty không?
– Tôi có được cơ hội thăng tiến trong công việc tại công ty của quý vị không?
Có những điều quý vị không nên làm, như sau đây:
– Không nhai kẹo cao su trong lúc phỏng vấn.
– Không tự kéo ghế ngồi trước khi được mời ngồi.
– Tuyệt đối không nên nói xấu cấp trên cũ hoặc bạn đồng nghiệp cũ của bạn.
– Không nói về chuyện cá nhân hoặc những yếu điểm của mình.
– Không vội vã hỏi về lương, ngày nghỉ hoặc những phúc lợi sức khoẻ. Trái lại, nên đợi người phỏng vấn đề cập đến rồi mới hỏi. (Lúc này quý vị có thể đặt câu hỏi hoặc nêu lên thắc mắc của mình).
– Tránh trả lời ngắn cụt theo kiểu YES/NO. Trái lại, nên trả lời một cách đầy đủ (kỹ năng, khả năng và phong cách của mình liên quan tới việc làm).
– Tuyệt đối không nên nói sai sự thật. Quý vị nên trả lời một cách thành thật, ngắn gọn và xúc tích.
Chúng tôi mong rằng những góp ý trên sẽ giúp quý vị. Quý vị càng thành công trong việc xin việc làm thì tỉ lệ thất nghiệp càng giảm. Quý vị nên chuẩn bị chu đáo để đạt được kết quả tốt. Xin chúc quý vị thành công mỹ mãn.
Ngoài ra, BPSOS có tổ chức lớp huấn nghệ, lớp học về cách quản lý tài chính, và lớp giúp quý vị giảm bớt nợ thẻ tín dụng, v.v. Mọi thắc mắc hoặc góp ý, xin gọi BPSOS tại số 281-530-6888.
Chương trình Giúp Tìm Việc được sự tài trợ của Social Services Block Grant.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]