Phượng Vũ
Mỗi năm, khi không khí mọi nơi bắt đầu rộn ràng với những bản nhạc Giáng Sinh được nghe vang vang khắp nơi, lòng tôi lại nao nức nhớ đến những ngày lễ hội của gia đình hằng năm, mà các con tôi thường gọi đùa là “ba ngày lễ lớn”: Sinh nhật mẹ: 20/12; Giáng Sinh: 25/12; Kỷ niêm cưới bố mẹ: 26/12.
Hằng năm, đây là dịp gia đình chúng tôi đoàn tụ vui vẻ bên nhau, để cùng vui chơi, đi du lịch, hoặc thăm viếng một thắng cảnh nào đó. Đây là một truyền thống gia đình tốt đẹp, mà tôi vẫn ao ước được giữ gìn mãi mãi. Ngày thường ai cũng bận rộn, đi làm, đi học! Về tới nhà, ai cũng có phòng riêng, công việc riêng và sở thích riêng để tiêu khiển. Sau này các con lớn lên ra trường, đi làm, có gia đình hoặc ở riêng thì việc đoàn tụ gia đình vui chơi với nhau lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Đây là dịp để mọi người trong gia đình có thời gian vui chơi, trò chuyện, tâm tình, từ đó dễ hiểu nhau hơn và thương nhau hơn. Phú quý, giàu sang hay thành đạt ở đời là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là tình yêu thương trong gia đình với nhau. Có tiền chúng ta xây được ngôi nhà đẹp, nhưng phải có tình ta mới xây được “Tổ Ấm”. Đối với tôi Tình Thương luôn luôn quan trọng hơn tiền, vì giàu sang danh vọng đến mấy nhưng gia đình thiếu tình thương thì cuộc sống cũng mất ý nghĩa tốt đẹp.
Gia đình chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp nhân mùa Giáng Sinh, nhưng mùa Giáng sinh đấu tiên trên đất Mỹ là mùa lễ hội gia dình gây ấn tượng mạnh nhất.
Gia đình chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ (MI) đúng ngày 20/12/90 và được đại gia đình ông xã tôi ra phi trường GR để chào đón thật nồng ấm. Sau đó là tiệc tùng, gặp gỡ hàn huyên sau bao nhiêu năm xa cách. Ông xã tôi có lẽ là người cảm động và vui nhất, vì được gặp lại những người thân yêu sau bao nhiêu năm xa cách không khí tràn ngập tình người, tình gia đình, mọi người đều ân cần quan tâm chăm sóc từng người trong gia đình tôi. Xin chân thành cám ơn mọi người! Tạ ơn Chúa! Ngày sinh nhật tôi lại là ngày đầu tiên gia đình tôi đặt chân lên đất Mỹ, vùng đất của cơ hội, một ngày ghi dấu ấn đổi đời khó quên của gia đình tôi.
Tới khuya tôi mới đi ngủ, nhưng vì chưa quen giờ giấc thay đổi giữa Việt Nam và Mỹ, khí hậu lại thay đổi hoàn toàn. Lần đầu tiên tôi mới nếm được cái lạnh thực sự của mùa đông, nên tuy khá mệt vì thời gian di chuyển khá dài, nhưng tôi vẫn nằm mơ màng chưa ngủ được. Nỗi háo hức được tới thiên đàng xứ Mỹ tạm lắng xuống và nỗi nhớ nhà, nhớ nơi chốn thân yêu, quen thuộc bắt đầu len lỏi dâng lên. Tôi ra đứng bên cửa sổ trên lầu nhìn xuống phố nhỏ chung quanh, chợt thấy thấm thía câu hát của TCS:
“Lòng thật bình yên mà sao buồn thế?
Giật mình nhìn ra: Ôi, phố xa lạ!”
Mệt quá vào giường nằm, rồi thiếp đi độ vài giờ, tôi lại chợt tỉnh dậy với không gian không còn quen thuộc, mới nhớ ra mình đang ở xứ người. Tôi lại rón rén đến bên khung cửa sổ nhìn ra cảnh vật bên ngoài. Tuyết đang rơi bay bay trắng xóa không gian, một màu trắng lung linh tuyệt đẹp, nó hoàn toàn khác hẳn với khung cảnh tôi nhìn thấy trước khi đi ngủ.
Tuyết đang rơi phủ đầy cây cỏ, lối đi và các mái nhà một màu trắng tinh khôi. Thật là một khung cảnh tuyệt đẹp mà trước đây tôi chỉ được nhìn ngắm qua phim ảnh, và bây giờ nó đang hiện diện trước mắt tôi. Tôi ngẩn ngơ đứng nhìn và thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên mùa đông lần đầu tiên trong đời.
Sáng ra, lúc ăn điểm tâm, nghe tôi kể niềm say mê thưởng thức vẻ đẹp của tuyết rơi lúc sáng sớm, bà mợ tôi nói:
“Tuyết mới bắt đầu rơi hôm nay, thôi cứ thưởng thức vẻ đẹp của tuyết đi rồi sau này ở lâu mới thấy hết cái khổ vì tuyết (đường xá trơn trợt gây tai nạn xe quay vòng và bị lật, khi tuyết tan thì dơ bẩn, lầy lội). À, thì ra ở đời cái gì cũng có 2 mặt của nó.
Tôi chợt có ý nghĩ so sánh ngộ nghĩnh: hình ảnh đẹp lãng mạn của tuyết rơi giống như hình ảnh đẹp của cuộc hôn nhân khi mới bước vào. Sao nó đẹp tuyệt vời và đáng yêu đến thế! Nhưng khi trải qua “thực tế dài lâu” thì hỡi ơi! Sao mà “trơn trợt khó đi”, đôi lúc nhìn vào chỉ thấy “lầy lội, dơ dáy” quả đúng như lời một bài hát:
“Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần sầu.”
Nhưng thôi ta phải biết chấp nhận cả hai mặt của cuộc đời để thích nghi mà vui sống.
Những ngày sau đó, chúng tôi được mọi người thay nhau đưa đi thăm bà con, đi shopping. Chúng tôi thấy đâu đâu cũng trang trí những cây thông to đẹp, với ông gìa Noel cỡi tuần xa ở truớc các sân nhà. Có điều tuyết ở đây là tuyết thật, nên mấy mẹ con tôi tha hồ chụp hình với tuyết.
Đến tối 24/12 cả đại gia đình cùng đi dự lễ nửa đêm, đón Chúa Hài Đồng sinh ra. Khi cả nhà thờ đồng hát bản Thánh Ca Giáng Sinh Việt Nam quen thuộc, lần đầu tiên tôi cảm nhận được từ “lạnh lẽo” trong câu hát:
“Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời
Nằm trong hang đá, nơi máng lừa…”
Ngắm nhìn hang đá Chúa sinh ra với hàng chữ mà các thiên thần đã hát vang trong đêm Chúa giáng trần:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm”
Tôi cảm nhận rõ sự bình an sẽ đến từ trong tâm tốt lành của con người, và mọi người trên trái đất này bất kể màu da, chủng tộc, tôn giáo đều rất cần bình an để có một cuộc sống hạnh phúc trên trần thế này.
Nói tới đây tôi lại nhớ tới chuyến đi hành hương thăm Đất Thánh (Israel) năm rồi. Khi đến viếng hang đá Bethlem, nơi Chúa sinh ra, tôi nhìn thấy nhiều sắc dân khác nhau, với nhiều tôn giáo khác nhau cùng đến chiêm bái nơi Chúa giáng trần năm xưa. Lúc đó, tôi mới ý thức được rằng số người tin Chúa ra đời cứu chuộc nhân thế quá đông, nhưng lại chia 5, sẻ 7 (Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do thái giáo, Tin Lành…) và đôi khi họ lại kình chống nhau, họ không thực hiện điều răn lớn nhất Chúa truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau…” Chúa ở trên cao nhìn xuống chắc cũng buồn lắm, như tâm tình trong một bài hát:
“Trên cao ấy, Người nhìn xuống dương gian, vương trên mắt ngọt mật đắng miên man, và điều gì làm Chúa thấy vui hơn và điều gì làm Chúa thấy buồn hơn?”
Muốn chui vào hang đá, và hôn lên ngôi sao, nơi cực thánh được ghi nhận chính là chỗ Chúa đã sinh ra, mọi người phải quỳ xuống, cúi mình khom lưng mà lết vào, nghĩa là muốn “gặp” được Chúa ta phải biết khiêm tốn, hạ mình xuống vì chính Chúa cũng đã hạ mình xuống, sinh trong hang đá nhỏ bé, khó nghèo.
Ôi, xin Chúa dạy con luôn có lòng khiêm tốn từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội, để tâm hồn con dễ có bình an. Vì lòng khiêm tốn và sự bình an trong tâm hồn luôn đi đôi với nhau.
Sau thánh lễ nửa đêm, về nhà là tiệc “reweillon”. Sau tiệc, mọi người quây quần bên cây thông lớn trang trí rất đẹp, với nhiều ánh đèn màu sắc lung linh, dưới gốc thông vô số là những gói quà lớn nhỏ, được gói lại với những giấy màu sắc rực rỡ thật đẹp. Mọi người ai cũng háo hức chờ đợi để nhận quà và mở quà. Gia đình tôi lần đầu tiên được “enjoy Chiristmas” trên nuớc Mỹ, nên nhận được rất nhiều quà khác nhau từ nhiều anh em, họ hàng. Thật là cảm động, bất ngờ và thú vị! Hai con trai lớn, đứa nào cũng vui thích vì nhận được nhiều món quà và đồ chơi đẹp, lạ. Riêng con gái út thì quá vui, ngoài những quà lạ và chiếc áo đầm xinh đẹp, còn có con búp bê vừa to, vừa xinh đẹp, lại biết nhắm mắt, mở mắt. Tối đó con gái vào giường ngủ với con búp bê xinh đẹp nằm bên cạnh. Tôi đoán nó đã có một giấc mơ đẹp về mùa Christmas đầu tiên trên đất Mỹ. Cầu chúc con gái luôn đạt được những giấc mơ đẹp trên xứ người.
Ngày hôm sau 26/12, sau khi ăn tối họp mặt gia đình, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm động, khi thấy bất ngờ xuất hiện một ổ bánh to trang trí thật đẹp với hàng chữ:
“Happy Aniversary… 26/12/70 ** 26/12/90”
Gia đình tôi được mời lên đứng quây quần chung quanh ổ bánh, để chụp hình, cắt bánh trong tiếng vỗ tay chúc mừng của mọi người thật là cảm động vì mọi người vẫn còn nhớ đến ngày Aniversary của gia đình tôi; có lẽ vì nó dễ nhớ, ngay sau ngày Chúa ra đời. Đây là sáng kiến của ông xã tôi khi chọn ngày cưới khi xưa. Xin chân thành cám ơn tấm lòng ân cần, tình nghĩa của mọi người đối với gia đình tôi.
Đúng là một mùa lễ hội gia đình đẹp nhất và gây ấn tượng mạnh nhất.
“Cảm ơn Người vì ngày hôm nay đây chúng con quây quần đang có nhau.
Biết bao hạnh phúc sớt chia, cuộc sống mến thương nhau đầy trọn tình thân.”
Đêm về, trong không khí thinh lặng, một mình ngồi cạnh hang đá nhỏ bé, đơn sơ trong phòng, đâu đây lời của bài hát Christmas nổi tiêng nhẹ nhàng cất lên: Silent night (Đêm tĩnh lặng); Holy night ( Đêm thánh vô cùng); All is calm” (Tất cả đều tĩnh lặng).
Lời bài hát nhắc nhở tôi Chúa đã đến trần thế trong không khí yên bình và sự tĩnh lặng của đất trời, chứ không phải trong quang cảnh ồn ào náo nhiệt chào mừng của ngày hôm nay. Tôi cảm nhận sự thinh lặng của không gian và sự tĩnh lặng của tâm hồn giúp tôi đến gần Chúa hơn. Lạy Chúa xin giúp con mỗi ngày trong đời sống biết giữ lấy những khoảng thinh lặng cần thiết, để con có dịp nhìn lại chính mình, để con lắng nghe được tiếng Chúa, lắng nghe được tiếng nói của tình người chung quanh con.
Đêm nay trong sự thinh lặng của không gian và tâm hồn, ngồi viết lại những giòng ký ức này. Nhìn lại hai mươi năm qua, trên vùng đất mới này, gia đình tôi dù đã trải qua bao nhiêu khó khăn, thăng trầm, đổi dời trong đời sống, nhưng cuối cùng tạ ơn Chúa, mọi chuyện đều tốt đẹp hơn 20 năm trước rất nhiều. Tôi xin cám ơn nước Mỹ đã cưu mang và đem lại nhiều cơ hội cho gia đình tôi cũng như cho mọi người nơi đây. Tôi cũng nhớ lại những ân tình, những giúp đỡ của một số bạn thân và mọi người đối với gia đình tôi và riêng cá nhân tôi trong suốt 20 năm qua, đặc biệt là những lúc tôi gặp khó khăn cần sự nâng đỡ vật chất cũng như tinh thần. Tôi xin trân trọng ghi nhận, biết ơn và ước nguyện sẽ làm được điều gì đó tốt đẹp trong từng ngày của cuộc sống như những ý thơ của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà tôi rất tâm đắc:
“Nguyện cho tôi trở thành
Nhịp đập của hòa bình
Nhịp đập của yêu thương
Và nụ cười an lạc”
Nhân Kỷ Niệm Mùa Giáng Sinh thứ 20 trên đất Mỹ 12/1990 – 12/2010.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]